Thứ Bảy, 2024-04-20, 3:10 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 25 » Một “Xã Hội Dân Sự” Cho Việt Nam?
7:47 AM
Một “Xã Hội Dân Sự” Cho Việt Nam?
2008-10-24

Cho đến nay, mặc dầu các phong trào vận động “xã hội dân sự,” trong một giới hạn nào đó, đang tiếp tục phát triển tại Việt Nam, thì trên thực tế chính quyền và Đảng Cộng Sản không chính thức thừa nhận danh từ này.

Photo: RFA

Một số tham dự viên tại Hội Thảo Việt Nam ở Đại Học Princeton ngày 17 và 18 tháng 10. Từ trái: giáo sư Regina Abrami (đại học Harvard), giáo sư Paul Krugman (đại học Princeton) và tiến sĩ Lê Đăng Doanh.

Ghi nhận một số ý kiến của các nhà nghiên cứu và chuyên viên trong lãnh vực này, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam, biên tập viên Thiện Giao có bài tìm hiểu sau đây.

Tính chất “Xã Hội Dân Sự” vẫn tiếp tục phát triển, trong một giới hạn nhất định, và đóng góp tích cực vào các chương trình cải cách và phát triển tại Việt Nam. Đó là một trong những nhận định mà tiến sĩ Lê Đăng Doanh trình bày trong một cuộc hội thảo mới được tổ chức gần đây tại đại học Princeton, Hoa Kỳ.

Tiến sĩ Doanh cũng thừa nhận, rằng cách nhìn nhận của Nhà Nước Việt Nam đối với khái niệm “Xã Hội Dân Sự” vẫn chưa thống nhất.

Tính chất “Xã Hội Dân Sự” vẫn tiếp tục phát triển, trong một giới hạn nhất định, và đóng góp tích cực vào các chương trình cải cách và phát triển tại Việt Nam.
TS. Lê Đăng Doanh

Ông nói, “cho đến nay, các thuật ngữ “Xã Hội Dân Dự” và “Tổ Chức Dân Sự” vẫn chưa được chính thức công nhận trong các văn kiện chính thức của Đảng Cộng Sản. Nhưng ngược lại, các danh từ này lại được sử dụng rộng rãi trong báo chí và ngữ cảnh hàn lâm.”

Tiếng nói người dân được phần nào lắng nghe

Phân tích những quan sát từ thực tế, tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết, “một mặt, những đầu óc thực tế trong Đảng thừa nhận sự tham dự của người dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, là cần thiết và hữu ích trong việc giải quyết các vấn đề nảy sinh từ thực tế. Một mặt khác, vẫn còn nhiều người tỏ ra nghi ngờ khái niệm “Xã Hội Dân Sự.” Nhiều báo cáo nói rằng “xã hội dân sự” góp phần làm sụp đổ Liên Bang Xô Viết, và đó là lý do một số lãnh đạo vẫn còn thái độ nghi ngờ.”

Khái nhiệm “xã hội dân sự” đi kèm với sự đề cập về “quyền dân sự” tại Việt Nam. Theo một số nhận định của những chuyên viên quốc tế về Việt Nam, thì trong thời gian gần đây, vấn đề về quyền dân sự được đề cập rõ rệt hơn bao giờ.

“một mặt, những đầu óc thực tế trong Đảng thừa nhận sự tham dự của người dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, là cần thiết và hữu ích trong việc giải quyết các vấn đề nảy sinh từ thực tế.
TS. Lê Đăng Doanh

Giáo sư Mark Sidel, Giáo Sư Luật Học tại đại học Iowa, nói rằng vấn đề quyền dân sự được bàn thảo rất nhiều trong chương trình nghị sự của Đảng Cộng Sản, của Chính Phủ Việt Nam, và của cả các nhà tài trợ.

Mức độ “dân quyền” ảnh hưởng mức độ tài trợ của thế giới

Ông nói, thời điểm hiện tại, có một hiện tượng rất rõ, đó là “những nhà tài trợ đang chuẩn bị rút ra khỏi Việt Nam.”

Và rằng, “ý chí của chính quyền Việt Nam trong việc đối mặt và giải quyết các vấn đề nhạy cảm về quyền dân sự, về các cải cách, vân vân… mà các nhà tài trợ cũng như những vận động trong nước đưa ra, là những bước cực kỳ quan trọng bảo đảm sự thành công trong các chưong trình kinh tế, xã hội.”

Giáo Sư Sidel nhấn mạnh, “đây cũng chính là yếu tố xác định con số tài trợ đi vào Việt Nam trong vòng 5 đến 10 năm tới.”

Nhận định về thực tế luật pháp liên quan đến lãnh vực “xã hội dân sự,” tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết “luật về các tổ chức đoàn thể đã được soạn thảo cách đây nhiều năm nhưng vẫn chưa được đệ trình để thông qua hoặc ban hành.”

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng nhận định: “sự quản lý nhà nước đối với các cơ quan đoàn thể tạo ra hiện tượng ‘trung thành nhưng thiếu hiệu quả.’ Các tổ chức này giống hệt nhau, và không có tố chất gì mới.”

Ông đưa ra ví dụ, “trong số hơn 1,600 cuộc đình công của công nhân trong thời gian qua, không có lấy một cuộc đình công được hướng dẫn bởi các tổ chức công đoàn. Hay đi ngược về trước nữa, “những bất ổn ở tỉnh Thái Bình hồi cuối thập niên 1990 là một ví dụ khác. Vấn đề là rất lớn, nhưng các hiệp hội nông dân không hề báo cáo, họ không thể làm bất cứ điều gì.”

Tiến sĩ Doanh kết luận, rằng “xã hội và cuộc sống thay đổi nhanh, và các vấn đề mới bắt đầu xuất hiện. Trong hoàn cảnh ấy, có thể thấy là các tổ chức đoàn thể không có khả năng đáp ứng với hoàn cảnh.”

Trở lại với vấn đề “quyền dân sự” được giáo sư Mark Sidel đề cập. Theo quan sát và nhận định của ông, những tài trợ của các tổ chức nước ngoài nhằm giúp Việt Nam các vấn đề dân sự được “điều kiện hoá” tuỳ thuộc vào ý chí của chính Việt Nam.

“nếu Việt Nam thật sự tham dự vào các chương trình cải cách và quyền dân sự, vẫn còn một khối lượng lớn quỹ tài trợ sẵn sàng để phối hợp Việt Nam vào các vấn đề này.
GS. Mark Sidel

Ông nói, “nếu Việt Nam thật sự tham dự vào các chương trình cải cách và quyền dân sự, vẫn còn một khối lượng lớn quỹ tài trợ sẵn sàng để phối hợp Việt Nam vào các vấn đề này.

Để trả lời câu hỏi, là ‘có bao nhiêu tiền để giúp Việt Nam làm việc trên các vấn đề này,’ câu hỏi quan trọng là ‘liệu Việt Nam có cam kết cùng làm việc trên các vấn đề ấy hay không.’”

Một sự kiện vừa xảy ra gần đây khiến hình ảnh Việt Nam trong lãnh vực quyền dân sự bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Đó là vụ 2 phóng viên của báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ bị bắt trong vụ đưa tin tham nhũng ở PMU 18.

Giáo sư Sidel nhận định, “báo chí là vấn đề rất quan trọng đối với lãnh vực quản lý dân sự tại Việt Nam.” Ông nhắc đến 2 phóng viên bị bắt, và nói thêm, rằng “báo chí Việt Nam bây giờ nhiều hơn rất nhiều so với 10, 15 năm trước đây. Nhưng cùng lúc ấy, báo chí Việt Nam cũng ở vào vị trí rất khó khăn.”

Cũng tại buổi hội thảo đã được đề cập, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định, rằng phong trào Nhân Văn Giai Phẩm tại miền Bắc hồi thập niên 1950s chính là hiện thân đầu tiên của những vận động mang tính dân sự. “Về sau, các phê phán hồi thời kỳ Đổi Mới những năm 1980s đã có rất nhiều điểm tương đồng với các nhận định và kiến nghị thời Nhân Văn Giai Phẩm.”

Category: Chính trị | Views: 747 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0