Hôm qua, 24/10/2008, ông Sin
Foong Wong, giám đốc Việt Nam của công ty IFC, đã cho rằng, tình hình
rối loạn của các thị trường toàn cầu có thể gây tác động đến xuất khẩu
của Việt Nam và đến luồng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt
Nam.
Theo nhận định của ông Sin Foong Wong, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực
để ổn định nền kinh tế, mà sau hơn một thập niên tăng trưởng mạnh, hiện
đang gặp tình trạng lạm phát tăng vọt, thâm thủng mậu dịch ngày càng
lớn. Theo các số liệu chính thức, lạm phát của Việt Nam trong tháng
chín vừa qua đã lên tới 27,9% và thâm thủng mậu dịch trong 10 tháng đầu
năm nay đã tăng vọt lên thành 16,2 tỷ đôla. Tuy nhiên, theo nhận xét
của giám đốc Việt Nam của công ty IFC, lạm phát đã tăng chậm hơn trong
tháng chín và nhịp độ tăng của thâm thủng mậu dịch cũng giảm bớt.
Cách đây sáu tháng cũng đã có nhiều lời đồn đoán về khả năng phá giá
đồng bạc Việt Nam. Nhưng nay, theo ông Sin Foong Wong, tình hình tiền
tệ đã lắng dịu, đồng bạc Việt Nam được mua bán trong giới hạn của biên
độ và không có sự khác biệt nhiều giữa hối suất thị trường và hối suất
chính thức. Nhưng giám đốc Việt Nam của IFC cảnh báo là Việt Nam sẽ
phải đối phó với một ''cơn sóng thần'' khác, không phải bắt nguồn từ
trong nước, mà là xuất phát từ Hoa Kỳ.
Hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay chưa có liên hệ nhiều đến thị
trường ngân hàng thế giới, cho nên không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi
khủng hoảng tài chính từ Mỹ, nhưng tăng trưởng kinh tế thế giới sụt
giảm mạnh do khủng hoảng tài chính cũng sẽ tác động đến Việt Nam. Cụ
thể, kinh tế của Hoa Kỳ và châu Âu sẽ tăng trưởng chậm lại, trong khi
đây là hai thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam. Luồng vốn đầu tư
trực tiếp của ngoại quốc vào Việt Nam cũng sẽ giảm bớt đi, bởi lẻ trong
bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu như hiện nay, các nhà đầu tư sẽ
ngần ngại bỏ vốn vào những dự án mới.
Phát biểu trước các đại biểu Quốc hội ngày 16/10 vừa qua, thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng cũng đã cảnh báo về những tác động của suy thoái kinh
tế toàn cầu đối với Việt Nam, tức là Việt Nam sẽ khó mà duy trì mức
tăng trưởng kinh tế vĩ mô như hiện nay.
Trước mắt, tác động lên ngành xuất khẩu đã bắt đầu được thấy rõ, cụ
thể là ngành xuất khẩu hàng dệt may, vốn là nguồn thu nhập đứng hàng
thứ hai của Việt Nam, chỉ sau xuất khẩu dầu thô. Theo lời ông Lê Quốc
Ân chủ tịch Hiệp Hội Dệt May Việt Nam, được hãng tin Đức DPA trích dẫn
ngày 22/10, việc xuất khẩu các sản phẩm dệt may Việt Nam trong những
ngày này gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu đề ra cho
ngành dệt may là đạt 9,5 tỷ đôla trong năm nay. Trong chín tháng đầu
năm, ngành này đã thu được 7 tỷ đôla, nhưng theo ông Lê Quốc Ân, không
chắc là trong ba tháng còn lại, các nhà xuất khẩu sẽ thu được thêm 2,5
tỷ để đạt được chỉ tiêu đề ra.
Các mặt hàng xuất khẩu khác cũng không khá gì hơn, vì theo lời ông
Nguyễn Tôn Quyền, tổng thư ký Hiệp Hội Gỗ và Lâm Sản, được hãng tin DPA
trích dẫn, các nhà nhập khẩu từ Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản không còn
bán sản phẩm gỗ từ Việt Nam nữa, vì tại những nước này, người dân không
còn mua sắm thoải mái như trước đây. Theo lời ông Nguyễn Tôn Quyền, đơn
đặt hàng trong chín tháng đầu năm đã sụt giảm 20 % so với cùng kỳ năm
ngoái và nhiều công ty nay phải hoạt động cầm chừng vì không bán được
hàng nữa.