Thứ Bảy, 2024-11-23, 5:36 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 26 » Đầu năm đòi cơ chế thị trường, Cuối năm xin bảo hộ
6:05 AM
Đầu năm đòi cơ chế thị trường, Cuối năm xin bảo hộ
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
2008-10-25

Hơn 1 tỷ USD vốn lưu động đang bị bế tắc, một loạt doanh nghiệp đóng cửa hoặc giảm hoạt động trong cuộc khủng hoảng của ngành thép hiện nay.

Photo courtesy of VietNamNet

Sản xuất thép ở Liên doanh thép Việt - Ý.

Nửa đầu năm 2008, Hiệp Hội Thép VN kiến nghị chính phủ nhưng không được đáp ứng, về việc áp dụng cơ chế thị trường để được tăng giá. Những tháng cuối năm, ngành thép lại xin bảo hộ, tăng thuế nhập khẩu thép từ 8% lên 25% để cứu các nhà sản xuất thép nội địa.

Trong tình trạng thập tử nhất sinh các doanh nghiệp thép còn bắt tay nhau không chịu giảm giá thép dù giá phôi thép đã giảm 50% tới 75% so với 3 tháng trước.

Tiêu thụ thép giảm

Các nguyên nhân làm lượng thép tiêu thụ giảm đi khá là nhanh trong hai ba tháng qua, là do những giải pháp chống lạm phát mạnh của chính phủ bằng việc giảm đầu tư công, cũng như đầu tư của người dân hoặc những công ty tư nhân xây dựng cao ốc cho thuê hoặc làm nhà ở, do việc thắt chặt quản lý tiền tệ của nhà nước, cũng làm cho tiêu thụ thép chậm đi.

Ông Phạm Chí Cường

Theo Vietnam Net, các thành viên Hiệp Hội Thép VN họp hội nghị tại Hà Nội hôm 7.10, đã thống nhất giữ giá thép ở mức 13,5 triệu tới 14 triệu đồng một tấn.

Hành động này theo Hiệp Hội là nhằm cứu các nhà sản xuất trong nước qua cơn nguy kịch, do ít nhất 4 doanh nghiệp thép đã đóng cửa, ngừng sản xuất từ đầu tháng 9 và hầu hết các doanh nghiệp còn lại sản xuất cầm chừng vì nguồn cung đã dư thừa không tiêu thụ được.

Mức tồn đọng tính đến ngày 7.10 là 360 ngàn tấn thép thành phẩm và 500.000 tấn phôi thép, đưa giá trị dư thừa lên hơn 1 tỷ đô la.

Suy thoái kinh tế làm cho thị trường thép VN gần như đóng băng, ông Phạm Chí Cường chủ tịch Hiệp Hội Thép nhận định:

“Theo tôi các nguyên nhân làm lượng thép tiêu thụ giảm đi khá là nhanh trong hai ba tháng qua, là do những giải pháp chống lạm phát mạnh của chính phủ bằng việc giảm đầu tư công, cũng như đầu tư của người dân hoặc những công ty tư nhân xây dựng cao ốc cho thuê hoặc làm nhà ở, do việc thắt chặt quản lý tiền tệ của nhà nước, cũng làm cho tiêu thụ thép của chúng tôi chậm đi.”

Trả lời Thời Báo Kinh Tế Saigon Online ngày 15.10, ông Phạm Chí Cường nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp thép trong nước hiện đang chịu lỗ nặng, lợi nhuận rất cao của 6 tháng đầu năm không đủ bù đắp thiệt hại 3 tháng gần đây.

Vẫn theo lời ông Cường hiện giá bán ra đã thấp hơn giá thành sản xuất từ 5 đến 6 triệu đồng/tấn, nếu đua nhau phá giá thấp thì nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản, ảnh hưởng lớn đến sự sinh tồn của ngành thép.

Người đứng đầu Hiệp Hội Thép biện giải rằng ấn định mức lãi thì không chấp nhận được nhưng việc cứu cả ngành thép trong giai đoạn hiện nay là việc làm cần thiết.

“Việc giảm giá thép của thế giới cũng làm cho thép trong nước của chúng tôi giảm rất là nhanh. Trong khi đó những tuần và những tháng trước đó chúng tôi đã mua nguyên liệu với giá rất cao. Vì vậy giá thép đang hạ hiện nay của thị trường thế giới và VN làm cho hiệu quả kinh doanh của các công ty thép chịu ảnh hưởng.

Trong những tháng này không thuận lợi cho xây dựng và tiêu thụ giảm đi, việc giảm giá làm cho hiệu quả sản xuất của các công ty thép kém đi những tháng trước rất nhiều.”

Tuy vậy Vietnam Net ngày 21.10 phân tích rằng, khi khó khăn thì các doanh nghiệp thép đã nhanh chóng đòi bảo hộ, nhưng khi có lãi lớn thì tất cả đều im lặng. Cụ thể công ty cổ phần thép Đình Vũ 6 tháng đầu năm 2008 có mức lãi 227 tỷ đồng trên vốn điều lệ 110 tỷ đồng, vượt cả kế hoạch năm.

Công ty cổ phần Thép Việt có lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2008 là 228 tỷ đồng trên vốn điều lệ 800 tỷ đồng. Còn Tổng Công Ty Thép VN thì 4 tháng đầu năm cũng có lãi 409 tỷ đồng.

Vi phạm luật cạnh tranh

Saigon Tiếp Thị Online ngày 21.10 trích nhận định của TS Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế độc lập cho rằng, việc các doanh nghiệp ngồi lại với nhau bàn giữ giá thép là đã vi phạm luật cạnh tranh.

Còn ông Nguyễn Văn Nam nguyên viện trưởng viện nghiên cứu thương mại cho rằng, lập luận của Hiệp Hội là không ổn, vì bởi nếu cứu ngành thép, có nghĩa là ngành thép phải làm cho nền kinh tế tốt lên, chứ không phải cùng nhau giữ giá thép, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, đi ngược lại với qui luật cung cầu của thị trường.

Ông Nam thêm rằng, Hiệp Hội Thép đang lấy lợi ích của những doanh nghiệp lớn trong ngành thép để làm áp lực với Nhà Nước, từ việc tăng giảm thuế xuất nhập khẩu cho đến việc thống nhất giữ giá thép trong thời điểm này. Ngành thép, theo lời ông Nam, chỉ tính đến lợi ích của ngành mà không tính đến lợi ích của xã hội.

Cụ thể một trong những nguyên nhân gây nhập siêu cao trong những tháng đầu năm 2008 là có đóng góp của ngành thép. Theo số liệu chúng tôi ghi nhận thì trong 7 tháng đầu năm 2008 các doanh nghiệp đã nhập khẩu 5 tỷ đô la phôi thép và thép thành phẩm.

Saigon Tiếp Thị trích lời ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản Lý Cạnh Tranh Bộ Công Thương nói rằng, đang tiến hành thu thập thông tin và xác minh những thông tin ngành thép có thật sự vi phạm pháp lệnh cạnh tranh hay không.

Nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản

Nếu chính phủ không bảo hộ ngành thép bằng biện pháp thuế, chắc chắn nhiều doanh nghiệp thép với công nghệ lạc hậu hoạt động không hiệu quả sẽ đóng cửa phá sản.

Nguyên do giá thành thép xây dựng sản xuất nội địa luôn cao hơn giá thép nhập khẩu từ TQ. TS Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế độc lập từng có nhận định đáng chú ý đối với vấn đề nhiều doanh nghiệp có thể phá sản:

“Việc một số doanh nghiệp nhất định sẽ bị phá sản cũng là một sự sàng lọc, tuy đau đớn nhưng cần thiết. Trong kinh tế học thì người ta còn nhớ khái niệm của nhà kinh tế học Hoa Kỳ gốc Áo Alois Schumpeter . Ông này có đưa ra khái niệm là ‘Sự tàn phá sáng tạo’ tức là ‘Creative destruction’, là khi phá sản thì nhà máy, nhà xưởng, máy móc và người lao động vẫn còn đó chỉ có người chủ kém năng lực thì sẽ phải thay đổi.

Sẽ có một người chủ mới đến tiếp nhận doanh nghiệp đó, tái cơ cấu lại đầu tư hiện đại hoá hơn và xã hội được hưởng ở một doanh nghiệp có năng lực cao hơn, có năng lực cạnh tranh và đóng góp với xã hội nhiều hơn. Theo tôi đấy cũng là bước đi cần thiết trong thời gian sắp tới đây.”

Hiệp Hội Thép đang lấy lợi ích của những doanh nghiệp lớn trong ngành thép để làm áp lực với Nhà Nước, từ việc tăng giảm thuế xuất nhập khẩu cho đến việc thống nhất giữ giá thép trong thời điểm này. Ngành thép chỉ tính đến lợi ích của ngành mà không tính đến lợi ích của xã hội.

Ông Nguyễn Văn Nam

Hoạt động sản xuất thép ở VN chia thành nhiều loại nhưng đại đa số là sử dụng phôi thép bán thành phẩm để sản xuất, chủ yếu là thép xây dựng.

Các sản phẩm cao cấp hơn như thép tấm, thép lá hoặc thép chuyên dụng chỉ có một số ít nhà máy sản xuất, kỳ dư là phải nhập cảng. Rất ít những nhà máy có khả năng luyện quặng sắt ở khâu đầu tiên, đến khâu cuối cùng cho ra thép thành phẩm.

VN chỉ tự túc khoảng 50% phôi thép, phần còn lại phải nhập khẩu từ TQ, Nga, Ucraina và một số nước khác.

Khủng hoảng ngành thép

Giá thép thế giới và phôi thép hồi đầu năm rất thấp sau đó đã tăng gần gấp hai lần trong vòng chưa tới 6 tháng. Các doanh nghiệp VN trong 7 tháng đầu năm 2008 đã nhập khẩu khoảng 5 tỷ đô la sắt thép kể cả phôi thép.

Tháng 7/2008 giá phôi thép về tới cảng VN lên tới 1.300 USD/tấn, sau đó giảm nhanh giữa tháng 10 phôi thép chào bán giao hàng tại cảng VN chỉ còn 540 đô la/tấn. Tuy nhiên thông tin cập nhật cho thấy ngày 22.10 giá phôi thép bán thành phẩm trên sàn giao dịch Luân Đôn chỉ còn 290 USD/tấn tức giảm 75% so với mức 1,265 USD/tấn hồi tháng 6.

Đây chính là nguồn cơn của cuộc khủng hoảng mà các doanh nghiệp thép ở VN đang gánh chịu.

Xin nhắc lại sự kiện, khi lạm phát ở VN tăng cao, chính phủ chỉ đạo Hiệp Hội Thép không được tăng giá trong nhiều tháng. Lấy lý do bị kềm giá khiến giá thép thành phẩm rẻ hơn phôi vào thời điểm tháng 5, tháng 6, tháng 7 và tháng 8, nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu ngược tổng lượng phôi thép và thép thành phẩm trị giá 1 tỷ 200 triệu đô la.

Cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu đang ảnh hưởng ngành thép toàn thế giới. Giá thép nhập khẩu sẽ rẻ có lợi cho người tiêu dùng trong trường hợp chính phủ không bảo hộ ngành thép bằng biện pháp thuế.

Category: Kinh tế | Views: 868 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 6
Khách: 6
Thành Viên: 0