Hàng
trăm hộ nông dân xã Thạnh An (huyện Cần Giờ) đã gởi đơn đến chánh quyền
địa phương để khiếu kiện công ty Vedan gây ô nhiễm môi trường từ hàng
chục năm qua, gây thiệt hại nặng nề cho cuộc sống của họ.
Trước hậu quả trầm trọng này,
Hội Đồng Nhân Dân và Hội Luật Gia TP.HCM sẽ hỗ trợ pháp lý cho các nông dân để
đòi bồi thường thỏa đáng cho những đối tượng này.
Mời quý vị nghe Đỗ Hiếu tóm
lược các chi tiết, cùng với ý kiến từ cư dân địa phương và luật gia liên hệ.
Những thiệt hại nông dân gánh chịu
Do việc công ty Vedan xả nước
thải độc hại ra sông Thị Vải từ mười mấy năm qua, khiến môi trường bị ô nhiễm,
nước sông đổi thành màu đen, xông mùi hôi thối rất khó chịu, đồng thời khiến
ngành nuôi trồng, đánh bắt thủy sản bị phá sản vì tôm cá bị chết hàng loạt.
Các cơ quan có thẩm quyền này họ giúp cho khảo
sát về cái sự ô nhiễm này và tôi sẽ giúp cho người nông dân là sẽ khiếu nại với
công ty Vedan, và tôi sẽ chứng minh cái thiệt hại đó là hủy hoại môi trường và làm
cho bà con không sinh sống được.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu
Trước đây, xã Thạnh An có
trên 500 gia đình nông dân làm nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, nay vì nguồn
nước bị ô nhiễm, hiện chỉ còn hơn một trăm hộ tiếp tục công việc kiếm sống này,
số còn lại bị thua lỗ, thiếu nợ ngân hàng, vài chục đến hàng trăm triệu đồng,
đành phải bỏ nghề chạy qua công việc khác.
Nguyện vọng của những nông
dân kém may mắn này là khẩn thiết yêu cầu công ty Vedan giải quyết tình trạng ô
nhiễm môi trường tai hại này, đồng thời đền bù xứng đáng cho họ về thiệt hại phải
gánh chiụ bấy lâu nay.
Một người dân đồng thời là tu
sĩ trụ trì tại một ngôi chùa ở Xã Thạnh An (huyện Cần Giờ) trình bày tình trạng
ô nhiễm do công ty Vedan gây ra đối với dân chúng trong vùng:
“Xã Thạnh An
bị ảnh hưởng bởi ở cuối của sông Thị Vải còn các xã khác thì không bị, như tôm
cá thì chết hết. Dân xã Thạnh An không đánh bắt tôm cá được. Người dân ở xã Thạnh
An thì họ làm đơn gửi qua bên chính quyền để chính quyền chuyển cho thành phố,
trong đơn họ có đệ đạt lên chính quyền thì chính quyền cũng nắm được rồi. Cá
tôm chết hết rồi nên ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân.”
Vị này cũng mong ước nguyện vọng
thiết tha của các nông dân sẽ được đáp ứng:
“Chịu đựng từ
trước tới giờ họ rất là bức xúc và làm đơn gửi lên chính quyền để nhờ chính quyền
hỗ trợ để bên Vedan người ta sẽ đền bù thiệt hại cho người dân xã Thạnh An này.”
Hỗ trợ pháp lý
Tin tức trên báo chí cũng cho
hay, Hội Luật Gia TP.CHM sẽ hỗ trợ tích cực về mặt pháp lý, giúp hàng trăm hộ
nông dân xã Thạnh An xúc tiến các thủ tục khởi kiện công ty Vedan.
Qua câu chuyện với phóng viên
Ban Việt Ngữ - Đài RFA chúng tôi, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, trưởng ban tuyên truyền
thuộc hội vừa nêu, cho biết thêm nhiều chi tiết mà ông nắm được:
“Trước đây bà
con xã Thạnh An vào năm 1995 thì có một cái thiệt hại khoảng 3,3 tỷ thì Vedan
đã đền bù 1,5 tỷ . Nhưng bà con nông dân mình họ nghĩ rằng thôi thì sau cái vụ
đó thì họ không làm nữa tại vì họ tưởng Vedan sẽ khắc phục, nhưng mà không ngờ
sau mười mấy năm thì họ vẫn xả thẳng ra dòng sông Thị Vải. Chính vì vậy mà vừa
rồi bà con nông dân thấy cây nó chết rồi thủy sản không lên được, hai trăm bốn
mươi mấy nông dân mới khiếu nại lên Hội Nông Dân của huyện Cần Giờ, thì phía Hội
Nông Dân huyện Cần Giờ họ khiếu nại lên như vậy thì tôi mới nói là Hội Nông Dân
TP.HCM nên bảo vệ lợi ích cho người nông dân của huyện Cần Giờ, cho nên mình phải
đứng ra mình bảo vệ cái này. Tôi mới đề xuất như vầy và Hiệp Hội Nông Dân mới đồng
tình, thì vừa rồi có họp với Sở Nông Nghiệp - Phát Triển Nông Thôn, Sở Tài
Nguyên - Môi Trường, thì tôi có nói rằng bây giờ các cơ quan có thẩm quyền này
họ giúp cho khảo sát về cái sự ô nhiễm này và tôi sẽ giúp cho người nông dân là
sẽ khiếu nại với công ty Vedan, và tôi sẽ chứng minh cái thiệt hại đó là hủy hoại
môi trường và làm cho bà con không sinh sống được.”
Việc tôi làm là tôi giúp cho bà con và đồng
thời qua cái vụ này thì đó là một lời cảnh báo cho các doanh nghiệp có vốn đầu
tư nước ngoài mà khi mình mở cửa ra thì mình phải tính lại cái môi trường của
mình. Họ kinh doanh mà họ chà đạp lên xã hội như vậy đó thì tôi không đồng
tình.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu
Luật sư Hậu nhấn mạnh rằng
ông quyết tâm đi đến cùng trong việc bênh vực miễn phí cho những đối tượng đang
phải gánh chịu bao thiệt hại:
“Trong trường
hợp mà công ty Vedan không thiện chí mà làm cái này thì tôi sẽ thay mặt cho Hội
Nông Dân Thành Phố, đại diện cho bà con đứng ra khởi kiện trước toà án đòi bồi
thường cái thiệt hại này. Đó, hỗ trợ như vậy đó anh. Tôi nghĩ là tôi sẽ làm đến
cùng. Bên Hội Nông Dân của huyện Cần Giờ người ta đang khảo sát để chứng minh cái
nguồn nước do Vedan xả ra đã ảnh hưởng đến, và tôi sẽ chứng minh rằng cái tác hại
của nó là có thể mười mấy năm mới phục hồi lại được nguyên trạng. Cho nên trong
trường hợp này là tôi sẽ có văn bản chính thức viết cho Hội Nông Dân Thành Phố
và Hội Nông Dân Thành Phố sẽ có văn bản chính thức chuyển đến công ty Vedan.
Trong trường hợp mà công ty Vedan không thiện chí thì tôi sẽ khởi kiện ra toà
theo quy định của pháp luật.”
Vẫn theo ông, các hãng xưỡng
phải nghỉ đến đời sống của dân chúng, chứ không chỉ làm lợi cho mình trong việc
đầu tư, kinh doanh:
“Việc tôi làm
là tôi giúp cho bà con và đồng thời qua cái vụ này thì đó là một lời cảnh báo
cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà khi mình mở cửa ra thì mình phải
tính lại cái môi trường của mình. Họ kinh doanh mà họ chà đạp lên xã hội như vậy
đó thì tôi không đồng tình. Cái doanh nghiệp đó họ làm thì họ phải tính đến cái
lợi ích của xã hội chứ không phải chỉ cục bộ vì mình phải tính đến cái tác động
dây chuyền, phải quan tâm đến con người mới là quan trọng.”
Theo tờ Công An Nhân Dân,
trong thời gian tới, các ban, sở, ngành của thành phố sẽ giúp đỡ người dân xã
Thạnh An trong cách thức xác minh, kiểm kê tất cả mọi thiệt hại trong việc nuôi
trồng, đánh bắt thủy sản, sau khi nguồn nước sông Thị Vải bị ô nhiễm do nước thải
từ Vedan gây ra cho môi trường chung quanh.