Thứ Ba, 2024-11-05, 8:41 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 26 » Giới chuyên gia kinh tế tiếp tục chỉ trích gay gắt việc để EVN độc quyền về điện
3:59 PM
Giới chuyên gia kinh tế tiếp tục chỉ trích gay gắt việc để EVN độc quyền về điện

Nếu tăng giá điện, GDP sẽ giảm

Hà Nội (NV) - Viện Nghiên Cứu Phát Triển (IDS) vừa tổ chức công bố kết quả nghiên cứu tác động của việc tăng giá điện lên chi tiêu của các gia đình và toàn bộ nền kinh tế. Nghiên cứu này do nhóm CEPR, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu và Chính Sách của Ðại Học Quốc Gia Hà Nội thực hiện.

Hồi đầu Tháng Mười, một viên thứ trưởng của Bộ Công Thương tên là Bùi Xuân Khu, chính thức xác nhận với báo giới, việc bộ này đã trình chính phủ CSVN kế hoạch tăng giá điện từ 20% đến 30%. Tin này khiến cả Việt Nam xôn xao.

Theo nghiên cứu của CERP, nếu chính phủ CSVN cho phép Tập Ðoàn Ðiện Lực Việt Nam (EVN) tăng giá điện, điều đó không chỉ khiến người nghèo thêm khốn khổ mà còn ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia.

Theo tờ Tiền Phong, buổi công bố kết quả nghiên cứu do nhóm CERP thực hiện, đã trở thành một cuộc thảo luận nóng. Giới chuyên gia kinh tế đã chỉ trích gay gắt việc cho phép EVN độc quyền cung cấp điện.

Tiến Sĩ Nguyễn Ðức Thành, trưởng nhóm CERP, cho biết, nhóm của ông đã nghiên cứu cả ba kịch bản tăng giá điện với các mức 0%, 10% và 20%. Việc tăng giá điện bất kể kiểu nào, đối với giá điện tiêu dùng hay giá điện sản xuất hoặc cả hai cũng đều khiến Tổng Sản Phẩm Quốc Nội (GDP) giảm và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng.

CERP tiết lộ, EVN chiếm 74% sản lượng điện, chiếm 100% truyền tải điện và chiếm 94% phân phối điện trên toàn Việt Nam. Do đó, EVN chi phối hoàn toàn lĩnh vực sản xuất, cung ứng điện. CERP khẳng định: EVN không hề thiếu vốn và lợi nhuận không thấp. Bằng chứng là EVN vẫn có khả năng đầu tư mạnh vào những ngành cần nhiều vốn (như: tài chính, viễn thông...)

Khi EVN vừa độc quyền, vừa không báo cáo minh bạch về tình hình tài chính nội bộ, việc tăng giá điện có thể bắt nguồn từ sức mạnh độc quyền đặt giá, thay vì những khó khăn thật sự về tài chính như tập đoàn này thường nêu ra.

CERP nhận định: Việc sản lượng điện tăng không đủ nhanh để đáp ứng kịp nhu cầu cũng như tốc độ mở rộng sản xuất chậm, có thể bắt nguồn từ hiệu quả tổ chức và quản lý kém do thiếu cạnh tranh trong nội bộ EVN, chứ không phải vì giá điện thấp.

Việc đẩy giá điện trong nước lên bằng với giá điện trong khu vực bị CERP chỉ trích là không hợp lý, vì trong cấu trúc chi phí của EVN, có nhiều loại chi phí thấp hơn các quốc gia khác trong khu vực (như: giá nhân công, nguyên liệu).

So sánh các số liệu, CEPR khẳng định, chỉ cần cải thiện năng suất ở mức 2%/năm thì không những EVN không cần tăng giá mà còn có thể hạ giá điện xuống 2%. Ðiều này có thể lấy thực tế của các ngành khác như viễn thông để chứng minh: Càng tăng trưởng mạnh thì giá thành sản phẩm càng giảm.

Tiến Sĩ Nguyễn Ðức Thành, cho rằng: Vấn đề của ngành điện là phải cải thiện ở phía cung chứ không phải tăng giá ở phía cầu.

Ông Nguyễn Trung, một chuyên gia kinh tế, tuyên bố: Không thể bắt người tiêu dùng phải góp tiền cho nhà sản xuất để nhà sản xuất mở rộng, đầu tư công việc kinh doanh của họ. Cách đặt vấn đề: tăng giá để bù đắp chi phí đầu tư sản xuất kinh doanh là không ổn. Nhà sản xuất phải tự bỏ vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh.

Một tiến sĩ tên Nguyễn Quang A, viện trưởng của IDS, nhận xét: “Dân chúng rất quan tâm đến việc EVN có thật sự cần tăng giá không? Vấn đề này có phải do việc cho phép độc quyền tạo ra? EVN cần công khai các số liệu, thưởng phạt những năm qua và nên để một cơ quan kiểm tra độc lập vào cuộc”.

Bà Trương Thị Thúy Hằng, học viện quản lý giáo dục, đòi chính quyền CSVN “phải có cơ chế bảo vệ người tiêu dùng vì hiện nay EVN nắm luôn quyền tính giá điện với người tiêu dùng mà không ai kiểm soát được độ trung thực, tính chính xác của các đồng hồ điện”.

Tiến Sĩ Nguyễn Quang A cho rằng: Về lâu dài, phải chia nhỏ EVN này theo đúng chiến lược phát triển ngành điện. Thời gian tách mảng phân phối điện ra khỏi EVN cần được làm càng sớm càng tốt.

Vào đầu Tháng Mười, khi bị chất vấn, EVN phân bua rằng, sở dĩ EVN đề nghị tăng giá điện từ 20% đến 30% là vì giá điện tại Việt Nam quá thấp và ngành này đang rất cần vốn để đầu tư hệ thống sản xuất, cung cấp điện. Cũng với lý do này, tháng trước, EVN đã “trả” lại cho chính quyền CSVN 13 dự án phát triển nguồn điện, bất kể nguồn điện tại Việt Nam đang bị thiếu hụt nghiêm trọng, khiến cả sản xuất lẫn sinh hoạt tại Việt Nam thường xuyên bị rối loạn.

Tuy nhiên tuần trước, thông qua Bộ Công Thương, EVN lại đề nghị chính phủ CSVN cho phép EVN sử dụng khoảng 1,000 tỷ đồng để... thưởng cho cán bộ, công nhân viên trong ngành, dù rằng đầu Tháng Mười, chính ông Phạm Lê Thanh, tổng giám đốc EVN còn kêu gào, trong giai đoạn 2006-2015, EVN cần 830,000 tỉ đồng và chỉ có thể vay 560,000 tỉ đồng. (G.Ð.)

Views: 928 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 457
Khách: 457
Thành Viên: 0