Thứ Bảy, 2024-11-23, 5:48 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 26 » Ðằng sau việc bỏ tù các nhà báo ở Việt Nam
9:02 PM
Ðằng sau việc bỏ tù các nhà báo ở Việt Nam

Roger Mitton. Asiasentinel 24/10/08, Khánh Ðăng lược dịch.

Phe bảo thủ trong Ðảng cộng sản ra tay tiêu diệt những kẻ đưa tin và làm hại ông thủ tướng.

Việc kết án hai ký giả lão luyện tại Hà Nội hồi tuần trước có dính dáng nhiều đến việc ẩu đả tranh giành trong nội bộ giới lãnh đạo Ðảng cộng sản Việt Nam đang cầm quyền hơn là về bất cứ chuyện nào khác. Màn kịch xử án hai nhà báo và hai điều tra viên chống tham nhũng mang đầy tính nhạo báng cho thấy cường độ mãnh liệt về các mối bất đồng giữa hai phe bảo thủ và cải cách trong đảng. Kẻ bị thua thiệt dường như là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.


Vây quanh ông Dũng là một thành phần mới của các nhà kỹ trị cải cách và những kẻ chủ trương ủng hộ cho một xã hội mở rộng và trong sạch hơn. Họ phần lớn là những người gốc miền Nam và đã từng đi du học tại các đại học Tây phương. Dưới trướng của ông Dũng, nhóm này đã tiên phong trong việc đưa Việt Nam đi tới một nền kinh tế mang nhiều tính thị trường hơn và đặt nặng về tăng trưởng cao, đầu tư lớn và tiêu dùng rộng rãi.

Ðối đầu với họ là một nhóm đông hơn gồm các tay lãnh đạo lão thành, hầu hết xuất thân từ miền Bắc và Trung phần Việt Nam, và chiếm ưu thế trong phe quân đội và cánh an ninh trong đảng, là những kẻ đặt sự ổn định quốc gia lên trên tất cả. Những tay bảo thủ này rất thận trọng lưu ý đến bất cứ sự cải cách nào về kinh tế hoặc chính trị vì trong quan điểm cuả họ, những cải cách đó rõ ràng là mang tính đe dọa đến quyền lực tối cao của đảng.

Theo hiến pháp thì Việt Nam là một quốc gia độc đảng. Không có tổ chức chính trị nào khác được phép tồn tại ngoại trừ Ðảng cộng sản. Và tất nhiên là bất cứ sự kiện nào xảy ra khiến cho đảng mang tai tiếng, đều có tiềm năng làm cho quần chúng bớt đi sự chấp nhận lối cai trị độc đoán này. Và không có sự kiện xảy ra nào trong những năm gần đây làm cho đảng bị nhơ nhuốc quá nhiều như vụ xì-căng-đan PMU18 cách đây hai năm.

Hồi đó, trong thời gian chuẩn bị cho Ðại hội đảng lần thứ 10, công an điều tra đã để lộ ra cho báo chí nhiều chi tiết về việc các cán bộ viên chức của Ðơn vị quản trị công trình (PMU18) thuộc Bộ giao thông vận tải, không biết làm thế nào mà hớt sạch cả một số tiền to lớn để cá độ trong các trận bóng đá của giải vô địch ngoại hạng Anh. Tổng giám đốc PMU18 Bùi Tiến Dũng công khai thú nhận là đã dùng 2.6 triệu đô la từ ngân quỹ của Bộ giao thông vận tải vay mượn từ Ngân hàng Thế giới và Nhật Bản để đánh bạc và tiêu xài vào các sinh hoạt trái phép khác.

Ở thời điểm trên, không có một nhà lãnh đạo cao cấp nào của Việt Nam thừa nhận là còn bất cứ mối nghi ngờ nào về sự đồng loã của các cán bộ viên chức trong Bộ giao thông vận tải về các hành vi tham nhũng. Ngay lập tức, không phải chỉ có những người dân đen, cho dù là như thế nào chăng nữa, mới tin chắc rằng tất cả các cán bộ đảng viên từ trên xuống dưới đều có ăn chận trong đó, nhưng cả giới lãnh đạo nhà nước cũng coi đó là điều hiển nhiên rằng các cán bộ đảng viên trên đã phạm pháp và phải bị trừng trị. Cho nên nhóm PMU18 sau đó đã bị kết án tù đến 13 năm, trong khi bộ trưởng giao thông vận tải bị bó buộc phải từ chức và viên thứ trưởng bị bắt giữ để điều tra thêm.

Hai nhân viên công an chủ chốt trong cuộc điều tra đã đưa thông tin ra ngoài cho báo chí nói rằng họ làm như vậy, vì theo họ, đó là cách mau lẹ gọn gàng nhất để khuyến khích thúc đẩy lãnh đạo của họ hãy có hành động đối với những kẻ đê tiện.

Lẽ dĩ nhiên là lòng trắc ẩn đối với xã hội không phải là động cơ duy nhất. Họ và các nhà báo cũng thừa biết rằng, đặt vào đúng thời điểm các tiết lộ được đưa ra, thì họ cũng bị lợi dụng để làm mất thể diện những nhân vật nào đó đang chờ đợi chuẩn bị để được đề bạt trong Ðại hội đảng lần thứ 10 trong tháng Tư năm đó.

Dù sao thì nạn tham nhũng cũng đang hoành hoành trong tất cả mọi tầng lớp cán bộ đảng viên trong đảng, và nếu chuyện ăn chia được làm một cách tương đối dè dặt kín đáo và đừng quá mức, thì nó được để yên cho các cán bộ đảng viên trong quân đội, công an và các ban ngành dân sự có thể sống thoải mái, mặc dù mức lương bổng chính thức của họ nhỏ nhoi không đáng kể.

Bộ trưởng giao thông vận tải lúc đó là ông Ðào Ðình Bình, đã là một thành viên của uỷ ban trung ương đảng và được đánh giá là có nhiều khả năng để trở thành một uỷ viên Bộ chính trị. Phụ tá của ông Bình là Nguyễn Việt Tiến, và Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh, một kẻ thân cận với tổng giám đốc PMU18 Bùi Tiến Dũng, thì được xem là có nhiều ưu thế để được bầu vào uỷ ban trung ương và có thể được đề bạt vào chức vụ bộ trưởng và thứ trưởng giao thông theo thứ tự từng người. Nhưng sau khi họ bị công khai vạch mặt chỉ tên là có dính dấp đến vụ xì-căng-đan tham nhũng, thì cơ hội thăng quan tiến chức của họ coi như chấm dứt.

Như nhà phân tích chính trị Huy Ðức đã nhận xét trong blog của ông ta thì trong sinh hoạt chính trị có tính chất bè phái ở Việt Nam, nhiều quan chức cán bộ “dùng báo chí như một phương tiện để đẩy mạnh cho mục đích riêng của họ đi xa hơn”. Và họ thường làm thế bằng cách đẩy cho các đối thủ của họ vào chỗ không còn tồn tại nữa.

Việc đi xuống của bè lũ PMU18 nhục nhã tới mức độ nào vì sự dính dáng trực tiếp của họ vào vụ tham nhũng, hoặc cái lối mà họ bị các đối thủ công khai tố cáo thì vẫn là một điểm đáng để tranh cãi. Nhưng rõ ràng là cái quyết định đem phơi bày họ ra và trừng trị họ là một nước cờ chính trị được phe cải cách ủng hộ, bao gồm ông Dũng lúc đó chỉ là phó thủ tướng, và tay chân thân cận của ông ta, nhằm mục đích củng cố uy tín của họ như những thành phần tích cực chống tham nhũng.

Thật vậy, ngay sau khi Ðại hội đảng vừa kết thúc và ông Dũng trở thành thủ tướng, thì ông ta đã yêu cầu Bộ công an nhanh chóng đẩy mạnh cuộc điều tra hướng vào các vụ tham nhũng cấp cao của cán bộ quan chức trong đảng và nhà nước. Ông ta cũng kêu gọi báo chí hãy giúp chính phủ nhổ tận gốc nạn tham nhũng.

Tất cả mọi sự đều suông sẻ tốt đẹp và được cộng đồng thế giới rộng rãi hoan nghênh. Và được sự ủng hộ mạnh mẽ của quần chúng, vốn đang mê mải chú ý vào vụ PMU18 và cái lối mà vụ bê bối này tiết lộ ra cho thấy thói bao che nâng đỡ lan tràn trong việc bổ nhiệm nhân viên của PMU18 –lần lượt xác nhận những nghi ngờ xấu nhất của quần chúng về tầm quan trọng của các mối liên hệ gia đình, đối nghịch lại với khả năng, để được đảng cho thăng quan tiến chức. Và điều lạ lùng là báo chí nhà nước lại tiết lộ những thứ như sự giàu có không thể giải thích nổi của cán bộ viên chức PMU18, và lối mà hệ thống nhân lực của đảng đã thất bại trong việc ngăn chặn –và trong vài trường hợp lại còn khuyến khích– con đường hoạn lộ thăng quan tiến chức của các cán bộ đảng viên giàu có và gian dối này.

Những tiết lộ động trời này là một mối đe doạ rõ ràng ngay trước mắt đối với khối bảo thủ chiếm ưu thế trong đảng cũng như tất cả các cán bộ quan chức nhà nước, là những kẻ phải dựa vào các mối quan hệ quyền lực, móc ngoặc sau lưng, các mối làm ăn bất chính, đề bạt người thân và các thứ tương tự để tồn tại.

Nếu công an điều tra, dù muốn hay không, được phép bắt đầu tiết lộ thông tin về các hành vi tham nhũng này ra cho báo chí, thì hầu hết tất cả mọi đảng viên đều bị hiểm nguy. Có sự lo lắng. Có sự giận dữ.

Theo truyền thống thì mọi sự đều suông sẻ khi tố cáo những đảng viên trung cấp nào đó nếu họ đi quá đà trong một lối không đúng phép, và nếu đảng đã quyết định rằng họ không quan trọng có thể hy sinh được, thì quyết định ấy luôn được đảng đưa ra trong nội bộ trước khi các đảng viên đó bị lột trần.

Và không bao giờ dưới bất cứ trường hợp nào, mà các uỷ viên trung ương đảng hoặc bộ trưởng bị vạch trần mà không có sự chấp thuận của Bộ chính trị. Vụ PMU18 đã phá bỏ quy tắc đó.

Không được sự chấp thuận trước của giới lãnh đạo đảng, hai công an điều tra chủ chốt là Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, Cục trưởng Cục điều tra Bộ công an và thuộc cấp của ông ta, Thượng tá Ðinh Văn Huynh, đã đưa thông tin ra ngoài cho báo chí.

Hai ký giả chính yếu nhận được các tin tức mách nước từ bên trong về vụ lừa đảo ở PMU18 là Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải, đều là phó tổng biên tập của hai tờ báo bán chạy nhất và được đánh giá cao nhất ở Việt Nam là tờ Thanh Niên và Tuổi Trẻ.

Bộ tứ này –hai nhà báo và hai nhân viên điều tra– là những người phải nhận sự trừng trị đích đáng hồi tuần trước khi Tòa án Nhân dân Hà Nội kết án họ là “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước” dưới Ðiều 258 của Bộ luật hình sự Việt Nam.

Ðúng ra cái tội thật sự của họ là đã không tuân theo một quy tắc khác, đó là không nên tố cáo các đảng viên cao cấp trước khi được trên chấp thuận cho phép, và thứ nhì, là để bị lôi cuốn vào cuộc tranh giành đấu đá trong nội bộ đảng khiến họ phải trở thành những công cụ để triệt hạ những thành phần lãnh đạo nào đó, và bằng cách này, giúp cho những kẻ khác được thăng tiến.

Lẽ dĩ nhiên thì cả hai bên đều có lỗi. Tướng Quắc, người cầm đầu trong việc tiết lộ thông tin, từng hy vọng là sẽ được đề cử vào một chức vụ trong uỷ ban trung ương đảng vào năm 2006, nhưng ông ta đã bị gạt qua một bên để dành ưu đãi cho những kẻ khác trong Bộ công an, cho nên theo bản tính tự nhiên thì ông ta bố trí để tiết lộ ra những thông tin không thuận lợi cho đối thủ của mình.

Theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, giám đốc chương trình Ðông Dương ở Ðại học George Mason tại Hoa Kỳ thì, “Toàn bộ vụ này phản ánh một cuộc đấu đá nội bộ bên trong Bộ công an”.

Dù sao thì không một ai, thậm chí ngay cả ông Dũng, dám cãi ngược lại chuyện thật sự là có nạn tham nhũng hoành hoành trong PMU18 và việc tố cáo là để giúp nhổ tham nhũng ra khỏi gốc. Và vì thế, giới lãnh đạo đảng phải để cho một khoảng thời gian trôi qua trước khi họ có thể khai mào một hành động “trả đủa” lại những kẻ tiết lộ thông tin và các nhà báo tiên phong đã dám phá bỏ quy tắc.

Trong thời gian chờ đợi đó, lúc mà có nhiều ký giả được gọi lên để tra hỏi về các nguồn cung cấp tin tức về vụ PMU18, thì nhiều nguồn tin trong đảng cho biết có những vụ đấu đá lung tung xảy ra sau đó về vấn đề những kẻ liên quan trong vụ vạch trần phải bị trừng trị như thế nào.

Không cần phải nói thì ai cũng hiểu rằng phe bảo thủ, những kẻ vẫn giữ ưu thế trong đảng, đã hoàn toàn thắng lợi và mặc dù cá nhân ông Thủ tướng Dũng chống đối lại biện pháp trên, thì một quyết định được đưa ra để truy tố những người đã tiết lộ vụ xì-căng-đan.

Tất nhiên là Tổng bí thư đảng Nông Ðức Mạnh, sự thật là chính cá nhân ông ta đã bị lúng túng trong vụ bê bối trên, vì con rể của ông ta là Ðặng Hoàng Hải công tác cho PMU18, có nghiã là một số hành động đối với những kẻ tiết lộ tin tức không thể nào không xảy ra.

Tuy nói là như thế, nhưng mức độ của hành động đó làm ngạc nhiên nhiều người, nhất là hai năm tù dành cho nhà báo kỳ cựu đáng kính Nguyễn Việt Chiến. Như chính ông Chiến đã nói trong phiên tòa tuần trước, thì các bài tường thuật của ông không phải do động cơ tư lợi cá nhân, nhưng vì lòng khao khát muốn “chống tham nhũng”. Không nhận là có tội, ông Chiến nói với tòa : “Những thông tin được dùng trong các bài báo của tôi là do công an cung cấp”.

Giáo sư Hùng nói : “Hai nhà báo lấy tin tức từ nguồn gốc chính phủ. Và khi các cán bộ nhà nước liên lạc với các nhà báo để muốn đăng tải những thông tin nào đó, thì họ hầu như không thể nào từ chối được”.

Những lý lẽ như vậy không giúp ích được gì cho các bị cáo. Cũng như nó không giúp ích được bất cứ điều gì cho các nhà báo khác hiện đang phản đối việc bắt giữ các đồng nghiệp của họ; hành động đó chỉ tổ làm hại thêm uy tín báo chí của họ. Và làm cho quần chúng càng thêm phẫn nộ.

Báo Tuổi Trẻ, đã gọi vụ bắt giữ các nhà báo là “sự nhạo báng công lý”, tường thuật rằng họ đã nhận được vô số những cú điện thoại, email và thư tín từ quần chúng giận dữ phản đối hành động của nhà nước –số lượng nhiều nhất họ đã nhận được trong 33 năm xuất bản.

Nhưng trước khi tuyên án vào tuần trước, chánh án Trần Văn Vỹ đã khẳng định rằng ông Chiến đã bịa đặt tin tức nhằm “làm thiệt hại đến thanh danh của một số cán bộ cao cấp trong nhà nước, và kích động làm cho quần chúng có ý kiến tiêu cực về thượng tầng kiến trúc của nhà nước”

Ðể tìm cách ngăn chận những dư luận tiêu cực ngày càng gia tăng, Ban Văn hóa Tư tưởng trung ương đã ra lệnh cho tất cả ngành truyền thông báo chí trong nước phải kềm chế trong việc đưa tin về vụ bắt giữ các nhà báo, và trừng trị bất cứ nhân viên nào không tuân theo chỉ thị này (việc này đưa đến kết quả là ông Huỳnh Kim Sanh bị bắt buộc phải rời bỏ chức vụ của mình là Tổng thư ký tòa soạn báo Thanh Niên và ông Bùi Thanh, Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cũng bị sa thải cùng với Tổng thư ký tòa soạn Hoàng Hải Vân )

Ông Nguyễn Trấn Bạt, chủ tịch công ty Investconsult Group, một trong những công ty cố vấn kinh doanh lớn nhất trong nước, nói rằng : “Khi nhà nước bắt giữ và bỏ tù những người trước đây được ca ngợi vì công việc tố cáo tham nhũng của họ, thì thật là vô cùng khó hiểu”.

Ðược biết là Thủ tướng Dũng đã được liên lạc và kín đáo bày tỏ sự thông cảm với các tổng biên tập; nhưng rõ ràng là ông ta chẳng có thể làm được gì cả. Các nhà báo ở Việt Nam bây giờ coi như là bị nghiêm cấm không được nhận thông tin về tham nhũng trong giới đảng viên.

Một công tố viên, khi chất vấn ông Chiến, đã nói rằng tất cả các cuộc phỏng vấn lấy tin từ công an thì bất hợp pháp dưới luật báo chí Việt Nam vì “các nhà báo không được phép lấy tin tức từ các nguồn trái phép”

Theo tổ chức Phóng viên Không Biên giới : “Kết quả của vụ án này là một bước thụt lùi ghê gớm cho ngành báo chí điều tra ở Việt Nam. Cái cơ sở mỏng manh của một nền báo chí có khả năng đóng vai trò trong việc thử thách nhà cầm quyền đương thời đã bị lung lay mạnh mẽ”

Hiện nay, ngay cả những nhà khoa bảng nước ngoài ở Việt Nam cũng thận trọng về việc công khai phổ biến các quan điểm của họ vì lo sợ sẽ bị trả thù, thường là bằng hình thức từ chối visa. Rất trơ tráo lì lợm, giới lãnh đạo đảng công khai phối hợp với nhau và nhắc lại rằng ở Việt Nam, vai trò của báo chí nhà nước là bảo vệ đảng và truyền đạt những ý muốn của đảng đến nhân dân.

Việc này nhắc nhở lại một điều được ghi nhận vào ngày 20/6 năm nay, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Ðỗ Quý Doãn nói rằng báo chí cả nước là một lực lượng để đấu tranh chống lại “các tư tưởng sai lầm và kế hoạch của các thế lực thù địch cùng với những thành phần cơ hội chính trị khác, đồng thời bảo vệ tư tưởng, đường lối và nguyên tắc lãnh đạo chủ chốt của đảng”. Báo chí không được vạch trần tố cáo các việc làm sai trái trong hàng ngũ lãnh đạo và gây rắc rối cho họ.

Chiến dịch đàn áp, đến cùng lúc với một biện pháp mạnh mẽ đối với cộng đồng Công giáo và những người hoạt động công đoàn, và đúng ra là đối với bất cứ tiếng nói nào vừa chớm nở dám đi ngược lại với đường lối của đảng, đã phản ánh một thắng lợi lớn cho phe bảo thủ và là một sự thoái trào nghiêm trọng cho phong trào cải cách.

Thủ tướng Dũng phải tán thành chiến dịch đàn áp này sau khi chịu đựng quá nhiều chỉ trích từ phe bảo thủ vì chính phủ của ông ta chấp thuận để yên cho một nền báo chí được rộng mở hơn, cũng như sự chú trọng đặc biệt của ông ta về một mức tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, mặc dù nạn lạm phát cao cứ đau đớn dai dẳng làm xa lánh phần lớn các cơ sở đảng ở nông thôn.

Càng ngày càng bị coi như vừa có tính dễ dãi trong vấn đề an ninh, lại quá háo hức trong việc nhượng bộ đối với những đòi hỏi của nước ngoài, ông Dũng đang ở trong nguy cơ có thể bị che khuất trong nội bộ đảng bởi ông Trương Tấn Sang, một uỷ viên Bộ chính trị người gốc miền Nam với uy thế đang lên, hiện đang đứng đầu Ban Bí thư thường trực, là cơ quan điều hành đảng trên căn bản hàng ngày. Ông Sang đang chỉ đạo chiến dịch đàn áp báo chí và đã thành công trong việc đưa các nhà báo và các thành phần bất đồng chính kiến ra tòa, lấy cớ là vì sự ổn định cần thiết trong thời kỳ kinh tế khó khăn.

Ông ta mới đây đã viết : “Việc sắp đặt các phiên tòa chính trị này đã đạt được một số thành quả bằng cách dạy cho những kẻ này một bài học, và như thế dập tắt một cách có hiệu quả các sinh hoạt chính trị trái ngược trong khi chúng vẫn còn đang ở thời kỳ phôi thai”.

Trong khi vai trò của ông ta đang lên, cùng với những kẻ khác trong nhóm bảo thủ như Lê Hồng Anh và Hồ Ðức Việt, thì Thủ tướng Dũng bắt đầu bị lu mờ. Những gả du côn cứng cựa coi trời bằng vung hiện đang chiếm ưu thế. Sự đi lên của phe bảo thủ và việc thoái trào của thành phần cải cách đã rõ rệt trong những va chạm nội bộ hiện đang xảy ra về vấn đề làm sao để đối phó với sự suy sụp nghiêm trọng của nền kinh tế cả nước, và có thể là sẽ có thêm nhiều vụ ẩu đả nữa trên tầng lớp chóp bu trong đảng nếu nền kinh tế tiếp tục đi xuống.

Như một chuyên gia về Việt Nam đã nói : “Phiên tòa hồi tuần trước không phải là về hai nhà báo, nhưng về việc làm sao họ, cùng với nhiều nhà báo khác, cuối cùng được xử dụng trong việc đấu đá lẫn nhau của các phe phái ”.

Chuyên gia này tiếp tục : “Rất khó để nói rằng ai đứng về cùng phe với ai, và liệu chúng ta có thể dễ dàng phân biệt được nhóm này “bảo thủ” hoặc nhóm kia “ôn hoà” hay không, vì các vụ đấu đá lẫn nhau này dường như ít bị lèo lái bởi lý tưởng nhưng bị lèo lái nhiều hơn vì một sự pha trộn giữa việc tranh đoạt quyền lực và lợi ích kinh tế cá nhân”.

Giáo sư Carlyle Thayer, một chuyên gia nổi tiếng về các vấn đề Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Úc Ðại Lợi nói thêm : “Tính chính đáng của nhà nước độc đảng Việt Nam phần lớn là dựa trên việc “thi hành đúng đắn”, đó là thành công trong việc đưa tăng trưởng kinh tế đến toàn thể xã hội”

Thiếu sự tăng trưởng đó, thì sự giận dữ của quần chúng về các biện pháp tàn bạo khắc nghiệt giống như việc kết án hồi tuần trước, chắc chắn là sẽ gia tăng và càng lúc càng de dọa đến tính chính đáng của đảng.


http://www.asiasentinel.com/index.php?option=com_content&task=
view&id=1500&Itemid=390&limit=1&limitstart=0
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 859 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 28
Khách: 28
Thành Viên: 0