Thứ Bảy, 2024-04-20, 4:34 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 26 » Cao ủy LHQ giao Bộ Nội vụ Campuchia phỏng vấn người Việt tị nạn
9:17 PM
Cao ủy LHQ giao Bộ Nội vụ Campuchia phỏng vấn người Việt tị nạn

Người Việt tị nạn chính trị tại Campuchia cho biết họ hoang mang trước thông tin cho rằng Cao ủy Tị nạn Liên hiệp Quốc giao cho Bộ Nội vụ nước này phỏng vấn những người Việt đang tị nạn tại đây.

Báo The Cambodia Daily phát hành tại Nam Vang trích dẫn lời phát ngôn viên văn phòng Cao Ủy tại Campuchia là bà McKinsay nói tổ chức bà chỉ chịu trách nhiệm phỏng vấn những người Thượng mà thôi. Tuy nhiên Cao ủy vẫn tiếp tục giám sát mọi thủ tục cấp qui chế tị nạn tại đây.

Ông Đỗ Hữu Nam, lãnh đạo phong trào Trà Đàm Dân Chủ tại Campuchia xác nhận rằng thành viên của phong trào này từ Việt Nam sang tị nạn chính trị đã được giao cho Bộ nội vụ Campuchia. Theo ông Nam, có 2 người Việt tị nạn chính trị đầu tiên đã được Bộ Nội vụ phỏng vấn là ông Lý Hữu Hạnh và Nguyễn Duy Linh. Ông Chung Rawuth, đại diện Văn phòng Cao ủy tịn nạn Liên hiệp Quốc tuyên bố ông không biết thông tin này.

Còn ông Khieu Sopheak, phát ngôn viên Bội Nội vụ Campuchia cũng nói với phóng viên báo Cambodia Daily rằng ông không nhận được tin tức gì về việc này, nhưng theo ông thì Campuchia sẽ làm tròn trách nhiệm của mình với cương vị là thành viên tham gia ký kết công ước quốc tế về người tị nạn chính trị vào năm 1951. Những thay đổi này sẽ bất lợi cho người tị nạn chính trị từ Việt Nam chạy sang xứ Chùa tháp, vì quan hệ đặc biệt giữa chính quyền Nam Vang và Hà Nội. Mặt khác tình trạng tham nhũng và thiếu chuyên môn của Bộ Nội vụ khó có thể làm việc được một cách khách quan. Để trấn an các tổ chức nhân quyền, bà McKinsey nói với báo chí rằng Cao Ủy sẽ đào tạo chuyên môn cho cán bộ chuyên trách trong Bộ Nội vụ và sẽ tiếp tục giám sát quá trình phỏng vấn.

Nguồn : Calitoday

 

Bài liên quan :

NGƯỜI VIỆT TỊ NẠN TẠI CAMPUCHIA ĐANG CẦN ĐƯỢC TÁI ĐỊNH CƯ NƯỚC THỨ BA

Trước hết, chúng tôi dâng lời cảm tạ Đức Chúa Trời là Đấng chúng tôi phục vụ, bởi ơn thương xót và sự cứu giúp của Ngài đã cho phép tôi và gia đình tôi đến được bến bờ bình yên. Chúng tôi cũng không quên có lời cám ơn chân thành về sự giúp đỡ của văn phòng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ( UNHCR) tại Phnom Penh, đã hổ trợ về mặt pháp lý, thừa nhận qui chế tị nạn, cho phép chúng tôi định cư nước thứ ba và cũng giúp cho về mặt an ninh, đời sống trong thời gian chúng tôi còn đang tạm cư trên lãnh thổ Campuchia, chúng tôi cũng cám ơn hết thảy anh chị em tranh đấu vì nền dân chủ đích thực cho Việt Nam, trong và ngoài nước, cũng đã có quan tâm, giúp đỡ trong khi chúng tôi gặp nạn, chúng tôi cũng đặc biệt cám ơn Chính Phủ Hoa Kỳ đã đồng ý đón nhận, tạo điều kiện để chúng tôi được quyền sinh sống trên đất nước của quí vị như là quê hương thứ hai, với lời chúc tốt lành nhất, với lời cảm ơn chân thành nhất, tôi xin trân trọng gởi đến tất cả quí vị!

Tôi đến văn phòng Cao Ủy Tị Nạn LHQ tại Phnom Penh, thủ đô của Campuchia tị nạn ngày 16/2/2007. Đến ngày 27/05/2008 nghĩa là gia đình tôi đã trải qua hơn 15 tháng nơi đất khách, quê người! Sau thời gian dài, tôi và gia đình tôi đã chính thức được đặt chân trên đất nước Hoa kỳ, chấm dứt những ngày tháng phải luôn đối mặt với bao nguy hiểm, khi còn trên lãnh thổ Campuchia.

Trong một thời gian dài sống tại đây, tôi có cơ hội tiếp cận với những người có trách nhiệm, tiếp xúc với người dân bản xứ và với tình hình thực tế tại đất nước này, tôi đồng cảm và nhận thức sâu xa về thực trạng của người Việt tị nạn tại Phnom Penh.

Qua những trải nghiệm, những hiểu biết thực tế, tôi kêu gọi Bộ Ngoại Giao các nước, Liên Hội, Hiệp Hội, Ủy Hội, Ủy Ban và những cá nhân, tổ chức có liên quan đến người Việt tị nạn, hãy nhanh chóng hành động, giúp đỡ người Việt tị nạn tại đây cách đặc biệt, để họ sớm được văn phòng Cao Ủy Tị Nạn LQH cho phép họ được rời khỏi đất nước này, được định cư nước thứ ba, có được một nơi ở ổn định, an toàn, qua đó, họ có cơ hội xây dựng lại cuộc sống cho chính bản thân và con cháu họ trong tương lai.

Thưa quí vị! Tất nhiên là có nhiều lý do để tôi cất lên lời kêu gọi trên, nhưng trong phạm vi trình bày, tôi tạm tóm gọn trong 3 lý do chính và xin quí vị quan tâm:
1/ Họ phải đối đầu với nguy hiểm từ Việt Nam.
2/ Họ phải đối mặt với khó khăn trong cuộc sống.
3/ Họ phải đối phó với tương lai không lối thoát.

1/ Họ phải đối đầu với nguy hiểm từ Việt Nam:

Ai trong chúng ta cũng biết quá rõ rằng thành phố Phnom Penh cách Việt Nam chưa đầy 150 km, có nghĩa rằng việc qua lại biên giới thì không mấy gì khó cho ngành công an, mật vụ khi có cần. Bên cạnh đó, thành phố Phnom Penh cũng không lớn, nhất là trung tâm thành phố, chỉ lượn một vòng là hết chổ để đi! Chính vì thế những người Việt tị nạn dù đã được cấp qui chế tị nạn, dù được bảo vệ từ văn phòng Cao Ủy Tị Nạn, nhưng cũng luôn cảm thấy không được an toàn vì không được cho vào các trại tị nạn ( Có 3 trại tị nạn, nhưng chỉ cho phép người sắc tộc tạm cư mà không cho phép người kinh), cho nên người kinh buộc phải sống trộn lẫn với người dân bản xứ quanh vùng! Hơn sáu tháng đầu gia đình tôi 4 người phải sống trong một căn phòng chưa đầy 12 m2.. Không có lệnh tạm giam hay quản chế, nhưng tự mình ra lệnh cho mình, mình tự giam mình, mình tự quản chế mình, không thể tự do ra ngoài, chỉ vì những người trên đường phố kia, ai biết người nào là công an mật vụ, người nào là người dân thật sự của Campuchia! Trong quá khứ, đã có những người từng bị công an mật vụ Việt Nam sang bắt cóc. Như cách đây nhiều năm, gần chục người thuộc đảng Nhân Dân Hành Động đang khi họ ở trong nhà trọ ban đêm, thì công an Việt Nam mặc thường phục ập vào, bí mật mang về nước và những người này đã bị giam giữ trong những nhà tù khắc nghiệt, bị kêu án nặng nề và có nhiều người đã ngã gục trong nhà tù xã hội chủ nghĩa!

Rồi sau đó, vào tháng 7/2002 Thầy Thích Trí Lực ( Người tị nạn) đã bị kéo vào xe, trong khi đang trên đường đi quanh khu vực chợ Orussay và bị đưa về Việt Nam, trong khi chính phủ Campuchia không hề hay biết! Sự việc tương tự xảy ra đối anh Lê Trí Tuệ sang xin tị nạn ngày 11/4/2007 và đến ngày 06/5/2007 thì đã mất tích bí mật, và những người sống gần anh Tuệ, đều cho rằng anh đã bị mật vụ Việt Nam mang về nước, nhưng cho đến ngày hôm nay người ta vẫn chưa biết tin tức chính xác về tình trạng của anh ! Kế đến nhà sư Tim Sakhorn, người Khmer Nam Bộ là trụ trì chùa Phnom Den thuộc huyện Kiri Vong, tỉnh Takeo, Campuchia bị mất tích ngày 30/06/2007, sau đó ai cũng biết rằng ông đã bị bắt cóc đem về Việt Nam! Gần đây nhất là vụ bắc cóc mục sư A-Đung mà báo đài đã đưa tin, và hiện giờ ông và gia đình đang bị quản thúc ở quê nhà! Còn biết bao vụ khác mà người ta không biết, chưa biết và những nạn nhân đó phải âm thầm trả cái giá đau thương trong ngục tù, chết lần mòn trong tuyệt vọng, chỉ vì theo đuổi một hệ tư tưởng khác với hệ tư tưởng Mác-Lê mà đảng CSVN đang lần mò, cố gắng thực hiện trong cơn mê của mình!

Chính vì lực lượng mật vụ VN luôn luôn đe dọa, chính vì luôn luôn đối đầu với nguy cơ bị bắt về VN, nên những nhà dân chủ, những nhà bất đồng chính kiến, những người phản kháng, những người là thành viên của những đảng đối lập, khi rơi vào hoàn cảnh phải sống lưu vong hay tị nạn tại Campuchia đều phải sinh hoạt âm thầm, hạn chế ra đường, mỗi khi có nhu cầu đi lại trên đường phố thì đều luôn cảnh giác! Luôn phải ngó chừng, mỗi khi có một xe 4 bánh nào đó chạy quá gần mình! Luôn giựt mình khi có ai đó nói quá lớn tiếng, dù rằng âm thanh đó chỉ phát ra cách tình cờ từ một ngôi nhà lân cận!

Vô tình, đất nước Campuchia giống như một nhà tù khác cho những người Việt tị nạn tại đây. Sống thì vẫn sống đó! Nhưng mất đi quyền tự do đi lại, dù rằng không ai cấm! Sống thì vẫn sống đó! Nhưng ngay cả quyền tự do ngôn luận cũng dường như đã bị tước đoạt, dù chính phủ Campuchia không chủ trương bịt miệng người dân. Vì sao? Chỉ vì nếu có ai đó lên tiếng, nếu có ai đó viết bài hay có lời phát biểu nào mang bóng dáng của sự phản kháng, mà đảng CSVN cho là nguy hại đến chế độ, thì đều nằm trong tầm ngắm của những kẻ bắt cóc chuyên nghiệp, được đào tạo, huấn luyện từ các trường chuyên nghành của công an VN. Những người tị nạn nơi đây dù không bị đem ra tòa như linh Mục Nguyễn Văn Lý, nhưng họ cũng đã bị bịt miệng. Dù không bị kêu án 3 hay 4 năm tù giam như Luật Sư Nguyễn Văn Đài hay Luật Sư Lê Thị Công Nhân, nhưng những người Việt tị nạn này, đã bị chôn vùi cuộc đời họ cùng với con, với cháu họ trong hàng chục năm qua, cũng có những người đã quằn quại kéo lê cuộc đời mình trong nhà tù xa lạ hơn 17 năm rồi, mong có được chút ánh sáng của vùng đất tự do, nhưng than ôi! Cái ánh sáng đó chỉ là cái bóng mờ mịt trên cuộc đời của những người Việt tị nạn tại Campuchia!

2/ Họ phải đối mặt với khó khăn trong cuộc sống.

Trong thời gian đầu sống tại đây, tôi thật ngạc nhiên vì có nhiều người Việt nhập cư bất hợp pháp từ VN sang, nhưng khi hỏi đến, thì họ luôn trả lời những câu rất gần giống nhau, như ” Dạ, em sinh ra tại đây”, “Dạ, em là người Khờ Me Khọm ( Khmer Krom)”, “Dạ, ba mẹ em sinh sống ở đây lâu rồi”…v…v….không ai dám nhận mình là người VN, những người nhập cư lậu thường nói được tiếng Khờ Me, và họ chỉ sử dụng tiếng Việt với người Việt nào đó khi họ tạm tin được. Cũng có nhiều người thật tình, họ khuyên chúng tôi cố gắng học tiếng Khờ Me để không bị phân biêt đối xử trong sinh hoạt thường ngày! Có những anh em đồng niềm tin họ cũng nói thẳng với chúng tôi rằng người Khờ Me thật ra không ưa thích gì người Việt ( tất nhiên không phải tất cả!), nhưng trong tình yêu Chúa, họ không phân biệt Việt Nam hay Khmer.

Tôi đã cố ý truy tìm lý do, thì được hiểu khá rõ ràng đó là do quân đội VN đã từng tràn vào, chiếm đóng trên đất nước Campuchia, Bộ đội VN từng hà hiếp họ, đối xử bất công với họ và đã gây bao đau thương, làm hằn sâu vết thù trong lòng của những người dân bản xứ! Trong những năm chiến tranh, quân đội VN đóng trại trong các làng quê Campuchia, bộ đội VN đã xử dụng quyền lực, súng ống, uy hiếp họ, bắn phá tài sản họ, cướp gà, vịt, heo từ làng này, rồi buộc làng khác nuôi cho đến khi lớn đủ, sau đó bộ đội VN đến bắt đem về! Bộ đội còn buộc nông dân Campuchia gieo trồng, cày cấy, chăm sóc lúa cho quân đội VN, đến khi thu họach thì cũng buộc người nông dân phải bỏ công cắt lúa, bỏ công đập lúa, bỏ công khuân vác về cho kho quân đội, mà người dân campuchia không hưởng được bất cứ quyền lợi nào! Bộ đội dùng súng bắn phá những trái dừa trên cây, bắn phá hoa màu, bắn trâu, bắn bò của dân Campuchia để ăn liên hoan. Và chính tai tôi cũng nghe thuật lại những việc mà tôi không thể nào cầm được nước mắt của mình, đó là những người lính CSVN còn bắt trói cả nhà người Campuchia, thực hiện việc hãm hiếp những em gái còn non trẻ, dưới sự chứng kiến đau lòng của người cha, người mẹ thì có thứ gì độc ác hơn! Ôi! Chính vì đó, những nổi căm giận mà người dân campuchia mang nặng trong lòng làm sao nguôi được! Thậm chí cho đến ngày nay, những người lớn vẫn nhắc cho con, cho cháu họ hiểu biết về những đau thương này, những bộ phim chiến tranh VN- Campuchia vẫn con lưu hành trong dân chúng, những vết thương hận thù dân tộc vẫn rướm máu, thử hỏi làm sao người dân Campuchia có thể đối xử bình thường với người Việt sinh sống tại đây, nói chung, và những người Việt tị nạn tại đây, nói riêng!

Tôi biết chính phủ campuchia cũng cố gắng hàn gắn lại những đổ vỡ của chiến tranh, nhưng chính phủ không có khả năng hàn gắn những đổ vỡ đã gãy đổ trong lòng người dân bản xứ. Chính vì thế, những người Việt tị nạn đương nhiên lại phải đối mặt với những khó khăn từ sinh hoạt cộng đồng, không chỉ vì bất đồng ngôn ngữ, nhưng chính vì những vết thương mà người campuchia vẫn còn đau, dù thời gian đã trôi qua nhiều thập niên rồi! Vết thương đó chưa được chữa lành và nổi đau đó vẫn đang phát tán, dù âm ỉ, nhưng người Việt tị nạn có thể cảm nhận và đang phải gánh chịu hậu quả, mà quân đội VN đã gây ra!

Thưa quí vị! Trong thời điểm vừa qua thì người Việt tị nạn tai Phnom Penh được giải quyết đi nước thứ ba quá ít ỏi, chỉ đếm trên đầu ngón tay! ( Trừ những người sắc tộc thiểu số Việt Nam trong các trại tị nạn). Còn khoảng 70 người Việt, vẫn đang phải cố tồn tại trong xã hội Campuchia đầy khắc nghiệt, để chờ một phép lạ nào đó xảy ra, hay tình thương của ai đó từ cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới. Họ đang trông chờ nơi những tấm lòng nhân đạo, họ hy vọng mỗi người một tay đưa ra vớt họ khỏi nghịch cảnh của cuộc đời, để họ có thể sống một kiếp người như bao người khác. Mỗi ngày họ vẫn mỏi mắt trông chờ giây phút được sống, được hưởng đầy đủ quyền, mà Thượng Đế đã ban cho nhân loại, tất nhiên quyền đó cũng dành cho họ!

3/ Họ phải đối phó với tương lai không lối thoát.

Con người thường sống được là khi người ta còn có hy vọng, những người muốn kết thúc cuộc đời mình sớm hơn kỳ định, thường là những người đã mất hết niềm tin. hoặc nhìn thấy tương lai chỉ là bóng tối! Trong thực tế của người Việt tị nạn tại Campuchia, thì họ đang phải đối diện với màn đêm của cuộc đời! Họ đang đối diện với một tương lai không lối thoát. Để thấu hiểu hơn hoàn cảnh của người Việt tị nạn tại đây, chúng ta cũng cần biết một số vấn đề có liên quan đến số phận của họ!

Hiện nay đối với người Việt tị nạn tại Campuchia, thì Cao Ủy Tị Nạn LHQ có 3 hướng giải quyết:

Hướng thứ nhất : Người Việt tị nạn phải cố gắng tìm mọi cách hòa nhập vào xã hội, cố gắng tự kiếm sống, cố gắng xây dựng lại đời sống mình để định cư lâu dài tại chổ.

Hướng thứ hai: Trong trường hợp mà người Việt tị nạn cảm thấy sống trên đất nước Campuchia này khó khăn quá ( hoặc một lý do nào khác) và tình nguyện hồi hương, thì văn phòng Cao Ủy Tị Nạn LHQ sẽ làm việc với chính phủ VN và giải quyết cho người tình nguyện được trở về!

Hướng thứ ba: Cao Ủy Tị Nạn LHQ sẽ cho phép người Việt tị nạn được định cư nước thứ ba, vì xét thấy trường hợp đặc biệt, nguy hiểm và khần cấp!

Như đã nói ở trên, việc cho phép người Việt tị nạn đi nước thứ ba quá hiếm! Còn việc người Việt tị nạn xin về nước lại còn hiếm hơn ( Vì không ai dám tin CSVN khoan hồng!). Cho nên không cần giải thích dài dòng chúng ta cũng biết rằng, hầu hết người Việt đến Campuchia tị nạn đều bị buộc định cư tại chỗ!

Chúng ta thử đặt ra một số câu hỏi như : Người Việt tị nạn tại đây có an toàn không? Người Việt tị nạn tại đây có an tâm sống với người dân bản xứ không? Người Việt tị nạn có đầy đủ nhân quyền ở Campuchia không? Họ đi lại có tự do không? Có thể ra nước ngoài được không? Có được tương lai ổn định không? Có thể “an cư lạc nghiệp” không? Con cái họ có tương lai tươi sáng không?

Và xin thưa với quí vị rằng câu trả lời chung cho tất cả những câu hỏi trên là KHÔNG.

Cha, mẹ không lối thoát vì ở lại thì khó khăn, nguy hiểm! Về nước ư? Đây lại là con đường không bao giờ dám nghĩ đến! Còn con đường đi nước thứ ba thì mù mịt, có cố gắng nằm mơ cũng không thể thấy được! Trong khi tinh thần bất ổn thì cuộc sống lại bấp bênh, vì Cao Ủy Tị Nạn LHQ tại Campuchia thường chỉ hổ trợ tài chánh trong 6 tháng, cũng có những trường hợp 1 năm, nhưng rồi chính sách cắt giảm tài chánh đối với người Việt tị nạn tại đây đã đẩy những người tị nạn vào hành trình phiêu lưu cuộc sống, buộc họ phải đối đầu với nguy hiểm để đổi lấy chén cơm, nhưng mấy ai thành công nơi đất khách quê người này, cuộc sống vô định, tương lai rõ ràng bị bế tắc!

Còn tương lai của các em nhỏ? Đi học thì không hiểu gì, vì bất đồng ngôn ngữ! Có trường Việt thì không dám cho con vào học vì sợ những tai mắt của công an VN. Con cái lủi thủi chơi một mình vì không bạn, chuyện ra ngoài vui chơi thì hiếm hoi, miếng bánh, viên kẹo là nhu cầu ít được ai đáp ứng! Giáo dục thiếu, những hiểu biết cần thiết cũng thiếu, mọi sự đều thiếu, thì liệu tương lai của các em sẽ đi về đâu?

Kính thưa Quí Vị thân mến! Chính vì lòng trắc ẩn đối với trẻ thơ, vì tình yêu đối với những người cùng cảnh ngộ, đau xót cho hoàn cảnh của những nạn nhân chế độ cộng sản. Tôi không thể nín lặng, nên quyết định viết bài viết này, Tôi hy vọng với những thông tin về thực trạng của người Việt tị nạn tại Campuchia, nó có thể đánh động được lòng nhân đạo của mọi người!

Xin hãy quan tâm đến những người chưa được bình yên!

California Ngày 26 .tháng 6 năm 2008.

Mục Sư Ngô Hoài Nở
Email : ngohoaino@gmail.com

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 932 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0