Sách lược chủ động hòa hiếu với nước láng giềng phương Bắc để
tập trung phát triển đất nước đã được cha ông chúng ta thực hiện từ hàng ngàn
năm nay. Nhưng, cha ông chúng ta cũng để lại cho con cháu lời nhắc nhở phải hết
sức cảnh giác với chính quyền nước láng giềng phương Bắc bằng câu thành ngữ:
"Thâm như Tàu".
Ngay trong lịch sử cận đại, những người Cộng sản Việt Nam
tiền bối, dầu đã phải dựa dẫm nhiều vào Trung Quốc để độc chiếm quyền lực, đã có
lúc phải ghi nhận:
"Trên thế giới chưa có những người lãnh đạo một nước nào
mang danh là "cách mạng", là "xã hội chủ nghĩa" và dùng những lời lẽ "rất cách
mạng" để thực hiện một chiến lược phản cách mạng, cực kỳ phản động như những
người lãnh đạo Trung Quốc. Trên thế giới chưa có những người lãnh đạo một nước
nào về mặt chiến lược đã lật ngược chính sách liên minh, đổi bạn thành thù, đổi
thù thành bạn nhanh chóng và toàn diện như những người lãnh đạo Trung Quốc."
(1)
Tuần qua có hai sự kiện đối với Việt Nam cần phải được nhìn
nhận từ góc độ âm mưu của giới cầm quyền Trung Quốc.
Sự kiện thứ nhất là cuộc thăm viếng Trung Quốc của Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng (đã gặp Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Ôn Gia
Bảo và Chủ tịch Quốc hội Ngô Bang Quốc) mang lại một Bản tuyên bố chung Việt
Nam-Trung Quốc (2), trong đó có nhiều điểm cho thấy Trung Quốc đang ngày càng có
khả năng khống chế, chi phối nhiều hơn tới giới lãnh đạo của Việt Nam hiện nay
(đều là các đảng viên của Đảng cộng sản Việt Nam). Trong tám văn kiện được ký
kết đã có tới bảy văn kiện phía Trung Quốc có thể dùng làm công cụ để gây ảnh
hưởng, đó là Hiệp định giữa chính phủ hai nước về việc thiết lập đường dây thông
tin điện thoại bảo mật giữa các nhà lãnh đạo hai nước và sáu thỏa thuận khác về
trợ giúp, đầu tư về tài chính, kinh tế từ Trung Quốc cho các tập đoàn, định chế
Nhà nước. Như vậy vận mệnh Tổ Quốc sẽ ngày càng bất trắc khi kẻ đang xâm lấn lại
được bàn thảo bí mật với giới lãnh đạo quốc gia. Khu vực kinh tế nhà nước Việt
Nam, vốn đang là khu vực rất kém hiệu quả về kinh tế và trầm trọng về tham
nhũng, sẽ trở nên trơ ỳ hơn trước yêu cầu cải tổ khi lại nhận được sự bảo trợ từ
phía Trung Quốc.
Sự kiện thứ hai là Nghị quyết của Nghị viện châu Âu về Việt
Nam hôm 22 tháng 10 vừa qua (3) nhằm phản đối sự vi phạm quyền con người của
chính quyền Việt Nam và đề nghị Cộng đồng châu Âu khi hợp tác, giúp đỡ chính
quyền Việt Nam phải lưu tâm hơn đến lợi ích thiết thực cho nhân dân Việt Nam
thông qua việc đánh giá "Sự tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền cơ
bản" của chính quyền Việt Nam. Đây là một phản ứng đích đáng của nhân loại tiến
bộ đối với cách hành xử phi nhân tính của chính quyền cộng sản Việt Nam đối với
nhân dân ta. Nhưng Nghị quyết này có thể đã nằm trong ý đồ của giới lãnh đạo
Trung Quốc khi họ đang muốn tách xa Việt Nam khỏi ảnh hưởng của các quốc gia dân
chủ, văn minh (đại diện là các nước phương Tây như Liên hiệp châu Âu, Mỹ,…).
Không thể ngẫu nhiên khi chính quyền Việt Nam lại gia tăng trấn áp dân lành một
cách lộ liễu, trắng trợn ngay giữa thủ đô và trước khi diễn ra cuộc đàm phán
vòng hai tại Hà Nội về việc ký lại Hiệp định hợp tác và Đối tác toàn diện (PCA)
với Cộng đồng châu Âu – một Hiệp định đang mang lại nhiều cơ hội tiến bộ cho xã
hội Việt Nam và cả những mối lợi có thể "xà xẻo" cho quan chức Việt Nam (các
viện trợ ODA, vị thế chính trị,…). Dù luôn chọn cách tiếp cận "mềm" hơn phía Mỹ
khi quan hệ với các chính quyền phi dân chủ, nhưng một cộng đồng luôn lấy quyền
con người làm mục tiêu phát triển sẽ không thể im lặng trước các hành vi bạo
quyền quá trâng tráo (bắt bớ, đánh đập dân chúng, bạo hành phóng viên quốc tế,
hậu thuẫn cho hành vi lưu manh côn đồ, khủng bố ký giả trong nước, xuyên tạc,
bóp méo trắng trợn sự thật,…). Như vậy Nghị quyết của Nghị viện châu Âu rất
nhiều khả năng nằm trong ý đồ của nhóm thân Trung Quốc trong Đảng cộng sản Việt
Nam nhằm phá hoại hợp tác của Việt Nam với thế giới văn minh.
Hai sự kiện đó chắc chắn sẽ được phe thân Trung Quốc sử dụng
để lèo lái dư luận và trấn áp những người yêu nước theo chiêu bài: Trung Quốc
đang "giúp đỡ" Việt Nam, còn các nước phương Tây "thù địch" với nhân dân Việt
Nam.
Để chống lại âm mưu thâm độc này, chúng ta cần giúp nhân dân
nhận rõ hai điều cơ bản:
Thứ nhất, những phản đối của quốc tế thậm chí cả những trừng
phạt của quốc tế đã từng áp đặt đối với Việt Nam như cắt đứt quan hệ ngoại giao,
cấm vận kinh tế là nhằm vào hành động của những kẻ lãnh đạo mù quáng, phản động
(ví dụ: chiếm giữ Cambodia, đàn áp dân chúng,…). Do đó, những khó khăn, thiếu
thốn của nhân dân Việt Nam phải gánh chịu do bị quốc tế trừng phạt có nguyên
nhân từ chính chế độ chính trị độc đảng, phi dân chủ ngay tại trong nước – cơ
chế sinh ra những kẻ cầm quyền yếu kém về tài năng, suy đồi về đạo đức.
Thứ hai, "Chính sách ngày nay của những người lãnh đạo
Trung Quốc đối với Việt Nam, mặc dầu được ngụy trang khéo léo như thế nào, vẫn
chỉ là chính sách của những hoàng đế "thiên triều" trong mấy ngàn năm qua, nhằm
thôn tính Việt Nam, khuất phục nhân dân Việt Nam, biến Việt Nam thành một chư
hầu của Trung Quốc" (4)
Không một mưu tính thâm độc nào của những kẻ cướp nước và bán
nước có thể thực hiện được khi nhân dân nhận rõ được sự thật!
(1) "Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm
qua", Nxb Sự Thật, Hà Nội – 1979, tr. 3.
(2)
http://doi-thoai.com/baimoi1008_383.html
(3)
http://doi-thoai.com/baimoi1008_371.html
(4) Sđd, tr. 24.
Đối Thoại
|