Nguyễn Minh Cần
Chủ trương của UBCCRĐTW là trong các cuộc đấu địa chủ, nhất là địa chủ cường hào ác bá đều phải chuẩn bị rất chu đáo để ra "đấu trường" không được vấp váp. Thế là trước ngày đấu, mọi "rễ", "chuỗi", dân quân, công an, toà án, chủ tịch đoàn ... đều phải "diễn tập" như thật, ai lên "đấu" trước, ai lên "đấu" sau, "tố" thế nào, xỉa xói ra sao, nói gì, khi nào người "tố" phải cảm động khóc lóc, khi nào người dân phải hô "đả đảo" (khi người bị "tố" không nhận tội ...), lúc nào thì bắt địa chủ quỳ (quỳ là biểu hiện của sự "bị đánh gục"!), lúc nào thì "hoan hô" (khi toà tuyên án tử hình, tịch thu tài sản ...).
Chủ tịch đoàn những cuộc đấu lớn đều là "rễ", "chuỗi", cốt cán mới đào tạo trong vài tháng, nói năng ngượng nghịu, lúng ta lúng túng, điều khiển thế nào nổi, nên khi ra "đấu trường", thường "anh đội", "chị đội" phải ngồi sau lưng nhắc, như người nhắc tuồng (souffleur) ở rạp hát! Cũng có khi nhắc mãi không được, chủ tịch đoàn cuống lên, thì "anh đội" giật micro và điều khiển luôn. Tóm lại, một sự diễn kịch, một trò giả dối lố bịch,
trắng trợn, mà không hề không biết ngượng! Nhưng cái nguy hại chính là
sự giả dối đó cứ thấm dần vào tiềm thức cán bộ và người dân, tạo nên
một nếp sống giả dối vô đạo đức của nhiều người!
Thứ tư. Tội phá huỷ truyền thống tâm linh và văn hoá của dân tộc. Bằng cuộc CCRĐ, ĐCS
cố tình triệt hạ các tôn giáo và truyền thống tâm linh của dân tộc.
Trước CCRĐ, các nhà thờ Thiên chúa giáo, các tu viện, nhà cô nhi ...
đều có ruộng đất riêng, các chùa có ruộng hậu do tín chủ cúng cho chùa,
các nhà thờ họ có ruộng họ, các đình có ruộng làng ... để lo việc sửa
sang, tu bổ nhà thờ, chùa, đình, cúng tế hàng năm, việc từ thiện, v.v
... và để nuôi sống các linh mục, tu sĩ, tăng ni và những người chuyên
lo việc trông nom, thờ phụng ... Nhờ thế hoạt động tôn giáo, tâm linh,
từ thiện được tiến hành bình thường không có trở ngại. Nhưng với chính
sách CCRĐ của ĐCS, tất cả các ruộng đất đó đều nhất loạt bị coi là
ruộng đất phong kiến và bị trưng thu để chia cho nông dân.
Với
cái đòn độc địa đó, tất cả các nhà thờ, tu viện, nhà cô nhi, chùa
chiền, điện thờ, miếu mạo, nhà thờ họ, đình ... đều trở nên điêu đứng
và đần dần tàn tạ. Riêng đối với nhà thờ Thiên chúa giáo, do phong trào
giáo dân ồ ạt di cư vào Nam, nên về sau Đảng đã phải để lại cho các nhà
thờ một ít ruộng đất. Người ta công nhiên dùng các cơ sở thờ cúng vào
việc họp hành, đóng quân, làm hội trường, làm kho hợp tác xã mua bán,
kho hợp tác xã sản xuất, v.v ... Có nơi thậm chí người ta cho các tượng
Phật trôi sông. Nhiều nơi bà con tín đồ bí mật cứu các tượng Phật, đem
chôn, đem giấu hầm kín, sau này phần lớn các tượng gỗ đều mục nát, thế
nhưng cũng có ít tượng còn giữ được, vào thập niên 80 bà con mới đưa
lại vào chùa. Tóm lại, cuộc sống tâm linh hoàn toàn bị xoá bỏ. Chữ "thiện", chữ "nhân" một
thời gian dài chẳng ai dám nói đến, vì giữa lúc cái ác tràn đầy mà nói
đến chữ "thiện", chữ "nhân" thì có thể bị coi là biểu hiện sự phản đối!
Trong
lúc đó, người ta lại đề cao bạo lực, cổ vũ đấu tranh giai cấp, khuyến
khích điều ác, điều bất nhân, điều vô đạo. Một điều rất quái dị trong
CCRĐ mà ĐCS lại coi là tự nhiên hoặc là cần thiết: người ta thường
xuyên huy động các cháu thiếu niên từ 9-10 tuổi trở lên tham gia CCRĐ.
Bắt chúng mang trống ếch đi cổ động, đi "đả đảo", "hoan hô",
tham dự các cuộc đấu tố, các phiên toà CCRĐ, các buổi hành quyết công
khai. Nhiều cháu, nhất là các cháu gái, vốn có tâm lý hiền lành bị bắt
buộc phải tham gia, đã không chịu nổi, run sợ, khiếp đảm, có cháu ngất
xỉu trước cảnh hãi hùng, súng bắn, máu đổ ... Còn các cháu vốn có tâm
lý hung dữ thì lại thích thú hoan hô, thậm chí sau khi "được" tham dự
những cảnh tượng đó, có nơi chúng lại bày trò chơi "đấu tố",
bắt con cái địa chủ quỳ để con cái nông dân lên đấu, cũng xỉa xói vào
mặt, cũng xỉ vả, vạch tội ... Chẳng biết có ai xúi giục không, nhưng
nhiều nơi đã xảy ra những "trò chơi" quái đản đó! Khi cái thiện bị nén
xuống mà cái ác được cổ vũ, thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên là đạo đức
bị suy đồi, băng hoại dưới chế độ của những người cộng sản. Tôi còn nhớ
trong thời kỳ "cởi trói", đã được đọc truyện ngắn "Bước Qua Lời Nguyền" của Tạ Duyên Anh đăng trên tuần báo "Văn Nghệ" (1989)
ở Hà Nội, truyện đó phản ánh phần nào tấn bi kịch của giới trẻ nông
thôn đã lớn lên trong và sau cuộc CCRĐ đầy kinh hoàng. Không những CCRĐ
đánh một đòn rất mạnh vào nền đạo lý và truyền thống nhân bản, mà nền
văn hoá dân tộc cũng vì nó mà bị tổn hại rất nặng nề. Nhiều miếu đền uy
nghiêm bề thế, nhiều bia đá là những di tích văn hoá lâu đời của dân
tộc đã bị huỷ hoại trong CCRĐ. ĐCS giấu kín những chuyện này, nhưng
cũng có thể nêu ra vài trường hợp. Mong rằng các bạn xa gần trong và
ngoài nước sưu tầm và bổ sung thêm.
Chẳng
hạn, cụ Nguyễn Mai (1876-1954) là hậu duệ đời thứ 14 của dòng họ Nguyễn
Tiên Điền, gọi thi hào Nguyễn Du (1765-1820) đời thứ 11 là bác. Đầu năm
1954, lúc 78 tuổi cụ bị đội và đoàn CCRĐ quy là địa chủ (vì có vài mẫu
cho phát canh để sống) lại bị "kích" lên
thành phần phong kiến cường hào (vì cụ từng đỗ cử nhân khoa Canh Tý
(1900) lúc 24 tuổi, lại đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1904) lúc 28 tuổi),
mà thật ra cụ không hề nhận chức tước, phẩm hàm gì, chỉ cam phận sống
thanh nhàn ẩn dật.
Cụ bị đấu ba đêm liền, bị kết án 15 năm tù khổ sai, bị giam ở trại Đâng, tỉnh Hà Tĩnh, là nơi nước rất độc, nên ngay mùa thu năm ấy, cụ bị phù thũng chết trong trại tù, vùi xác ở ven rừng.
Cụ Nghè Nguyễn Mai từ trần trong uất hận là nỗi đau lớn, nhưng nỗi đau còn lớn hơn nữa cho dân tộc là do cụ bị quy oan như vậy, mà đội CCRĐ đã phá huỷ nhiều đền đài, bia, miếu thờ của các danh nhân họ Nguyễn Tiên Điền và nghiêm trọng hơn nữa đã đốt cháy
ngôi nhà năm gian chứa đầy thư tịch quý giá của dòng họ Nguyễn Tiên
Điền, trong đó có di cảo của thi hào Nguyễn Du. Một sự mất mát lớn lao
về văn hoá không có gì bù lại được! (Xem sách "Bể Dâu Trong Dòng Họ Nguyễn Du" của Đặng Cao Ruyện, NXB Miền Đông Hoa Kỳ, 2002, tr. 200, 201).
Còn một chuyện này nữa. Trong cuộc hội nghị cán bộ do TW Đảng triệu tập sau khi có nghị quyết sửa sai trong CCRĐ hồi tháng 09.1956, tôi được nghe ông Cù Huy Cận, lúc đó
là thứ trưởng Bộ văn hoá, nói ở cuộc họp tổ là tấm bia đá của Lê Lợi đã
bị đội CCRĐ phá huỷ. Bộ văn hoá phải cấp tốc thuê làm bia khác giống
hệt bia cũ rồi đặt vào chỗ cũ và phải tuyệt đối giữ bí mật để không ai
biết là bia mới! Tôi không có điều kiện kiểm chứng, nhưng chẳng lẽ ông
thứ trưởng văn hoá lại nói sai?!
*
Như
trên tôi đã viết, tuy là chuyện CCRĐ đã qua từ lâu rồi, nhưng ngày nay,
vẫn cần phải nói đến, vì ngày nay tập đoàn lãnh đạo ĐCS đang cố viết
lại lịch sử, đang cho bọn bồi bút xuyên tạc lịch sử để chạy tội cho ông
Hồ Chí Minh và cho ĐCSVN trong CCRĐ và cả trong nhiều việc khác nữa.
Cần phải nói công bằng là trước năm 1950, ông Hồ và ĐCSVN không nói đến CCRĐ, chỉ nói đến giảm tô, mà cũng chỉ trên giấy tờ và rất coi nhẹ việc thực hiện. Chỉ từ năm 1952, vấn đề giảm tô và CCRĐ mới đặt ra một cách gắt gao. Như vậy có thể nói là việc CCRĐ là do sức ép của Stalin và Mao Trạch Đông. Nhưng khi ông Hồ đã nhận làm CCRĐ là ông và ĐCSVN đã làm một cách tin tưởng và tích cực. Cũng có thể do yếu tố tâm
lý của một người trước đây đã từng bị Stalin và Quốc tế Cộng sản coi là
hữu khuynh, thậm chí bị nghi ngờ, không giao việc trong thời hạn dài,
nay lại bị nhận xét là coi nhẹ nhiệm vụ phản phong, thì ông càng phải
cố tỏ rõ tinh thần mẫn cán, kiên quyết của mình. Quả là hồi đó, ông Hồ
và ĐCSVN cũng thật tình rất tin tưởng vào Stalin và Mao Trạch Đông.
Chẳng thế mà ông đã công khai nói trước hội nghị cán bộ (1950) tại
chiến khu Việt Bắc để chuẩn bị cho đại hội 2 của ĐCS sẽ họp năm sau là:
"Các cô các chú nên biết rằng: ai đó thì có thể sai, chứ đồng chí Stalin và đồng chí Mao Trạch Đông thì không thể nào sai được".
Chính tôi có mặt trong cuộc hội nghị đó, tôi nghe rõ, nhiều người khác
cũng nghe rõ như thế, có điều bây giờ họ không muốn hay không dám nhắc
lại mà thôi.
Đến đại hội 2 của Đảng (tháng 03.1951), ông Hồ lại cũng nói đúng như thế, và cụ Nguyễn Văn Trấn cũng đã kể lại chuyện đó trong sách của cụ "Viết Cho Mẹ Và Quốc Hội". Cho nên ông Hồ làm CCRĐ rõ ràng với sự tin tưởng và tích cực. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà cụ Vũ Đình Huỳnh, người gần gũi ông nhất thời gian đó sau này đã "khẳng định người chịu trách nhiệm chính trong sự gây ra những sai lầm trong CCRĐ là ông Hồ Chí Minh, chứ không phải ông Trường Chinh, như đã có sự ngộ nhận kéo dài nhiều năm. Trường Chinh là con dê tế thần cho sai lầm của ông Hồ" (xem "Đêm Giữa Ban Ngày" của nhà văn Vũ Thư Hiên).
Theo tôi, đúng là ông Hồ phải chịu trách nhiệm chính, như cụ Vũ đã nói, nhưng Trường Chinh chẳng phải là "con dê tế thần" với cái nghĩa "oan dương" đâu, vì ông ta vừa là Tổng bí thư, vừa là chủ nhiệm UBCCRĐTW, ông ta là người điều hành mọi việc CCRĐ hồi đó, cho nên, nếu Trường Chinh không phải là thủ phạm số một thì cũng phải là thủ phạm
số hai. Cái ý của cụ Vũ, theo tôi hiểu, là TW Đảng trong hội nghị lần
thứ (09.1956) đã không đả động gì đến Hồ Chí Minh, đã không dám nói đến
trách nhiệm của ông Hồ (vì thi hành kỷ luật Chủ tịch Đảng, Chủ tịch
nước thì ... ôi thôi, ĐCS còn gì nữa!) mà chỉ đưa Trường Chinh và các
ông khác ra "chịu trận" mà thôi.
Sau
này, trong giới thân cận với giai cấp cầm quyền, có những người hay
tung ra những câu chuyện về Hồ Chí Minh không tán thành chủ trương
CCRĐ, không tán thành việc xử tử bà Nguyễn Thị Năm, không tán thành làm
Chỉnh đốn tổ chức trong CCRRĐ, v.v ... Nhưng, xét cho cùng, loại chuyện
đó chỉ là những huyền thoại không hơn không kém. Những huyền thoại ấy
nhằm đánh lừa những người không biết tình hình thực tế hồi thập niên 50
ở miền Bắc và những thế hệ trẻ hậu sinh, nhằm chạy tội cho ông Hồ để
vớt vát cái gọi là "tư tưởng Hồ Chí Minh" làm phao cứu mạng cho
tập đoàn thống trị cộng sản. Hoàng Tùng, nguyên tổng biên tập báo Nhân
Dân, nguyên bí thư TW ĐCSVN, nhiều năm làm tuyên huấn, v.v ... là một
trong số những "chuyên gia" sáng tác huyền thoại kiểu đó. Trong hồi ký "Những Kỷ Niệm Về Bác Hồ", ông ta có kể lại về thái độ của ông Hồ đối với án tử hình bà Nguyễn Thị Năm như sau: "Họp
Bộ chính trị Bác nói: "Tôi đồng ý người có tội thì phải xử thôi, nhưng
tôi cho là không phải đạo nếu phát súng đầu tiên lại nổ vào người đàn
bà, mà người ấy cũng giúp đỡ cho cách mạng. Người Pháp nói không nên
đánh đàn bà, dù chỉ đánh bằng một cành hoa". Sau cố vấn Trung Quốc La
Quý Ba đề nghị mãi, Bác nói: "Thôi tôi theo đa số, chứ tôi vẫn cứ cho
là không phải". Và họ cứ thế làm" (xem đoạn trích, đăng trên tờ "Diễn Đàn Forum" ở Paris, số 123/11.2002, tr.15).
Khi kể chuyện này, Hoàng Tùng đã cố lờ đi mấy điều thực tế lịch sử rất quan trọng:
1/
vào thời điểm nửa đầu thập niên 50, uy thế của ông Hồ trong Đảng là tuyệt đối, một lời
của ông đã nói ra thì không một ai, kể cả các ông trong BCT, dám làm trái ý ông hết;
2/
tất cả các ông trong BCT TW, không trừ một ai hết, đều răm rắp giữ đúng tư cách một
người
học trò khiêm tốn, không bao giờ được phép quyết định những chủ trương
lớn mà không có ý kiến ông, huống hồ là việc làm trái ý ông. Hồi
1952-1953 thì không thể nào có chuyện "Thôi tôi theo đa số" và "Và họ cứ thế làm" được! Nếu thật sự ý thức được là "không nên đánh đàn bà, dù chỉ đánh bằng một cành hoa",
mà ông Hồ chỉ lắc đầu một cái thôi, chứ không cần phải nói nhiều lời
như Hoàng Tùng kể, thì chắc chắn là ông đã cứu được bà Nguyễn Thị Năm!
Mà không chỉ một mình bà Năm! Thêm nữa, cái chữ "họ" trong câu của Hoàng Tùng "Và họ cứ thế làm" rất mập mờ: "họ" là
ai? Các ông trong BCT hay các cố vấn ?. Các ông trong BCT thì chắc chắn
là không. Còn các ông cố vấn có thể họ trái ý với ông Chủ tịch nước,
Chủ tịch Đảng của Việt Nam, nhưng họ không thể bắt ép ông được, họ chỉ
là cố vấn, chứ không có quyền biểu quyết, quyết định. Những cơ quan nào
đã từng làm việc với cố vấn Trung Quốc hồi đó đều biết cái nguyên tắc
đó. Cho nên có thể khẳng định rằng: Trong vụ án Nguyễn Thị Năm, đúng là
ông Hồ đã không cứu bà Năm. Cũng như sau này, trong vụ án Xét lại - chống Đảng, ông đã không cứu ông Vũ Đình Huỳnh. Dù rằng ông biết rõ về họ.
Hơn nữa, một câu hỏi hoàn toàn chính đáng được đặt ra: trong suốt ba-bốn năm đằng
đẵng
lẽ nào ông Hồ và BCT không hề hay biết gì hết đến những thảm hoạ của
người dân ở nông thôn mà họ cai trị hay sao ? Lẽ nào ông Hồ, Trường
Chinh và các ông khác trong BCT không biết rằng ở quê hương mình những
người đồng hương của họ đang khốn khổ ra sao ? Lẽ nào trong giới thân
cận của ông Hồ và các uỷ viên BCT không có một ai dám phản ánh tình
trạng bi đát của người dân cho họ biết hay sao ? Câu trả lời dứt khoát
là: các ông ấy đều có biết, nhưng các ông đều im lặng!. Im lặng đến nỗi
ông Vũ Đình Huỳnh một lần đang ốm cũng cố chống gậy lên Chủ tịch phủ
gặp ông Hồ và nói toạc vào mặt ông: "Máu đồng bào, đồng chí đã đổ
mà Bác ngồi yên được à ? Chúng ta tuy không có học, chúng ta dốt, chúng
ta phải vừa làm vừa xây dựng chính quyền, vì dốt nát chúng ta mắc mọi
sai lầm, nhưng chúng ta không có quyền để tay chúng ta nhuốm máu đồng
bào, đồng chí!" (Xem "Đêm Giữa Ban Ngày").
Hoàng
Tùng cũng đã lờ tịt cái thực tế lịch sử phũ phàng này: Trong suốt thời
gian CCRĐ, ông Hồ, với tư cách là Chủ tịch nước, chưa hề ký một lệnh ân
xá nào cho một ai bị án tử hình. Chỉ từ sau Đại hội lần thứ 20 ĐCS Liên
Xô và nhất là sau hội nghị cán bộ cao cấp và trung cấp của Đảng (từ
28.04 đến 03.05.1956), do phản ứng rất mạnh của cán bộ thì mới có lệnh
tạm thời chưa thi hành các án tử hình. Nhưng, than ôi, lúc đó thì ...
CCRĐ về cơ bản đã gần xong rồi! Lúc đó các đoàn và UBCCRĐTW đang bắt
tay làm báo cáo tổng kết để chuẩn bị cho hội nghị TW Đảng kiểm điểm
CCRĐ (tháng 09.1956).
Ngay cả việc Chỉnh đốn tổ chức trong CCRĐ, Hoàng Tùng cũng cố tình đổ lỗi cho cố vấn Trung Quốc là chính, chứ không phải lỗi của ông Hồ và ĐCSVN. Ông Tùng viết:
"Thuyết
của họ là không dựa vào tổ chức cũ mà tổ chức lại một số tổ chức của
Đảng, họ phủ nhận hết các tổ chức khác, như chính quyền, các đoàn thể.
Ai lãnh đạo cách mạng tháng tám thành công, ai lãnh đạo cuộc kháng
chiến từ năm 1945 đến năm 1953. Thế mà họ thẳng tay bỏ hết, trong đó có
mấy ngàn người bị xử tử. Mục đích của họ không phải là CCRĐ mà là đánh
vào Đảng ta. May mà dến năm 1956 ta kịp dừng lại (bao nhiêu đầu rơi, máu đổ và CCRĐ cũng đã gần xong, thế mà bảo là "kịp"! - Người viết), nếu không thì tan nát hết". Một đoạn khác: "Đánh
thuế công thương nghiệp, cải tạo tư sản cũng là do Trung Quốc đề ra.
Hậu quả là hơn một triệu người di cư vào Nam. Ta đổ tội cho Pháp, Mỹ,
điều đó chỉ đúng phần nào, còn là do ta vội, làm ẩu, đánh tràn hết.
Không phải địa chủ mà phú nông, thậm chí trung nông cũng đánh. Đảng
viên tốt cũng bị đánh. Kết quả của những chính sách, cải cách lúc đó là
như thế" (xem tờ "Diễn Đàn Forum" nói trên).
Đúng
là các cố vấn Trung Quốc chỉ biết có kinh nghiệm CCRĐ ở Hoa Nam, khi
Hồng quân tiến xuống phía Nam, hầu như không có cơ sở tổ chức của ĐCS,
nên có nhiều người không phải cộng sản cũng đã đứng ra lập tổ chức, lập
chính quyền, vì thế khi làm CCRĐ thì ĐCS Trung Quốc cố tình nhân cơ hội
ấy quét sạch các tổ chức đó đi lập những tổ chức mới của họ. Còn ở miền
Bắc Việt Nam, tình hình hoàn toàn khác hẳn. Không thể làm
rập khuôn theo kinh nghiệm Hoa Nam được. Tôi cũng chẳng thích gì các cố
vấn Trung Quốc, nhưng tôi nghĩ rằng cần phải xét vấn đề khách quan theo
đúng sự thật lịch sử, chứ không thể đổ lỗi, đổ tội tùm lum cho họ tất
cả được. Ông Hồ và BCT TW ĐLĐVN sống và làm việc ở Việt Nam, có phải là
trẻ con đâu mà bảo các ông cố vấn Trung Quốc xúi gì là làm nấy ? Chẳng
qua chỉ vì khi đã say men "lập trường giai cấp đấu tranh", say
men Marxisme-Leninisme, Stalinisme, Maoisme ... trong cuộc lên đồng tập
thể, thì chính các ông lãnh tụ cộng sản Việt Nam cũng "hăng hái" không
kém gì người ta. Tôi còn nhớ, có lần đọc bài nói chuyện của ông Hồ với
cán bộ CCRĐ đăng trên tờ nội san "Cải cách Ruộng đất" (tạp chí lưu hành trong nội bộ), trong đó ông giải thích rất mộc mạc chủ trương không được dựa vào tổ chức cũ như sau: "Tổ chức cũ là "tổ kén", các cô, các chú không được dựa vào ...".
Lại cũng cái lối dùng hình ảnh như việc uốn tre đã nói trên! Năm 1962,
khi nói chuyện về Tuyển tập Hồ Chí Minh với anh Nguyễn Kiến Giang, lúc
đó là phó giám đốc Nhà xuất bản Sự Thật, anh kể rằng: "Làm tuyển tập đó chúng tôi mệt lắm, phải rà soát lại cả, bao nhiêu bài nói của ông cụ trong CCRĐ phải loại bỏ hay thu gọn lại". Tôi hỏi anh có nhớ bài ông cụ nói "Tổ chức cũ là "tổ kén" không? Anh trả lời: "Có chứ! Bài đó phải loại bỏ. Cán bộ đảng viên nông thôn người ta đang oán giận đùng đùng, đưa vào tuyển tập thế nào được!".
Nếu ông Hồ không tán thành chủ trương của các cố vấn đối với tổ chức cũ
ở nông thôn thì có ai bắt ông phải nói thế đâu ? Tôi kể lại những
chuyện đó chỉ để đi đến kết luận này: ĐCSVN chớ nên đổ lỗi, đổ tội cho
ai cả, mà cần thấy hết cái trách nhiệm lớn lao của mình trong CCRĐ.
Chừng nào ĐCSVN chưa sám hối được về những tội ác đã gây ra, thì người
dân chớ có hy vọng là Đảng sẽ sửa đổi, sẽ đổi mới và sẽ không tái diễn
lại những tội ác trước đây.
Cũng
xin mọi người đừng quên: CCRĐ không phải là thảm hoạ đầu tiên, cũng
chẳng phải là thảm hoạ cuối cùng mà tập đoàn thống trị cộng sản Việt
Nam đã gây ra cho dân tộc ta!. Tôi không kể những thảm hoạ trước CCRĐ,
mà chỉ nói ngay liền sau CCRĐ là vụ án Nhân Văn - Giai Phẩm, vụ án Xét lại - chống Đảng, rồi Cải tạo công thương nghiệp,
đánh đổ tư sản ở miền Bắc, rồi cái nghị quyết số 49/NQ/TVQH của Thường
vụ Quốc hội do Trường Chinh ký ngày 20.06.1961, nhốt hàng chục vạn
người vô tội ở miền Bắc vào các trại tập trung khủng khiếp, rồi Tết Mậu
Thân, v.v ... và v.v ... Nếu kể hết thì ta thấy cả một chuỗi dài tội ác
khủng khiếp đã qua và đang tiếp tục mãi cho đến tận ngày nay. Cố nhiên,
ngày nay người ta dùng thủ đoạn tinh vi hơn, nhưng bản chất tội ác vẫn
thế. Tội ác mới gần đây nhất là vụ án Lê Chí Quang, xử một nhà yêu nước
chân thành, một chí sĩ đáng kính dù chỉ mới ngoài ba mươi tuổi! Cái
"tội" của anh là đã dũng cảm dấn thân vì nước, đã dám kêu gọi đám cầm
quyền hiện nay hãy cảnh giác kẻo mang tội bán nước cho Bắc triều, đã
dám đứng chân vào "Hội Nhân Dân Chống Tham Nhũng" những mong
trừ được quốc nạn cho dân tộc. Tập đoàn thống trị cộng sản Việt Nam đã
trắng trợn bày trò xử án để tống người thanh niên yêu nước vào tù,
người thanh niên đã từng tuyên bố đanh thép chí hướng của anh trong bài
tiểu luận nổi tiếng "Hãy Cảnh Giác Với Bắc Triều": "Tôi viết
bài này khi đang bị kìm kẹp trong vòng nghiệt ngã của các lực lượng bảo
thủ và tay sai cho Bắc Triều. Biết rằng, bài viết này không làm cho hào
quang lấp lánh trên đầu tôi mà trái lại, càng đẩy tôi sâu thêm vào vòng
nguy hiểm. Ngay như đối với một công thần của cách mạng, mà họ còn
ngang nhiên tuyên bố xanh rờn: "...Sẵn sàng hy sinh Hoàng Minh Chính để
bảo vệ chế độ". Huống chi tôi chỉ là con tốt đen dễ dàng bị biến thành
vật tế thần cho bàn thờ Bắc Triều. Dẫu sao trước hiểm hoạ khôn lường
của tồn vong đất nước, tôi đâu dám nề hà xả thân, bởi tôi tâm niệm câu
nói của Hàn Phi Tử: "Nước mất, mà không biết là bất tri. Biết mà không
lo liệu, là bất trung. Lo liệu, mà không liều chết là bất dũng". Chỉ
mong sao tấc lòng nhỏ mọn này, được lương tri dân tộc trong và ngoài
nước soi thấu, và hết lòng, hết sức chỉ giáo" (01.10.2001). Rất
mong rằng trong dịp nhớ lại thảm hoạ CCRĐ, "lương tri dân tộc trong và
ngoài nước", nhất là lương tri giới trẻ nhận thức rõ rằng chế độ độc
tài đảng trị mà còn thì những thảm hoạ tương tự vẫn sẽ còn tiếp tục, vì
tập đoàn thống trị cộng sản không tôn trọng con người, không tôn trọng
sinh mạng và quyền tự do của con người, không tôn trọng luật pháp mà
chỉ coi trọng quyền lực của họ là tối thượng mà thôi. Nhắc lại thảm hoạ
CCRĐ, chúng tôi rất mong mọi người, nhất là giới trẻ noi gương Lê Chí
Quang, thêm quyết tâm tranh đấu sớm xoá bỏ chế độ độc tài nhằm chuyển
hoá đất nước ta thành một xã hội dân chủ đích thực, tạo điều kiện cho
sự phát triển và phồn vinh của Tổ quốc chúng ta.
15.12.2002
Nguyễn Minh Cần
|