Thứ Ba, 2024-11-05, 8:34 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 28 » 30 Năm: Sai Sửa - Sửa Sai
9:49 PM
30 Năm: Sai Sửa - Sửa Sai
 

Ít người Việt Nam ngày nay mà không biết đến nụ cười ra nước mắt của tác giả Phan Hiền khi ông dùng một câu thách đối ngày xuân để mô tả cảnh loay hoay của những lãnh tụ cộng sản Việt Nam suốt 30 năm lãnh đạo vừa qua. Toàn cảnh ấy được gói trọn trong 3 câu ngắn ngủi:


"Sai đâu sửa đấy. Sai đấy sửa đâu? Sửa đâu sai đấy."


C hỉ cần lùi lại 30 năm. Nhìn vào những ngày đầu tiên sau biến cố 30 tháng 4, 1975, người ta đã có thể nhìn thấy cội nguồn của những tan hoang hôm nay. Vào những ngày ấy, Đảng Cộng Sản Việt Nam hạ quyết tâm tiếp tục "xông lên" và "xốc tới" trong tinh thần Phó Thác Lý Trí. Tinh thần này chính thức phát xuất từ Hồ Chí Minh với câu khẳng định trước Đảng: "Tôi có thể sai, nhưng các nhà lý luận Cộng Sản như Các Mác, Lê Nin, Xíttalin, Mao Trạch Đông thì không thể sai được." Khi tinh thần đó xuống đến hàng cán bộ CSVN cao và trung cấp, nó trở thành lời tụng niệm: "Chúng ta có thể sai, nhưng Bác Hồ thì không thể sai được." Và khi xuống đến phường xã thì nó đã trở thành qui luật có tính 'đời đời bền vững', đó là: "Chúng ta có thể sai, nhưng Đảng thì không thể nào sai được." Thế là cả đảng chỉ làm một công việc là đem toàn bộ các mô thức cộng sản sẵn có chụp xuống xã hội Việt Nam. Khúc nào dư ra thì hoặc bị ấn đạp vào cho vừa khuôn mẫu, hoặc bị cắt bỏ đi không thương tiếc. Theo họ, chỉ có một cách giải quyết toàn bộ các vấn đề của Việt Nam và thậm chí của cả thế giới.


Tinh thần thứ hai mà những người lãnh đạo đảng CSVN, trong men say chiến thắng năm 1975, đã cho đảng viên mọi cấp học tập là: "Đánh giặc Mỹ mà Đảng ta còn đánh thắng thì cải tạo xã hội Việt Nam đâu có gì là khó." Từ điểm xuất phát đó toàn Đảng xông vào cải tạo xã hội bằng tinh thần áp dụng sở trường chiến tranh. Các sĩ quan chỉ huy quân đi, các cán bộ từng nắm các mạng lưới nội thành trở thành các bí thư xã ủy, quận ủy, tỉnh ủy với uy quyền tuyệt đối. Mọi cá nhân, đoàn thể, và định chế xã hội được xem như những cây cầu, ngọn đồi, hay mảnh rung trong chiến tranh, nghĩa là nếu Đảng không chiếm hay kiểm soát được thì phải giật xập, phá nát, hay đốt sạch.


Cả hai tinh thần Phó Thác Lý Trí và Áp Dụng Sở Trường Chiến Tranh trong 30 năm qua không chỉ kéo đất nước đến bờ vực thẳm mà thực sự ngày nay, cả nước Việt Nam đang mang đầy thương tích dưới đáy vực thẳm của đói nghèo, mặc dù đã trả cái giá hy sinh của hàng chục triệu sinh mạng con người.


Trước hết, với mô hình chỉ còn giai cấp công nông trong xã hội, đi kèm với loại tâm trí chỉ có TA và THÙ từ thời chiến tranh, nhiều trăm ngàn quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa, bao gồm hầu hết mọi nhân viên điều hành guồng máy hành chính, y tế, giáo dục, xã hội cho cả miền Nam bị tập trung vào những vùng rừng sâu nước độc, bị đày ải bằng lao động khổ sai trong tình trạng đói khát bệnh tật, bị buộc đi gỡ bom mìn, v.v... để chết dần.


Cùng lúc đó, từng giai cấp trong xã hội được xếp loại cho đủ các con số chỉ tiêu và loại bỏ. Khởi đầu bằng các đợt loại trừ tư sản mại bản, rồi tiến đến các tầng lớp tiểu thương xuống đến tận những người bán hàng rong, rồi đến những người làm nghề lao động cá nhân bên ngoài các công xưởng và hợp tác xã, và sau hết là những người không còn nghề gì để làm. Những thành phần bị xem là "ác ôn" nhất trong danh sách kể trên bị lấy hết tài sản và tống vào "trại cải tạo," còn nhẹ nhất trong danh sách này cũng bị dồn vào các vùng "kinh tế mới" hoang dã.


Dĩ nhiên mọi định chế kinh tế tư nhân như hệ thống ngân hàng tư, các hãng xưởng sản xuất công nghệ lớn, các dịch vụ xuất nhập cảng, v.v... đều bị dẹp bỏ. Nhưng nhà nước vẫn chưa an tâm. Để biết chắc là đã vô sản hóa mọi giai cấp trong xã hội, đảng và nhà nước CSVN cho đổi tiền 2 đợt trong vòng 4 năm đầu sau 1975, mà thực chất là phát cho mỗi nhà một số tiền nhỏ và "giữ giùm" tất cả phần còn lại.


Thế là toàn bộ hạ tầng kinh tế, khả năng sản xuất, và các nguồn vốn tại miền Nam bị phá sạch để đồng hạng với tình trạng miền Bắc. Hậu quả lập tức là chỉ trong vòng 3 năm sau ngày "hòa bình và thống nhất" nạn đói và chết đói bắt đầu xảy ra. Tuy vậy, các lãnh tụ Hà Nội vẫn bình chân như vại vì nguồn viện trợ từ Liên Xô vẫn chảy đều để Đảng CSVN nuôi dưỡng hệ thống cán bộ và quân đội. Chính vì vậy mà trong lúc nạn đói trong dân mỗi năm thêm trầm trọng thì Đảng mở cuộc tấn công sang Campuchia năm 1979.


Cảnh đói khổ, kiệt quệ của dân chúng suốt một thập niên chẳng hề làm Đảng chuyển mình trong giấc mộng "Liên Bang Đông Dương." Chỉ khi Tổng Bí Thư Gorbachev của Liên Xô tuyên bố không còn khả năng nuôi ăn, nuôi mặc, nuôi vũ khí các đảng cộng sản đàn em nữa vào năm 1985, thì lãnh đạo Hà Nội mới bắt đầu la hoảng về cơn "Quốc Nạn" và ra lệnh cấp tốc "sửa sai."


Nhưng sửa được gì khi các lãnh đạo Đảng và toàn bộ máy chính quyền vẫn xông vào các vấn đề mới với tinh thần cũ, đó là Phó Thác Lý Trí và Áp Dụng Sở Trường Chiến Tranh. Trước hết mô thức Mở Cửa Kinh Tế - Trói Chặt Chính Trị được rước trọn vẹn từ Trung Quốc về Việt Nam và gọi đó là Kinh Tế Thị Trường Theo Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa (thay vì Kinh Tế Thị Trường theo Đặc Tính Trung Quốc). Cùng lúc đó sở trường du kích chiến được lấy ra đối phó với các nhà đầu tư mà Đảng cố mời vào. Cựu thủ tướng Singapore, Lý Quang Diệu, trong hồi ký đã ghi lại hiện tượng này trong bối rối vì không hiểu tại sao các quan chức CSVN lại phục kích các nhà đầu tư chẳng khác nào như đang rình bắn lính Mỹ. Kết quả là nền kinh tế Việt Nam bị chiếm ngự đến tận ngõ ngách bởi hàng hóa Trung Quốc, bởi các công ty Trung Quốc, và thậm chí bởi cả rau trái từ Trung Quốc đưa vào. Các nhà đầu tư không có gốc Trung Quốc phần lớn rút về sau khi mất sạch vốn liếng vào đầu thập niên 90. Còn lại trên đất nước Việt Nam là một nền kinh tế tư bản hoang dã phục vụ gần như độc quyền cho giai cấp tư bản đỏ bao gồm các đảng viên cộng sản trung và cao cấp đang nắm quyền cùng với gia đình họ.


Với sự xụp đổ của Liên Xô và toàn khối Cộng Sản Đông Âu vào đầu thập niên 90, các lãnh đạo Hà Nội lại một lần nữa la hoảng về nguy cơ "Diễn Tiến Hòa Bình" và ra lệnh cấp tốc "sửa sai." Cách sửa sai lần này vẫn chỉ là quy kết các biến cố này lên những kẻ thù đế quốc cho phù hợp với tinh thần Áp Dụng Sở Trường Chiến Tranh và cố sức bám vào Bắc Kinh chặt hơn nữa dù biết rằng quyền lợi đất nước Việt Nam sẽ bị xâm phạm càng ngày càng trầm trọng hơn. Đến cuối thập niên 90 thì tổng cộng 3 đời tổng bí thư và toàn bộ Chính Trị Bộ đảng CSVN quyết định cùng cắt đất, cắt biển, và quyền đánh cá của Việt Nam dâng cho Trung Quốc để mong được tiếp tục duy trì chỗ dựa chính trị và được ban cho các mô thức phát triển kế tiếp.


Hiển nhiên, không có một chính phủ nào hoàn hảo trọn vẹn trên trái đất này. Nhưng điểm khác biệt giữa các chế độ tiến bộ và thụt hậu là khả năng sửa đổi khi có sai trật hay yếu kém. Tại Việt Nam, hệ thống cầm quyền độc tài hiện tại không có khả năng giải quyết các sai trật mà chỉ đi từ sai lầm này sang sai trái khác, bởi vì:


- Đảng cầm quyền từ những ngày đầu vẫn xem dân chúng là đối tượng phải kiểm soát và là công cụ để thực hiện các ý định của Đảng, chứ không phải ngược lại. Do đó Đảng không thể dựa vào dân tộc để kiếm giải pháp, và lại càng không muốn hỏi dân tộc thích đi con đường nào. Làm như vậy sẽ chỉ giảm uy tín và làm sứt mẻ quyền kiểm soát của Đảng. Và cũng chính trên căn bản tư tưởng đó mà Đảng chỉ thấy sự nguy hiểm và nhu cầu cần phải bịt miệng, trừng phạt ngay những ai dám chỉ ra các sai trật của Đảng. Hiện tượng này đến nay vẫn thế và khó có thể thay đổi trong tương lai.


- Các sai trái trong chính sách Nhà Nước cứ tiếp tục gia tăng mức độ ung thối và phá nát xã hội cũng như đất nước ngày nào chúng chưa đe dọa lên chính sự tồn vong của Đảng. Ngược lại, chính một số lớn các tệ nạn hiện nay đang nuôi sống và cung cấp đặc quyền đặc lợi cho bộ máy cán bộ vốn rất cần thiết để duy trì và bảo vệ Đảng. Hiển nhiên trong quan hệ đó Đảng không thể tự cắt bỏ chân tay, và lại càng bất lực khi căn bệnh đã lên đến thượng tầng óc não. Ngay cả khi Đảng phải chấp nhận sửa sai để thoát hiểm thì mục tiêu vẫn chỉ nhằm để cứu Đảng chứ không phải để cứu nước. Do đó các biện pháp sửa sai cũng chỉ làm vừa đủ để qua cơn khó khăn rồi thôi. Căn nguyên của các bệnh tật vẫn còn nguyên vẹn.


- Và sau hết, mỗi lần Đảng nhận mình sai lầm khi tình trạng đã quá bết bát, điều quái dị là Đảng lại kết luận luôn giùm dân chúng rằng toàn dân vô cùng biết ơn lòng yêu nước, tinh thần tiến bộ "tự phê," và nhất là sự sáng suốt của Đảng. Vì vậy, thay vì xin lỗi và từ chức như các chính phủ biết tự trọng tại các nước văn minh, thì các lãnh tụ đảng CSVN lại dùng chính các tuyên bố công nhận một vài sai lầm đó để biện minh cho sự xứng đáng tiếp tục cai trị độc quyền của mình.
Để đưa dân tộc Việt Nam ra khỏi cái vòng lẩn quẩn "Sai đâu sửa đấy. Sai đấy sửa đâu? Sửa đâu sai đấy." chỉ có giải phát duy nhất là thay đổi toàn bộ cơ chế cai trị ung thối hiện tại. Đất nước Việt Nam cần một thể chế dân chủ thực sự để trả lại quyền làm chủ, bao gồm cả quyền sửa sai chính phủ, cho nhân dân.


Vũ Thạch

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 838 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 107
Khách: 107
Thành Viên: 0