§ Alfonso Hoàng Gia Bảo Chiều tối nay 28/10, trên BBC Việt ngữ có bản tin “Kết thúc điều tra giáo dân Thái Hà”,
với nội dung là về bản cáo trạng luận tội 8 giáo dân Thái Hà liên quan
đến vụ đập đổ bức tường. Bản tin còn có đăng kèm tấm hình Đức Mẹ Hằng
Cứu Giúp quen thuộc, trên tay Mẹ là Chúa Giêsu. Bức ảnh này đã được
giáo dân treo trên một cành cây trong khu đất tranh chấp từ khi bùng nổ
vụ việc.
Cáo trạng nhà nước thì bảo truy tố giáo dân, nhưng nhìn vào tấm ảnh
trên, sau lưng lại là cảnh hoang tàn đổ nát, tôi chợt nghĩ, chính quyền
Hà Nội sắp sửa truy tố Chúa và Đức Mẹ ra tòa mới đúng hơn.
"Bởi nếu không vì "cái tội" tin vào Chúa và Đức Mẹ quá mạnh mẽ, chắc
chắn tám giáo dân hiền lành của giáo xứ này đã chẳng có lý do gì để
phải ra hầu tòa nay mai."
Tuyên án “Thái Hà”, những điều đáng suy gẫm…
Cái giá mà đức TGM Ngô quang Kiệt, các tu sĩ, giáo dân Hà Nội phải
trả cho những bắt bớ giam cầm, vu oan, hăm dọa của chính quyền, mai này
có được bao nhiêu, ý nghĩa nhiều hay ít, hoặc thậm chí là vô nghĩa,
điều đó là tùy thuộc vào chính mỗi người trong chúng ta, những ai khát
khao đi tìm sự thật và công lý, còn tiếp tục dấn thân hay lùi bước?
Dẫu sao, giáo phận Hà Nội ít nhất đã làm được mấy việc:
- Nếu không có những “khổ giá” mà tu sĩ, giáo dân
giáo phận này phải gánh chịu, việc mua bán sang nhượng bất hợp pháp hai
mảnh đất của giáo hội tại xứ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ ắt đã êm xuôi trót
lọt, xã hội chồng chất thêm những bất công, giả dối mới.
- Nhờ có sự kiện Thái Hà-TKS, rất có thể nhiều họ
đạo, dòng tu khác khắp cả nước đã sực nhớ lại những tài sản của mình,
cũng đã có lúc được nhà nước chiếu cố “tạm mượn” nhân danh việc công
này lợi chung nọ. Ánh sáng từ vài trăm ngọn nến ban đầu được thắp lên ở
xứ Thái Hà-TKS, đã cũng đã có dịp lan tỏa đến rất nhiều nhà thờ họ đạo
trong những ngày qua và hy vọng rồi đây sẽ còn có thêm nhiều ngàn, vạn
ngọn nến khác được thắp lên để rọi vào những giai đoạn giáo hội bị chìm
trong tăm tối trước kia.
- Cuối cùng, sự kiện Thái Hà-TKS là lời kêu gọi mọi
người hãy quan tâm, để ý đến đất nước mình nhiều hơn. Một đất nước mà
những quyền căn bản lẽ ra mọi người VN đều được hưởng, đã bị chính
quyền lấy mất. Vì chưa hay biết, hàng triệu người dân trong nước vẫn
lầm lũi sống, theo cách nói của tôn giáo, đó là cảnh đời người chìm đắm
trong bể khổ trầm luân. Chỉ nhờ những biến cố như Thái Hà và Tòa Khâm
Sứ, nhiều người mới có dịp ngộ ra vài sự thật và hình hài cuộc sống
quanh mình tốt xấu ra sao.
Mọi chính đảng, kể cả Dân chủ hay Công hòa của Mỹ, sẽ không bỏ lỡ cơ
hội trở thành độc tài nếu họ phát hiện ra người dân quá thờ ơ về quyền
lợi chính trị của chính mình.
Tội danh “phá hoại của công”, vì sao thay đổi?
Nguyên nhân rất có thể có dính dáng đến một “khúc quanh” quan trọng
đã diễn ra khi mà những bình luận về tính hợp pháp của mớ giấy tờ liên
quan đến mảnh đất 178 Nguyễn Lương Bằng, do Tp.Hà Nội trưng ra lên đến
cao điểm hôm giữa tháng 9, với sự góp tiếng của cả một vài luật sư
trong nước.
Cụ thể mớ giấy tờ trên đã bị nhiều người phát hiện ra những dấu hiệu
ngụy tạo nhằm đối phó dư luận, tức giấy tờ giả. Có người còn tinh ý
phát hiện ra phần mềm Microsoft Word của hãng MicroSoft đã từng có ở Hà
Nội từ những năm 60 trước cả nước Mỹ, qua kiểu dáng “phông” chữ máy
tính thể hiện trên một trong số những tờ giấy quan trọng của họ.
Nhưng ngay hôm sau mọi bàn luận đã bị bỏ lửng bởi những tiếng gầm rú
và đập phá trong sân Tòa Khâm Sứ của các phương tiện cơ giới đủ loại từ
sáng sớm ngày 19/9.
Có một câu hỏi xin được nêu lên, vì sao Tp. Hà Nội phải gấp rút “bẻ cua” dư luận?
Nhớ lại vào ngày 28/8/08, khi hay tin quận Đống Đa bắt bớ một số
giáo dân để khởi tố họ vi phạm tội “phá hoại của công” về tội đập phá
bức tường của xí nghiệp Dệt hôm 15/8/08, tôi đã chúc mừng giáo xứ Thái
Hà trong một bài viết. Lý do là để việc buộc tội giáo dân nghe sao cho
“tâm phục khẩu phục” không còn cách nào khác, chính quyền phải chứng
minh cho được C.Ty May Chiến Thắng đang là chủ hợp pháp mảnh đất.
Muốn vậy, ít nhiều gì tòa án cũng sẽ phải đụng đến cái mớ ‘giấy lộn’
cái nọ đá cái kia mà Tp. Hà Nội vừa mới ‘nhá’ ra cho các cha Thái Hà
xem, trong khi những giấy tờ thật có từ thời Pháp mà các cha DCCT đang
giữ mặt mũi chúng ra sao, đối với chính quyền cho đến nay, vẫn còn là
một dấu hỏi lớn.
Vụ án xử Cha Lý ở Huế còn ít người biết vả lại cũng không có mục
tranh cãi về giấy tờ “ly kỳ” như ở Thái Hà lần này do vậy tình hình sẽ
khác đi rất nhiều. Qua đồng hồ counter đếm số người truy cập theo dõi
vụ việc trên các website VietCatholic, Chuacuuthe.com hàng trăm ngàn
lượt mỗi ngày, nhà nước VN thừa hiểu sẽ có hàng triệu cặp mắt tập trung
xăm soi vào vụ xử, và cả đống thủ tục giấy tờ giả mạo của mình nếu có
một tòa án như vậy xảy ra.
Ngoài ra cũng không thể loại trừ luôn cả việc gây nên những tranh
cãi về nghị quyết NQ23/QH/2003 bị nhiều luật sư cho là “bất hợp pháp”
nhưng nhà nước vẫn dùng làm căn cứ để tuyên bố “không có cơ sở xem xét
mọi khiếu kiện về đất đai trước ngày 1/7/1991” là vấn đề hết sức ‘nhạy
cảm’ trong hoàn cảnh khiếu kiện tràn lan như hiện nay.
Có vẻ như sau khi giới lãnh đạo CSVN nhận ra ông Chủ tịch Ng Thế
Thảo của Tp. Hà Nội đang làm một hết sức phiêu lưu với mớ giấy lộn kia.
Sẽ rất ‘không ổn’ nếu cứ tiếp tục tạo cớ cho dư luận xoáy sâu vào giấy
tờ thủ tục, vốn luôn là yếu huyệt đối với một chế độ mà ngay cả sự tồn
tại của họ cũng không có được nhờ chứng nhận bầu cử tự do đàng hoàng.
Càng để chuyện bàn tán này diễn ra lâu và nhiều chừng nào, càng có
nguy cơ những việc làm không hay ho như với Cha Bích ở Thái Hà lượt
phải ‘phơi mình’ lâu trước công luận thêm chừng nấy. Và với phương tiện
tìm kiếm thông tin hết sức hiệu quả như hiện nay, chính quyền nào từng
có những việc làm khuất trong quá khứ như vậy làm sao tránh khỏi “có
tật giật mình” chẳng cảm thấy lo lắng?
Vì lẽ đó những việc xăm soi này cần phải nhanh chóng chấm dứt và nó
đã chấm dứt thật kể từ ngày 19/9. Thay cho mớ giấy lộn kia, trong đầu
mọi người kể từ lúc đó là những hình ảnh đau lòng về cảnh Tòa Khâm Sứ
đang bị xày xới tung lên, bị đập phá !
Trên đây chỉ là những suy đoán dựa vào diễn tiến vụ việc, nhưng tỏ
ra có logic sau khi công an đã thay đổi tội danh cho các giáo dân Thái
Hà can dự vào chuyện đập phá bức tường hôm 15/8, từ "Tội hủy hoại hoặc
cố ý làm hư hỏng tài sản" theo điều 143 xuống chỉ còn "Tội gây rối trật tự công cộng" theo điều 245.
Điều này có nghĩa, vụ xử cũng sẽ chẳng cho ai bất kỳ cơ hội đả động
đến mớ giấy lộn kia nữa. Lý do đơn giản đó có thể là một sự né tránh,
“tốt khoe xấu che” có ai muốn đem những vết sẹo trên người mình ra khoe
trước thế gian?
Nguyện xin Chúa và Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp che chở những người tám
người con xứ Thái Hà và xin được chia sẻ những nỗi âu lo cùng các giáo
dân anh dũng của giáo phận Hà Nội.
Sàigòn, 28/10/2008
Alfonso Hoàng Gia Bảo
|