Những người không bao giờ chết
.
October 28, 2008
.
BBCVietnamese ngày 27/10/2008
cho hay: “ông Lý Tiến Dũng, Tổng biên tập và Đăng Ngọc, Phó Tổng biên
tập đã nhận quyết định kỷ luật chính thức”, chuyển sang làm nhiệm vụ
khác vì “vi phạm Luật Báo chí”.
Theo
BBC, nguyên nhân của việc mất chức này là do tháng 11 năm ngoái, Đại
Đoàn Kết cho đăng lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp phản đối chủ
trương dỡ bỏ Hội trường Ba Đình, xây dựng toà nhà Quốc hội mới trên khu
di tích Hoàng thành Thăng Long.
Lời
giới thiệu của tòa soạn khi ấy viết rằng lá thư của tướng Giáp bị các
báo từ chối, nhưng Đại Đoàn Kết quyết định công bố để “giải toả những
bức bối từ các vị cán bộ lão thành và nhiều bạn đọc có quan tâm”.
Trên
mạng cũng lan truyền một bức thư, được cho là của ông Lý Tiến Dũng viết
gởi ông Trương Tấn Sang- Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư;
ông Tô Huy Rứa- Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung
ương; bà Hà Thị Khiết- Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung
ương; ông Phạm Thế Duyệt, Bí thư Đảng Đoàn Mặt
Trận Tổ quốc Việt Nam. Nội dung thư tố cáo ông Hồng Vinh - Phó Ban
Tuyên giáo Trung ương là “ngây ngô về chính trị”, “hách dịch chụp mũ”,
“thiếu minh bạch”, “đào bới xoi mói lý lịch”, “vô nguyên tắc và trịch
thượng”, v.v… và v.v… đại loại rất nhiều điều tệ hại khác chỉ có ở tính
cách của những kẻ lưu manh đầu đường xó chợ chớ không thể có ở người
trí thức chân chính (Xem toàn văn bức thư ở đây).
Ông Đinh Đức Lập, Ủy viên Trung ương MTTQVN, người được cho là sẽ thấy thế vị trí của ông Lý Tiến Dũng, nói rằng “thời gian qua, Đại Đoàn Kết không hay bằng trước, trong khoảng sáu năm trở lại đây. Tờ báo cần phải hay hơn, mạnh mẽ hơn nữa”. Chả biết cái “hay” và “mạnh” của ông Lập được dựa trên cơ sở, tiêu chí nào?
Như
thế nào là một tờ báo hay? Thật khó có câu trả lời cụ thể, chính xác vì
mỗi một tầng lớp, mỗi một loại độc giả, mỗi một lứa tuổi… đều cho nhu
cầu về báo chí riêng của mình. Nếu có người thích tìm hiểu các vấn đề
chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế, pháp luật… thì cũng có
người thích đọc các tờ báo chuyên về làm đẹp, tìm hiểu về ngóc ngách
kẹt hốc đời tư người nổi tiếng. Người thích lá diêu bông nhưng cũng có
người thích lá cải, lá nho, lá thúng (để “úp voi”), lá mùng tuyn (để
“che mắt thánh”), v.v...
Tuy nhiên, dù là để
đáp ứng cho tầng lớp độc giả nào đi nữa thì tờ báo phải được đại đa số
quần chúng tầng lớp đó ủng hộ, đáp ứng được nhu cầu, nói lên được được
quyền và lợi ích chính đáng của bạn đọc, là tiếng nói của bạn đọc, bộ
máy Tòa soạn sống dư dả bằng lợi nhuận từ tiền bán báo chớ không phải
bấu vào bầu sữa ngân sách quốc gia vốn dĩ luôn khô héo.
Trước
đây tờ Tuổi Trẻ (không phải là báo của cấp Trung ương) được bạn đọc
đánh giá là tờ báo chính trị xã hội mạnh nhất nước, có nhiều bài viết
hay nhất, lực lượng phóng viên, cộng tác viên đông đảo nhất, số lượng
phát hành nhiều nhất, cơ sở vật chất hoành tráng nhất, trả tiền nhuận
bút cao nhất, có số hợp đồng quảng cáo nhiều nhất (ai muốn quảng cáo
trên Tuổi Trẻ phải xếp hàng ký hợp đồng trước cả tháng chớ Tuổi Trẻ
không đích thân mời ai quảng cáo trên báo mình).
Còn
hiện nay thì sao? Cách đây một tháng tôi có mua báo giấy Tuổi Trẻ. Cầm
tờ báo trên tay mà ngạc nhiên làm sao khi thấy nó nhẹ bỗng. 36 trang
quảng cáo nặng chĩu, màu sắc tươi sáng “đính kèm” thường ngày biến đâu
mất, thay vào đó là 4 trang quảng cáo chữ nhỏ xíu li ti, màu sắc ảm
đạm. Xem lại Tuổi Trẻ Online thì đầy những khoảng trống đề chữ “Dành
cho quảng cáo. ĐT…”. Không kiểm tra, không có số liệu báo cáo chinh xác
nhưng nhìn vào hiện tượng thì ai cũng biết rằng Tuổi Trẻ đang bị giảm
lượng phát hành và mất hợp đồng quảng cáo, nguyên nhân vì sao thì
“không nói ra nhưng ai cũng biết”.
Ngược
lại, có những tờ báo năm nào cũng thấy đăng tin được “kính thưa các
loại danh hiệu, giải thưởng, bằng khen, giấy khen” của cấp trên nhưng
tờ báo không hề thấy xuất hiện ở các sạp báo và chẳng có mấy người dân
được biết rằng có tờ báo ấy hiện diện trên đời. Những tờ báo này nếu có
bán thì cũng bán bằng quyền lực, tức “ép mua” bằng mệnh lệnh hành chính
và nơi mua cũng mua bằng tiền ngân sách, mà không biết người mua có đọc
hay không.
Ai
cũng biết rằng những tờ báo không bán được cho dân này hàng năm phải
tốn rất nhiều kinh phí để nuôi bộ máy của nó, tốn rất nhiều kinh phí để
nó “sản xuất” ra hàng đống “giấy có in chữ” để sau đó cân ký lô cho
hàng đồng nát. Báo chí mà không đến được với quần chứng, không được
quần chúng chấp nhận, không tự tồn tại được, sống vất vưởng bám vào
ngân sách như một thứ ký sinh trùng thì chỉ có thể để cho người “nuôi”
nó lấy nó mà “tự sướng” với nhau, mà chưa có người dân nào mở miệng
khen nó “hay”, “mạnh” cả. Và chính những cái gọi là “tờ báo” này đang
“góp phần chủ động tích cực” làm nghèo đất nước.
Xem
ra cái khoản báo chí thế nào để được gọi là “hay”, thế nào mới là
“mạnh” phải được đánh giá bởi công chúng - những người bỏ đồng tiền mồ
hôi nước mắt của mình ra mua báo, chớ không phải bởi Ban Tuyên giáo hay
của những người như ông Đinh Đức Lập.
Thời
buổi toàn cầu hóa mọi mặt này mà suốt ngày cứ nghĩ đến chuyện bịt mắt,
bịt mồm người khác thì quả là chuyện nực cười nhất trên đời. Trình độ
tin học “mẫu giáo” A Bờ Cờ như tôi mà cũng có thể đọc, xem được tất tần
tật các trang bị coi là “đen” lẫn không “đen” ở nước ngoài thì những
người giỏi IT họ còn có thể “mò” đến tận đẩu tận đâu chỉ có Trời mới
biết.
Tôi
cũng muốn nói riêng với bác Giáp là bác cứ việc lập một cái bờ-nốc rồi
đăng ý kiến của mình lên, cần quái gì phải phụ thuộc thằng báo nào cho
mệt xác!
.
Tạ Phong Tần