Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA
2008-10-29
Nghị quyết về quan hệ giữa Liên Hiệp
Châu Âu (EU) và Việt Nam vừa được Quốc Hội Châu Âu thông qua hôm 22 tháng 10 vừa
qua kêu gọi Ủy Ban Châu Âu và Hội Đồng Châu Âu đòi hỏi nhà nước Việt Nam phải
thực hiện ngay những điều đã thỏa thuận, cho phép người dân được hưởng những
quyền tự do căn bản và tối thiểu, truớc khi ký kết những hiệp ước hợp tác mới.
RFA PHOTO
Nghị quyết của
Nghị viện Châu Âu về các mối quan hệ hợp tác với Việt Nam.
Đối với Hà Nội, nghị quyết đó không
phản ánh đúng tình hình Việt Nam. Nhưng về phía những người hoạt động trong lãnh
vực nhân quyền cho Việt Nam thì lại có phản ứng ngược lại.
Mời quý vị nghe Đỗ Hiếu tóm lược
thêm chi tiết.
Việt Nam phản đối Nghị Quyết
“Nghị Viện Châu Âu (Quốc Hội Châu
Âu) đã thông qua nghị quyết không phản ánh đúng tình hình Việt Nam”, ông Lê
Dũng, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam tuyên bố như vậy trong cuộc họp báo
tại Hà Nội mới đây.
Ông Lê Dũng cho biết, hiện nay Việt
Nam và EU đang muốn thúc đẩy thế hợp tác về nhiều mặt nhằm củng cố quan hệ đôi
bên trong thời đại mới.
Vẫn theo ông Dũng, nghị quyết đó làm
ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên Minh
Châu Âu (EU).
Ông tuyên bố rằng hai bên cần đối
thoại, trao đổi hầu giải quyết những khác biệt, tạo sự hiểu biết lẫn nhau.
Từ nhận xét của người phát ngôn Bộ
Ngoại Giao Việt Nam, Ban Việt Ngữ - Đài Á Châu Tự Do chúng tôi hỏi ý kiến từ RSF
tại Paris tức Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới, cùng một số người Việt định cư
tại Châu Âu và ghi lại một số phát biểu như sau.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên
Ban Việt Ngữ chúng tôi, ông Vincent Brossel, Giám Đốc Điều Hành RSF đặc trách
Châu Á, nhấn mạnh rằng nghị quyết của Quốc Hội Châu Âu được thông qua với tỷ số
gần như tuyệt đối. Điều đó cho thấy tình hình vi phạm dân chủ - nhân quyền tại
Việt Nam là chuyện hoàn toàn có thật, vì thế Hà Nội nên nhận thức được khuyết
điểm của mình.
Phản ứng của người Việt ở Châu Âu
Ông Hoàng Tôn Long, định cư tại
Frankfurt (Đức Quốc) cùng với các đồng hương từ nhiều quốc gia Châu Âu khác,
đứng chờ bên ngoài trụ sở Quốc Hội Châu Âu ở Strasburg, cho biết trước những phê
phán của công luận thế giới thì Hà Nội thường lên tiếng bác bỏ, vì họ ngại phơi
bày tất cả sự thật về tình hình Việt Nam:
Ông Hoàng Tôn Long:
“Nhà nước CSVN hiện thời thì họ luôn luôn đưa ra những luận điệu mơ hồ để mà
không thông báo chính xác những tin tức đưa về cho dân chúng ở Việt Nam biết
được. Đó là cái tật cố hữu của CSVN từ trước đến nay. Thành ra khi mà Lê Dũng có
phát ngôn như vậy thì chúng tôi cũng không có lạ gì, tại vì cái nghị quyết mới
của Châu Âu đây đúng ra là vào ngày Thứ Năm họ sẽ họp nhưng vì không biết lý do
gì mà ngày Thứ Tư thì họ đã họp và quyết định, mặc dù chúng tôi cũng đã chuẩn bị
một cuộc biểu tình để đòi hỏi nhân quyền cho Việt Nam trước Quốc Hội Châu Âu.”
Từ Vương Quốc Bỉ, bà Tuyết Nga, là
người theo dõi thường xuyên tin tức trên báo chí quốc tế và Việt Nam, thuật lại
là dường như Hà Nội ít khi nào lắng nghe phê phán của công luận.
Trước khi thông qua nghị quyết, các
dân biểu Châu Âu nhất định có chứng cứ chính xác, còn khi bác bỏ văn bản đó thì
Việt Nam chỉ biện minh một cách mơ hồ:
Bà Tuyết Nga: “Theo
tôi nghĩ, từ hồi đó tới giờ chính quyền Hà Nội có thành tích là chuyên môn nói
ngoài sự thật, không bao giờ nhìn nhận bất cứ một chuyện gì bất lợi cho họ dù nó
xảy ra trước mắt, thành thử ra khi họ bác bỏ như vậy là bản chất của họ đã phơi
bày vì thực tế là hoàn toàn 180 độ ngược lại với lời tuyên bố của họ. Mấy trăm
người đã có một tiếng nói thì dĩ nhiên là họ có căn cứ trên một thực tế rõ ràng
nào đó.
Chính quyền Hà Nội khi bác bỏ như
vậy thì lại không đưa ra một sự kiện nào để chứng minh sự bác bỏ của họ là có
một căn cứ nào đó, có một cái cơ nguyên nào đó. Đối với dân Việt Nam ở hải ngoại
cũng như ở quốc nội thì rõ ràng là Hà Nội đã nói ngược lại với sự thât vì sự
thật là rõ ràng như vậy mà họ nói không biết ngượng mồm, không biết mắc cở,
không biết xấu hỗ.”
Ông Tâm Nghĩa, định cư tại Pháp tán
thành nội dung được đề cập tới trong Nghị Quyết của Quốc Hội Châu Âu, mà ông tin
rằng là những yêu cầu hợp lý. Theo ông, muốn nhìn rõ thực trạng xã hội Việt Nam
thì hãy tìm đến những khu vực xa xôi, hẻo lánh:
Ông Tâm Nghĩa:
“Theo tôi thấy thì Nghị Viện Châu Âu ký như vậy là quá đúng và tôi cũng yêu cầu
tất cả những ai về Việt Nam hãy nhìn rõ sự thật của đất nước hiện tại và Nghị
Viện Châu Âu mỗi lần giúp đỡ cho Việt Nam là ký một cái gì đúng đắn, nói về nhân
quyền thì điều đó thật là quan trọng.
Một lần nữa tôi rất là đồng ý về
nghị quyết của Nghị Viện Châu Âu để ràng buộc Hà Nội trên chuyện đó và nếu Hà
Nội đã công khai đả kích chuyện đó thì tôi thấy là họ sợ cái chuyện đó cho nên
tôi yêu cầu những người nào về Việt Nam hãy quan sát rõ ràng tình hình Việt Nam
và đi sâu vào những vùng xa vùng sâu để thấy rõ chuyện đó chớ nếu không là bị
đưa vào mê hồn trận như thường.”
Được biết nghị quyết của quốc hội
Châu Âu, cũng yêu cầu Hà Nội trả tự do vô điều kiện cho những tù nhân bị giam
cầm vì đã bày tỏ ý kiến chính trị và tôn giáo một cách ôn hòa, đồng thời lên án
việc giam giữ dân oan khiếu kiện nhà đất, giới lãnh đạo công đoàn, cũng như việc
kết án những ký giả có bài viết chống tham nhũng.
|