Mối quan hệ chính trị giữa hai ông ủy viên Trung ương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên
Môi trường và Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai, đã được sử dụng để khai thông cho một thủ
tục mà lẽ ra nó có thể “vận hành” giữa các cơ quan hành chánh. Đề nghị “đình chỉ
hoạt động” nhà máy bột ngọt Vedan của Bộ Tài nguyên Môi trường đã “bị” UBND tỉnh
Đồng Nai “trì hoãn” 3 tuần. Sau những nỗ lực không thành giữa Bộ và UBND cấp
tỉnh, sáng 23-10, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã phải gọi điện thoại cho Bí thư
tỉnh ủy Đồng Nai. Cuộc điện đàm khiến cho ông Nguyên tin rằng: “Nhất quyết (việc
đình chỉ Vedan) phải được thực hiện”.
Giữa lúc, bảo vệ môi trường đang được chú ý hàng đầu, ý chí chính trị của ông
Phạm Khôi Nguyên (đóng cửa Vedan) rõ ràng là đang được hoan nghênh. Nhưng, về
mặt thủ tục, tỉnh Đồng Nai cũng có nhiều lý lẽ. Nhất là trong điều kiện mà pháp
luật có những quy định thiếu rõ ràng như trong lĩnh vực này. Cho dù ai đúng ai
sai, một quyết định mà tính pháp lý đã bị nghi ngờ bởi ngay chính cơ quan ban
hành thì dẫu có ra đời, uy lực của nó chắc chắn sẽ có nhiều thách thức.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn sự việc trên nhiều khía cạnh. Vedan, một nhà máy gây ô
nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai suốt hơn 10 năm, thế nhưng, chính
quyền địa phương đã không hề phát hiện. Khi Thanh Tra của Bộ vào cuộc và phanh
phui những hành vi gian dối của doanh nghiệp, lẽ ra Đồng Nai có thể ứng xử như
Phú Thọ hoặc Thái Bình, ra lệnh đình chỉ hoạt động của Vedan ngay để ngăn chặn
hậu quả. Việc làm này là cần thiết vì trên thực tế, mấy ngày sau khi bị phát
hiện, Vedan vẫn xả nước thải không qua xử lý gây ô nhiễm ra sông. “Đình chỉ”
ngay sau khi phát hiện vi phạm có thể coi là một biện pháp nhằm hạn chế hậu quả,
chứ không phải là một “hình thức xử phạt”.
Khi đã có quyết định xử phạt của Thanh tra Bộ, đặc biệt là quyết định “rút giấy
phép xả nước thải vào nguồn nước”, nếu UBND tỉnh Đồng Nai nghiêm khắc với Vedan,
nhà máy này đã không thể nào hoạt động. Vì, như phân tích của Bộ trưởng Tư pháp
Hà Hùng Cường, “bản chất hoạt động của Vedan là dùng nước và xả nước”; không cho
xả nước thì cũng coi như đã khiến cho Vedan đóng cửa.
Thật khó để nghĩ, nên liên hệ thái độ cứng rắn hiện nay của Đồng Nai với sự bất
lực, không phát hiện ra những vi phạm kéo dài suốt 10 năm qua của Vedan; hay nên
liên hệ với khoản phạt tiền mà Bộ Tài nguyên Môi trường kiến nghị. Theo quyết
định của Bộ, Vedan phải truy nộp một khoản phí bảo vệ môi trường lên đến 127 tỷ
đồng. Cho dù nhiều ý kiến nói rằng mức truy thu này vẫn chưa thấm gì so với lợi
nhuận mà Vedan thu về do không xử lý nước thải trước khi đổ ra môi trường thì
con số này cũng là một khoản tiền lớn hơn mức phạt lâu nay áp dụng. Thế nhưng,
Bộ lại đề nghị mang 127 tỷ đồng này về Quỹ Bảo vệ Môi trường VN. Thay vì chuyển
vào ngân sách như một “phần thu trên địa bàn” và dù có chi cho mục đích gì thì
cũng phải tuân theo Luật Ngân sách.
Cho dù nội vụ được phát hiện bởi Thanh tra ngành, nếu như Bộ Tài nguyên Môi
trường hiểu pháp luật theo hướng “quyết định tạm đình chỉ Vedan chỉ thuộc thẩm
quyền cấp tỉnh”, Bộ hoàn toàn có thể bàn giao cho tỉnh hồ sơ sai phạm của Vedan
và ủy quyền cho tỉnh ra quyết định theo hướng dẫn của mình. Bởi mục tiêu cuối
cùng là bảo vệ môi trường, vấn đề là Vedan bị xử lý chứ không phải ai ra quyết
định. Khi đã lỡ để cho Thanh Tra ngành ra các quyết định xử phạt, trong đó chủ
yếu là xử các hình phạt về tiền, Bộ vẫn có thể tiếp tục làm việc với tỉnh để
cùng nhau ban hành những biện pháp tiếp theo sao cho việc xử lý có thể đi tới
nơi tới chốn. Ý kiến của Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cũng nên được lưu ý
trong trường hợp này: các hoạt động không liên quan đến xả nước thải gây ô nhiễm
của Vedan thì cũng không nhất thiết phải dùng biện pháp đó (đình chỉ).
Cuộc “tranh cãi” về thẩm quyền ra quyết định giữa UBND tỉnh Đồng Nai và Bộ Tài
nguyên Môi trường, cho dù, có ảnh hưởng ít nhiều về mặt hình ảnh của các các cơ
quan công quyền, thì về sâu xa, bộc lộ những điểm tồn tại đó là vô cùng cần
thiết. Chỉ trong một sự kiện liên quan đến môi trường, các cơ quan hành chính đã
có thể viện dẫn nhiều điều luật khác nhau để giải thích. Có những điều luật
“không rõ ràng” như nhận xét của chính Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường; có
trường hợp có thể điều chỉnh một hành vi theo những hướng khác nhau nếu áp dụng
các điều luật khác nhau. Tồn tại đó phải được bắt đầu lại từ quy trình làm luật.
Lẽ ra trước khi soạn thảo (ví dụ) Luật Bảo vệ Môi trường, trước những vấn đề có
liên tới nhiều điều luật khác nhau như “thẩm quyền” của các cơ quan, các nhà
soạn thảo luật phải rà soát, đối chiếu lại các điều luật liên quan trong các
luật như: Luật Tổ chức UBND, HĐND; Pháp lệnh Xử phạt các vi phạm hành chánh…
Điều gì đã được điều chỉnh trong một đạo luật đã ban hành, đạo luật theo sau
hoàn toàn có thể viện dẫn và áp dụng, không nhất thiết phải “viết lại” dẫn đến
những “vênh váo” như trường hợp vừa nêu.
Các bộ, với chức năng hành pháp chính trị, cơ quan ban hành chính sách, ban hành
các chuẩn mực hành chánh, qua vụ Vedan, cho thấy là không nên gánh thêm quyền
“xử phạt” của các cơ quan hành chánh công quyền. Để các chuẩn mực về môi trường
do Bộ ban hành là khách quan, Thanh tra Môi trường nên trở thành một Cục trong
Thanh tra Chính phủ. Quyết định xử phạt Vedan có thể đã không làm cho địa phương
“tâm phục khẩu phục” hoàn toàn vì Bộ vừa có chức năng xử phạt (Thanh tra Môi
trường) lại vừa có thẩm quyền đề nghị “chính sách”, chuyển số tiền phạt ấy về
cho một cơ quan của Bộ (Quỹ Bảo vệ môi trường).
Huy Đức
|