Thứ Ba, 2024-11-05, 8:55 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 30 » Việt Nam phải chuẩn bị phương án chống thiểu phát
4:25 PM
Việt Nam phải chuẩn bị phương án chống thiểu phát
Việt Nam phải chuẩn bị cho phương án 2 nhằm chống thiểu phát, song song với việc xem xét và thực hiện linh hoạt phương án hiện nay là chống lạm phát. Hiện nay đã có những dấu hiệu bước đầu của thiểu phát tại Việt Nam. - Ts. Trần Du Lịch nói.

Ông Trần Du Lịch là Viện trưởng Viện Kinh tế Tp. HCM.

Ts. Trần Du Lịch (VNN)

Xuất hiện dấu hiệu thiểu phát

- Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã có những tác động tương đối rõ đến VN qua Thị trường chứng khoán, thị trường tài chính...Bình luận của ông?

Ông Trần Du Lịch: Khủng hoảng tài chính toàn cầu đang bước sang giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu - điều thế giới lo ngại nhất.

Với nước ta, dấu hiệu ảnh hưởng trên 3 mặt. Thị trường xuất khẩu sẽ giảm. Trong khi những nước có dấu hiệu giảm sút ít như Trung Quốc là nơi ta nhập siêu thì những nước Việt Nam xuất siêu lại chịu ảnh hưởng mạnh của khủng hoảng, do đó, xuất khẩu sẽ giảm.

Hai là, giải ngân FDI sẽ bị tác động. Chúng ta cấp nhiều dự án, nhưng nhà đầu tư có dự án mới huy động vốn. Khi thị trường tài chính như thế này, không ai huy động nổi vốn. Nguy cơ giảm giải ngân đầu tư trực tiếp sẽ rất lớn.

Thứ ba, ảnh hưởng trực tiếp tới các quỹ đầu tư gián tiếp. Năm 2008, các quỹ đầu tư chuyên nghiệp ở VN đều lỗ, có nơi lỗ tới 40-50%. Nguy cơ các quỹ không những không bơm thêm tiền vào mà bán bớt là có. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới TTCK.

Ba tác động này rất xấu tới tình hình kinh tế VN.

Chống lạm phát ta làm vừa qua thành công, nhưng nguyên nhân sâu xa chưa khắc phục được, như hiệu quả đầu tư thấp, năng suất nền kinh tế không tăng, giá trị gia tăng thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Những cái đó phải lâu dài mới làm được. Do đó, nguy cơ lạm phát vẫn còn.

Tháng 10, chỉ số giá âm là dấu hiệu đáng mừng nhưng cũng cần nghĩ tới tình trạng thiểu phát. Chúng ta cần có phương án trong trường hợp thiểu phát. Giải pháp vĩ mô của ta phải có tính toán lại.

- Biểu hiện cụ thể của thiểu phát như thế nào?

Chỉ số tăng giá tháng 9 là 0,18% đến tháng 10 là chỉ số âm, riêng Tp. HCM -0,24%. Những yếu tố tăng giá đột biến của kinh tế thế giới hồi đầu năm bây giờ đều giảm mạnh, tình hình thay đổi hoàn toàn. Đó là dấu hiệu thiểu phát sẽ xảy ra.

- Theo ông, cần tính toán lại giải pháp vĩ mô ra sao?

Lãi suất dù đã giảm nhưng vẫn còn cao. Những tháng cuối năm, nếu chỉ số giá vẫn âm hoặc không tăng thì chúng ta phải nghĩ tới vấn đề kích cầu chứ không phải là giảm cầu nữa. Ví dụ, kích cầu tiêu dùng.

Nguy cơ các quỹ không những không bơm thêm tiền vào mà bán bớt là có. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới TTCK


Theo tôi, ta cần "tương kế tựu kế", nhân dịp này đẩy nhanh "tam nông" giải quyết vấn đề nông thôn, nông dân, kích cầu ở nông thôn, mở rộng thị trường. Đồng thời, cần đẩy sản xuất tiêu dùng, đặc biệt hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ để các DN này tồn tại trong điều kiện sắp tới này, để giữ thị trường.

- Động thái giảm lãi suất cơ bản, nới lỏng dần chính sách tiền tệ, có tác động hạn chế thiểu phát như thế nào?

Ngày 21/10, ngân hàng trung ương đã đưa ra 3 chính sách liên quan tới nới lỏng tiền tệ: giảm lãi suất cơ bản, hoàn trả hơn 20 ngàn tỉ trái phiếu bắt buộc của ngân hàng thương mại và tăng lãi suất dự trữ.

Ba chính sách này giúp cho các NH thương mại có điều kiện giảm chi phí và tăng thanh toán tín dụng. Đây là dấu hiệu cho thấy chúng ta thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ linh hoạt. Thời gian tới, lãi suất cần giảm hơn nữa mới giải quyết được tình hình.

Quay đầu dòng vốn gián tiếp, chứng khoán cũng không tác động lớn

- Có thông tin cho biết, khoảng 750 triệu USD đã bị rút ra khỏi thị trường VN bằng cách bán trái phiếu có kì hạn. Các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu chuyển tiền về nước để xử lý vấn đề khủng hoảng, khiến TTCK Việt Nam tụt dốc tới đáy. Điều này ảnh hưởng như thế nào và chúng ta có chống đỡ nổi không?

Tỷ trọng đầu tư gián tiếp nước ngoài trong tổng quy mô TTCK Việt Nam không phải quá lớn, chúng ta vẫn có giới hạn: cổ phiếu không quá 30%, trái phiếu cũng có mức độ, là cơ sở an toàn cán cân ngoại hối của VN.

Ngay cả khi tình huống xấu nhất có thể xảy ra, "quay đầu dòng vốn" thì cũng không ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính VN.

Vấn đề lớn chính là yếu tố tâm lý. Các nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam đa số không chuyên, sẽ bị tác động tâm lý khi họ nhìn thấy động thái đó của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tín hiệu tâm lí tác động lớn hơn là bản thân việc rút vốn.

- Gần đây, các ngân hàng VN rút vốn USD từ nước ngoài về để giảm rủi ro do khủng hoảng tài chính. Một lượng vốn lớn về VN, ảnh hưởng như thế nào tới thị trường tiền tệ?

Dự kiến và phản ứng của các ngân hàng thương mại như vậy là tốt, để tăng cung ngoại tệ cho thị trường ngoại hối trong nước.

Trong trường hợp nếu ta giảm nhập siêu mạnh hơn và trong điều kiện giảm hai nguồn cung vốn lớn là FDI và vốn đầu tư gián tiếp thì ta có thể cân đối được, để Chính phủ đủ sức giữ tỉ giá theo ý muốn của Chính phủ.

Nếu ta kiên trì thực hiện đúng 2 vấn đề: chính sách tiền tệ gắn với chính sách tài khoá một cách cụ thể, ví dụ, giảm đầu tư công thực sự để nâng hiệu quả lên, sẽ khôi phục ngay lòng tin của nhà đầu tư.


Cần chuẩn bị cho phương án 2

- Trong bối cảnh thị trường tiền tệ như hiện nay, cùng với tình hình trong nước, là một chuyên gia kinh tế, theo ông, điều Chính phủ cần quan tâm trong thời gian tới để giữ ổn định nền kinh tế là gì, ngoài 8 giải pháp mà Chính phủ đã đề ra?

Trước hết, Chính phủ cần có một phương án mà như tôi gọi là phương án 2. Phương án thứ nhất chính là phương án ta đang thực thi với 8 giải pháp chống lạm phát. Phương án 2 là đặt trong trường hợp thiểu phát.

Hai là, lâu nay chúng ta cân đối ngoại tệ bằng nguồn không ổn định: thâm thủng thương mại lớn 19-20 tỷ USD được bù đắp bằng các nguồn tài chính phi thương mại. Chịu tác động của khủng hoảng tài chính những nguồn này sẽ giảm đi. Do đó, phải chống nhập siêu mạnh để giữ thăng bằng cán cân thanh toán. Chúng ta xuất khẩu ròng phải dương trong những năm tới. 

Đến lúc phải kích cầu để tránh giảm phát 
 
Chuyên gia kinh tế - tài chính Trần Sĩ Chương: - Nguy cơ lạm phát triền miên không còn. Có chăng, Việt Nam đứng trước nguy cơ giảm phát, dù xác suất giảm phát không cao.

Chính sách thắt chặt tín dụng, tăng lãi suất cơ bản để tiền kí gửi tăng nhiều, giúp các ngân hàng giải quyết được nguy cơ mất tính thanh khoản nhất thời. Tuy nhiên, thu vào nhiều mà không cho vay được do lãi suất cao sẽ tạo thành gánh nặng cho các ngân hàng.

Đã đến lúc Việt Nam cần tính đến biện pháp kích cầu manh, tạo điều kiện để DN tiếp cận vốn. Để kích cầu thì phải kích cung để tạo cầu, phải tạo điều kiện để DN tiếp cận vốn dễ hơn, rẻ hơn (lãi suất thấp hơn). Và cũng đừng quên phải tích cực cải thiện môi trường kinh doanh để cung đến với cầu dễ hơn, làm cho thị trường ngày càng năng động hơn.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu kéo dài chính sách hiện tại trong vài tháng tới, một số lớn các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ sẽ bị liệt, không cầm cự được. Bây giờ, các DN dân doanh này mới chỉ yếu đi vì thiếu ăn. Nếu can thiệp muộn, các DN khó có thể vực dậy, hoặc ngay cả khi vực dậy được cũng sẽ èo uột, yếu ớt, đuối sức. Khi có cơ hội vực dậy, họ cũng sẽ cần thời gian để hồi phục.

Chúng ta đừng quên rằng kinh tế dân doanh đóng góp 90% công ăn việc làm và khoảng 70% sản lượng công nghiệp. Nếu không làm sớm và làm tốt, Việt Nam sẽ mất đi tầng lớp doanh nhân năng nổ này, mất đi một chủ lực phục vụ cho công cuộc phát triển, là một con đường còn rất dài trước mặt.

  • Đức Thành - P.Loan

Category: Kinh tế | Views: 986 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 552
Khách: 552
Thành Viên: 0