Tăng
cường vai trò quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân
dân, sống làm làm việc theo pháp luật là những triết lý có lẽ không gì
hoàn hảo hơn. Nhưng để làm được những điều ngắn gọn ấy không phải là dễ
dàng mà tiên phong phải là các cơ quan quản lý.
Hậu quyết định 33/2008/QĐ-BYT ngày 30/9/2008 của Bộ Y tế là tiếng chuông cảnh báo về tinh thần thượng tôn pháp luật ở Việt Nam.
|
Quyết định chưa chuẩn về pháp lý, chưa chín về khoa học, thiếu thực tiễn của Bộ Y tế vừa qua đã gây nên những phản ứng dữ dội của công luận Ảnh: e-city.vn |
Không phải 1 tiếng, mà cả hồi chuông - nhiều hồi chuông cảnh báo
Quyết định chưa chuẩn về pháp lý, chưa chín về khoa học, thiếu thực tiễn của
Bộ Y tế vừa qua đã gây nên những phản ứng dữ dội của công luận, làm
nóng cả hội trường Quốc hội. Sức sống của quyết định ấy ngắn ngủi đến
mức nó chưa kịp được đặt tên trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp
luật Việt Nam. Đó là những giọt nước nhỏ dần vào ly bức xúc của người
dân.
Tuy nhiên đây không phải là trường hợp cá biệt. Vụ
gạo đột ngột tăng giá tới gần hai mươi ngàn/kg; vụ Vedan xả nước bẩn
hủy diệt môi trường, vụ sữa nhiễm Melanine; vụ giá xăng dầu; vụ EVN trả
dự án cho Chính phủ; vụ phá rừng qui mô lớn ở Gia Rai .v.v… nếu ngồi mổ
xẻ theo các qui định của pháp luật mà quy trách nhiệm thì thấy toàn các
quy định chằng chịt, đan chéo nhau, đến mức cơ quan nào cũng đầy quyền
nhưng cơ quan nào cũng không thể giải quyết rốt ráo và dứt điểm.
Tỉnh đổ lỗi cho Bộ ngành, Bộ đổ lỗi cho tỉnh và cuối
cùng là chạy lên Chính phủ, đặt lên bàn Thủ tướng. Với cách ban hành
văn bản pháp luật và điều hành như hiện nay, tôi không dám tin rằng Thủ
tướng của chúng ta có thể trở thành thần thánh để đọc chứ đừng nói phê
chuẩn kỹ càng các “tấu, sớ” được dâng lên từ các cơ quan giúp việc.
|
Bộ
tiêu chuẩn sức khỏe lái xe mà Bộ Y tế ban hành vừa qua gồm 83 biến số
nếu làm nghiêm cẩn phải là một đề án nghiên cứu khoa học tầm quốc gia
và phải tiến hành không dưới 5 năm.Ảnh: Vietnamnet |
Nguyên nhân do đâu?
Không cần phải là chuyên gia pháp lý, chúng ta chỉ cần nhìn qua cách mà Bộ Y tế ban hành quyết định số 33/2008/QĐ-BYT
ngày 30/9/2008 và cách mà các cơ quan công quyền loay hoay xử lý vụ
Vedan cũng đủ thấy sự bất cập của cơ chế xây dựng chính sách pháp luật
ở nước ta và cách thực thi nó.
Một
câu hỏi dễ dàng đặt ra là tại sao ở nước ta luật nào, pháp lệnh nào sau
đó cũng kèm thêm Nghị định, sau đó nữa là kèm thông thư, kèm thêm quyết
định của địa phương, mà lạ thay thông tư lại được viện dẫn nhiều hơn
luật. Chính điều đó gây nên loạn văn bản, loạn quyết định và cái nọ mâu
thuẫn với cái kia, cái nọ phủ nhận cái kia.
Chúng ta cũng không xa lạ cách
xây dựng văn bản pháp luật ở nước ta, luật liên quan đến lĩnh vực nào
thì do cơ quan phụ trách lĩnh vực ấy soạn thảo và do vậy mới có kiểu
“sư bảo sư đúng, vãi bảo vãi hay”.
Chúng ta cũng không lạ gì, với cách làm “nghiên
cứu phòng lạnh” thiếu sự liên kết, tương hỗ, thiếu chính xác và xa rời
thực tiễn. Thiết nghĩ như bộ tiêu chuẩn sức khỏe lái xe mà Bộ Y tế ban
hành vừa qua gồm 83 biến số nếu làm nghiêm cẩn phải là một đề án nghiên
cứu khoa học tầm quốc gia và phải tiến hành không dưới 5 năm.
Cải cách
“Lý vị tình, pháp vị nghĩa”, “Pháp bất vị kỷ” -
triết lý này của người xưa trong hàm ý sâu xa vẫn còn nguyên giá trị
cho ngày nay. Nhà nước quản lý đất nước, xã hội bằng công cụ pháp luật
và pháp luật phải dựa trên sự nghiên cứu rằng nó sinh ra để quản lý ai?
Việc ban hành văn bản qui phạm pháp luật mà không để ý đến nhu cầu, khả
năng và suy nghĩ của đối tượng bị nó điều chỉnh như cách Bộ Y tế đã làm
gây nên phản ứng của xã hội là điều tất nhiên.
Do vậy, nên chăng Nhà nước cần có qui định bắt buộc
các cơ quan phải có giải pháp trưng cầu dân ý trong quá trình nghiên
cứu ban hành các qui định pháp luật. Bên cạnh đó cũng cần có quy định
giao cho một cơ quan đầu mối có nhiệm vụ thẩm định tiền khả thi của các
đề án nghiên cứu, xây dựng, ban hành các văn bản qui phạm pháp luật.
Xin đừng để có cơ quan nghiên cứu, ký ban hành rồi
Bộ Tư pháp mới lên tiếng, điều đó gây nên lãng phí sức người, sức của,
nghiêm trọng hơn nó gây nên bức xúc trong nhân dân và xói mòn niềm tin
của người dân đối với các cơ quan công quyền.