Thứ Năm, 2024-11-21, 6:33 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 3 » Viết về Chủ Tịch Hồ Chí Minh
4:56 PM
Viết về Chủ Tịch Hồ Chí Minh

nguồn: http://banconong.com

Phương Nam


‘‘Bao nhiêu sao sáng bấy nhiêu anh hùng vì dân, mà bác Hồ ngôi sao sáng vô ngần, cuộc đời của bác chói ngời gương người cộng sản, quyết làm theo lời bác dạy khuyên. Quê hương yêu dấu Bắc – Nam chung một dòng máu, đoàn kết bên nhau đàn cháu ngoan của bác Hồ,…, nguyện xứng cháu của bác Hồ Chí Minh!’’.

Có thể nói rằng không ai là người Việt Nam lại không biết đến CT HỒ Chí Minh, các thế hệ thanh, thiếu niên, nhi đồng lại càng được giáo dục kỹ lưỡng về ông. Những bài hát như trên là xuất hiện ở mọi lúc mọi nơi, dù ông mất đã hơn 30 năm nay. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong sách giáo khoa các cấp cũng luôn nói tới ông từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Tất cả đều nhằm mục đích làm cho mọi người hiểu rằng: không bao giờ được quên công lao to lớn của ông đối với dân tộc và kêu gọi hãy ‘‘Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.’’.

Tài Liệu Giáo Dục Công Dân lớp 7, Nhà Xuất Bản Giáo Dục năm 1997, trang 53 có một bài đọc thêm nhan đề: Tinh Hoa Của Dân Tộc Việt Nam Góp Phần Vào Tinh Hoa Thế Giới, nội dung khẳng định một sự kiện là: vào năm 1990, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Hồ Chủ Tịch, Tổ Chức Giáo Dục, Khoa Học Và Văn Hóa của Liên Hiệp Quốc, tức UNESCO (United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization), đã ra một nghị quyết công nhận ông là danh nhân văn hóa thế giới. Trong đó có đoạn: ‘‘Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hiện tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng cho nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ…’’. (trích nghị quyết UNESCO, sách đã dẫn.).

Trong bài Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Danh Nhân Văn Hóa Của Nhân Loại, bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Dy Niên, nguyên chủ tịch ủy ban UNESCO Việt Nam, viết vào tháng 5 năm 2000 vừa qua cũng tiếp tục khẳng định như vậy. (xem website : http://www.cpv.org.vn/
hochiminh/cuocdoisunghiep/
docs/nguyendynien_danhnhan
vanhoa.htm).

Dù có ý đọc kỹ nhưng tôi không thấy cả hai bài viết trên ghi cụ thể đấy là nghị quyết số mấy? Ký ngày nào và ai đã ký nó? như thông thường đối với việc trích dẫn một nghị quyết quan trọng như thế. Tuy nhiên ở nước ngoài, vì có điều kiện được tiếp cận với những nguồn tài liệu khác thì tôi lại thấy những bài viết quả quyết rằng: không hề có một nghị quyết nào như vậy cả! Ðiều đó có nghĩa là CT Hồ Chí Minh chưa bao giờ được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới, mà ông mới chỉ có tên trong danh sách được đề cử, rồi dừng lại ở đó thôi.

Nhận thấy đây là một vấn đề lớn nên làm rõ, vì dù ai có chấp nhận hay không thì trong thực tế ông cũng đã là nhân vật lịch sử của Việt Nam trong thế kỷ thứ 20 vừa qua. Còn cái lịch sử ấy đã và sẽ tiếp tục diễn ra như thế nào? Tốt hay xấu? v.v… thì đó không phải là mục đích chính mà tôi muốn đề cập đến trong bài viết này.

Ngoài ra còn là vấn đề bức xúc hơn, nó liên quan đến sự nghiệp trồng người của dân tộc: những học sinh lớp 7 kia rồi sẽ lớn lên và với thời đại bùng nổ thông tin như ngày nay, thì việc các em được tiếp cận với những nguồn tài liệu khác là rất dễ dàng. Khi ấy liệu các em còn biết tin vào đâu? Nguồn nào đúng, còn nguồn nào sai? Nếu chúng tự phát hiện ra sự thật lại ngược hẳn với những gì đã được dạy dỗ từ nhỏ đến lớn thì sao? Từ đó rất có thể chúng sẽ oán trách các thế hệ cha anh đã lừa dối chúng, rồi cứ theo cái vết mòn ấy, biết đâu chúng lại đi lừa dối tiếp những thế hệ sau, thì hậu quả sẽ tai hại biết nhường nào? Cả một dân tộc cứ đi lừa dối lẫn nhau mãi như vậy thì dân tộc ấy sẽ đi về đâu?

Chính vì những lý do trên mà ở phần dưới đây, tôi xin được nêu ra một số câu hỏi liên quan đến thân thế và sự nghiệp của CT Hồ Chí Minh, nhưng đến nay vẫn chưa được làm rõ. Tôi rất mong các nhà nghiên cứu ở cả trong và ngoài nước, vốn quan tâm đến lịch sử Việt Nam hiện đại, nhất là đến thế hệ trẻ Việt Nam tương lai hãy giải đáp giúp. Tôi nghĩ rằng đây không chỉ đơn thuần là mối quan tâm của riêng tôi - một độc giả, mà còn là của hàng chục triệu phụ huynh học sinh đang có con cháu mình đi học ở Việt Nam. Mặt khác theo tôi, nếu những việc mới diễn ra trong thế kỷ 20 vừa qua, thậm chí chỉ mới 11 năm nay thôi mà chúng ta không làm rõ được, thì nói gì đến việc đi tìm hiểu, xác minh những chuyện lịch sử xa vời có từ hàng trăm, hàng ngàn năm trước? Những câu hỏi của tôi là:


Có phải trước khi xuống tầu buôn Pháp làm phụ bếp...

Có phải trước khi xuống tầu buôn Pháp làm phụ bếp vào ngày 5 tháng 6 năm 1911, thì chàng trai 21 tuổi Nguyễn Tất Thành, với tên mới là Văn Ba đã có sẵn ý định ra đi tìm đường cứu nước hay chưa? Nếu anh Ba đã có sẵn mục đích rõ ràng như sau này anh kể lại: ‘‘…Tôi muốn được đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta…’’ thì thật đáng quý biết bao. Tuy nhiên nó lại mâu thuẫn với một sự kiện sau do những tài liệu ở nước ngoài viết rằng: Ngày 15.9.1911, khi vừa đặt chân đến cảng Mác-Xây (Marseille) – Pháp, tức là chỉ hơn 3 tháng sau khi rời bến Nhà Rồng - Sài Gòn, thì anh Thành đã vội vàng viết đơn xin được vào học nội trú Trường Thuộc Ðịa (Ecole Coloniale). Nhưng đã bị nhà trường từ chối với lý do: Ðơn không được xét vì anh là đối tượng di chuyển tự túc đến Pháp chứ không phải được tuyển chọn từ xứ Ðông Dương sang, theo như quyết định ban hành ngày 30.4.1910 của Bộ Thuộc Ðịa Pháp. (lá đơn này do ông Nguyễn Thế Anh sưu tầm được trong văn khố Pháp ngày 2.2.1983, có sao chụp lại cẩn thận. Cũng cần lưu ý rằng theo những tài liệu trong nước thì: Trường Thuộc Ðịa là nơi chuyên đào tạo những tên Việt gian phản động, tay sai của thực dân Pháp lúc bấy giờ.).

Giả sử câu chuyện trên là có thật thì sẽ có thêm một câu hỏi hệ quả là: nếu năm 1911 Trường Thuộc Ðịa chọn anh Thành, thì 9 năm sau anh có còn chọn con đường của Lênin cho cách mạng Việt Nam nữa hay thôi? (theo suy luận chủ quan của tôi thì có lẽ là anh Thành sẽ thôi!).


Phải chăng lý do chính rời nước ra đi của anh Thành là bởi...

Phải chăng lý do chính rời nước ra đi của anh Thành là bởi trước đó một năm, trong gia đình anh đã có một biến động lớn diễn ra? Ðó là: năm 1910, cha anh là ông Nguyễn Sinh Huy, tức cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1863 – 1929), tri huyện Bình Khê - Bình Ðịnh, trong một cơn say rượu đã sai người đánh chết anh nông dân tên là Tạ Ðức Quang bằng roi và gậy. Sở mật thám Pháp sau khi điều tra xong đã kết ông vào tội ngộ sát khi đang say rượu. Hội Ðồng Nhiếp Chánh tại Huế sau đó đã ra quyết định kỷ luật: hạ bốn bậc trong ngạch quan lại thời bấy giờ, bị triệu hồi về Huế, rồi cuối cùng là ông bị sa thải luôn. (bà Thanh con gái ông cũng kể : ông là người nghiện rượu nặng, hồi nhỏ bà vẫn thường bị bố đánh rất đau bằng roi, có khi lại còn quẳng cả roi đi để đánh bằng tay.).

Một số tài liệu lịch sử trong nước thì viết rằng: “…Cụ Sắc nhà nghèo, ham học, thông minh, thi đậu phó bảng,‘‘bị ép’’ ra làm quan. Có lần cụ nói:“ Quan trường là chốn nô lệ trong những người nô lệ, lại càng nô lệ hơn.”. Cụ thường làm những việc trái ý bọn quan lại, nên bị cách chức.”(!?).

Như vậy là giữa hai nguồn tài liệu đã có những điểm mâu thuẫn lớn cần làm rõ, nhất là lý do ra khỏi chốn quan trường của ông: phải chăng ông ra khỏi đấy vì như ông nói là không muốn bị ‘‘nô lệ hơn’’ trong số những người nô lệ? Hay là bởi rượu đã đưa ông ra? Và vì bị ra khỏi chốn ấy nên ông lại càng uống nó nhiều hơn?(nếu đúng là do say rượu làm chết người ta, thì cũng khó lòng mà phải ý ai được lắm!).

Cũng qua những sách báo ở trong nước kể lại thì : khi từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ (tháng 10.1954), ông đi thăm rất nhiều vùng quê trên miền Bắc, đi ra nước ngoài, v.v… Nhưng riêng quê ông thì mãi tới ngày 16.6.1957, tức là phải gần 3 năm sau ông mới về thăm lần đầu. Có một cái gì đó không ổn trong tinh thần vì nước quên … quê của ông không? Hay ông ngại cán bộ, chiến sỹ và nhân dân biết tấn bi kịch trên của gia đình mình?


Ai là người đã viết cuốn Những Mẩu Chuyện Về Ðời Hoạt Ðộng Của Hồ Chủ Tịch?


Ai là người đã viết cuốn Những Mẩu Chuyện Về Ðời Hoạt Ðộng Của Hồ Chủ Tịch vào mùa xuân năm 1948? Cuốn sách ghi tác giả tên là Trần Dân Tiên. Năm 1985, giáo sư Hà Minh Ðức đã xuất bản cuốn Những Tác Phẩm Văn Của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, trong đó có đoạn: ‘‘…Ðáp lại tình cảm mong muốn của đồng bào và bạn bè trên thế giới. Hồ Chủ Tịch với bút danh Trần Dân Tiên đã viết tác phẩm Những Mẩu Chuyện Về Ðời Hoạt Ðộng Của Hồ Chủ Tịch…’’. (Hà Minh Ðức, sách đã dẫn, Tr 132, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1985).

Như vậy có nghĩa là tác giả Trần Dân Tiên và Hồ Chủ Tịch thực ra chỉ là một người. Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn, người biết rất rõ ông từ những năm 30, khi cả hai cùng học tập và làm việc ở Liên Xô đã viết lời tựa cho cuốn sách cũng đã khẳng định như vậy. Tôi tin là hai giáo sư ấy viết đúng, vì 2 lẽ: Thứ nhất, đó là việc rất quan trọng mà nếu nói sai thì chính hai giáo sư có thể sẽ bị mang họa, chắc chắn là hai ông đã cân nhắc rất kỹ trước đó. Thứ hai, cứ theo tư duy lôgic mà suy luận: nếu ông Trần Dân Tiên và cụ Hồ là hai người thì nay ông Trần Dân Tiên kia đâu? Còn sống hay đã chết? Nếu sống thì bao nhiêu tuổi rồi? Vợ, con ra sao? Nếu chết thì chết vào năm nào? Hiện chôn ở đâu? v.v…

Còn một khi lại chỉ là một người thì xét theo khía cạnh nào cũng đều không ổn. Chúng ta hãy nghe một vài đoạn Chủ Tịch Hồ Chí Minh viết về … Hồ Chủ Tịch như sau : ‘‘…Bác Hồ của chúng ta vô cùng khiêm tốn; Bác không muốn kể cho ai nghe về hoạt động của mình; rồi Bác Hồ được nhân dân ta coi là cha già của dân tộc; Bác còn vĩ đại hơn Lê Lợi, Trần Hưng Ðạo vì đã đưa dân tộc ta vào kỷ nguyên xã hội chủ nghĩa…’’! và nữa: ‘‘…Một người như Hồ Chủ Tịch của chúng ta với đức tinh khiêm tốn nhường ấy và đang lúc bề bộn biết bao nhiêu công việc, làm sao có thể kể cho tôi nghe bình sinh của Người được?…’’! (Trần Dân Tiên, sách đã dẫn). Cũng cần lưu ý rằng vào năm 1948 thì ‘‘vị cha già của dân tộc’’ ấy mới có 58 tuổi!

Trong thực tế nhân loại cũng đã có những người dùng quyền lực hay tiền bạc để bắt người khác ca ngợi mình. Nhưng nếu Hồ Chủ Tịch lại tự mình đứng ra làm việc đó thì quả là chuyện … xưa nay hiếm! Theo tôi chỉ với một‘‘đóng góp’’ấy thôi thì cũng đủ để ông vi phạm hàng loạt những giá trị văn hóa mà ông cha ta từ bao đời nay vẫn hằng nâng niu, trân trọng.


Tôi cũng không rõ là những người đang‘‘giữ gìn và bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh’’có coi đây như là một trong những‘‘yếu tố cấu thành’’ nên tư tưởng của ông hay không? Và giả sử ở dưới cõi âm kia, nếu ông gặp các vị cách mạng đàn anh khác như Stalin, Mao Trạch Ðông, v.v…thì không nói. Nhưng nếu không may, ông lại gặp Trần Hưng Ðạo, Lê Lợi thì biết ‘‘ăn, nói’’ thế nào cho phải với những vị anh hùng chân chính của dân tộc ấy đây?

Một điều nữa đáng lo ngại hơn: trong cuốn Dàn Bài Tập Làm Văn lớp 7 (NXB Giáo Dục 1997, Tr 39). Tức là 12 năm, sau khi tác phẩm của giáo sư Hà Minh Ðức nói trên được xuất bản, thì các tác giả biên soạn cuốn sách giáo khoa kia vẫn tiếp tục mập mờ, mà không chịu viết thẳng ra đấy là hai hay chỉ có một người. Nếu cứ cung cấp thông tin và bắt các thầy cô giáo dạy học sinh theo kiểu này, thì đến ngay như người lớn cũng còn bị nhiễu loạn chứ nói gì đến trẻ con?

Hồi đất nước còn chiến tranh, tôi đã được một sỹ quan QÐND Việt Nam cho xem cuốn nhật ký của anh, trong đó có đoạn:


‘‘Ngày 2 tháng 9 năm 1969.
Hôm nay Ðài Tiếng Nói Việt Nam báo tin Bác Hồ bị bệnh nặng. Bác ơi! Chúng cháu hiểu là chúng cháu thật có lỗi với Bác, vì đất nước đến lúc này vẫn còn bị chia cắt. Ðơn vị của chúng cháu đã được vinh dự nhận lệnh vào miền Nam chiến đấu, chỉ vài hôm nữa thôi là lên đường. Cháu xin hứa với Bác rằng: dù phải trải qua gian khổ, hy sinh đến đâu thì chúng cháu cũng quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ mà đảng và quân đội giao phó; góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ Quốc, để sớm được đón Bác vào thăm đồng chí, đồng bào trong ấy…’’.

Cũng cùng một tinh thần đó, từ miền Nam, nhà thơ Lê Anh Xuân viết ra:

Gửi miền Bắc lòng miền Nam chung thủy
Ðang xông lên chống Mỹ tuyến đầu…

Nghĩa là tất cả đều hướng lên Ba Ðình tràn đầy một niềm tin trong sáng, một niềm kính trọng vô biên. Bởi vì ở nơi ấy ‘‘có Trung Ương Ðảng, có bác Hồ’’ luôn chỉ lối dẫn đường cho cách mạng Việt Nam tiến lên. Theo tôi, nếu trong một cuộc chiến tranh, giả sử tất cả những yếu tố khác đều ngang nhau, thì bên nào có thêm yếu tố tin tưởng và kính yêu lãnh tụ như trên là sẽ rất có lợi thế để giành chiến thắng.

Thế nhưng, nếu vì muốn trở thành một‘‘ngôi sao sáng vô ngần’’ mà chính vị lãnh tụ lại cho ra đời một sản phẩm kiểu như Những Mẩu Chuyện Về Ðời Hoạt Ðộng Của Hồ Chủ Tịch, thì lại là điều không thể chấp nhận được. Bởi vì đó thực chất là quan điểm giành chiến thắng bằng mọi giá, mọi cách. Kể cả những cách rất thiếu tử tế: chủ động đi hủy hoại những giá trị văn hóa của nhân loại nói chung và dân tộc nói riêng mà hậu quả để lại sẽ rất nặng nề cho hậu thế. Bằng cách đó ở một giai đoạn nhất định, có thể ông cũng tự đưa được uy tín của mình lên vị trí rất cao trong lòng một bộ phận dân tộc. Xong nếu xét về lâu về dài, khi phần lớn đã nhận ra sự thật thì cái hình ảnh: ‘‘Cả đoàn quân tiến theo Người như thác đổ’’ sẽ trở nên phũ phàng và thật đáng xấu hổ với bạn bè thế giới.

Tôi cũng được biết một câu chuyện sau: gia đình ấy có 2 anh em; người anh đi bộ đội, còn người em gái ở lại nhà và lấy chồng. Năm 1954 khi người anh từ chiến khu trở về thì em gái mình đã cùng chồng di cư vào Nam. Sau gần 30 năm xa cách, hai anh em mới được gặp lại nhau, khi người em ra Bắc bốc mộ cho chồng; ông bị chết trong thời gian học tập cải tạo ở ngoài ấy. Cô em nói trong nước mắt giận hờn: ‘‘ Tại anh và những người cộng sản như anh nên bây giờ em gái anh khổ, các cháu của anh phải mồ côi cha.’’. - Xúc động không kém, người anh nói: ‘‘ Thôi em ạ, đằng nào thì mọi việc cũng lỡ rồi. Em cứ nghĩ thế này: nếu một người em không hề tin yêu, kính trọng mà làm em đau khổ thì đấy chỉ là một nỗi khổ đau. Nhưng nếu đấy lại là người em hằng kính trọng, tin yêu bao năm trời, kể cả sẵn sàng đem cuộc đời của mình ra để hy sinh, cống hiến, mà nay em lại phát hiện ra rằng thực chất sự tin yêu, kính trọng ấy của mình lại bắt nguồn từ sự giả dối của người kia, thì lúc ấy nỗi đau khổ trong em sẽ phải nhân lên gấp 5, gấp 10. Ðấy chính là tâm trạng của anh lúc này, em ạ.’’. Trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta trong hơn nửa thế kỷ qua, đã có bao nhiêu con người và gia đình phải lâm vào hoàn cảnh tương tự như vậy?


Category: Đạo đức Hồ Chí Minh | Views: 1410 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 46
Khách: 46
Thành Viên: 0