Thứ Ba, 2024-04-16, 5:25 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 3 » Hà Nội, những ngày ngập lụt
9:18 PM
Hà Nội, những ngày ngập lụt

J.B Nguyễn Hữu Vinh

 

Thành phố trong biển nước của trận thiên tai không được báo trước

Thủ đô Hà Nội những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11/2008 ngập chìm trong biển nước. Trận mưa được xác định là lớn nhất trong gần 100 năm qua, đã nhấn chìm Hà Nội, làm tê liệt hệ thống giao thông, trường học, chợ búa và công sở. Ở đâu cũng chỉ là những thông tin về ngập,lụt, nước và giá cả tăng phi mã.

Bí thư Thành ùy Phạm Quang Nghị nhận xét: “Về thiệt hại, tính đến hôm qua, số người chết là 17, với nhiều lý do, bị nước cuốn, bị sét đánh, điện giật... Thiệt hại về vật chất rất lớn, bây giờ mới ước tính ở mức tương đối, có thể lên đến hàng nghìn tỷ. Nhất là với bà con khu vực nông nghiệp, nông thôn. Diện tích cây trồng gần như toàn bộ mất trắng, biến thành biển nước mênh mông hết. Đối với bà con ở trong nội thành có nhiều thay đổi nghiêm trọng như đảo lộn sinh hoạt, ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến công việc, thiệt hại tài sản.” (VietnamNet, ngày 2/11/2008)

Cả hệ thống truyền thông VN trước đó 40 ngày đang ra sức cùng nhau chĩa mũi dùi vào TGM Ngô Quang Kiệt với những lời bịa đặt, bêu riếu hết sức vô lý và ác độc thì nay, lại thi nhau vẽ nên bức tranh Hà Nội ngập, Hà Nội hoảng loạn bởi thiên tai. Thay vì nhắm mục tiêu là TGM Ngô Quang Kiệt, thì giờ đây, mục tiêu lại là ông “Trời” – Thiên nhiên – Thiên tai.

 

Bí thư Thành Ủy Phạm Quang Nghị, người đã có mặt sớm ngày đầu thi công vườn hoa Tòa Khâm sứ, nay lại có mặt ở Mỹ Đức xem lụt lội. Kể ra thì ông cũng nhanh, sáng ngày 1/11 “ông họp tổng kết Tôn giáo” thì chiều ông đã đi để kiểm tra các điểm ngập trong nội thành. Theo ông “Lãnh đạo đều đi chỉ đạo hết. Không ai nghỉ ngơi” .

Lãnh đạo đi chỉ đạo công việc chống bão lụt là điều mà người dân vẫn thường thấy mỗi khi lụt bão, mỗi khi thiên tai. Những hình ảnh ấy, trên truyền hình, người dân đều thấy và cảm nhận được những đầy tớ của dân cũng thật vất vả.

Chỉ có điều, nếu không có những điểm ngập để ông phải đi kiểm tra cũng như nếu không có cái lý do làm vườn hoa để ông phải đến, mà thay vào đó, ông tập trung những việc lớn lao hơn cho đất nước, cho Thủ đô thì chắc tốt hơn nhiều với vai trò Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy. Chẳng hạn đơn giản nhất là làm thế nào để nhân dân Thủ đô chủ động được cuộc sống khi thiên tai ập đến, có thể chịu đựng được lâu hơn một chút, không phải chỉ mưa một ngày, ngày hôm sau dân phải mua mớ rau muống từ 2.000 đồng lên 25.000 đồng, cân thịt từ 60.000 lên 200.000 đồng. Để khi có thiên tai cũng như địch họa đến, người dân không phải chịu cảnh sống chết nhờ… Trời.

Ông Phạm Quang Nghị cũng nói: “thiên tai thì không tính trước được” . Đúng vậy, nhưng những vấn đề thuộc nhân tai, người ta thấy cũng chẳng ai tính? Điển hình của hai việc thuộc Thiên tai và nhân tai vừa qua là: Ngập lụt Hà Nội và Vườn hoa ở Tòa Khâm sứ cũ.

Nếu những hoạt động hiện nay của hàng ngũ cán bộ lãnh đạo, được thể hiện ngay từ khi thực hiện dự án chống ngập lụt cho Thủ đô khởi động và thi công cách đây mấy năm, cũng như việc làm vườn hoa ở Tòa Khâm sứ cũ không vội vàng thì chắc nay tình hình sẽ khác hơn, hệ thống thoát nước chắc sẽ tốt hơn và vườn hoa cũng không phải đào bới lại lần thứ tư như những hình ảnh người ta thấy trên mạng.

 

Hà Nội trong những năm qua, đã được chi một số tiền không nhỏ từ ngân sách cho việc thoát nước, chống ngập… Nhưng, hiệu quả của những đồng tiền đó đến đâu cho việc chống ngập, thì báo chí nhà nước đã nói quá nhiều. Trận mưa vừa qua, đã chứng minh được một thành tích của hệ thống chống úng ngập Hà Nội, là từ hàng chục điểm úng ngập trước đây trong Thành phố, giờ chỉ còn một vài điểm. Lý do là nước ngập diện rộng đã nối các điểm đó lại với nhau(!).

Vườn hoa Hàng Trống trên đất Tòa Khâm sứ cũ, cũng đã đào bới để làm lại lần thứ 4 sau khi khẩn trương thi công để “lập thành tích chào mừng ngày giải phóng Thủ đô 10/10”?. Thành tích mà vườn hoa này đạt được, là những cái liếc mắt, những lời xì xầm của cư dân, giáo dân cũng như những lữ khách khi đi ngang qua khi nhìn quang cảnh đào, bới ngổn ngang và đổ vỡ.

Ngoài cơ quan thoát nước, thì cơ quan dự báo khí tượng, thủy văn mà đã không ít lần báo chí làm om sòm vì bão đi hướng này dự báo hướng khác, nay báo mưa 20 ly đã thành hàng 100 ly? Rồi cơ quan quản lý rừng, cơ quan bảo vệ thiên nhiên đã để cho cả dòng sông chết… Những điều đó đã tạo nên cơn giận dữ của thiên nhiên, mà trách nhiệm không chỉ là một ngành, một cấp. Tất cả là một hệ thống cần điều chỉnh, cần nhiều những người cán bộ mẫu mực và biết lo cho dân từ xa hơn là chỉ đến khi đã xảy ra chết người và mất của.

Con số thiệt hại nói trên, đã nói lên nhiều điều cho một Thủ đô sắp đón 1000 năm tuổi và và một đất nước đang “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH”.

 

Sức dân và lòng dân

Từ Mỹ Đức, ông Phạm Quang Nghị đã nói rằng: “Kinh nghiệm tốt nhất vẫn là huy động chính sức dân và huy động tại chỗ” .

Ông Phạm Quang Nghị đã nói đúng, sức dân và lòng dân, đó là sức mạnh nếu cần làm những việc lớn. Việc chống thiên tai là một việc làm cấp bách và là nghĩa vụ của tất cả mọi người. Bởi hậu quả nó không chỉ dành cho riêng một ai. Cha ông ta đã từng nói “Nước lụt, thì lút cả làng”. Vì vậy, xưa nay thiên tai và địch họa là hai việc mà bất cứ người dân nào cũng sẵn sàng và phải sẵn sàng. Lịch sử đã chứng minh điều đó. Việc có huy động được sức dân hay không, là việc của nhà nước có thực hiện được chính sách động viên toàn dân đoàn kết hay không mà thôi.

Thật đáng tiếc là tư tưởng “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại” hoặc “cha chung không ai khóc” đã được thể hiện quá nhiều trong xã hội thường ngày cũng như khi thiên tai. Ông Phạm Quang Nghị đã thừa nhận một thực tế: “Do đang đi kiểm tra dưới cơ sở nên tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm".

Đọc đến đây, tôi lại nhớ đến những người “dân yêu nước” mà đêm nào đã từng đến bao vây nhà xứ Thái Hà, phá cổng đền Giêrađô với lời gào thét hung hãn “giết, giết Kiệt”. Đâu rồi những quần chúng nhân dân đã bao vây Tòa Tổng Giám mục khi người ta mang tượng Đức Mẹ sầu bi đi khỏi Tòa Khâm sứ. Những người dân “yêu nước” hung hãn ấy, những thanh niên tình nguyện áo xanh kia đã từng hò hét và quấy phá giáo dân cầu nguyện, hội nọ hội kia ở đâu khi thiên tai đổ xuống khiến hàng chục người chết, đất nước thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng? Họ ở đâu mà không ra tay, không thể hiện tinh thần dân tộc để đến mức Bí thư Thành ủy đã phải đưa nhân dân thời nay ra so với nhân dân thời xưa?

Tôi cũng chưa từng nghe nói thời xưa, có khi nào có “đám quần chúng nhân dân” đã từng nửa đêm kéo hàng đoàn đến một dòng tu đòi giết người ngang nhiên “vì lòng yêu” nước như thế không nữa. Nếu không có, thì phải nói đám quần chúng đó ngày nay, có “lòng yêu nước” và hi sinh hơn thời xưa nhiều, họ đã làm điều mà người xưa không làm.

Đã mấy ngày nay, người dân ở những khu ngập lụt Hà Nội sống trong cảnh như hoang đảo, điện đóm không, thực phẩm, lương thực và hàng hóa khan hiếm. Những người dân nghèo chắt chiu từng đồng tiền, cuối cùng cũng phải xì ra mấy chục, bằng tiền ở cả tháng để leo lên chiếc xe tải để được đưa qua mấy chục mét đường phố Hà Nội. Những cô cậu sinh viên cuối tháng chưa nhận được tiền nhà, đành chung nhau mấy cậu một gói mỳ tôm trừ bữa, vì mì tôm từ 1.000đ/gói nay đã lên 3.000 đồng. Những bà ve chai, hàng ngày rau muống là thức ăn chính, giá vài ngàn đồng một bó, giờ đành nhịn ăn vì giá đã gấp mười lần…

Đã mấy ngày nay, cả làng, xóm ngập lụt, tôi chưa thấy bất cứ một cán bộ, một đầy tớ nào của dân kể từ tổ trưởng dân phố đến thăm hỏi một câu lấy có, để xem những con dân của mình sống chết ra sao, ngập đến đầu hay mới đến cổ… Tịnh không.

Những người dân quanh tôi hỏi nhau rằng: Sao những khi đóng góp ủng hộ bão lụt, đóng góp công ích hoặc hàng trăm thứ đóng góp khác, cán bộ cần mẫn và chăm chỉ thăm nhà dân đến thế? Những đồng tiền đó đã đi đâu? Chỗ tôi ở, những người cán bộ của dân chỉ có trả lời được rằng những khoản tiền đó đã được nộp “lên trên”, còn trên là đâu thì lên trời mà hỏi.

Ông Nguyễn Đức Nhanh có khuyên người dân Hà Nội không nên ra đường khi không có việc cần thiết, người dân có sở thích chơi nước… Khốn nỗi, người dân không ra đường lấy gì để ăn? Không phải người dân nào cũng ngồi trong nhà mà được phục vụ.

Nhưng người dân đã không hoàn toàn ỷ vào nhà nước, họ không có khả năng tự mình đứng ra tát nước đổ sang làng khác, họ không có khả năng tổ chức mua máy bơm bơm cho cạn đường phố nhà mình hay quận mình khi cả thành phố đều ngập. Họ chỉ tự lực tự cường bằng cách… chịu đựng và nhờ trời. Tiếc rằng sức họ có hạn, và Trời thì ở xa.

Hãy xem những ý kiến này được đăng trên báo chí nhà nước đúng “lề phải” để hiểu suy nghĩ của người dân:

Hà Minh Hiếu 11/2/2008 5:19:45 PM Hà Nội thế này thì khổ quá! Hãy làm cho Thủ đô xanh - sạch - đẹp thế này sao? Hỡi các vị lãnh đạo có thấu hiểu nỗi khổ của người dân? Các vị hãy xuống đường bằng xe máy cùng dân những ngày này để đưa ra nhiều quyết định đúng đắn mang tính lợi ích cộng đồng đi. Chỗ nào cũng chỉ thấy đưa ra cảnh lụt lội, tắc đường, thiệt hại mà chẳng thấy có 1 vị quan chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về mình?

Trần Liệu 11/2/2008 4:34:38 PM Hãy nhìn vào sự thật này: Hà Nội đã được chi đến 200 triệu USD cho mạng lưới thoát nước vậy mà chỉ sau một trận mưa mà tất cả đều ngập trong biển nước, giao thông tê liệt, trường học công sở đóng cửa, cắt điện trên diện rộng. Lý do thì là bài ca muôn thuở: quá tải, ít kinh phí. .. Tuy nhiên các vị lãnh đạo hãy nhìn thẳng vào sự thật là chất lượng các công trình thoát nước được làm mới cũng như cải tạo là quá kém

Nguyễn Xuân Liên 11/2/2008 3:49:54 PM Lụt vì đi lấp ao hồ lấy đất. .. Cách đây chưa xa, Hà Nội có rất nhiều hồ, ao - hệ thống điều hoà nước tự nhiên - ở khắp mọi nơi. Kẻ nào đã cho lấp hết tất cả để lấy đất chia nhau ? Chính chúng là kẻ đẫ gây nên cảnh lụt lội này.

Họ la Tham tên là Nhũng 10/31/2008 10:31:35 PM Tiền dự án vào túi ai? Hà Nội đã được chi đến 200 triệu USD cho mạng lưới thoát nước vậy mà chỉ sau một trận mưa mà tất cả đều ngập trong biển nước, giao thông tê liệt, trường học công sở đóng cửa, cắt điện trên diện rộng. Trước đây Hà Nội mới bé thế mà làm còn chẳng xong bây giờ mở rộng thêm liệu các ông lãnh đạo còn "lãnh đạo" nổi không?

Bến Hải 11/1/2008 10:16:55 PM Lãnh đạo Hà Nội đang ở đâu? Khi miền Trung gặp lũ, người Hà Nội theo dõi tin tức trên truyền hình đều thấy lãnh đạo cấp Trung ương, ví dụ như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và cấp tỉnh, huyện đều có mặt đi thăm hỏi bà con trong vùng lũ và huy động lực lượng cứu hộ công an, bộ đội giúp đỡ người dân. Tuy nhiên 2 ngày hôm nay chúng ta đang chứng kiến người dân Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn trong cảnh lụt lội mà không hề được sự giúp đỡ nào từ phía chính quyền quản lý, không một cán bộ lãnh đạo nào của Hà Nội lên truyền hình để nói lời động viên người dân cố gắng vượt qua thời khắc khó khăn này của thủ đô. Thật đáng buồn!

(Trích Báo Lao Động: http://www.laodong.com.vn/Utilities/FeedbackList.aspx?ID=79797&page=3)


Với những cách làm việc như vậy, những cách thể hiện như thế với nhân dân, thì thiết nghĩ không cần phải hỏi lòng dân đi đâu trong những ngày này và khi thiên tai, bão lụt. Và qua đó, tôi càng nghi ngờ hơn lòng yêu nước của những người đã đến Dòng Chúa cứu thế - Giáo xứ Thái Hà và Tòa Khâm sứ hôm nào.

Một số người cứ đồn thổi nhau rằng: Sở dĩ những tai họa ập đến, đó là cơn giận của Thiên Chúa đã đổ lên Hà Nội. Nơi mà cách đây bốn mươi ngày đã xảy ra những điều phạm đến Thiên Chúa. Và Đức Mẹ sầu bi còn lưu lạc, thì còn nhiều những điều bất ổn xảy ra. Cũng giống như ở Miến Điện đã đối mặt với cơn bão khủng khiếp sau khi đàn áp các nhà sư, cũng như Trung Quốc đã chịu trận động đất kinh hoàng sau những gì đã xảy ra ở Tây Tạng…

Riêng tôi, tôi không nghĩ thế. Với lòng từ bi của Thiên Chúa, người không để cơn giận của mình trào ra, mà luôn mở cho những kẻ lạc lối, lầm đường con đường quay lại với nẻo chính, đường ngay.

Cơn giận dữ của Thiên nhiên hôm nay, có nguyên nhân từ tổng hợp các tội lỗi của con người đã ra sức tàn phá nó, và cả từ những người đã không hoàn thành nhiệm vụ lo cho dân, giữ cho dân được yên bình như những gì họ cần phải làm. Cũng có trách nhiệm của mỗi chúng ta, nhiều khi đã để cái xấu, cái hư, cái ác ngang nhiên diễn ra mà không có một thái độ đúng mực, để ngăn chặn từ những ngày còn trứng nước, để đến nay, sự bất bình thường đã biến thành bình thường trong xã hội.

Ngoài kia, trời vẫn mưa, nước trước thềm vẫn đang lên dần từng nấc một.

Hà Nội, Ngày 3 tháng 11 năm 2008. Ngày thứ 4 của cơn Đại hồng thủy
J.B Nguyễn Hữu Vinh


Nguồn: Dòng Chúa Cứu Thế
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 812 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0