Thứ Năm, 2025-01-23, 3:44 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 10 » Vài suy nghĩ từ một lời xin lỗi
5:21 PM
Vài suy nghĩ từ một lời xin lỗi

Hoàng Cúc

“…Khi cả một dân tộc đã mụ mị tới mức coi một người đóng kịch tài ba thành biểu tượng đạo đức, thì cũng chả trách được chuyện người ta chỉ còn biết giả dối và đóng kịch với nhau ở mọi nơi mọi chỗ trong đời thường…”

Trả lời phỏng vấn trên trang điện tử Vietnamnet ngày 5-11-2008, ông Phạm Quang Nghị nói thế này:“tôi thực sự rất lấy làm tiếc và muốn chân thành xin lỗi bạn đọc, xin lỗi mọi người về những lời gây nên sự bức xúc và bị phê phán”. Có nhà báo nọ đã phấn khởi hồ hởi nhận xét lời xin lỗi đó như một cuộc cách mạng, mở ra một trang sử mới, rằng thì là: “hy vọng lựa chọn của ông Nghị, một Ủy viên Bộ Chính trị, sẽ bắt đầu đưa ‘xin lỗi’ trở thành ‘văn hóa ứng xử’, nhất là ứng xử với dân, được ứng dụng trong hệ thống, càng ngày càng rộng rãi”.

Tôi lại nghĩ rằng khi đưa ra một lời xin lỗi như thế, ông Phạm Quang Nghị đã kế thừa rất tốt truyền thống “quang vinh” của đảng “ta”.

Ngược dòng lịch sử

Nhớ lại ngày nào, có vị lãnh tụ nọ mà cánh thanh niên ngày nay thường gọi là Minh râu, sau khi đã làm một cuộc cào bằng long trời lở đất khiến hàng chục ngàn con người phải “đang sống chuyển sang từ trần” một cách đau đớn tức tưởi, liền lu loa gạt nước mắt sướt mướt sửa sai, để rồi sau đó lại tiếp tục lao vào những cuộc thanh trừng, xử lí nội bộ và cả cuộc giải phóng đầy máu và nước mắt với cái giá là mạng sống và kiếp lầm than của hàng triệu con người. Kết quả là một đất nước tan hoang tàn tạ. Vậy mà cũng chính con người đó vẫn được xưng tụng bằng hầu như tất cả những mĩ từ thường chỉ được dành cho các bậc thần thánh, thậm chí còn được đặt tượng ở chùa chiền, ở khắp các uỷ ban nhân dân với bát hương và hoa nến nghi ngút!

Khi cả một dân tộc đã mụ mị tới mức coi một người đóng kịch tài ba thành biểu tượng đạo đức, thì cũng chả trách được chuyện người ta chỉ còn biết giả dối và đóng kịch với nhau ở mọi nơi mọi chỗ trong đời thường. Không những thế, khắp nơi trong cái thiên đường mù ấy, người ta còn ra sức phát động các phong trào học tập đạo đức và tư tưởng của người đóng kịch tài ba ấy nữa! Ta nên trách lãnh tụ kia hay đám nhân dân nọ?

Biết bao nhiêu người đã không bao giờ dám nhìn thẳng vào thực tế bằng đôi mắt và đầu óc tỉnh táo của một con người có lí trí bình thường để nhận ra sự thực, mà chỉ biết đổ lỗi loanh quanh cho thằng nọ thằng kia, chứ ông cụ đâu có thế. Người đứng đầu đã vô can thì chẳng thằng nọ thằng kia nào có trách nhiệm cả, đó đâu phải là điều gì cao siêu quá mức hiểu biết của những con người bình thường!

Phát huy truyền thống

Hình như trong một lúc tỉnh táo hiếm hoi, ông Phạm Quang Nghị đã chợt nhớ tới vở tuồng cũ của vị cha già, nên diễn lại tí chút. Riêng cái món nước mắt sướt mướt dành cho trên hai chục mạng chết đuối giữa thủ đô thì ông Nghị chưa diễn nổi. Hoặc giả số người thiệt mạng còn quá ít, chưa đủ mức để ông diễn lại nguyên vẹn vở tuồng của vị cha già. Dù sao, có lẽ ông sẽ còn phải học tập dài dài tư tưởng và đạo đức của lãnh tụ nọ, may ra mới có ngày chạm tay vào cái dép râu của người mà đám thanh niên gọi là Minh râu.

Nghĩ cũng lạ thật. Sao cái việc một tên đầy tớ sau khi đã vô cớ xa xả mắng chủ rồi thấy hớ liền xin lỗi nó mới xa lạ và hiếm hoi ở cái đảng luôn luôn ra rả khẳng định rằng mình đại diện cho nhân loại văn minh và tiến bộ đến như thế! Càng lạ hơn nữa là trong khi đám chủ hằng ngày cố gắng cắm mặt lầm lũi kiếm một vài đô la lẻ, thì đám đầy tớ lại nhởn nhơ phè phỡn ở những xới bạc, với những chiếc xe mà giá trị phải tính bằng những chục những trăm ngàn đô la! Thì ra cái thiên đường mù nó có kết cấu như thế a? Người dân Hà Nội ít ra cũng phảikinh nghiệm một lần đi xe đạp hay xe máy ở những con đường ngập nước xú uế, để rồi mỗi khi có những có chiếc ôtô chạy qua liền bị nước té cho tối tăm mặt mũi, bị sóng đánh dúi dụi, may ra mới hiểu được phần nào nỗi đớn đau tủi phận của những chủ nhân ở thiên đường mù.

Đi về đâu?

Làm sai thì xin lỗi, chuyện đó thật đơn giản trong đời sống của một con người bình thường. Vậy mà chuyện đó sao khó khăn với cái đảng đại diện cho nhân loại văn minh và tiến bộ đến thế! Nói ra chuyện này mới thấy rằng ở đất nước Việt Nam hiện nay có thể có nhiều phương tiện kĩ thuật hiện đại của thế giới văn minh, nhưng cái gọi là văn hoá ứng xử của con người văn minh lại dường như vắng bóng ở xứ sở này. Người ta từng gân cổ đổ lỗi cho chiến tranh tàn phá, nhưng con người Việt Nam ngày nay sống với nhau còn không bằng lối sống ở những bộ lạc hoang dã của mãi thời xa xưa nào đó thì do ai gây ra, do ai tàn phá?

Từ hai ngàn năm trước, trong cuốn Sử kí, Tư Mã Thiên, ở phần “Khổng Tử thế gia” có câu: “Người quân tử có lỗi thì dùng việc làm để xin lỗi, kẻ tiểu nhân có lỗi thì dùng lời nói suông để xin lỗi”. Vậy mà đến lời nói suông của bọn tiểu nhân hai ngàn năm xưa, những thành viên cấp thấp và cấp cao của đảng cầm quyền tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa dùng nổi, liệu có lạc quan quá chăng khi ai đó đánh giá rằng chúng ta chỉ đi sau các nước tiên tiến chừng vài chục hay vài trăm năm?

Hoàng Cúc

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 920 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 23
Khách: 23
Thành Viên: 0