Thứ Ba, 2024-11-05, 8:53 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 12 » Tình hữu nghị đặc biệt đang vuột khỏi tầm tay
9:34 PM
Tình hữu nghị đặc biệt đang vuột khỏi tầm tay


Nguyễn Văn Huy

“…Mặc cho các cấp lãnh đạo cộng sản Việt Nam ra sức hô hào củng cố tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện, người bạn Lào đang hướng về những thế lực giàu có và hùng mạnh hơn Việt Nam…”

Cho tới một ngày gần đây không ai nghi ngờ hay đặt lại quan hệ thắm thiết giữa hai nước Việt Nam và Lào. Các cấp lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam đã không hết lời ca tụng và đề cao tình đoàn kết đặc biệt, sự hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Thật vậy, nếu theo dõi kỹ, từ sau khi Đảng Cộng Sản Đông Dương ra đời năm 1930, quan hệ giữa các cấp lãnh đạo cộng sản hai nước trở nên gắn bó, nếu không muốn nói là như một. Các cấp lãnh đạo cộng sản Lào được sự giúp đỡ và đùm bọc của các cấp lãnh đạo cộng sản Việt Nam như anh em một nhà. Với một quan hệ gắn bó như thế ít ai nghĩ tới một ngày phải chia tay, nhưng thực tế hiện nay ngày ấy đang đến gần.

Một chút lịch sử

Trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1945-1954), theo sự chỉ đạo của Đệ Tam Quốc Tế, đại hội Đảng Cộïng Sản Đông Dương lần thứ hai (tháng 2-1951) quyết định thành lập ở mỗi nước một đảng cộng sản riêng biệt, tuy độc lập với nhau về địa lý nhưng thống nhất với nhau về chính trị và hành động trong phong trào Việt Minh. Phía Việt Nam có Đảng Cộng Sản Việt Nam, phía Lào của đảng Pathet Lào (Đất Nước Lào). Sau khi Lào được trả độc lập, năm 1956 ban lãnh đạo Pathet Lào thành lập Mặt Trận Tổ Quốc Lào (Neo Lao Hak Xat) để tham gia chính quyền, do hoàng thân Pethsarat (Sisavang Vong) lãnh đạo. Trong chính quyền liên hiệp này, hai anh em cùng cha khác mẹ: Souphana Phouma (quốc gia) và Souphanou Vong (cộng sản), thay phiên nhau cầm quyền. Liên minh này chỉ tan vỡ năm 1962 khi đảng cộng sản Việt Nam quyết định tiến chiếm miền Nam Việt Nam bằng võ lực. Lãnh thổ Lào vừa là đường giao liên vừa là hậu cần của phe cộng sản miền Bắc xâm nhập vào Việt Nam, do đó phải tích cực giúp đỡ đảng cộng sản Lào (Pathet Lào) chiếm chính quyền bằng mọi giá. Từ đó quan hệ giữa hai đảng cộng sản Việt Lào trở nên thắm thiết. Năm 1963, lực lượng Pathet Lào (thật ra bộ đội cộng sản Việt Nam) chiếm cứ một vùng lãnh thổ rộng lớn phía đông bắc, gọi là Cánh Đồng Chum, và phía đông dọc vùng biên giới miền Trung Việt Nam để phe cộng sản miền Bắc sử dụng làm đường vận chuyển người và vũ khí vào miền Nam, được biết dưới "đường mòn Hồ Chí Minh". Phần lớn nhân sự trong lực lượng Pathet Lào là người Lào đồng bằng có cùng văn hoá với người Thái và người Thượng sinh sống trên dãy Trường Sơn, gọi là Lao Theung hay Kha (người miền cao, sơn cước).

Trong suốt cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai (1960-1975), "đường mòn Hồ Chí Minh" có lẽ là nơi bị tấn công và dội bom nhiều nhất. Số bộ đội cộng sản và thanh niên xung phong miền Bắc bị chết trên đoạn đường này nhiều bằng tổng số bộ đội cộng sản chết trên các chiến trường miền Nam, trên 500 000 người. Để ngăn chặn bộ đội cộng sản miền Bắc di chuyển trên con đường mòn này vào Nam, giới tình báo Mỹ (CIA) tuyển mộ và huấn luyêïn người Hmong, sắc tộc thiểu miền núi sinh sống trên cao nguyên phía tây bắc Lào, dọ thám và chỉ điểm cho không quân Mỹ ném bom. Tại Lào, người Hmong miền tây bắc và người Lao Theung miền nam được hoàng gia Lào tuyển dụng vào quân đội để ngăn chặn sự xâm nhập của quân Pathet Lào vào lưu vực sông Mekong. Nói chung, trong suốt cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai, chỉ người Hmong và người Lao Theung trực tiếp đánh phá lẫn nhau, trong khi người Lào đồng bằng chỉ lo làm thương mại và công việc hành chính. Cuối cùng, phe cộng sản miền Bắc đã chiếm được miền Nam và thống nhất đất nước. Tại Lào, phe cộng sản Việt Nam đã giúp Pathet Lào lật đổ vua Savang Vatthana cuối năm 1975 và thành lập nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào đặt dưới quyền lãnh đạo độc nhất của Đảng Nhân Dân Cách Mạng Lào (Pathet Lào), mở ra một giai đoạn hợp tác toàn diện với Việt Nam về an ninh quốc phòng, chính trị và quân sự ở mọi cấp, từ trung ương đến địa phương. Nói cách khác, sự an ninh và ổn định của Lào hoàn toàn nằm trong tay đảng cộng sản Việt Nam. Tình trạng này kéo dài cho tới 1999, năm bộ đội cộng sản Việt Nam rút về nước.

Trong thời gian từ 1975 đến 1999, mọi ngõ ra vào lãnh thổ Lào, từ phía sông Mekong hay dãy Trường Sơn đều bị kiểm soát gắt gao. Cộng đồng người thiểu số Hmong vùng tây bắc bị phân biệt đối xử phải chạy sang Thái Lan lánh nạn, số còn lại trốn lên vùng núi cao phía đông bắc sinh sống bằng nghề trồng cây á phiện. Nhờ nguồn lợi này, người Hmong đã tự trang bị vũ khí và sẵn sàng chống trả lại quân chính phủ.

Cũng nên biết năm 1977, Việt Nam và Lào ký một hiệp ước hữu nghị và hợp tác toàn diện, nghĩa là hai nước là một. Quan hệ giữa hai nước không chỉ giới hạn trong lãnh vực an ninh quốc phòng mà cả về kinh tế, văn hoá và giáo dục. Tính đến nay, hai nước đã ký khoảng 40 hiệp ước, hiệp định, thỏa thuận ở cấp cao trong mọi lãnh vực. Việt Nam đã tích cực giới thiệu Lào vào ASEAN và giúp Lào tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 10 tại Vientiane tháng 11-2004, đồng thời bảo trợ Lào tham gia vào tiến trình ASEM. Từ đó hai nước hợp tác chặt chẽ trong việc tham gia các chương trình phát triển khu vực như Hợp tác tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS), Hợp tác kinh tế chiến lược sông Mekong (AMECS), Hành lang Đông Tây (WEC), Nhóm các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV), Tam giác phát triển gồm 7 tỉnh ngã ba biên giới Việt Miên Lào, v.v.

Để phát triển đất nước, từ 1986 Lào ban hành một chính sách kinh tế cởi mở mang tên Guồng Máy Kinh Tế Mới cho phép tư nhân kinh doanh và người nước ngoài vào đầu tư. Chính trong giai đoạn này chính quyền Thái Lan thiết lập quan hệ bình thường với Lào và giới tư bản Thái vào Lào đầu tư. Gần như toàn bộ sinh hoạt kinh tế và khai thác tài nguyên thiên nhiên dọc bờ tả ngạn sông Mekong nằm trong tay doanh nhân Thái. Từ thập niên 1990 đến nay, chính quyền tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, đã tái lập quan hệ ngoại giao và kinh tế với Lào, doanh nhân và di dân Trung Quốc đã gần như tràn ngập vào các tỉnh tây bắc Lào (Phong Saly, Luong Namtha, Oudomsay và Bokeo) định cư và khai thác tài nguyên thiên nhiên (gỗ rừng và mỏ quặng).

Không có tiền khó giữ được bạn

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1965-2007) và 30 năm hiệp ước hữu nghị hợp tác Việt Lào (1977-2007), phía Việt Nam đã làm đủ mọi cách để nâng cao tình hữu nghị này với hy vọng giữ mãi Lào trong tầm tay.

Tại Hà Nội, ngày 17-7-2007, tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, ông Nông Đức Mạnh khai mạc buổi mít tinh chào mừng dịp kỷ niệm đó, cùng với các nhân vật cáo cấp nhất trong chính quyền hay đã từng nám chính quyền: cựu tổng bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An, chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc cùng nhiều phó thủ tướng, bộ trưởng và bí thứ thành uỷ, chủ tịch uỷ ban nhân dân Hà Nội. Phía Lào chỉ có phó chủ tịch nước kiêm thường trực ban bí thư, ông Bunnhang Volachit, và một vài thành viên trong phái đoàn đại biểu đến tham dự.

Tại Vientiane cùng ngày, Đảng Nhân Dân Cách Mạng Lào cũng tổ chức kỷ niệm này, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Choummaly Souriya Sayasone đọc diễn văn khai mạc. Phía Việt Nam có Trương Tấn Sang, thường trực ban bí thư trung ương đảng cộng sản, và một số nhân vật trong đảng đại diện.

Mặc dù hai bên cố gắng nhắc tới tình đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai đảng và nhà nước, coi đây là qui luật tồn tại và phát triển đất nước, là tài sản quí báu do lịch sử để lại, v.v., trong thực tế quan tâm của những người lãnh đạo đất nước Lào hướng về những đối tượng khác, vừa giàu có vừa hùng mạnh hơn Việt Nam: Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Nam Hàn và các quốc gia phát triển phương Tây.

Với một dân số hơn 6 triệu người sinh sống trên một lãnh thổ rộng 236 000 km2, trong đó 15% dân số tích cực tập trung vào những vùng thành thị, phần lớn tài nguyên thiên của Lào chưa được khai thác đúng mức. Đây là một nguồn lợi lớn mà giới đầu tư quốc tế mong được vào khai thác. Do thiếu cơ sở hạ tầng về đường sá và cầu cống, phần lớn các phương tiện di chuyển đều nằm trong tay người nước ngoài (Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam), những người này chỉ chấp nhận chuyên chở hàng hoá và tài nguyên mang lại nhiều lợi nhuận như gỗ quí, gỗ rừng lâu năm, thú rừng, á phiện, đá quí, quặng mỏ hiếm, v.v.

Nhắc lại, trước khi thiết lập quốc hội thắm thiết với Việt Nam trong suốt cuộc chiến Đông Dương lần thứ 2, quan hệ giữa người Lào và người Thái rất là gắn bó, vì cả hai dân tộc có cùng văn hoá và ngôn ngữ. Chính nhờ yếu tố này mà người Thái đã chiếm gần như trọn quyền khai thác kinh tế và tài nguyên dọc bờ tả ngạn sông Mekong từ Vientiane đến Pakse. Năm 1994 chiếc cầu hữu nghị đầu tiên (Mittaphap Bridge do Úc tài trợ) bắc qua sông Mekong, dài 1 170 m, nối liền Vientiane với thành phố Nong Khai của Thái được khánh thánh. Chiếc cầu thứ hai được khánh thành năm 2006, nối liền Savannakhet với thành phố Mukdahan của Thái, trong dự án xây dựng hành lang Đông-Tây nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Với hai chiếc cầu này, hàng hoá và tài nguyên giữa hai nước được di chuyển qua lại dễ dàng.

Với hành lang Đông Tây này, người Lào không còn thấy tương lai của họ lệ thuộc vào Việt Nam như trước. Lào là một quốc gia lục địa, không có đường ra biển cả, tất cả mọi hàng hoá muốn nhập hay xuất qua đường biển đều phải qua ngỏ Việt Nam, với rất nhiều khó khăn và tốn kém. Khi trục lộ này hoàn tất, Lào có nhiều chọn lựa hơn: hàng hoá xuất nhập khẩu có thể vận chuyển hoặc qua ngả Thái Lan hoặc Việt Nam tùy theo lợi ích kinh tế. Cũng chính nhờ hành lang này mà Lào tiếp nhận thêm nhiều vốn đầu tư đến từ nước ngoài, nhất là Nhật Bản, Đài Loan và Nam Hàn, nhờ đó mức sống của người Lào được cải thiện hơn và mức sống cũng được nâng cao.

Trong bối cảnh mới này, Việt Nam là quốc gia yếu kém nhất và vắng mặt trên nhiều lãnh vực. Các cấp lãnh đạo Lào dành nhiều ưu tiên cho các quốc gia gàu có và hùng mạnh hơn nhiều lần Việt Nam: Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Nam Hàn, Úc, Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ, Thái Lan, v.v. Hiện nay Nhật Bản, Trung Quốc và Thái Lan là ba quốc gia đầu tư lớn nhất tại Lào, Úc chỉ đứng hạng thứ tư. Nhật Bản còn là quốc gia viện trợ kinh tế nhiều nhất cho Lào, trong khi Thái Lan là quốc gia đứng đầu về khối lượng hàng hoá nhập khẩu (64%) và cũng là khách hàng chính của Lào với 20% lượng hàng xuất khẩu. Các chương trình truyền hình của Lào đều do người Thái cung cấp, nhất là dân chúng Lào có thể bắt xem tất cả các đài truyền hình của Thái một cách miễn phí, và nhờ đó chinh phục được sự tin cậy của dân Lào vào Thái Lan. Khách du lịch mang ngoại tệ đến cho Lào là người phương Tây: Mỹ, Pháp, Úc và các quốc gia ASEAN giàu có (Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia).

Cố gắng đầu tư của Việt Nam trên đất nước Lào tập trung vào những lãnh vực có tính kỹ thuật thấp như thuỷ điện, lâm nghiệp, khảo sát và khai thác khoáng sản, vận tải, trồng cây công nghiệp (cà phê và cao su). Kim ngạch thương mại giữa hai nước thuộc hạng thấp nhất so với các nước khác: 45 triệu USD đầu thập niên 1990, 160 triệu USD vào đầu thập niên 2000, riêng năm 2006 là 260 triệu USD. Lãnh vực đầu tư chính của người Việt trên đất nước Lào là nghề khai thác gỗ rừng xuất khẩu, một dịch vụ đang bị dư luận thế giới lên án vì bất chấp môi trường.

Sự hiện diện của người Trung Quốc trong các tỉnh phía bắc Lào ngày càng lộ liễu. Cũng nên biết, Trung Quốc là quốc gia đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông của Lào từ đầu thập niên 1990: quốc lộ 13 và đường xe lửa nối liền Bắc Nam.

Hiện nay di dân Trung Quốc dọc biên giới vào đất Lào khai hoang khẩn đất rất đông và không hề bị kiểm soát. Nhà cửa của người Trung Quốc mọc lên như nấm dọc các trục lộ giao thông Bắc Nam trong các tỉnh này. Lào là quốc gia đứng vào hạng thứ ba về sản xuất thuốc phiện, sau Afghanistan va Myanmar. Nhiều sòng bạc và khách sạn của người Trung Quốc được thành lập để thu hút số tiền bẩn do thuốc phiện mang lại. Những nhóm Hmong chống đối chính quyền cộng sản thân Việt Nam trước kia được Trung Quốc giúp đỡ để trở về quê quán cũ canh tác, một số còn được huấn luyện quân sự và trang bị vũ khí để tự bảo vệ khi bị chính quyền Lào tấn công. Nói chung, gần như bốn tỉnh phía bắc Lào đang nằm trong tay người Trung Quốc, với tất cả những hệ lụy của sinh hoạt mua bán hợp pháp và bất hợp pháp.

Mặc cho các cấp lãnh đạo cộng sản Việt Nam ra sức hô hào củng cố tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện, người bạn Lào đang hướng về những thế lực giàu có và hùng mạnh hơn Việt Nam. Lào đang vuột khỏi tầm tay Việt Nam.

Nguyễn Văn Huy

Category: Chính trị | Views: 751 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 552
Khách: 552
Thành Viên: 0