Thứ Ba, 2025-01-21, 10:06 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 13 » Những chiếc bánh vẽ màu nhân quyền của Nhà nước Cộng sản Việt Nam
8:45 AM
Những chiếc bánh vẽ màu nhân quyền của Nhà nước Cộng sản Việt Nam

Kinh Trực

Khi nói về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, người ta hay liên tưởng đến hình ảnh chiếc bánh được vẽ, chăm chuốt tinh xảo đến từng chi tiết khiến nhìn qua đã thấy thèm và càng nhìn càng có cảm giác mình đang ăn ngon lành bằng mắt trước khi bỏ nó vào miệng, nhấm nháp từ tốn hương vị thơm tho, béo ngọt của nó… Nhưng đó là chỉ để nhìn và để tin rằng mình có thể ăn được, đừng bao giờ chạm vào, chẳng tốt đẹp gì cho người muốn ăn một chiếc bánh khi đang đối diện với hình ảnh của nó. Sẽ không bao giờ ăn được, vì đó là chiếc bánh vẽ!

Một người nông dân mỗi sáng dắt trâu ra đồng với giấc mơ yên bình cơm no áo ấm, sống bình thản, hồn nhiên cùng tiếng chim trong vườn, cùng mây trời và những cơn mưa đầu mùa hứa hẹn phù sa, hứa hẹn mùa màng… Một giấc mơ nho nhỏ, bình dị của một cuộc đời quen vơí mảnh vườn, thửa ruộng, con trâu, cái cày cùng mái nhà ấm áp giữa đời sống mang nhiều hứa hẹn bình yên, ấm tình…

Một nhà giáo nghèo mỗi sáng đến trường nhìn đàn học trò quê bi bô tập làm người, tập yêu quê hương và ước mơ xây dựng quê hương qua những bài giảng mang hơi ấm giọng nói quê nhà…

Một sinh viên chật vật với sách vở, thông tin và giáo trình, giấc mơ tri thức, giấc mơ thụ đắc những tinh hoa nhân loại để kéo mình ra khỏi bóng tối thiếu hiểu biết, vượt qua thực tại để xây dựng cho mình một tương lai tươi sáng hơn để rồi mình được cống hiến cho quê hương những gì mình có được và những gì mình có thể làm được nhằm làm cho quê hương tươi đẹp hơn, văn minh hơn…

Một công nhân cần mẫn làm việc như chú mối chăm chỉ đang góp một phần nhỏ của mình vào chiếc tổ của giòng giống…

Một nhà doanh nghiệp đang hoạch định những kế hoạch cho tương lai của công ty, đang cố gắng tạo ra những vòng quay tiền tệ nhằm làm cho đồng vốn của mình được tăng dần theo thời gian nhờ vào khả năng khuếch trương của mình giống như chú ong siêng năng đang cố gắng đập cánh thật nhanh để hút nhụy mang về những giọt mật thơm…

Tất cả, người dân Việt Nam đang sống, làm việc, ước mơ và đang tìm cách đến gần với ước mơ của mình. Có lẽ, giấc mơ lớn nhất của họ là được sống đúng nghĩa và sống trọn vẹn một con người, sống như những gì máu tim mách bảo, sống theo tiếng gọi của trái tim thiêng liêng liêng và lẽ phải vĩnh cửu. Sống theo những đòi hỏi chính đáng của khối óc và linh cảm, sống theo nhân đức và tâm linh… Nói chung là sống theo đúng nghĩa hai chữ Nhân Quyền.

Nhưng trong thực tế, đời sống của người dân Việt Nam có được điều này hay không? Và tất cả những giấc mơ bình dị của những người vừa nói trên đây có được trọn vẹn? Đời sống của họ trong bối cảnh Việt Nam hiện tại ra sao?

Đầu tiên, xin nói về người nông dân và hình ảnh con trâu, cái cày, cánh đồng quen thuộc cùng giấc mơ giản dị của họ. Liệu họ có thực hiện được hay không? Thực ra,tâm thức của họ đã bị vỡ từ lâu (đó là trường hợp những người nông dân may mắn có được những cơ sở căn bản như ruộng vườn, cái chữ…) và cũng có nhiều trường hợp người nông dân chưa bao giờ có được một cơ sở nhỏ để ước mơ!

Vì sao tôi nói vậy? Vì người nông dân Việt nam là người nông dân có số phận buồn trong lịch sử văn minh loài người. Trước thời phong kiến, họ là một tập thể có cái bóng mờ nhạt, thời phong kiến, họ là những con người mang thân phận tôi đòi, mang thân phận của loài vật bị hất hủi, đến thời hiện đại, họ là những cỗ máy sản xuất ra lúa gạo để đổi lấy cái ăn, cái mặc và chỗ ở, họ, hình như chưa bao giờ biết hưởng thụ, biết suy tư về ý nghĩa đích thực của sự sống, đời sống và thân phận làm người – một phần do mù chữ, một phần do quá khổ cực, chật vật, và một phần khác do thiếu hiểu biết nên đâm ra dễ bị lừa, mà kẻ lừa họ nhiều nhất không ai khác ngoài nhà cầm quyền.

Có những người nông dân may mắn có được mảnh vườn mấy đời do cha ông bán mặt cho đất bán lưng cho trời gầy dựng nên, đùng một cái, biến cố 30/4/1975, họ mất trắng! Tất cả sung vào tài sản tập thể, tất cả là của toàn dân, của nhà nước, của hợp tác xã… Họ không còn gì ngoài một sự cam phận và tiếp tục kiếp lầm than! Đến năm 1986, họ nhận bằng khoán tạm thời xác nhận diện tích đất được phép sử dụng riêng. Khi chính phủ Việt nam ban hành Khoán 10 (1995), những khoản đất trước đây bị sung vào hợp tác xã được trả lại ít nhiều, họ được cấp sổ đỏ, họ lại vui mừng nghĩ rằng đời mình đã được bình an, đã được làm chủ những gì lâu nay mình trả giá, đau khổ vì nó… (Mặc dù để có được niềm vui đó, họ đã mất đi rất nhiều thứ, ruộng vuờn của họ bị chia năm sẻ bảy trong quá trình cấp sổ đỏ, nhưng họ cam chịu, lấy có còn hơn không mà làm niềm vui an ủi!).

Niềm vui của họ kéo dài chưa được bao lâu họ lại tiếp tục rơi vào bi kịch, bi kịch khi nghe Nhà nước mở đường, đền bù giải tỏa, họ hy vọng sẽ đổi đời. Nhưng thực tế mức đền bù và thái độ làm việc quan liêu, cửa quyền phũ phàng từ phía những đại diện nhà nước đã khiến họ thêm thất vọng. Sự dấm dúi của thủ tục, sự không minh bạch của cán bộ cùng những hành vi tham nhũng, chèn ép người nông dân ít hiểu biết của những cán bộ nhà nước đã dẫn đến hệ quả nhiều nông dân sau khi nhận tiền đền bù, xây lại nhà thì không còn đất để canh tác kiếm sống, nhà cửa chật chội, xây theo mô hình nhà hộp chung cư… Hãy thử hình dung cảnh những người nông dân quen sống cuộc đời khoáng đạt với ruộng vườn ao chuôm, chỉ cần bước ra vườn đã hái được ngọn rau trái bí vào dùng bây giờ sống chật hẹp, lo gạo từng bữa, lo đi làm thuê, phụ hồ, đập đá, bưng thức ăn nhà hàng, mở quán nhậu… làm sao họ có thể sống được với những kế sinh nhai trên một khi họ chưa bao giờ có khái niệm gì về đời sống khác ngoài mảnh ruộng, con trâu?!

Và những người nông dân may mắn không bị mất đất lại thấp thỏm trong nỗi lo khác về những gì mình đang có. Thực tế đã cho họ thấy rằng họ không hề có chút quyền nào gọi là sở hữu trên mảnh đất cha ông để lại, trên cái nơi mà họ đầu tắt mặt tối để chăm nom, xây dựng nên. Những người nông dân trở nên thấp thỏm trước tương lai, không biết bao giờ mảnh vườn, đàm ruộng của mình bị đem ra chia lô, và lúc đó đời sống con cái họ sẽ ra sao… Chỉ một giấc mơ nhỏ nhoi ấy cũng không có được, người nông dân Việt nam sống trong nỗi trĩu sầu của một kẻ luôn lo lắng, thấp thỏm và hoài nghi tương lai, số phận. Cánh đồng thơ mộng của họ cũng chan đầy khổ đau và tủi nhục.

Cái quyền được sống bình an với nghiệp nông gia của mình cũng không có được cho người nông dân Việt Nam, vậy nhân quyền của họ ở đâu? Trong khi đó, những bản tin truyền thông của nhà nước Cộng sản luôn đưa ra những con số đầy hứa hẹn về một nền kinh tế xuất khẩu nông nghiệp đứng thứ hai trên thế giới!

Trường hợp một nhà giáo nghèo có giấc mơ xây dựng những thế hệ mai sau tố hơn, hạnh phúc hơn và tiến bộ hơn thì sao?

Xin thưa là họ cũng buồn không kém gì người nông dân, họ phải hằng ngày đến lớp làm một con vẹt đọc lại những gì "cấp trên" bắt buộc phải đọc, phải nhồi nhét vào trí não non nớt của một lớp đáng con đáng cháu họ, của một lớp mà họ thương yêu, muốn truyền đạt nhiều thứ để chúng trưởng thành, làm người nhưng họ chỉ được phép truyền đạt những thứ giả tạo, ngụy tri thức… Để cuối cùng, hình ảnh người thầy mất dần trong tâm hồn học trò, những học trò xem họ là "kẻ bán", chúng là "người mua", là thượng đế và mối quan hệ mua bán không hề sòng phẳng vì chúng bị ép phải mua những thứ kiến thức mà chúng muốn vứt đi hơn là giữ lại. Chẳng có gì để tri ân hay tôn trọng một kẻ chỉ đơn thuần có mối quan hệ mua bán với mình! Muốn có cái chữ, chúng phải bỏ tiền ra, ngược lại, muốn có tiền, phải "dạy" chúng, thế thôi!

Và cái giá phải trả cho "mối quan hệ mua bán" thiếu nhân tính này là người giáo viên đến trường với niềm vui duy nhất là kiếm thật nhiều tiền thông qua những bài giảng đã được cài đặt trước, do người khác, kiếm càng nhiều tiền càng có niềm vui, không cần nhắc đến lương tri, vì lương tri nhà giáo không phù hợp với "nhịp điệu sư phạm chung". Chính điều này xô dạt những nhà giáo chân chính về một góc khuất của im lặng và dần mất dấu!

Về phần những sinh viên, họ là thành phần tinh hoa của xã hội, đồng thời họ cũng là tội lỗi thụ động của đất nước. Vì sao tôi gọi họ là những tội lỗi thụ động của đất nước? Vì ngay từ trong trứng nước họ đã phải thụ nhận một nền giáo dục vừa phi nhân tính vừa áp đặt và thiếu khoa học, họ học những kiến thức không hữu ích bao nhiêu cho bản thân họ, cũng không góp được bao nhiêu để xây dựng đời sống này tốt đẹp hơn! May lắm có vài người do tác động ngẫu nhiên hoặc một nguyên nhân nào đó sinh ra bất mãn với những gì mình học, bất mãn với nhà cầm quyền và chuyển hướng sang nghiên cứu một loại tri thức có tính nghịch đảo với những gì mình học. Nhưng trường hợp này quá hiếm! Và cuối cùng, phần lớn sinh viên Việt Nam chẳng có ước mơ hay lý tưởng nào, vì ngay trong sự học và hoài bão của họ cũng đã được cài đặt, đã mất tự do, đã không có nhân quyền. Vấn đề nhân quyền trong giới trí thức là vấn đề nhức nhối của Việt Nam dưới chế độ Cộng sản độc tài và luôn có khuynh hướng giáo dục và đào tạo ra Cộng sản con chứ không tạo ra những trí thức đích thực!

Một công nhân thì sao? Họ làm lụng vất vả, tích cóp từng đồng để có chút vốn giắt lưng phòng khi đau ốm, giỗ chạp, hiếu hỉ, cưới vợ, lấy chồng… Để rồi lại tiếp tục làm lụng, tích cóp với niềm hy vọng sẽ có một ngày mai tươi sáng hơn, công ty sẽ ưu đãi hơn, khoản tiền thuế, khoản chi tiêu sẽ thoải mái hơn…

Nhưng thực tế cuộc sống họ không hề cho họ niềm vui nào nếu họ chịu khó suy nghĩ một chút về bản thân. Đến công ty thì chỉ biết làm và làm, may lắm thì không bị chủ ép lương, nếu có những thắc mắc về quyền lợi, những bức xúc về thái độ của chủ, họ cũng chẳng biết nói với ai vì công đoàn đâu có đứng về phía họ. Ở xứ sở này, cái gọi là Công đoàn được xây dựng để bảo vệ người chủ, bảo vệ kẻ mạnh trên danh nghĩa tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động.

Tự dưng, khi nói về người công nhân, tôi liên tưởng đến hình ảnh những cỗ máy công nghiệp suốt ngày chạy, nghỉ xả nóng, nạp năng lượng rồi lại chạy… Suy cho cùng, họ sống như một đàn vịt dưới ao, suốt ngày vục miệng xuống bùn để vớt con tôm, cái tép, hì hục, tối về đẻ trứng, ngủ, đạp mái, sáng mai lại vục miệng… Không có gì xót xa hơn hình ảnh những người công nhân Việt Nam trong những khu công nghiệp, khu chế xuất! Họ gần như đánh mất đời sống, ý nghĩa sống của một con người! Nhân quyền của họ ở đâu?

Còn những nhà doanh nghiệp? Xin thưa là trừ những doanh nghiệp nhà nước, những chủ doanh nghiệp có thế lực, có dây mơ rễ má với người trong chính quyền Đảng Cộng sản, những doanh nghiệp tự đi lên bằng đôi chân của mình ở xứ sở này cũng lắm gian nan. Do vậy mà không thiếu những doanh nghiệp trẻ vừa ra đời đã gặp ngay những thất bại dẫn đến thua lỗ, phá sản, thậm chí tù tội, tự tử… Vì sao? Vì sự ưu tiên của chính sách nhà nước dành cho họ quá ít, có tính tượng trưng hơn là thực tế. Từ chỗ đó phát sinh hai chiều hướng: một là doanh nghiệp sẽ vận động hết công năng để trụ lại được ngày nào hay ngày đó, gặp may thì vực dậy nếu như chủ doanh nghiệp là người có lương tâm, nghĩ đến đời sống của người công nhân, nghĩ đến trách nhiệm của một người chủ. Hoặc là doanh nghiệp đó sẽ hạ mức lương công nhân xuống đến mức thấp nhất có thể, bỏ lơ tất cả những khoản bồi dưỡng, bảo hiểm y tế… của người lao động để thừa ra được một số tiền nhằm bù vào khoản mình thua lỗ. Làm vậy cũng chỉ duy trì được ngày nào hay ngày đó nhưng có còn hơn không. Kết quả của nó là những công nhân chịu khổ, chịu thiệt thòi, lương tâm nhà doanh nghiệp hao cạn theo thời gian, nguy cơ sinh ra những kẻ bóc lột sức lao động kẻ khác… Những giấc mơ, những lý tưởng ban đầu của một nhà doanh nghiệp chân chính chết dần. Nguyên nhân cũng do thiếu một sân chơi lành mạnh, sòng phẳng, thiếu một chế độ ưu đãi nhân bản từ phía nhà nước. Hay nói xa hơn một chút là thiếu nhân quyền trong hoạt động kinh doanh…

Và nhìn chung, khi nói về con người Việt nam, nghĩa là đang nhắc đến những cơ - thể - thiếu - dưỡng - chất – nhân - quyền, những con người quen ăn bánh vẽ và cam chịu một cách bền bỉ, tủi nhục! Trong lúc đó thì nhà nước Cộng sản luôn hô hào về nhân quyền Việt nam, luôn hô hào tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do phát triển tư tưởng… Ngay trong chuyện ăn, mặc, ở, nhu cầu cơ bản và tối thiết của con người đã có quá nhiều vấn đề để suy ngẫm, để bàn luận và xét lại thì đừng mong gì đến những thứ quyền cao cấp khác!

Năm 2007 là năm Việt Nam hội nhập WTO, năm 2008 Việt Nam tham gia vai trò chủ tịch thành viên không thường trực Liên Hiệp Quốc. Trong những chương trình đầu tư của nước ngoài, Việt Nam luôn là đối tượng được nhắc đến trong nhóm những nước được ưu tiên và Việt Nam đang cố gắng đuổi kịp các nước khu vực về Văn hóa, Kinh tế, Chính trị... Đó là lý thuyết, đó là ước mơ chung. Trong thực tế, đất nước đã hội nhập WTO, đã là thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hiệp Quốc trong một thời gian dài. Nhưng mọi sự cũng chẳng có gì thay đổi. Nhân quyền của người Việt vẫn còn là vấn đề xa vời.

Báo chí Việt Nam cũng vẫn bị xếp vào hạng bét nhất (vị trí 178/195 quốc gia – tổ chức Freedom House) vì nhà báo không có tự do, nhà báo chỉ là kẻ bồi bút cho nhà nước Cộng sản, những nhà báo chân chính dám nói lên tiếng nói công lý thì bị vướng vào những hệ lụy rắc rối, nguy cơ cho bản thân (trường hợp hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải…), nhà báo nước ngoài đến tác nghiệp tại Việt nam thì bị gây khó khăn, bị trấn áp, đánh đập… Khi có những người đứng ra nói lên tiếng nói của nhân quyền thì bị quản thúc, bắt bớ như trường hợp luật sư Lê Thị Công Nhân, luật sư Nguyễn Văn Đài…

Đời sống cơm áo gạo tiền là vậy, nhưng đời sống tâm linh của người dân Việt Nam – nơi người ta có thể trút bỏ những muộn phiền mà cuộc sống hằng ngày mang đến cho họ, nơi họ kí thác linh cảm, tình yêu để nuôi dưỡng giấc mơ thánh lành, bình an – cũng chẳng có gì tốt đẹp, suôn sẻ. Vì chế độ Cộng sản độc tài Việt nam cũng chẳng buông tha cho họ trên khía cạnh này. Những câu chuyện buồn từ vụ chiếm đất giáo xứ Thái Hà, chuyện Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị đàn áp, chuyện Tòa thánh Tây Ninh nằm trong sự quản thúc của chính quyền, những hoạt động tâm linh của bà con đạo hữu ở Tây ninh bị quan sát, cấm kị… cũng đủ nói lên sự hạn chế đến mức tối thiểu về mặt nhân quyền của họ!

Đến bao giờ thì người dân Việt Nam mới sống đầy đủ nhân quyền? Đến bao giờ hai chữ Nhân Quyền được thực hiện ở Việt Nam? Đến bao giờ nhân quyền Việt nam thôi là chiếc bánh vẽ? Câu trả lời xin dành cho những người có lương tri và yêu tự do, có trách nhiệm với dân tộc và biết yêu thương đồng loại, yêu thương đất nước có mấy nghìn năm lịch sử đầy đau khổ tủi nhục này!

Vietnam Freedom Institute
Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 813 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 25
Khách: 25
Thành Viên: 0