Thứ Ba, 2025-01-21, 10:02 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 15 » Thầy giỏi và trò lười
7:21 AM
Thầy giỏi và trò lười

Bùi Tín

Ở Việt Nam lâu nay có phong trào học thêm. Nhiều gia đình thuê thầy giỏi về nhà dạy thêm cho con cháu.

Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng lo học. Ông thuê thầy quốc tế kèm cặp thêm về kinh tế - tài chính đã hơn 1 năm nay.

Ông Dũng biết kén thầy giỏi. Ông thuê Đại học mũi nhọn Harvard ở Mỹ làm thầy. Cứ 3 tháng một lần tổ giáo sư lại viết một tổng hợp, nhận xét và kiến nghị, đề xuất giải pháp cho tình hình kinh tế - tài chính Việt Nam. Tháng Chín vừa qua, họ đã đưa tận tay ông Dũng bài nghiên cứu - góp ý lần thứ 3.

Nhóm thầy của Harvard gồm 5 giáo sư thuộc "Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright" nằm trong tổ chức Harvard - Kennedy School: D.Dapice, J.Pineus, B.Wilkinson, Nguyễn Xuân Thành và Vũ Thành Tự Anh - cực giỏi. Cũng phải trả khối tiền. Tiền nào của nấy.

Điều đáng nói về câu chuyện này là theo tin từ Đại học Harvard, các thầy nói trên hiện rất băn khoan, xen lẫn với buồn nản, và cả bực mình.

5 giáo sư rất tận tình nghiên cứu, thời gian nằm tại chỗ không ít, đã làm 3 bản báo cáo, đánh giá, kiến nghị cực kỳ công phu, nhưng xem ra học sinh có vấn đề; các giáo sư đều hiểu rõ là trò của mình học hành yếu kém, không cơ bản, không có hệ thống, lại chậm hiểu và lười. Thật ra học trò còn tệ hơn thế. Đã thất học, còn không muốn học nữa.

Học trò đây không phải là chỉ một mình ông thủ tướng Dũng, mà tất cả các phó thủ tướng, bộ trưởng, cả 14 uỷ viên bộ chính trị đều được cung cấp mỗi người 1 bản báo cáo, để cùng học, nhưng có vẻ như 3 bản báo cáo dày cộp đều nằm im trong ngăn kéo.

Khá đông trí thức, chuyên gia Việt Nam trong và ngoài nước tìm đọc và quí trọng những bản tài liệu trên đây. Nhiều bạn đánh giá cao tầm nghiên cứu, nhận xét thẳng và sâu, nhất là những kiến nghị trúng phắp của các tác giả. Nhiều thực tế cực kỳ hệ trọng trong đó không hề được các phiên họp quốc hội hay trung ương đảng CS đề cập, bàn đến.

Thí dụ trong bản nghiên cứu thứ 3 có những nhận định: "những yếu kém về mặt cơ cấu của nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết"; "các giải pháp mới chỉ cứu chữa triệu chứng chứ chưa phải là nguyên nhân của căn bệnh"; "triển vọng tăng trưởng phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo để giải quyết những thách thức này".

Vẫn nhắc lại ý của 2 bản nghiên cứu trước [*], bản này phàn nàn về sự khan hiếm thông tin tin cậy, nhất là về tài chính và kế toán, và đặt ra câu hỏi: họ đang cố gắng che giấu điều gì ?

Báo cáo chỉ rõ: "thật đáng lo khi Việt Nam bị xếp thứ 49 trên 52 nước châu Á về nền tài chính công khai minh bạch, thứ 50 trên 52 nước về kế toán, kiểm toán". Sau nhiều lần được đề nghị, Việt Nam nay vẫn chưa thành lập Uỷ ban Giám sát Tài chính để kiểm tra, thẩm sát, điều chỉnh mọi chi tiêu, kiểm chứng, công bố các số liệu về thu, chi của quốc gia.

Bản báo cáo không ngần ngại chỉ ra những báo cáo đầy hoang tưởng và dối trá của bộ trưởng kế hoạch - đầu tư, khi phô trương những con số khổng lồ về vốn FDI (gần 60 tỉ đôla !) trong khi đó chỉ là những ý định, dự định, hứa hẹn còn vu vơ, với những dự án thổi phồng quá đáng. 5 tác giả hoài nghi về "dự án của một nhà đầu tư Malaixia định rót một núi tiền lớn hơn ngân sách giáo dục hàng năm của cả Việt Nam chỉ cho một khu đại học", hay về dự án của Brunây xây dựng một khu dân cư ở tỉnh nhỏ Phú Yên lên đến 4 tỉ đôla! Bản báo cáo phơi bày: "Các nhà đầu tư được khuyến khích phóng đại các số tiền đầu tư nhằm gây ấn tượng với chính quyền địa phương, giúp đẩy nhanh tiến độ cấp phép và tiếp cận khu đất tốt và rộng nhất ". Phóng đại con số 60 tỉ, mà giài ngân được có 10 tỉ !

Một ý kiến được nêu lên từ nửa năm trước là cục bướu những tập đoàn Quốc doanh kiểu Chaebol Hàn Quốc, như PetroVietnam, EVN, Vinashin, FPT, Vinatex, Vinacomin đang bung ra đầu cơ ngành ngân hàng, bất động sản, xuất khẩu... chỉ tạo ra rối loạn và rủi ro cho nhà nước.

Bản báo cáo nhắc lại kiến nghị ưu tiên phát triển rộng khắp các cơ sở kinh doanh cá nhân vừa và nhỏ, khẩn cấp lập Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia để thu thập, xử lý và phân tích thông tin về hệ thống tài chính, hiện là khu vực mù mờ, bị che dấu, thiếu công khai và minh bạch và tai hại nhất. Việc tái cấu trúc Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng đã trở nên cấp bách, không thể để chậm trễ thêm nữa.

Cuộc họp quốc hội đang bàn về tài chính, cắt giảm chi của các tập đoàn kinh tế, nhưng có ai biết ngân sách cắt ngầm cho bộ chính trị là mấy trăm nghìn tỉ đồng? do Ban tài chính quản trị trung ương đảng nắm, quản lý vô vàn nhà khách, nhà nghỉ, công ty thương nghiệp, quản lý nhà đất, kinh doanh tài chính ngân hàng, chứng khoán, xuất nhập khẩu riêng của đảng? Có ông nghị nào dám hỏi không ? Đó là một nhà nước trong nhà nước, một ngân sách khổng lồ trong ngân sách quốc gia, không ai được nói đến, hỏi đến, đụng đến.

Cho đến nay, những kiến nghị công khai hoá và giám sát nghiêm nền tài chính quốc gia của các giáo sư Havard vẫn bị học trò cố tình quên mất. Vậy thì thuê thầy làm gì ? Vẫn chỉ tiền mất tật mang.

Quốc hội vừa rồi thông qua một số luật, chất vấn một số bộ trưởng 5 điều 3 chuyện, rồi bế mạc; việc cải cách cơ cấu cấp bách, nhất là cải cách tận gốc cơ cấu chính trị quốc gia - được coi là then chốt, vẫn chỉ nằm ở ý định... trong tương lai.

Paris 11-11-2008
Bùi Tín
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 919 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 31
Khách: 31
Thành Viên: 0