Thứ Bảy, 2025-01-11, 6:01 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 15 » Thư gửi ông Nguyễn Thế Thảo chủ tịch UBND TP Hà Nội
2:01 PM
Thư gửi ông Nguyễn Thế Thảo chủ tịch UBND TP Hà Nội


§ Hà Long

Thư viết sau cơn nước lũ

Thưa ông chủ tịch!

Khi tôi đặt bút viết những lời này thì nhiều nơi trên mặt bằng của "Hà Nội Mới" gần 15 ngày dân vẫn còn sống với lũ và nước, có nơi nước còn ngập hơn nóc nhà như những hình ảnh của ngày 13-11-2008 từ làng Đồng Chiêm, cách UBND TP Hà Nội khoảng 60 km về hướng Tây Nam. Có nơi nước đã rút đi, nhưng người dân đang phải vật vã với rác và mùi hôi thối do những dòng nước trôi vào. Cộng thêm vào đó trời bắc sắp vào đông càng làm cho dân lâm nạn lụt rét lòng hơn.

81112thao1.jpg

Lúc này tôi không cần phải tả lại những dòng sông độc ác lượn quanh khắp ngõ phường của thủ đô Hà Nội, một niềm tự hào của cả dân tộc sắp mừng kỷ niệm 1.000 năm thành Thăng Long. Từ trên cao nhìn xuống thấy Hà Nội chìm trong cơn lũ không khác gì một vùng nông thôn hẻo lánh nào đó: điện đóm không còn, nước uống cạn nguồn, điện thoại lúc được lúc không, đường đi trở thành dòng sông. Người dân tự hỏi đây còn là bộ mặt thủ đô của cả nước ư? Hà Nội còn xứng tầm với lịch sử nghìn năm văn hiến không?

Con nước cuồng bạo đã lôi cuốn hơn 82 người dân lành, 5 người mất tích trong đó có 17 người Hà Nội. Một điều quá tang thương cho nơi chốn nổi danh này, một điều ai cũng nghĩ đến không thể xảy ra được trên phần đất của bộ mặt quan trọng quốc gia do người đứng đầu quản lý chịu trách nhiệm cao nhất là ông chủ tịch UB NDTP Hà Nội.

Đã hai tuần qua người dân vẫn vật vã chiến đấu từng ngày với cơn lũ và hậu qủa sau cơn lũ: tổn thất vật chất, không có lương thực để ăn, thực phẩm hằng ngày tăng nhanh hơn con lũ đến, người nghèo ăn rau cầm sống không đủ tiền mua vì đắt hơn mấy lần, thêm vào đó bệnh tật có nguy cơ lây nhiễm... Người dân lo lắng hơn khi nhìn thấy chính quyền có trách nhiệm trực tiếp không có khả năng kiểm soát giá cả thực phẩm.

Một vài thảm trạng được người dân trong vùng lũ tả lại như sau:

- "Chuyện đau lòng về em bé 13 tháng tuổi, đêm ngủ bị rớt xuống nền nhà ngập nước mà chết đuối do cha mẹ không hay biết. Lại thêm những em bé đi học bị nước cuốn trôi, thật đau lòng làm sao."

- "Trong xóm trọ của chúng tôi, đã từ tối thứ 6 tuần trước, điện mất, nước bẩn, ngập cao đến hàng mét, mà chúng tôi vẫn phải ăn mì tôm sống và uống nước mưa. Trong nhóm chúng tôi có nhiều người không biết bơi, do đó hiện giờ vẫn đang lặn ngụp với tình trạng giữa thủ đô mà sắp chết vì bị cách ly với thế giới bên ngoài. Do điện mất, điện thoại hết pin, nên chúng tôi cũng không thể liên lạc với thế giớ bên ngoài…"

- "Tôi chỉ muốn chia sẻ, tôi chỉ muốn các bạn thấy chúng tôi cần gì và cần vào lúc nào khi trốn lũ lụt gần 1 tuần nay. Bắt đầu từ chiều ngày thứ 6, ngập toàn bộ đường ngõ, đến sẩm tối nước đã ngập cả mét. Toàn bộ dẫy nhà chìm trong nước, xe máy để trong nhà chỉ nhìn thấy mỏm gương, chúng tôi giúp nhau chạy đồ đạc, nhà nào chỉ có 1 tầng thì sơ tán toàn bộ sang nhà người khác. Đến sáng thứ 7 thì yên vị hoàn toàn, chúng tôi giao lưu qua các khung cửa sổ tầng 2, 3, chia sẻ thức ăn, nước và thông tin. Chúng tôi cần lắm thông tin về thời tiết để biết tình trạng này kéo dài bao lâu và sẽ như thế nào. Lúc này thông tin chúng tôi có được là qua điện thoại di động gọi cho bạn bè. Đến ngày chủ nhật thì hoàn toàn mù tịt vì điện thoại hết pin.

Chúng tôi hỏi nhau (rất sốt ruột) sao không thấy chính quyền phường, quận thông báo gì cho chúng tôi. Đến chiều có bè vào, một số gia đình sơ tán, một số đi mua thêm thức ăn: 20.000-30.000 một mớ rau, 7000đ 1 cây nến, 200.000đ/ một thùng mỳ… 50.000 - 70.000/1 người/1 lượt đi bè (khoảng gần 700m).

Thứ 2: thức ăn còn, nhưng nước sạch thì không, nước ngập bốc mùi, chó chết, chuột chết nổi lềnh bềnh, kim tiêm nhiều vô số. Nước dự trữ đã hết, chỉ một số nhà phá ống thoát nước thì lấy được nước mưa, một số phá chậm mưa nhỏ không hứng được.
Thứ 3: một số gia đình nữa thuê bè ra đi, đến chiều thì có mỳ tôm tiếp tế, nhưng chúng tôi không có nước và không có thông tin, mỳ tôm mới mua hôm CN. Sáng nay, tôi đi làm, thấy nói: mưa lụt bất thường, bị động trong dự báo nhưng chính quyền hoàn toàn chủ động trong đối phó, đại khái như thế. Tự dưng buồn, "bỗng dưng muốn khóc” theo cơn mưa."

- "Quả thực là chẳng thấy chút động tĩnh nào từ phía các ban ngành và chính quyền địa phương. Chúng tôi ở phường Thành Công, điện mất, nước mất, thông tin mất, đường giao thông ra ngoài mất. Chúng tôi chỉ biết được thông tin về dự báo thời thiết, về thiệt hại và những nguy cơ có thể xảy ra do cơn mưa mang lại, nguyên nhân mất điện qua các cuộc điện thoại do người thân ở nơi khác (có điện) thông báo cho. Không những đối diện với việc mất điện, người dân nơi đây còn hết sức lo lắng với việc không có nước sạch sinh hoạt, mọi người ngầm hiểu là mất điện gây ra mất nước và phải chịu đựng, đến lúc nào ông trời thương làm cho hết ngập lụt. Tuyệt nhiên không có một chút thông báo nào từ phía ủy ban phường. Không thấy một kế hoạch cấp nước sạch cho người dân."

Nỗi khổ của dân nghèo chúng tôi thế đấy!

81112thao2.jpg

Tuy nhiên vào ngày 2-11, trong nỗi khổ ấy chúng tôi còn phải nghe thêm lời sỉ vả của một tên quan lại trả lời phỏng vấn trong điện thoại khi gác chân cao ráo trên ghế và ngồi trong cái biệt thự to tướng tránh mưa, ông ta đổ lỗi là người dân quá "ỷ lại nhà nước lắm", nghĩa là trực tiếp ỷ lại vào năng lực điều binh khiển tướng của ông chủ tịch đó. Nếu được ỷ lại như thế thì số phần chúng tôi không hẩm hiu như bây giờ vì tiền thuế của chúng tôi luôn được nhà nước trang trọng thu vào nhanh chóng để xây dựng quốc gia, để trả lương cho cán bộ phục vụ dân, trong đó có ông chủ tịch, tiền thuế cũng để xây dựng hạ tầng cơ sở và cống rãnh thoát nước, v.v… Vâng! Chúng tôi quá ỷ lại như thế mới bị ông trời trừng phạt cay nghiệt trong những ngày qua.

Cuộc đời làm cho chúng tôi sáng mắt ra thêm vì khi Hà Nội được trời ưu đãi hơn 20 năm qua không có thiên tai bởi thế hàng năm mọi người vẫn thực hiện công tác cứu trợ lũ lụt miền Trung tích cực. Lúc đó thì phường, quận, quân dân hăng hái đi tận cùng hang xâu ngõ hẻm thúc đẩy đóng góp tiền của. Nay chính người dân Hà Nội bị cách ly, đói khát, khổ sở với giặc lũ như thế thì quý vị quan quyền lặn mất hút theo dòng nước, cho dù chúng tôi ở ngay bên cạnh nhà cao cửa rộng của quý vị.

Lại nữa, thường ngày công an, dân phòng, chiếu cố kỹ càng từng hang cùng ngõ hẻm để bắt mũ bảo hiểm, để kiểm tra gánh hàng rong. Nay tìm không thấy những anh hùng này đến cứu giúp người dân. Hoặc có giúp đỡ đưa dân qua chỗ ngập lụt lại chìa tay đòi tiền quá đáng của dân.

Thêm vào đó với sự thật phũ phàng khi chúng tôi được cứu đói trong những ngày qua bởi những người tội phạm quốc gia: các gánh hàng rong. Họ đang bị kết án và bị xua đuổi khỏi thủ đô Hà Nội. Nếu không có các bạn hàng rong này thì nhiều người dân chắc cũng đã bị chết đói theo lũ. Sao không thấy chính quyền xua đuổi ghi phạt hàng rong trên phố phường lúc này? Thế đấy, từ nơi chính quyền không đủ khả năng lo được những điều tối thiểu cho người dân trong lúc hoạn nạn? Sau cơn lũ các bạn hàng rong có bị phạt nữa không?

Chua chát thêm khi nghĩ lại về ngành cấp nước, thoát nước thường xuyên nhận được bằng khen, huân chương và anh hùng tiên tiến của thành phố. Nhưng khi lũ lụt kéo đến lại thiếu hẳn bóng dáng của ban ngành này! Hay là việc chống lũ lụt không phải là công việc thiết yếu của họ?

Thưa ông chủ tịch!

Người dân bỗng lo nhiều hơn cho những hoạch định tương lai của ông chủ tịch và sự việc cũng có thể gây hậu quả trầm trọng như cơn lũ. Đọc báo hàng ngày chúng tôi biết được những tin tức đáng lo như sau:

- Ì ạch các công trình 1.000 năm Thăng Long - Cầu chậm, đường cũng chậm. Trong các dự án, công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội chậm tiến độ, gây nhiều bức xúc nhất chính là các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông - đô thị (cầu, đường). Các công trình này có ảnh hưởng rất lớn tới đời sống dân sinh hàng ngày cũng như gắn liền với cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

"Hầu hết các công trình, dự án trong danh mục dự án kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đều chậm tiến độ so với dự kiến ban đầu và chậm so với kế hoạch của UBND TP”. Nhận định này đã được nhắc đi nhắc lại ở rất nhiều các cuộc giám sát, hội nghị quan trọng của thành phố Hà Nội. Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội Ngô Văn Quý thừa nhận, từ đầu năm đến nay, tiến độ triển khai các dự án đều rất chậm, hầu hết không đảm bảo tiến độ… Những cái tên được nói đến nhiều nhất chính là các dự án hạ tầng kỹ thuật, giao thông - đô thị như cầu Vĩnh Tuy, đường vành đai I, dự án đường Văn Cao - Hồ Tây, đường vành đai III, cầu Thanh Trì, đường Láng - Hòa Lạc... Chẳng hạn, đường Văn Cao - Hồ Tây được UBND TP phê duyệt từ tháng 1-2007 và dự kiến khởi công vào đầu năm 2008 song tới nay vẫn luẩn quẩn ở khâu GPMB. Bức xúc về tốc độ xây dựng cơ bản, ông Triệu Đình Phúc - Bí thư huyện ủy Thanh Trì nói: "Xây dựng cơ bản rất lình xình. Nhiều công trình chậm 2-3, thậm chí 4 năm. Thành phố, các sở, ngành nói nhiều nhưng chuyển biến chậm...”.

- Khi lũ lụt ở dưới đất chưa lo xong thì người dân Hà Nội lại lo: "Hiểm họa ở… trên đầu". Các vụ cháy xảy ra trên lưới điện, đối tượng thường bị "đổ lỗi” do hệ thống dây thông tin của các doanh nghiệp "ăn theo” cột điện gây nên. Trong khi đó, bộ phận trực tin báo cháy Phòng CS PCCC Hà Nội ghi nhận: Từ đầu năm đến nay xảy ra 186 sự cố chập điện ngoài trời, điện công cộng! Hạ tầng lưới điện ở nhiều địa bàn đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy là thực trạng không thể phủ nhận… Gặp lúc thời tiết bất thường, như nóng nhiều ngày rồi chợt mưa, hoặc gió to, các mối nối song song này rất dễ gây họa. Nguyên nhân nữa có thể dẫn đến "thảm họa trên trời” là hiện tượng vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Đây là điều mà báo chí từng phản ánh nhiều, song việc giải quyết triệt để xem ra không đơn giản… Đặc biệt, việc treo dây phải được đánh dấu để phân biệt dây với các đơn vị khác. Rõ ràng, nguyên nhân tình trạng "mạng nhện” trên các cột điện, đèn chiếu sáng ở thủ đô chủ yếu do các đơn vị khác thiếu trách nhiệm, chỉ chú tâm được việc của mình mà "quên” trách nhiệm với xã hội, với người dân. Trong khi thành phố chưa có sự quy hoạch đồng bộ hạ tầng chiếu sáng, thì việc lỏng lẻo trong công tác quản lý từ nhiều năm qua và thói tùy tiện của một số doanh nghiệp đã khiến vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn...

- "Khổ nạn” rác thải tại Hà Nội sau trận "Đại hồng thủy": Ngày 11/11, gần 2 tuần sau trận "đại hồng thuỷ”, quận Hoàng Mai, "rốn” nước của nội thành Hà Nội vẫn ngập trong rác. Bao nhiêu rác thải từ các quận khác cũng dồn về đây và đang được nhân đôi, nhân ba bởi người dân tiến hành dọn nhà. Tại những vùng trũng thuộc quận Hoàng Mai, có khu vực bị ngập nước cả chục ngày, công nhân vệ sinh môi trường chưa thể tiếp cận được để thu gom rác thải, trong khi lượng rác trong dân vẫn không ngừng ùn ùn đổ ra. Người dân không có nơi để vệ sinh, buộc phải xả thẳng chất thải ra các tuyến phố. Chị Thái, một công nhân vệ sinh môi trường cho biết: "Rác thải nhiều quá, chúng tôi đã tăng gấp đôi cường độ lao động mà vẫn không xuể”. Suốt một tuần nay, các chị phải đi làm từ 7 giờ sáng đến 19 giờ, có hôm phải làm đến nửa đêm mới được nghỉ. Số công nhân vệ sinh tham gia giải quyết hậu quả do mưa lụt tại quận Hoàng Mai hiện còn được huy động từ các quận Cầu Giấy, Long Biên, Hoàn Kiếm. Lực lượng tăng gần gấp đôi, cường độ làm việc cũng gấp đôi nhưng cũng mới chỉ giải quyết được phần nào rác thải trên địa bàn.

- Chợ mới xây đã dột! Chợ Hà Đông (Hà Nội) xây hàng chục tỷ đồng, mới hoạt động đã ngấm, dột. Trở về chợ mới được xây kiên cố khoảng 4 tháng và quầy hàng ở tận tầng 3 nhưng đã 2 lần bà con tiểu thương tại chợ Hà Đông phải chịu thiệt hại vì mái chợ bị ngấm, dột… Theo bà con tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Hà Đông mới, thì họ chuyển về kinh doanh tại chợ được khoảng 4 tháng, nhưng đã 2 lần bị nước mưa ngấm thẳng từ mái chợ xuống gây hư hỏng hàng hóa. Điều đáng nói ở đây là, cho dù đã 2 lần lập biên bản ghi nhận thiệt hại của các hộ kinh doanh, nhưng đến nay, vẫn chưa có bất cứ phương án bồi thường nào được cơ quan có trách nhiệm đưa ra, trong khi mái chợ vẫn tiếp tục bị ngấm, dột. Chủ quầy hàng khô số 145 cho biết: "Khoảng giữa tháng 7, dù mới chỉ chuyển về chợ mới chưa đầy tháng, bà con chúng tôi đã một phen lao đao vì chỉ sau một đêm mưa, bao nhiêu hàng hóa trong quầy bị hư hỏng gần hết vì nước mưa. Sáng hôm sau chúng tôi đến bán hàng, mở quầy ra thấy nước ngập lõng bõng, bao nhiêu gạo - đỗ - măng khô - mộc nhĩ ngấm nước mưa nở tung tóe, chỉ còn nước đem nấu cám lợn”. Chủ quầy hàng khô số 222 bức xúc: "Ai mà ngờ được, chợ mới được xây dựng khang trang, hiện đại như thế mà vẫn bị ngấm, dột. Mà có phải ngấm, dột tong tỏng kiểu nhà tranh đâu, nước mưa cứ chảy ồ ồ theo các rãnh nứt vào quầy hàng ấy chứ”.

81112thao3.jpg

"Sau trận mưa lụt lịch sử vừa rồi, vợ chồng tôi đến thu dọn quầy hàng đã múc được 13 xô nước đọng trên tấm bạt nilon. Đến hôm sau lại múc thêm được gần chục xô nước nữa. Bị ngấm nước mưa, hầu hết số quần áo trong quầy của tôi đã bị ố và phai màu, phơi khô xong thì buộc phải hạ giá mới mong bán được" - chủ quầy hàng quần áo may sẵn số 269 góp chuyện. Được biết, chợ Hà Đông mới được xây dựng trên nền chợ cũ và chính thức được đưa vào sử dụng từ ngày 22/6/2008. Chủ đầu tư của công trình này là UBND TP. Hà Đông, nhà thầu là Công ty Xây dựng VINACONEX 21.

- 18 năm mới hoàn thành dự án thoát nước Hà Nội! Sớm nhất, phải tới năm 2013, dự án thoát nước Hà Nội mới có thể hoàn thành. Như vậy, tổng thời gian thực thiện dự án này lên tới 18 năm. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó giám đốc BQL Dự án, sự chậm trễ này là do các thủ tục quá nhiều và công tác GPMB bị chậm. Chẳng hạn, từ khâu lập báo cáo nghiên cứu khả thi đến khi hoàn thành Dự án một mất đúng 10 năm sau khi có Quy hoạch. Trong trận mưa vừa qua, các khu đô thị mới của Hà Nội như Linh Đàm, Mỹ Đình, Trung Hòa- Nhân Chính… đều trong cảnh úng ngập. Ông Hùng cho rằng nguyên nhân không phải do hệ thống thoát nước tại các khu đô thị kém mà bởi việc kết nối với hệ thống chung không tốt. Do đó khả năng tiêu thoát có hạn, dẫn đến úng ngập cục bộ khi mưa lớn. Tuy nhiên, BQL cũng thừa nhận, ngày cả giai đoạn hai hoàn thành thì những khu vực trũng cũng chưa chắc có thể cải thiện được. Dự án tổng thể thoát nước và xử lý nước thải Hà Nội có tổng mức đầu tư khoảng 1,162 tỷ USD.

Thưa ông chủ tịch!

Qua cơn lũ thế kỷ có thể đã làm ông mệt mỏi. Điều đó từ đâu ra? Đảng CSVN tuyệt đối không bao giờ đề cập đến vấn đề tâm linh, nhưng các ngày qua chúng tôi luôn được nghe lũ lụt là "Thiên tai thì không tính trước được" từ miệng ông Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị đã nói. Rồi người dân còn được đọc trên báo nhà nước nhiều lần về danh gọi lũ lụt là trận "Đại Hồng Thuỷ". Như thế, điều này khẳng định các ông đã tin vào trời và tin vào thánh kinh của Giáo hội Công Giáo. Người dân Hà Nội lại xác tín thêm một điều khi nhìn lại các hành động của ông chủ tịch trong những tuần vừa qua đối với Tòa Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà. Họ rêu rao là trời phạt ông Thảo thẳng tay.

Người dân chỉ mong có một giấc mơ là ông chủ tịch hành động cứu dân trong cảnh hoạn nạn nhanh chóng như đã quyết định cấp tốc phá tan Tòa Khâm Sứ. Hãy gửi quân đội hùng hậu đến cứu dân như đã gửi quân đến đàn áp dân cầu nguyện ôn hòa tại Tòa Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà. Hãy trả tiền cho những thanh niên HCM đến cứu giúp dân như đã mua chuộc những tên du thử du thực đến chống phá dân cầu nguyện. Hãy mau chóng viết các nghị quyết cứu dân nghèo như đã thường xuyên viết nghị quyết bắt giam giáo dân cầu nguyện. Việc này người đang bị giam lỏng của ông chủ tịch là bác giám mục Ngô Quang Kiệt đã viết thư kêu gọi giáo dân Việt Nam cứu giúp các nạn nhân lũ lụt bất kể lương giáo ngày 6-11-2008 rồi đấy. Hãy xắn quần lội nước đến với dân nghèo hoạn nạn. Ấy, việc này bác Kiệt cũng đã làm mau chóng trước cả bác Triết vào ngày 4-11-2008 nữa cơ.

Cuối thư, nếu ông chủ tịch là người có tâm, có tầm thì tôi chắc chắn ông phải suy nghĩ nhiều đến người dân trong lúc hoạn nạn này. Điều ấy người dân Hà Nội hoàn toàn "ỷ lại" vào trách nhiệm của ông. Nếu không khéo thì Hà Nội sẽ được đổi danh muôn đời là... Hà Lội đấy ông ạ!

Kính,

Hà Long

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 828 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 3
Khách: 3
Thành Viên: 0