Roger Mitton, Asia Sentinel 14/11/08, Khánh Ðăng lược dịch
Những cãi cọ dai dẳng về Hoàng Sa và Trường Sa bộc phát trở lại.
Mặc dù có nhiều toan tính chính thức để làm giảm bớt tính nghiêm trọng
về các bất đồng của họ, mối quan hệ ương ngạnh giữa Bắc Kinh và Hà Nội
mới đây đã quay sang một bước ngoặt xấu hơn về môt đống những khu vực
địa lý không đáng kể, nhưng lại là những điểm quan trọng trên biển Nam
Trung Hoa hiện đang được tuyên bố chủ quyền bởi các quốc gia nằm tiếp
giáp với chúng.
|
Nguyễn Tấn Dũng gặp Ôn gia Bảo ở Bắc Kinh |
Các quần đảo đang bị tranh chấp, được phương Tây biết đến như Hoàng Sa
và Trường Sa, nằm giữa những hải trình chiến lược và các khu vực đánh
cá nhiều lợi nhuận, đồng thời cũng được tin tưởng là chứa đựng nhiều mỏ
dầu và khí đốt phong phú. Mặc dù Brunei, Mã Lai Á, Ðài Loan và Phi Luật
Tân cũng tuyên bố chủ quyền, nhưng mối tranh chấp lớn nhất vẫn là giữa
Trung Quốc và Việt Nam, là hai quốc gia khẳng định chủ quyền cuả mình
lên hầu như toàn bộ hai quần đảo này.
Vào tháng Mười Hai năm ngoái, sau khi Trung Quốc cho dựng những cột mốc
mới trên quần đảo Hoàng Sa, thì Hà Nội đã đưa ra một lời trách móc công
khai và chính thức cho phép nhiều cuộc biểu tình phản đối om sòm trên
đường phố bên ngoài các phái bộ ngoại giao của Trung Quốc ở Hà Nội và
Sài Gòn. Bắc Kinh giận dữ tái xác nhận chủ quyền của họ trên các quần
đảo và cảnh cáo phía Việt Nam không nên đi quá xa. Gọi tên các quần đảo
bằng tiếng Trung Hoa, người phát ngôn bộ ngoại giao Lưu Kiến Siêu nói
rằng: “Trung Quốc có chủ quyền tuyệt đối trên các quần đảo Tây Sa và
Nam Sa, và chúng tôi có tất cả các bằng chứng lịch sử lẫn pháp lý để
chứng minh điều này”.
Vì thế nhiều vụ chạm trán trên biển và tình trạng thù địch dai dẳng vẫn tiếp tục không thuyên giảm.
Trong sự kiện xảy ra gần đây nhất, một chiếc tàu đăng ký ở Na Uy do Nga
Sô thuê mướn để tiến hành công tác thăm dò dầu khí ở ngoài khơi cho
Việt Nam, đã bị nhiều tàu hải quân Trung Quốc ngăn chặn và ra lệnh rời
khỏi khu vực hoặc gặp rủi ro bị bắn vào.
Chiếc tàu của Na Uy liền rời khỏi khu vực, làm tăng thêm sự buồn bực ở
Hà Nội, hiện vẫn đang còn day dứt từ một quyết định của công ty dầu khí
khổng lồ ExxonMobil của Hoa Kỳ, bất thình lình chấm dứt các dự án phối
hợp thăm dò dầu khí với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam). Quyết
định của công ty ExxonMobil hồi tháng Bảy, tương tự như quyết định của
công ty dầu khí Mỹ ConocoPhilips hồi tháng Năm, là do áp lực từ phía
Bắc Kinh, mà họ đã rõ ràng cho biết là bất cứ công ty dầu khí nào tìm
cách khai thác trong khu vực đang tranh chấp ở ngoài khơi, có thể coi
như từ giã bất cứ ý định làm ăn nào với Trung Quốc.
Ðể củng cố lại lập trường cứng rắn của mình, theo tường thuật thì Trung
Quốc đã gởi 5 tàu hải quân và hai tiềm thuỷ đỉnh đến khu vực chung
quanh quần đảo Hoàng Sa hồi đầu năm nay. Gần đây nhất, theo một vài
nguồn tin quân sự cho biết thì họ tin rằng Trung Quốc có lẽ đã huy động
một tiềm thuỷ đỉnh nguyên tử lực JIN Class 094 đến khu vực, mặc dù có
một số khác nghi ngờ vì vùng biển chung quanh các quần đảo tương đối
cạn và được xem như không thích hợp cho các hoạt động dưới nước sâu của
tiềm thuỷ đỉnh.
Dù sao thì ảnh hưởng từ thái độ mạnh mẽ của Trung Quốc có nghĩa là phía
Viêt Nam thiếu đói năng lượng, đang trong bước đường cùng muốn phát
triển các mỏ dầu khí ngoài khơi, một lần nữa lại bị làm cho tức tối.
Các đảng viên Ðảng cộng sản Việt Nam đã bày tỏ sự tức giận của họ bằng
một thái độ rõ ràng tại hội nghị trung ương đảng được triệu tập khẩn
cấp ở Hà Nội từ ngày 2/10 đến 4/10. Chỉ vừa trước khi hội nghị trung
ương đảng nhóm họp, thì thứ trưởng ngoại giao Vũ Dũng được gởi đi Bắc
Kinh như một sứ giả đặc biệt của giới lãnh đạo Hà Nội để chuyển giao
một công hàm của Việt Nam về tình trạng của mối quan hệ song phương.
Khu trục hạm USS Mustin của Hoa Kỳ
Bằng một ngôn ngữ mạnh mẽ bất
thường, bản công hàm nhắc đến nhiều vấn đề nhạy cảm, trong đó có các sự
kiện xảy ra mới đây trong khu vực tranh chấp trên biển Nam Trung Hoa và
các đe doạ đối với các công ty dầu khí nước ngoài do Việt Nam thuê
mướn.
Truyền thông báo chí Việt Nam do nhà nước kiểm soát tường thuật rằng
thứ trưởng ngoại giao Việt Nam và người đồng nhiệm Trung Quốc đã tiến
hành “những buổi trao đổi thẳng thắn về vấn đề biển Ðông”
Sau đó, hai bên nói rằng họ đã đồng ý thiết lập một quan hệ đối tác
chiến lược toàn diện nằm trong khuôn khổ của phương châm “Láng giềng
hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”.
Chính xác bản đồng ý này có ý nghiã gì trong thực tế thì không được rõ
ràng.
Tất nhiên thì các điềm báo trước không được tốt đẹp, nếu bàn đến vấn đề
ít nhạy cảm hơn nhiều về việc phân chia ranh giới trên đất liền, khi
căn cứ vào kinh nghiệm trước đây. Khi thứ trưởng ngoại giao trở lại Hà
Nội vào ngày 27/9, ông ta báo cáo rằng cả hai bên đã đồng ý nhanh chóng
đẩy mạnh việc cắm mốc phân chia 1,350 cây số đường ranh giới trên đất
liền nhằm mục đích hoàn tất công tác này trước cuối năm nay - thời hạn
cuối cùng được đặt ra cách đây một thập niên.
Nhưng phía Việt Nam vẫn không chắc chắn là thời hạn trên sẽ được hoàn
tất. Thêm nữa, họ cho rằng phía Trung Quốc có tính hai mặt –thay đổi vị
trí các cột mốc đã được cắm xuống và làm ngơ cho người dân của họ trồng
trọt cây trái và thậm chí chôn cất cả người chết bên phần đất Việt Nam.
Hà Nội quyết định rằng họ không thể ngồi yên và chấp nhận thủ đoạn tay
trên của Trung Quốc, nhất là trong các khu vực tranh chấp ngoài khơi.
Và họ đã kết hợp chặt chẽ với các đồng minh chiến lược. Việt Nam tích
cực tìm kiếm các quan hệ hữu nghị với Nga Sô, Hoa Kỳ và Ấn Ðộ –và được
các quốc gia này nhiệt tình đáp ứng, vì họ coi Việt Nam như một hàng
rào phòng thủ có tiềm năng nhằm chống lại ưu thế của Trung Quốc trong
khu vực Á Châu Thái Bình Dương.
Chỉ một thời gian ngắn ngủi trước khi hội nghị trung ương đảng nhóm họp
hồi tháng Mười ở Hà Nội, thì bộ trưởng quốc phòng Viêt Nam đã thăm
viếng Nga Sô và Belarus, là hai quốc gia chủ yếu cung cấp súng ống đạn
dược, thiết bị hải quân và vũ khí quân sự cho Việt Nam. Sau đó vào
tháng trước, một cuộc đối thoại an ninh Mỹ-Việt lần đầu tiên được âm
thầm tổ chức và thêm nhiều phiên họp về an ninh đã được dự trù.
Ðề tài then chốt về việc các công ty dầu khí Hoa Kỳ bị Trung Quốc ép
buộc phải rút ra khỏi các vùng biển khơi do Việt Nam tuyên bố chủ
quyền, nằm trong nghị trình của cuộc đối thoại an ninh, cũng như khi
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Negroponte đến viếng thăm Hà Nội hồi
tháng Chín. Nhiều nguồn tin quen thuộc với các buổi thảo luận nói rằng
ông John Negroponte đã cố tình không che dấu sự thông cảm của ông ta
đối với tư thế của Hà Nội và cũng cho biết thêm rằng Hoa Kỳ sẽ làm
những gì có thể làm được để ủng hộ Việt Nam, thay vì công khai phản đối
Trung Quốc.
Sự ủng hộ thầm lặng này đưa đến việc Hà Nội khéo léo thay đổi việc xếp
đặt cho chuyến thăm viếng của khu trục hạm USS Mustin của Hoa Kỳ hồi
tháng trước.
Tuần dương hạm Trịnh Hoà của Trung Quốc
Các nguồn tin từ Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương xác nhận rằng khu trục hạm
USS Mustin, có 32 sĩ quan và 348 thuỷ thủ và là một phần của Ðệ thất
Hạm đội, theo dự định lúc đầu sẽ thăm viếng Cảng Sài Gòn vào giữa tháng
Mười. Nhưng sau khi Trung Quốc đe doạ tấn công chiếc tàu thăm dò dầu
khí của Na Uy, thì để thay vào, Việt Nam yêu cầu phía Hoa Kỳ đổi hướng
chiếc khu trục hạm ra cảng Tiên Sa ở Ðà Nẵng.
Hoa Thịnh Ðốn vui vẻ đồng ý, hoàn toàn biết rõ tầm quan trọng của sự thay đổi này.
Không phải chỉ có Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đặt tổng hành dinh ở Ðà Nẵng,
nhưng có cả Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 3 Duyên Hải, đang tuần tiễu khu
vực tranh chấp ngoài khơi chung quanh cả hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa. Mặc dù chiếc tàu chiến Hoa Kỳ chỉ chính thức viếng thăm để
tham gia vào các dự án quan hệ cộng đồng, và cho thuỷ thủ của họ chơi
một trận bóng chuyền với thuỷ thủ của Hải quân Nhân dân Việt Nam, nhưng
biểu hiện của chuyến viếng thăm của chiếc tàu đến Ðà Nẵng vào lúc đó
thì không ai mà không biết.
Sĩ quan chỉ huy khu trục hạm USS Mustin, Trung tá James Jones nói:
“Chuyến viếng thăm này nhấn mạnh vào việc gia tăng hợp tác giữa Hoa Kỳ
và Việt Nam”.
Các nguồn tin của SACOM, xác nhận rằng họ cũng đang theo dõi các vụ
chạm trán như đã được tường thuật về chiếc tàu của Na Uy, nói rằng việc
thay đổi hải trình của khu trục hạm USS Mustin cho chuyến viếng thăm
đến Việt Nam từ ngày 18/10 đến 21/10, được điều chỉnh để gởi một thông
điệp rõ ràng đến Trung Quốc
Sau khi gởi thông điệp đó, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng rời Việt
Nam sang Trung Quốc để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu lần thứ 7
(ASEM). Ông ta đến ngay Bắc Kinh vào hôm 21/10, một ngày sớm hơn dự
định ban đầu. Ðiều đó cho phép ông Dũng có dư được một ngày trước khi
hội nghị thượng đỉnh bắt đầu để bàn thảo về vấn đề chủ quyền dang bộc
phát với người đồng nhiệm từ phía Trung Quốc là Thủ tướng Ôn gia Bảo,
đồng thời phản đối hành động đối với chiếc tàu của Na Uy.
Ðó là lần viếng thăm chính thức đầu tiên của ông Dũng đến Bắc Kinh kể
từ khi trở thành thủ tướng hồi tháng Bảy năm 2006. Nhiều nhà quan sát
nói rằng việc trì hoãn hơn hai năm trước khi đi viếng thăm thủ đô của
nước láng giềng khổng lồ phía bắc, chứng tỏ một cách hùng hồn về mối
quan hệ rất nhạy cảm giữa Trung Quốc và Việt Nam. Tác động của việc trì
hoãn càng chồng chất thêm với sự thật là trong hai năm qua, không những
ông Dũng cho là quan trọng hơn đi thăm viếng những nơi như Dublin và
Canberra trước khi đến Bắc Kinh, mà còn quyết định một cách rõ rệt về
chuyến viếng thăm nước ngoài đầu tiên trong tư cách Thủ tướng là đến
Nhật Bản, quốc gia đang cạnh tranh với Trung Quốc trong khu vực.
Những việc coi thường như vậy, rõ ràng là có chủ ý, và chắc chắn là bản
công hàm gởi đến Bắc Kinh, đã phản ánh chiều sâu của mối oán thù mà tất
cả mọi người Việt Nam đều cảm thấy về phía Trung Quốc và sự nhạy cảm
tột bực về bất cứ hành động nào liên quan đến mối quan hệ Việt – Trung.
Nhưng dù sao thì trong cuộc gặp gỡ, hai ông Dũng và Ôn gia Bảo theo
tường thuật, đã giám sát việc ký kết một hiệp định hợp tác chiến lược
giữa các công ty dầu khí quốc doanh của hai nước, Tập đoàn Dầu khí Quốc
gia Trung Quốc (China National Offshore Oil Corp) và Tập đoàn Dầu khí
Việt Nam (PetroVietnam), nhưng các điều khoản chính xác của hiệp ước
này không được tiết lộ.
Và có lẽ đáng chú ý nhất, bản hiệp định không được công bố như thường
lệ vào lúc kết thúc các buổi nói chuyện song phương vào ngày 22/10,
nhưng thay vào đó, được hoãn lại cho đến sau khi hội nghị thượng đỉnh
ASEM chấm dứt vào ngày 25/10, tức là ngày ông Dũng rời khỏi Trung Quốc.
Cuối cùng khi được công bố, thì bản hiệp định chỉ đưa ra những điều
khoản mơ hồ rằng cả hai bên hy vọng sẽ gia tăng hợp tác kinh tế và đẩy
mạnh giao dịch song phương lên đến 25 tỷ Mỹ kim vào năm 2010.
Trong khi toàn bộ số tiền tương đối khá lớn, thì nó lại có lợi rất to
lớn cho Trung Quốc. Năm ngoái, mức thâm thủng mậu dịch của Việt Nam với
Trung Quốc lên đến 9 tỷ đô la và được tiên đoán là sẽ vươn đến mức 13
tỷ trong năm nay.
Ngược lại, mối quan hệ nồng ấm ngày càng gia tăng với Hoa Kỳ thì được
giữ chặt chẽ bằng một mức thặng dư thương mãi rộng rãi với quốc gia
này, lên đến 12 tỷ đô la vào năm ngoái. Thật ra thì giao thương với Hoa
Kỳ hiện thời chiếm đến khoảng 20% hàng hóa xuất cảng của Việt Nam,
trong khi với Trung Quốc chỉ có 15%.
Vấn đề giao thương và mối quan hệ chung của Việt Nam với Ðài Loan thì
tốt đẹp nhiều hơn là đối với lục địa Trung Hoa. Ðài Loan vẫn là một
trong 3 quốc gia đầu tư hàng đầu ở Việt Nam, trong khi lục địa Trung
Hoa tụt xuống hàng thứ 10. Thật vậy, có nhiều chuyến bay từ Việt Nam
sang Ðài Loan hơn là sang lục địa Trung Hoa.
Vì thế, mặc dù có bản hiệp định chung với nội dung mập mờ vào tháng
trước, thì cái không khí giữa Bắc Kinh và Hà Nội trong vấn đề chủ quyền
ngoài biển khơi vẫn luôn luôn độc hại. Nhưng như một phần của liều
thuốc giải độc và trong một cố gắng để làm dịu bớt nỗi lo sợ của Trung
Quốc về mối quan hệ hải quân của Việt Nam với Hoa Kỳ, Nga Sô và Ấn Ðộ,
thì Hà Nội vừa mới đồng ý cho phép tuần dương hạm Trịnh Hòa của Hải
quân Trung Quốc vắn tắt vào thăm viếng Ðà Nẵng ngày 18/11.
Trong nhiều năm gần đây, đã có nhiều chuyến ghé thăm Việt Nam của các
tàu hải quân từ Ấn Ðộ, Thái Lan, Úc Ðại Lợi, Pháp, Nhật Bản và Hoa Kỳ,
nhưng lần này chỉ đánh dấu là lần thứ hai kể từ khi Hà Nội và Bắc Kinh
thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1991, rằng có một tàu hải quân
Trung Quốc đến thăm Việt Nam. Nhận thấy sự nhậy cảm này, phía Việt Nam
đã cẩn thận xếp đặt chương trình thăm viếng của tuần dương hạm Trịnh
Hòa y hệt chính xác như chuyến thăm viếng của khu trục hạm USS Mustin
hồi tháng trước. Các sĩ quan của tuần dương hạm Trịnh Hòa sẽ gặp gỡ các
lãnh đạo của thành phố Ðà Nẵng và giới quân sự Việt Nam, trong khi các
thuỷ thủ sẽ chơi bóng chuyền với các thuỷ thủ địa phương.
Trong khi sự vui nhộn đầy tình anh em này được phát sinh, thì các trang
mạng của cả hai nước tiếp tục đưa ra một cách máy móc và nhanh chóng
nhiều lời nhắn gọi tinh thần quốc gia rất độc địa, trưng bày toàn bộ
các khu vực tranh chấp ngoài khơi là lãnh thổ có chủ quyền của họ, và
chứng minh rằng phía bên kia đang mưu toan bắt nạt để chiếm đất. Và trớ
trêu là trong khi Thủ tướng Dũng dường như có những điệu bộ hoà giải
bằng cách ký kết hiệp ước hợp tác và chấp thuận cho tàu Trịnh Hoà được
vào thăm viếng, thì sự thật là ông ta đã học tập ở Trung Quốc vào cuối
thập niên 1960s, khi việc học tập gặp khó khăn ở Bắc Việt vì bị Mỹ dội
bom, có nghĩa là ông ta phải cẩn thận nhiều hơn để đừng có vẻ là quá
thân Trung Quốc.
Không một nhà lãnh đạo Việt Nam nào có thể duy trì vị thế của họ trong
đảng và trong quần chúng mà không giữ một lập trường vững chắc trong
vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc. Cách đây vài năm
khi ông Dũng đến thăm ngôi trường cũ của mình ở tỉnh Quảng Tây, thì báo
chí Trung Quốc đã rộng rãi đăng tải nhiều bài tường thuật về sự kiện
này với hình ảnh của nhà lãnh đạo Việt Nam cổ được choàng hoa; nhưng
không có bài báo hay hình ảnh nào xuất hiện trên báo chí quốc doanh
trong nước.
|