Thứ Bảy, 2024-12-21, 9:53 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 21 » Dân Chủ là cách sống ổn định
11:13 AM
Dân Chủ là cách sống ổn định

Ngô Nhân Dụng

 
Các chế độ cộng sản thường viện lẽ cần bảo vệ ổn định xã hội nên phải độc tài. Như thế nào gọi là ổn định? Nhìn vào cảnh những nông dân Việt Nam khiếu kiện về đất đai, những vụ đình công ngoài vòng pháp luật ở Hà Nội, Sài Gòn, Ðà Nẵng, Hải Phòng, không thấy gì ổn định. Nhưng bên Trung Quốc gần đây các cuộc biểu tình ôn hòa đã biến thành bạo động nữa. Khẩu hiệu “xã hội hài hòa” của ông Hồ Cẩm Ðào không thể hiện được, khi nào xã hội còn đầy tham nhũng, bất công. Nhưng thiếu sót lớn nhất là không có những phương tiện bình thường, giản dị để người dân được lên tiếng nói.

Trong tỉnh Quảng Ðông phát triển nhanh nhất Trung Quốc, hàng ngàn công nhân thất nghiệp đã kéo nhau tới trước các hãng xưởng mới đóng cửa. Họ đến đòi chủ nhân phải trả hết số lương còn thiếu. Khi nhiều xí nghiệp quịt lương của nhân viên, mối liên hệ giữa con người với con người có được hài hòa hay không? Ở các nước tư bản thật sự, các chủ nhân không dám làm như vậy vì còn có pháp luật. Khi nhân viên ở một nước cộng sản mất việc mà không thể trông cậy vào hệ thống pháp luật để đòi tiền lương còn thiếu, khi họ phải tự mình kéo thành đám đông đi biểu tình đòi nợ, như vậy thì xã hội có sống trong nền nếp ổn định hay không? Ở Thẩm Quyến vào đầu Tháng Mười Một 2008, dân chúng biểu tình bạo động sau khi cảnh sát ở một trạm canh giết một thanh niên lái xe gắn máy cãi lệnh. Ở một thành phố khác cũng trong tỉnh Quảng Ðông, mười ngày sau lại xẩy ra một vụ tương tự, dân cũng biểu tình. Tại sao họ không đợi nhà chức trách điều tra những vụ giết người, mà phải biểu tình bạo động? Tại sao một vụ vi phạm luật giao thông mà cũng dẫn tới cảnh chết người? Nếu những chuyện như vậy năm thì mười họa mới xẩy ra thì hiểu được. Nhưng chỉ trong vòng 10 ngày trong cùng một tỉnh có tới hai vụ thì xã hội này có nếp sống đầy bạo lực!

Mỗi năm ở Trung Quốc có hàng trăm ngàn cuộc biểu tình với số lượng lớn từ hàng trăm người trở lên. Chính phủ Bắc Kinh đã mở cửa cho phép các báo, đài nhà nước loan tin về các cuộc biểu tình này, vì họ biết rằng không thể bịt miệng dân mãi được. Các mạng lưới điện tử đã đóng vai thúc đẩy đảng cộng sản phải nới lỏng chế độ kiểm duyệt tin tức. Vì họ biết nếu nhà nước không loan tin thì dân chúng sẽ được nghe các nguồn tin khác. Cho nên chính sách của đảng cộng sản hiện giờ là “kiểm duyệt tin bằng cách loan tin trước.”

Cho nên chúng ta mới biết ở thành phố Trùng Khánh, hàng trăm tài xế taxi đã biểu tình phản đối cảnh sát dung túng cho những chiếc xe taxi “lậu” cướp khách của họ. Chính quyền thành phố phải họp mặt với đại diện các tài xế suốt ba giờ. Ở nhiều nơi khác giới lái taxi cũng đình công hưởng ứng. Các người lái taxi phản đối nạn tham nhũng và sự thông đồng giữa nhà nước cộng sản và các chủ nhân cho thuê xe chạy taxi bóc lột giới tài xế. Nhiều chiếc xe taxi bị phá vì tài xế không tham dự cuộc đình công, cho thấy người ta sẵn sàng gây bạo động.

Ngày 8 tháng 11 ở Bắc Kinh, hơn 400 người biểu tình trước tòa thị chính để phản đối một cuộc “lạc quyên” lừa bịp. Tân Hoa Xã loan tin như vậy, chỉ khiến người đọc thắc mắc thêm. Tại sao bị kẻ gian lừa bịp mà lại đem nhau tới tòa đô chính phản đối? Ai lạc quyên? Họ nhân danh đảng và nhà nước ở cấp thành phố hay trung ương khi yêu cầu dân đóng góp? Ðể làm gì? Những ông lớn nào dính líu? Không ai biết.

Vụ biểu tình đang được cả thế giới chú ý là người dân ở thị xã Lũng Nam, tỉnh Cam Túc. Bản tin của nhà nước cộng sản cho biết hàng ngàn người đã biểu tình, và chỉ loan tin có 60 cảnh sát viên bị dân đánh. Nhưng những nguồn tin độc lập nêu lên con số mười ngàn người, với nhiều biến chuyển rõ hơn.

Vụ biểu tình ở Lũng Nam bắt đầu với 30 người dân “khiếu kiện về đất đai,” một lý do thông thường nhất, ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam hiện nay. Những người này đã nộp đơn khiếu oan từ năm 2006 vì chính quyền chiếm đất không bồi thường thỏa đáng; ngày Thứ Hai vừa qua họ lại “biểu tình hâm nóng” nỗi oan khuất để nhắc nhở nhà nước khỏi quên. Qua ngày hôm sau, có thêm khoảng 2,000 người dân khác tới dự biểu tình, và vấn đề được nêu lên đã thay đổi. Người ta phản đối chính quyền thị xã Lũng Nam đã quyết định đổi nơi thiết lập “trụ sở ủy ban nhân dân” sau trận động đất cũ. Người biểu tình đã đánh lại công an, cảnh sát bằng gậy sắt, xích sắt; ném đá, ném gạch, ném cả chậu cây kiểng vào đám công an; chiếm một xe cứu hỏa, đốt các xe hơi khác của công an, đốt cả xe đạp và xe gắn máy; dân cũng kéo tới đập vỡ cửa kính trụ sở nhà nước và chiếm cả một văn phòng trong một ngày. Số người biểu tình lên tới 10,000 người, theo nguồn tin của Asia News.

Cuộc biểu tình ở Lũng Nam đông người vì nông dân ở các làng mạc chung quanh cũng kéo về tham dự, mỗi nhóm người đến với những khẩu hiệu, những nỗi oan ức và yêu sách mới. Một người Trung Hoa nói với nhà báo: “Tôi trước là cán bộ nhà nước, nhưng nay tôi ủng hộ người dân.”

Ngày Thứ Tư, cuộc biểu tình đã bị đàn áp và chính quyền tuyên bố tình trạng giới nghiêm trong thành phố 2 triệu 6 dân và Tân Hoa Xã báo tin “tình hình đã ổn định!” Nhưng trong thành phố còn nhiều đám khói bốc lên.

Vì đâu một cuộc biểu tình “bình thường” của 30 người dân mất đất khiếu kiện (đã kéo dài từ 2 năm nay) bỗng nhiên biến thành vụ bạo động khiến hàng trăm người dân bị bắt? Nguyên nhân chính được nêu lên là dân chúng phản đối việc chính quyền đổi địa điểm trụ sở huyện Võ Ðô từ thị xã Lũng Nam tới một thành phố khác, trong kế hoạch xây dựng lại sau vụ động đất vào tháng Năm vừa qua.

Cuộc động đất ở Tứ Xuyên hồi Tháng Năm lan sang tới huyện Võ Ðô, tiếp theo lại một trận động đất vào ngày 21 tháng 6, tất cả khiến cho gần 2 triệu người trong huyện mất nhà cửa. Lấy lý do vùng này có thể bị động đất nữa, chi đảng cộng sản địa phương quyết định dời trụ sở ủy ban nhân dân huyện từ Lũng Nam đi nơi khác.

Tại sao dân chúng lại phản đối quyết định dời địa chỉ của trụ sở nhà nước? Lý do chắc không đơn giản. Cuộc biểu tình biến thành bạo động cho thấy phải có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn khác, nhiều nỗi phẫn uất được tích tụ từ bao năm, chỉ chờ dịp bùng nổ. Trên các mạng lưới nhiều người than thở rằng dân chúng huyện Võ Ðô đã khổ vì các cán bộ cộng sản tham nhũng cửa quyền, những vụ chiếm đất không bồi thường đầy đủ trong bao nhiêu năm qua. Cam Túc là một tỉnh vùng biên cương, tiếp giáp với vùng Tây Vực, có nhiều nhóm dân thiểu số bị người Hán cai trị; cũng là tỉnh đã diễn ra những cuộc biểu tình của người Tây Tạng trong Mùa Hè vừa qua.

Quyết định dời trụ sở huyện có thể đúng, có thể sai, người ngoài không biết được nguyên ủy. Nhưng khi những người dân bị ảnh hưởng của quyết định trên đã bầy tỏ ý kiến phản đối bằng cách bạo động, chúng ta thấy chắc các cán bộ đã quyết định đơn phương và bất ngờ, dân không được hỏi ý kiến. Cách cai trị của đảng cộng sản không bao giờ minh bạch, công khai. Mỗi chi bộ đảng cộng sản là một “hội kín,” họ quyết định gì cũng chỉ có họ biết với nhau, đó là nguyên nhân chính tạo ra những bất mãn chồng chất.

Người dân thì lúc nào cũng nghi ngờ cán bộ quyết định điều gì đều vì quyền lợi của chính họ. Mỗi quyết định lớn đều tạo ra cơ hội tham nhũng, việc dời trụ sở huyện Võ Ðô hay mở rộng thủ đô Hà Nội đều có những lý do chấm mút cả. Khi trụ sở huyện đổi chỗ, khi đất thành phố được quy hoạch lại, giá nhà ở nơi cũ sẽ xuống giá, địa điểm mới sẽ lên giá! Các quan chức nào được ăn nhiều trong các kế hoạch đó?

Khi cán bộ đảng ở Lũng Nam giải thích rằng họ phải đổi địa điểm cơ quan nhà nước vì Lũng Nam ở trong vùng động đất, người dân đã hỏi lại rằng nếu lo động đất thì tại sao không cho cả 2.6 triệu người dân đổi địa chỉ theo? Ðây là một câu hỏi cho thấy dân không tin tưởng vào bất cứ lời giải thích nào nữa. Một người dân Lũng Nam đã than với nhà báo rằng bà ta thuộc lớp người nghèo, trụ sở huyện thay đổi thì bà ta cũng không được, không mất gì cả. Nhưng, bà vẫn thấy, “Khi trụ sở huyện còn ở đây thì dù tôi không có việc làm cũng vẫn đi mót rác được, đủ cơm ăn. Bây giờ họ đổi trụ sở huyện đi nơi khác, tìm đâu ra rác nữa để mà mót?” Bà than: “Bây giờ còn có cơm ăn, mai mốt sẽ phải ăn bắp trừ cơm thôi!”

Cuộc biểu tình bạo động ở Lũng Nam chỉ là một trong hàng trăm ngàn cuộc phản đối của nhân dân Trung Hoa đối với chính quyền cộng sản. Một chế độ như thế không thể coi là ổn định được. Các nước cộng sản như Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Hàn đều là những thùng thuốc nổ chỉ lo sẽ có lúc bùng lên. Lý do chính là vì người dân không được hưởng những quyền tự do tối thiểu: Tự do báo chí để được phát biểu ý kiến bất đồng; tự do hội họp để cùng nêu lên những ý kiến chung. Tóm lại là chưa có tự do dân chủ.

Một đặc tính thiết yếu của chế độ dân chủ là người dân được góp ý kiến trong những quyết định liên can tới đời sống của họ, chuyện nhỏ cũng như chuyện lớn.

Người dân các nước như Pháp, Canada, Mỹ đều chấp nhận phải có một nhóm người cầm quyền bính và quyết định thay cho mình; về những công việc chung, như xây cầu, làm đường, tăng thuế hay giảm thuế. Không người dân nào đòi tự mình quyết định lấy tất cả mọi việc.

Nhưng nếu có người thấy chính quyền “làm bậy” thì sao? Thí dụ, nếu ông, bà thị trưởng phá bỏ một công viên để làm trường học, hoặc ông tổng thống định làm thêm hai hàng không mẫu hạm nữa, mà người dân không đồng ý thì sao? Ở một nước tự do dân chủ người ta có quyền nói: Chúng tôi chống dự án này. Có quyền kêu gọi những ai đồng ý với mình cùng lên tiếng nói, có khi lên tiếng với tư cách một đảng đối lập. Nói mãi mà chính quyền vẫn làm trái ý mình thì sao? Thì đến kỳ bầu cử tới mình sẽ bỏ phiếu chống, và hô hào mọi người chống bà thị trưởng hoặc ông tổng thống “ngu dốt” hoặc tham nhũng này.

Người ta không cần phải bạo động để bầy tỏ ý kiến. Ðó là đặc tính của thể chế dân chủ. Lý do là vì người ta biết có thể thay đổi chính quyền, thay đổi xã hội chung quanh mình bằng lá phiếu. Trong các nước dân chủ lâu lâu cũng xẩy ra những cuộc biểu tình bạo động. Nhưng đó là những biến cố họa hiếm, khi có những xúc động mạnh bị dồn nén lâu ngày cần bùng nổ ra, có lý do chính đáng hoặc không chính đáng.

Còn ở các nước độc tài thì những cuộc biểu tình bạo động xẩy ra rất nhiều. Chính vì những người dân ở đó không có cơ hội phát biểu các ý kiến trái ngược với ý nhà nước. Ðến khi người dân không chịu nổi sự áp bức nữa, thì chỉ còn cách là bạo động. Cho nên chính thể chế dân chủ tự do mới bảo đảm cho xã hội được ổn định, hòa bình trong lâu dài.


Nguồn: Người Việt Online
Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 854 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 18
Khách: 18
Thành Viên: 0