Thanh Phương
Bài đăng ngày 22/11/2008 Cập nhật lần cuối ngày
22/11/2008 13:58 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/107/article_1661.asp
Lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, đức Đạt Lai Lạt Ma tại Đại hội Dharamsala 2008
(Ảnh : Reuters)
Mặc dù đường lối
đấu tranh ôn hòa của đức Đạt Lai Lạt Ma cho tới nay chẳng đi đến đâu, nhưng đức
Đạt Lai Lạt Ma, năm nay đã 73 tuổi và sức khoẻ ngày càng suy yếu, vẫn được coi
là gương mặt tiêu biểu duy nhất cho cuộc đấu tranh của người Tây Tạng.
Cộng đồng Tây
Tạng lưu vong vẫn ủng hộ đường lối đấu tranh ôn hoà của đức Đạt Lai Lạt Ma.
Vì biết rằng
Trung Quốc sẽ không bao giờ trao trả độc lập cho Tây Tạng, cho nên đức Đạt Lai
Lạt Ma từ lâu đã chọn con đường ''trung dung'', tức là đòi một quyền tự trị rộng
rãi về mặt văn hóa cho người Tây Tạng. Nhưng gần đây Ngài đã nhìn nhận rằng,
đường lối đấu tranh ôn hòa nhằm đòi quyền tự trị cho Tây Tạng đã thất bại. Chính
vì vậy, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã triệu tập các đại biểu đại diện cho cộng đồng Tây
Tạng lưu vong đến Đại hội ở Dharamsala, Ấn Độ, để bàn thảo về đường lối đấu
tranh mới.
Một bộ phận trong
cộng đồng người Tây Tạng lưu vong, nhất là giới trẻ, đã đòi phải có một đường
lối đấu tranh cứng rắn hơn với Trung Quốc và phải nhắm đến mục tiêu đòi độc lập,
chứ không chỉ đòi tự trị.
Thế nhưng, cuối
cùng, hôm nay các đại biểu dự Đại hội Dharamsala lại quyết định vẫn ủng hộ đường
lối đấu tranh ôn hòa của đức Đạt Lai Lạt Ma. Lý do là vì nhiều đại biểu sợ rằng
nếu từ bỏ đường lối ôn hòa này, họ sẽ mất sự hậu thuẫn của quốc tế và Trung Quốc
sẽ lại càng không muốn đối thoại.
Như vậy là đức
Đạt Lai Lạt Ma, năm nay đã 73 tuổi và sức khoẻ ngày càng suy kiệt, vẫn được coi
là gương mặt tiêu biểu duy nhất cho cuộc đấu tranh của người Tây Tạng. Ngài vẫn
là hiện thân cho niềm hy vọng của sáu triệu Tây Tạng sống trong và ở nước ngoài.
Thế nhưng, như đã
nói ở trên, đường lối đấu tranh ôn hòa của đức Đạt Lai Lạt Ma cho tới nay chẳng
đi đến đâu. Cụ thể là từ năm 2002 các đặc sứ của lãnh đạo Tây Tạng vẫn thương
lượng với chính quyền Trung Quốc. Nhưng các cuộc đàm phán mới nhất vào đầu tháng
11 đã thất bại, vì Bắc Kinh tuyên bố dứt khoát là sẽ không bao giờ chấp nhận một
nền độc lập của Tây Tạng, dù dưới bất kỳ hình thức nào. Hôm qua (21/11/2008) Bắc
Kinh một lần nữa lên án đường lối trung dung của đức Đạt Lai Lạt Ma đòi tự trị,
cho rằng đây chỉ là một mưu toan đòi độc lập cho Tây Tạng.
Cho nên, tuy vẫn
ủng hộ đường lối đấu tranh ôn hòa của đức Đạt Lai Lạt Ma, các đại biểu Tây Tạng
lưu vong cũng dự trù sẽ xét lại lập trường nếu như Trung Quốc trong tương lai
vẫn không chấp nhận cho Tây Tạng được hưởng quyền tự trị. Nói cách khác, họ vẫn
để ngỏ phương án chuyển sang đường lối đấu tranh cứng rắn hơn để giành độc lập
cho Tây Tạng. Mặt khác, Đại hội Dharamsala cũng đề nghị các lãnh đạo Tây
Tạng tạm ngưng gởi các đặc sứ đến đàm phán với đại diện Trung Quốc cho nến khi
nào họ thấy là Bắc Kinh thật sự muốn đối thoại nghiêm chỉnh.
Tóm lại, Đại hội
Dharamsala đã không đánh dấu sự chuyển hướng đấu tranh của cộng đồng người Tây
Tạng lưu vong, nhưng rõ ràng là nó cũng đã phản ánh thay đổi phần nào trong lập
trường của họ trước thái độ kiên quyết của Trung Quốc, dứt khoát không muốn cho
Tây Tạng được hưởng quyền tự trị giống như Hồng Kông hay Macao.
|