Michael Richardson, Japan Focus 15/11/08, Nguyễn Phương Nga lược dịch
|
Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết và Chủ tịch |
Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào tại Bắc Kinh ngày 7/8/2008 |
Trung Quốc và Việt Nam đã phác họa ra nhiều biện pháp mới để giải quyết
những tranh chấp lãnh thổ dai dẳng trên biển Nam Trung Hoa, trong một
nỗ lực nhằm ngăn chặn thêm sự xung đột và đặt các mối quan hệ của họ
trên một cơ sở vững chắc hơn cho tương lai. Mặc dù cả hai nước đều được
cai trị bởi các Ðảng Cộng sản và cùng có những đường biên giới bao quát
chung trên đất liền và ngoài biển, thì họ lại có một mối quan hệ rất
căng thẳng. Nhưng hiện nay họ đang phải đối diện với nhiều thử thách
chính trị trong nước khi mà nền kinh tế thiên về xuất cảng và các nguồn
đầu tư bị chậm lại dưới tác động của tình trạng rối loạn tài chánh và
suy thoái kinh tế trầm trọng trên thế giới. Rõ ràng là họ đã quyết định
đặt ưu tiên cho việc củng cố quan hệ song phương giữa hai đảng, trong
vấn đề thương mãi và đầu tư để bù đắp đối phó với tình trạng kinh tế
đang đi xuống khắp nơi.
Những biện pháp mới nhất nhằm cải thiện mối quan hệ trên đã hiện ra rõ
nét qua chuyến viếng thăm Trung Quốc của Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn
Tấn Dũng, từ ngày 20 đến 25 tháng Mười. Đây là chuyến viếng thăm chính
thức đầu tiên của ông ta trong tư cách thủ tướng và đến trước khi có
hội nghị thượng đỉnh Á – Âu (ASEM) tại Bắc Kinh. Ông Dũng đã tiến hành
các cuộc hội đàm với người đồng nhiệm Trung Quốc, Thủ tướng Ôn Gia Bảo,
và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Một bản tuyên bố chung đưa ra vào lúc kết thúc
chuyến viếng thăm cho biết hai bên đều tin tưởng rằng “để
mở rộng và làm sâu sắc mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện
Việt – Trung trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị quốc tế đang
diễn biến phức tạp hiện nay, là để phù hợp với lợi ích căn bản của hai
Đảng, hai nước và nhân dân hai bên, đưa đến hoà bình, ổn định và phát
triển trong khu vực và trên thế giới”. (Tân Hoa Xã 25/10)
Dưới kế hoạch trên, các công ty Trung Quốc và Việt Nam sẽ được khuyến
khích để tham gia vào các dự án có quy mô lớn về kiến trúc hạ tầng cơ
sở, hóa chất, vận tải, cung cấp điện lực và xây dựng nhà cửa. Mục tiêu
của các dự án này, cũng như việc nối tiếp các trục đường lộ, đường xe
lửa và đường biển mới, là để liên kết các tỉnh láng giềng ở miền nam
Trung Quốc và bắc phần Việt Nam.
Đây là một phần của hệ thống các đường xa lộ đang gia tăng để nối liền
Trung Quốc với Đông Nam Á. Dự án khuếch trương các quan hệ kinh tế sẽ
tùy thuộc vào sự tiến bộ trong việc quản lý và cuối cùng để dàn xếp các
tranh chấp nhức nhối về lãnh thổ giữa hai nước. Cả hai phía đều tái xác
nhận rằng họ sẽ hoàn tất việc cắm mốc phân chia 1350 cây số ranh giới
trên đất liền vào cuối năm nay, một thời hạn đã được đề ra vào năm
1999. Ðiều mới mẻ trong bản tuyên bố chung này là một đồng ý để bắt đầu
việc phối hợp nghiên cứu vùng biển đang tranh chấp ngoài cửa Vịnh Bắc
Bộ trong một thời điểm sớm nhất và hứa hẹn sẽ cùng nhau khai thác tiềm
năng hải sản và đầu khí trong khu vực được phân chia. (Tân Hoa Xã
25/10).
Ván bài trên biển Nam Trung Hoa
Ðề tài tranh chấp lãnh thổ gây nhiều tranh cãi và khó khăn nhất trong
mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam nằm ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Các
tranh chấp này xoay quanh các tuyên bố chủ quyền đối nghịch nhau trên
quần đảo Hoàng Sa, nằm trong phần phía bắc của biển Nam Trung Hoa, và
quần đảo Trường Sa, là một chuỗi các đảo san hô và đá ngầm nằm rải rác
giữa biển Nam Trung Hoa. Quần đảo Hòang Sa đã bị Trung Quốc chiếm đoạt
từ tay quân đội miền Nam Việt Nam vào năm 1974, vào lúc chiến tranh
Việt Nam đang đến hồi kết thúc, khi Hà Nội và Bắc Kinh được coi như là
đông minh với nhau. Từ đó Trung Quốc đã cho tăng cường đưa quân đến trú
đóng ở Hoàng Sa và xây dựng một căn cứ quân sự trên đó, củng cố tư thế
của họ trên cái được Bắc Kinh coi là tiền đồn chiến lược ở phía đông
nam đảo Hải Nam và nằm vào khoảng giữa Việt Nam và Phi Luật Tân.
Tranh giành chủ quyền trên biển Nam Trung Hoa
Quần đảo Trường Sa nằm về phía đông của những hải trình quốc tế bận rộn
trên biển Nam Trung Hoa, nối liền eo biển Malacca và Tân Gia Ba với
Trung Quốc, Nhật Bản và Ðại Hàn. Kiểm soát Trường Sa không phải chỉ
được dùng để thiết lập các căn cứ hải quân, nhưng cũng để củng cố chủ
quyền trên các nguồn tài nguyên hải sản và dầu khí ở ngoài khơi trên
biển Nam Trung Hoa. Trung Quốc, Ðài Loan và Việt Nam tất cả đều tuyên
bố chủ quyền của mình trên quần đảo Trường Sa, cùng với vùng biển chung
quanh và bất cứ nguồn tài nguyên nào chứa đựng trong đó.
Nhưng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc thì còn rộng lớn hơn, hầu như
bao gồm toàn bộ biển Nam Trung Hoa, mặc dù giới hạn chính xác không
được rõ ràng lắm từ các đường vạch đứt quãng được vẽ trên các bản đồ
chính thức của Trung Quốc. Tuyên bố chủ quyền này, nếu được thi hành,
sẽ biến Trung Quốc thành trung tâm hàng hải của vùng Ðông Nam Á.
Ðài Loan cũng duy trì một tuyên bố chủ quyền tương tự. Mã Lai Á, Phi
luật Tân và Brunei mỗi nước đều khẳng định chủ quyền của mình trên một
vài hòn đảo trong quần đảo Trường Sa cũng như các vùng biển ngoài khơi
gần bờ biển của họ.
Ðã có một số vụ kình chống nhau giữa các nước tranh giành chủ quyền
trong hai thập niên qua. Những trân đọ sức chính là giữa Trung Quốc và
Việt Nam. Vào năm 1988, cả hai nước đã đánh một trận hải chiến ngắn
ngủi gần quần đảo Hoàng Sa. Hơn 70 thuỷ thủ Việt Nam bị thiệt mạng và
nhiều tàu chiến của họ bị đánh chìm trong trận đó.
Ở quần đảo Hoàng Sa, ngoại trừ Brunei, thì tất cả các nước tuyên bố chủ
quyền đều có quân đồn trú hiện vẫn còn đóng trên các hòn đảo nhỏ xíu mà
họ nói là của họ, và trong vài trường hợp lại được tăng cường thêm. Bản
tuyên bố năm 2002 được ký kết giữa khối ASEAN và Trung cộng về Tư cách
của Các bên trên biển Nam Trung Hoa [ASEAN-China Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea],
chỉ là tự nguyện, trong khi một chương trình phối hợp nghiên cứu địa
chấn về các nguồn hợp chất hữu cơ được các công ty dầu khí quốc gia của
Trung Quốc, Việt Nam và Phi Luật Tân ký kết vào năm 2005, đã hết hiệu
lực vào tháng 7 năm ngoái và có lẽ sẽ không được gia hạn. Ngay cả khi
chương trình phối hợp trên nếu vẫn còn hoạt động, thì việc nghiên cứu
địa chấn tay ba lại không bao gồm cả 3 nước khác cũng có tuyên bố chủ
quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Hơn nữa, việc nghiên cứu chỉ nhắm vào một
phần rất nhỏ trong khu vực biển đang tranh chấp.
Trong bản tuyên bố chung ngày 25/10, Trung Quốc và Việt Nam đều đồng ý
cùng nhau tìm kiếm một giải pháp "cơ bản và dài lâu" cho vấn đề biển
Nam Trung Hoa được hai bên có thể cùng chấp nhận. Không một chi tiết
nào về việc làm sao để tiến tới một giải pháp như vậy được đưa ra.
Nhưng đáng chú ý là họ nói rằng giải pháp đó sẽ phù hợp với Công ước về
Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS).
Ðồng thời, họ sẽ tôn trọng bản tuyên bố về Tư cách của Các bên trên
biển Nam Trung Hoa và tự kiềm chế không gây ra bất cứ hành động nào có
thể làm leo thang các mối bất đồng. Họ cũng sẽ trao đổi với nhau để tìm
ra một phương cách cho việc phối hợp thăm dò dầu hoả. Trên nguyên tắc
bắt đầu bằng các biện pháp dễ dàng hơn, họ đồng ý cộng tác với nhau về
vấn đề nghiên cứu đại dương, bảo vệ môi sinh, dự báo thời tiết và trao
đổi thông tin giữa lực lượng quân sự hai bên.
Một hiệp ước phối hợp chiến lược giữa Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc
gia Trung Quốc (China National Offshore Oil Corp) và Tập đoàn Dầu khí
Việt Nam (PetroVietnam), theo tin tức là đã được ký kết trong chuyến
viếng thăm Trung Quốc của ông Dũng. Cùng với nhau, các hoà ước này sẽ
là các biện pháp để xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau, với điều kiện là
các điều khoản phải được hai bên tôn trọng –là một điểm đặc trưng chưa
từng được thấy trong các đồng ý trước đây giữa Trung Quốc và Việt Nam
về vấn đề biển Nam Trung Hoa.
Hoàn cảnh đã thay đổi
|
Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc |
trên khu vực quần đảo Trường Sa |
Nhưng lần này thì nhiều thứ có lẽ sẽ khác đi. Bắc Kinh muốn làm giảm
bớt mối lo ngại đang lan rộng khắp nơi ở Á Châu về sức mạnh quân sự
ngày càng gia tăng của họ. Trong bối cảnh này thì biển Nam Trung Hoa là
một hòn đá thử vàng rất nhạy cảm.
Vào tháng 10/2008, không lâu trước khi thủ tướng Việt Nam đến Bắc Kinh,
thì Trung Quốc đã cấm đoàn tàu đánh cá của mình, một trong những đoàn
tàu lớn nhất trên thế giới, không được hoạt động trong các vùng biển
đang tranh chấp với các nước láng giềng. Những tranh chấp trong ngành
đánh bắt hải sản trong những năm gần đây không những chỉ đặt Trung Quốc
vào việc đối chọi với Việt Nam. Những tranh chấp này cũng trở nên một
nỗi khó chịu trong quan hệ với Nam Hàn, Nhật Bản, Phi Luật Tân và Nam
Dương. Trên biển Nam Trung Hoa, nhiều ngư phủ Trung Quốc đã bị Phi Luật
Tân bắt giữ, cáo buộc là đã đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển gần
quần đảo Trường Sa do Manila tuyên bố chủ quyền. Nhiều sự kiện xảy ra
tương tự cũng được tường thuật ở Việt Nam. Nội các của chính phủ Trung
Hoa, Quốc vụ viện, đã phổ biến một chỉ thị cho lực lượng giang cảnh
biên phòng và các cơ quan liên quan đến nghề cá phải ngăn chặn không
cho các tàu đánh cá Trung Quốc đi vào “các vùng biển nhạy cảm chủ yếu”
Một nhân tố mới khác là sự sút giảm trầm trọng mới đây của giá dầu thô
và khí đốt thiên nhiên, làm mất đi một vài khích lệ cho các công ty dầu
khí để tiến hành việc thăm dò trong những vùng biển sâu thẳm hơn, càng
xa bờ hơn nữa trên biển Nam Trung Hoa. Nói chung thì việc khoan dầu
dưới lòng biển sâu vô cùng tốn kém. Nhưng khi giá dầu thô tăng qua mức
100 đô la một thùng lần đầu tiên vào đầu năm nay, và tiến đến 145 Mỹ
kim vào tháng Bảy, thì chuyện tốn kém coi như hoàn toàn được chấp nhận.
Vào khoảng thời gian đó, Trung Quốc đã yêu cầu tập đoàn dầu khí khổng
lồ ExxonMobil của Hoa Kỳ phải huỷ bỏ các kế hoạch dự trù với Tập đoàn
Dầu khí Việt Nam để khảo sát dầu khí phía ngoài bờ biển Việt Nam, ngụ ý
rằng nếu họ không làm theo thì có thể sẽ bị cấm đoán hoạt động tại
Trung Quốc. Một phát ngôn viên của bộ ngoại giao Trung Quốc nói rằng họ
phản đối bất cứ hành động nào "vi phạm tới lãnh thổ, chủ quyền và quyền
quản lý hành chánh của Trung Quốc trên biển Nam Trung Hoa".
Theo sau một cảnh cáo tương tự từ Bắc Kinh, công ty British Petroleum
(BP) vào năm ngoái cũng tạm ngưng nhiều kế hoạch dự trù để thực hiện
các công tác thăm dò cùng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ở ngoài khơi về
phía nam, đưa ra lý do là có nhiều căng thẳng về lãnh thổ.
Kế hoạch dự trù của BP cũng nằm trong một số các khu thăm dò được Việt
Nam chấp thuận nhưng bị Trung Quốc tranh giành, nằm cách bờ biển Việt
Nam khoảng 370km, ở cạnh phía ngoài Vùng kinh tế đặc quyền của Việt
Nam, giữa Việt Nam và quần đảo Trường Sa.
Với giá dầu thô đang giảm xuống mức 60 đô la một thùng ở một thời điểm
trong Tháng Mười, khi tăng trưởng kinh tế thế giới đang chậm lại theo
khuôn khổ của nhu cầu, thì cuộc tranh đua để giành các nguồn tài nguyên
hợp chất hữu cơ (hydrocarbon) trên biển Nam Trung Hoa đã bị mất đi một
ít sức thu hút. Ðiều này giúp tạo ra một sự hoà hoãn chính trị, cho
phép Trung Quốc và Việt Nam cùng tiến đến với nhiều biện pháp hoà giải
hơn.
Nơi đối chọi nhau về tài nguyên năng lượng
Việc gì có thể làm xáo trộn sự cân bằng mỏng manh trên biển Nam Trung
Hoa và hồi sinh lại những vấn đề gây xúc động về chủ quyền, thanh thế
và niềm tự hào của đất nước? Mối hiểm nguy lớn nhất là khi kinh tế được
phục hồi, mức tăng trưởng nhanh chóng và sự trỗi dậy của một nhu cầu
mạnh mẽ về năng lượng tại Á Châu sẽ lại đẩy Trung Quốc và các nước láng
giềng Đông Nam Á vào sự tranh chấp.
Số lượng dầu và khí đốt của Trung Quốc sản xuất không đủ để bắt kịp với
mức tiêu thụ đang dâng cao, và điều lo ngại là nguồn dự trữ hiện thời
sẽ không còn được bao lâu nữa. Các nước sản xuất dầu khí khác ở Ðông
Nam Á, trong đó có Việt Nam, Mã Lai Á và Nam Dương đều có chung những
quan tâm này.. Hiện thời các quốc gia này là những nước chuyên xuất
cảng dầu thô hoặc khí đốt hoặc cả hai, nhưng có thể nhìn thấy cái thời
điểm đang đến gần khi nguồn năng lượng dự trữ của họ không còn đủ để
thoả mãn cho nhu cầu trong nước. Họ muốn gia tăng tuổi thọ cho nguồn dự
trữ của mình bằng cách tìm kiếm thêm dầu khí. Cũng như tại Trung Quốc,
đây là một nhu cầu cấp bách cho việc tăng trưởng kinh tế cũng như bảo
toàn năng lượng vì dầu hoả và khí đốt vô cùng quan trọng cho ngành giao
thông vận tải và kỹ nghệ. Ðồng thời, Phi Luât Tân, một nước chuyên nhập
cảng cả dầu hoả lẫn khí đốt đang cần tìm kiếm gấp thêm các nguồn năng
lượng hoá thạch (fossil fuel) và xem những vùng biển ngoài khơi trên
Nam Trung Hoa như một giải pháp tự lực cánh sinh lớn hơn trong tương
lai.
Đối với chính phủ Trung Quốc, thì chính sách năng lượng đã trở thành
một bộ phận của chính sách đối ngoại. Từ một quốc gia xuất cảng dầu vào
năm 1993, hiện nay khoảng một nửa lượng dầu cần dùng của Trung Quốc
phải lệ thuộc vào các nguồn cung cấp ở nước ngoài. Trung Quốc cũng đang
trở thành một quốc gia nhập cảng khí đốt quan trọng. Vì lý do bảo toàn
năng lượng, Trung Quốc đã đặt ra một ưu tiên cao cho việc lấy được càng
nhiều dầu hoả và khí đốt mà họ có thể lấy được trong phạm vi lãnh thổ
trên đất liền, các vùng biển ngoài khơi, hoặc càng gần nội địa càng
tốt, bao gồm ở Nga Sô và miền Trung Á. Hiện tại, khoảng 75% số lượng
dầu nhập cảng của Trung Quốc là từ những vùng chính trị bất ổn ở Trung
Đông và Phi Châu. Họ phải vận chuyển bằng tàu thuỷ đến Trung Quốc qua
nhiều hải trình xa xôi, nơi mà lực lượng vũ trang Trung Quốc chưa có
nhiều khả năng để bảo vệ. Những hải trình huyết mạch của nguồn cung cấp
năng lượng này có thể bị cắt đứt trong một cuộc khủng hoảng nào đó.
Trong khi đó, Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ năng lượng đứng hàng thứ
hai trên thế giới sau Hoa Kỳ, muốn gia tăng tiêu thụ khí đốt để giảm
thiểu sự lệ thuộc nặng nề vào than đá, vốn gây ra nạn ô nhiễm không khí
trầm trọng. Nhiều quốc gia Đông Nam Á cũng đang quay sang dùng khí đốt
sạch sẽ hơn trong một tầm mức lớn để sản xuất điện năng, và cung cấp
cho ngành kỹ nghệ cũng như xử dụng trong gia đình. Việc xử dụng khí đốt
thiên nhiên trong các nước Á Châu được tiên đoán là sẽ gia tăng vào
khoảng 4,5% hàng năm cho tới năm 2025 —nhanh hơn bất cứ loại nhiên liệu
nào khác—với gần như một nửa mức gia tăng này là từ Trung Quốc. Nếu tỷ
lệ gia tăng này được duy trì, thì nhu cầu của Á Châu vào năm 2025 sẽ
vượt qua 21 ngàn tỷ bộ khối (cubic feet), gần gấp ba mức tiêu thụ hiện
thời.
|
Giàn khoan dầu ngoài khơi của |
Tập đoàn Xăng dầu Quốc gia Trung Quốc |
Biển Nam Trung Hoa được cho là có tiềm năng về khí đốt lớn hơn tiềm
năng về dầu hoả. Hầu hết các mỏ hợp chất hữu cơ (hydrocarbon) khảo sát
trên các vùng biển Nam Trung Hoa thuộc Brunei, Nam Dương, Mã Lai Á, Phi
Luật Tân và Việt Nam, cũng như Trung Quốc, đều chứa đựng khí đốt chứ
không phải dầu hoả. Nhiều ước lượng của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ
(US Geological Survey) cho biết có khoảng từ 60 tới 70 phần trăm nguồn
tài nguyên hợp chất hữu cơ trong khu vực là khí đốt. Tuy thế, một phần
rất đáng kể hơn 6 triệu thùng dầu thô mỗi ngày được Trung Quốc và các
quốc gia Đông Nam Á sản xuất ra từ vùng biển Nam Trung Hoa. Một phần
lớn hơn là lượng khí đốt 8 tỷ bộ khối được sản xuất ra mỗi ngày từ khu
vực lòng chảo biển Nam Trung Hoa, mặc dù không có con số chính xác nào
được đưa ra.
Trung Quốc ước lượng toàn bộ tiềm năng dầu hoả và khí đốt trên biển Nam
Trung Hoa có chiều hướng cao hơn nhiều so với những ước lượng của các
nhà phân tích nước ngoài. Ước lượng lạc quan nhất của Trung Quốc cho
rằng tiềm năng nguồn tài nguyên dầu hoả này cao đến 213 tỷ thùng, gần
14 lần nguồn dự trữ đã được xác nhận của Trung Quốc là 15.5 tỷ thùng
vào cuối năm 2007. Về khí đốt, thì tiềm năng của mức sản xuất được
Trung Quốc ước đoán lạc quan nhất là trên 2 triệu tỷ bộ khối, mặc dù
chỉ khoảng một nửa trong số này là có thể thâu hoạch được, ngay cả khi
nếu các mỏ ở mức quy mô này được tìm ra. Nguồn khí đốt dự trữ đã được
xác nhận của Trung Quốc vào cuối năm 2007 là 67 ngàn tỷ bộ khối.
Trung Quốc đẩy mạnh xuống phía Nam
Sự xuất hiện của Trung Quốc như một quốc gia tiêu thụ nhiều khí đốt
ngày càng gia tăng và tầm quan trọng mà họ đặt ra để lấy được càng
nhiều dầu hoả và khí đốt trong tương lai, từ những nơi càng gần nội địa
càng tốt, có thể giúp để giải thích lý do tại sao Trung Quốc lại đánh
giá quá cao tiềm năng về năng lượng trên biển Nam Trung Hoa. Những ước
lượng như vậy củng cố cho các tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Trung
Quốc trong khu vực. Dĩ nhiên, những ước lượng này chưa được xét nghiệm.
Phần lớn trong khu vực, nhất là ở những vùng biển sâu, vẫn chưa được
thăm dò vì quá xa xôi và đang bị tranh giành. Nhưng Trung Quốc dường
như có ý định mở rộng công cuộc tìm kiếm năng lượng ngoài khơi. Cho đến
cách đây một vài năm, các công ty năng lượng quốc doanh của Trung Quốc
đã chán nản không muốn tranh đua và Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc
gia Trung Quốc, công ty sản xuất dầu lửa và khí đốt đứng hàng thứ ba ở
Trung Quốc, hầu như có độc quyền trong công tác thăm dò dầu khí ngoài
khơi.
Điều này đã được thay đổi và hiện nay tất cả các công ty dầu hoả và khí
đốt quan trọng của Trung Quốc có thể đấu thầu các dự án trên bờ lẫn
ngoài khơi, ở trong cũng như ngoài nước. Từ đầu năm 2007, cả Tập đoàn
Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc lẫn công ty sản xuất xăng dầu
lớn nhất Trung Quốc, Tập đoàn Xăng dầu Quốc gia Trung Quốc (China
National Petroleum Corp), hiện đang nhìn ra biển Nam Trung Hoa để tìm
kiếm nguồn năng lượng bổ sung cho lượng dầu hoả sản xuất trong nội địa
đang đi xuống. Cả hai tập đoàn này đang xây dựng nhiều giàn khoan dầu ở
các vùng biển sâu.
Trong lúc các chính phủ Đông Nam Á và các công ty năng lượng làm việc
cho họ đang lấn sâu hơn vào biển Nam Trung Hoa để lùng kiếm thêm dầu
hoả và khí đốt, thì họ chỉ có thể hy vọng rằng việc Trung Quốc đẩy
xuống phía nam sẽ dẫn tới sự hợp tác tốt đẹp hơn, chứ không phải để
chạm trán nhau. Trung Quốc đã cấp phát nhiều hợp đồng thăm dò hoặc giấy
phép sản xuất cho hầu hết các khu vực khai thác dầu hoả và khí đốt của
họ ở vùng biển sâu trên biển Nam Trung Hoa về phía nam của Hương Cảng.
Các khu vực khai thác này chỉ bị Ðài Loan tranh giành. Tuy nhiên các
giấy phép cuả Trung Quốc trong tương lai lại có vẻ gối đầu lên các giấy
phép của các quốc gia láng giềng trong vùng Ðông Nam Á (Reuters
2/11/07). Không giống như hồi thập niên 1980s hoặc 1990s, Trung Quốc
hiện nay có thể dùng sức mạnh quân sự để áp đặt các tuyên bố chủ quyền
lãnh thổ của mình trên các đối phương trong khu vực, nếu họ quyết định
làm như vậy. Nhưng ở cái giá nào cho uy tín quốc tế, cho sự ổn định nơi
trọng tâm của ngành hàng hải trong vùng Đông Nam Á và cho các mối quan
hệ của họ với khối ASEAN?
Nguồn: Japan Focus
|