Thứ Năm, 2025-01-23, 3:47 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 29 » Nhu cầu thúc đẩy cải cách
9:01 AM
Nhu cầu thúc đẩy cải cách
Bút Lông’s Blog

Mấy hôm trước bên lề Hội nghị APEC, tiếp xúc với Thủ tướng Nhật Taro Aso, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cam kết Việt Nam sẽ “xử lý nghiêm khắc” vụ PCI. Vụ án này được Tòa án Tokyo đưa ra xét xử hôm 12-11 và các bị cáo đã thừa nhận hành vi dùng tiền hối lộ để giành lấy các gói thầu tư vấn sử dụng vốn ODA ở Việt Nam.

Hôm 19-11 vừa qua quan chức Việt Nam bị cáo buộc nhận hối lộ của PCI, ông Huỳnh Ngọc Sỹ, đã bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra. Tuy nhiên, tin tức về việc bắt giữ quan chức PCI đưa hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sỹ đã được truyền thông Nhật đăng tải từ tháng 6-2008. Trả lời Báo Tuổi Trẻ về sự chậm trễ trước đó của cơ quan điều tra tội phạm tham nhũng, một lãnh đạo C37 cho hay những tháng ngày trước đó họ chỉ mới nắm tình hình và tiếp cận một số hồ sơ liên quan chứ chưa làm việc với ông Huỳnh Ngọc Sỹ. Lý do là còn phải “chờ ý kiến chỉ đạo ở trên”.

Trong chưa đầy một tuần, từ ngày 13 đến 19-11, dân chúng lại được chứng kiến các động thái mau lẹ từ cấp trung ương: Ngày 13, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết chất vấn trực tiếp Thủ tướng; ngày 15, Thủ tướng chỉ đạo cho TP HCM xử lý theo pháp luật; ngày 19 Thành ủy, UBND TP HCM đình chỉ công tác nghi phạm. Sự việc rồi đây sẽ được kết luận một cách rõ ràng, song vấn đề cần đặt ra tại sao thái độ của lãnh đạo cấp cao rất kiên quyết, nghiêm minh mà cơ quan điều tra chống tham nhũng lại thụ động chờ “chỉ đạo của trên”, trong khi Bộ luật Tố tụng Hình sự cho phép tiến hành điều tra bất cứ ai bị tình nghi phạm tội, kể cả khi dấu hiệu tội phạm chỉ là tin tức trên báo chí?

Trên thực tế, C37 dù là một cơ quan tư pháp chuyên thu thập bằng chứng về tội phạm tham nhũng, song “vai vế” chỉ ngang cấp Cục. Trên nó còn có cấp Tổng cục và Bộ với đủ thứ ràng buộc về tổ chức, kinh phí, quyền hạn, khen thưởng. Khi còn là thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Tướng Cao Ngọc Oánh có bày tỏ với người viết rằng theo mô hình của nhiều quốc gia tiên tiến thì cơ quan điều tra vừa là cơ quan thực thi luật pháp của quốc gia, vừa là một cơ quan có vai trò quan trọng trong hoạt động tư pháp. “Kinh nghiệm họ là đề cao tính độc lập để đảm bảo sức mạnh trong hoạt động điều tra. Trong thực tiễn công tác bảo vệ pháp luật của ta, tinh thần chung là đảm bảo yêu cầu này, nhưng dựa trên truyền thống cũ là chủ yếu”. Khi đó, tướng Oánh chỉ dè dặt đề nghị là “kinh tế đã hội nhập sâu thì các hoạt động tư pháp, pháp luật phải theo tương ứng”.

Ngay “đối thủ” của tướng Oánh, tướng Phạm Xuân Quắc, cũng giãi bày khi đang làm Trưởng ban Chuyên án PMU 18 cũng không có được sự độc lập cần có. Cụ thể là khi nhận báo cáo của đặc tình từ trại giam rằng Dũng “tổng” chi tới nửa triệu USD để chạy án tới hàng chục VIP, tướng Quắc cũng không dám tự động điều tra. Thậm chí, tướng Quắc còn phải ôm hồ sơ đi theo lãnh đạo Bộ Công an báo cáo với Phó Thủ tướng để xin chủ trương: có được điều tra không và cơ quan nào làm? Ông nói, làm mà không báo cáo sẽ bị kỷ luật vì danh sách nhận tiền có cả cấp trên; mà không làm thì càng bị kỷ luật vì lọt tội phạm. Những điều tướng Quắc đã khai tuốt luốt tại TAND TP Hà Nội hồi giữa tháng 10 cho thấy, sự độc lập của cơ quan điều tra còn khá xa vời.

Sự lẫn lộn giữa chức năng tư pháp – hành chính của cơ quan điều tra hiện nay, theo giải thích của Tiến sĩ Nguyễn Đình Lộc, nguyên bộ trưởng Bộ Tư pháp, là chúng ta cứ quen giao việc giữ trật tự trị an cho công an. Trong khi đó theo TS, “công an không phải là hoạt động tư pháp, mà là cơ quan quản lý nhà nước về trật tự trị an. Cơ quan điều tra mới là cơ quan tư pháp”. Ông nói trước đây giao nhiệm vụ ta cứ “tiện” thế này, thế kia, nay xã hội phát triển mới thấy có những bất hợp lý thì phải sắp xếp lại dần dần. Song ông nói những “sắp xếp” gần đây cũng “chưa phải là cải cách”.

Thực tế Đảng đã nhìn thấy những bất cập trong tổ chức các cơ quan tư pháp từ sáu năm trước. Chính vì thế sau khi có Nghị quyết 08 (về các biện pháp cấp bách), Đảng lại ban hành tiếp Nghị quyết về chiến lược cải cách tư pháp. Trong đó dự kiến đến 2020 cơ quan điều tra tách ra khỏi Bộ Công an để trở thành cơ quan độc lập theo nguyên tắc tách hoạt động tố tụng khỏi hoạt động quản lý hành chính nhà nước về trật tự, an toàn xã hội.

Khi tiếp xúc Thủ tướng Nhật, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nói rằng quan điểm của Việt Nam là kiên quyết chống tham nhũng. Đó cũng là lời hứa của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Quốc hội khi đại biểu đặt vấn đề; đồng thời cũng là nguyện vọng của hàng chục triệu cử tri. Tuy nhiên phải đợi hơn 10 năm nữa mới có được cơ quan điều tra “độc lập, đảm bảo sức mạnh” như mong ước của Tướng Oánh, trong khi nhiều tỷ USD vốn ODA đang dồn dập vào Việt Nam, thì không chỉ công chúng mà bạn bè quốc tế cũng quan ngại. Có lẽ hiểu thấu điều đó, ngay trong phiên họp Chính phủ giữa tháng 11, căn cứ “tình hình thực tế và tham khảo kinh nghiệm thế giới”, Thanh tra Chính phủ đã chính thức đề nghị lập cơ quan độc lập chống tham nhũng với đủ quyền năng tố tụng!

Tuy còn ý kiến khác nhau, song rõ ràng nhu cầu thực tế đã thúc đẩy cải cách phải đi nhanh hơn.
Quốc hội từng tha thiết lập cơ quan độc lập chống tham nhũng…

Bốn năm trước, Quốc hội đã từng phản đối dự dội việc lập Ban chỉ đạo chống tham nhũng, bởi lý do thành viên ban này chủ yếu kiêm nhiệm, hoạt động không có hiệu quả! Hơn nữa, các nhân sự chủ chốt là lãnh đạo cơ quan hành pháp sẽ dẫn đến việc “vừa đá bóng, vừa thổi còi” vì các cơ quan này đang trực tiếp tiêu tiền, duyệt dự án, thực hiện xin-cho...

Khi ấy, ông Vũ Đức Khiển, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật phát biểu rằng tham nhũng là do cơ chế chính sách trong các lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, chế độ cấp phát, chi tiêu ngân sách... còn chồng chéo, bất hợp lý và nặng xin-cho. Ông Khiển nhấn mạnh “có vấn đề là việc phát hiện, xử lý tham nhũng bằng chính lực lượng trong nội bộ ngành, địa phương không thu được nhiều kết quả mà phần lớn do lực lượng bên ngoài, cơ quan khác phát hiện ra.

Chính vì thế, khi dự thảo Luật phòng chống tham nhũng quy định Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng gồm nhiều quan chức kiêm nhiệm đặt tại cơ quan hành pháp (Chính phủ) thì đa số các ý kiến trong Ủy ban Pháp luật khóa đó không đồng tình. Theo ông Khiển, lý do phản đối là địa vị pháp lý của Ban này không rõ ràng, nhiệm vụ quyền hạn không phù hợp, chưa cụ thể và nhất là hầu hết các thành viên đều làm việc kiêm nhiệm. Ông Khiển cho biết “thực tế cho thấy đã có quá nhiều ban chỉ đạo nhưng hoạt động kém hiệu quả và trước đây đã tổ chức Ban chống tham nhũng rồi cũng phải giải thể vì hoạt động kém”.

“Tham nhũng chủ yếu bên hành pháp” - Đó là nhận xét của bà Nguyễn Thị Thùy Mỵ, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Trị. Theo bà, người đứng đầu Ban chỉ đạo như dự thảo luật là người đứng đầu cơ quan hành pháp (Chính phủ) thì “sẽ không xác định được trọng tâm, trọng điểm của tham nhũng. Tôi nghĩ tham nhũng phát sinh nhiều nhất là trong các cơ quan này, trong các cơ quan lắm quyền, lắm tiền, lắm dự án, chỉ đạo, điều hành, cấp phát, vậy mà chúng ta lại đưa những người đứng đầu này vào để làm. Nếu lấy ý kiến rộng rãi nhân dân thì dân cũng không đồng tình” - bà Mỵ nói.

Phó chủ tịch Ủy ban đoàn kết công giáo Đăklăk, ông Vũ Thanh Lịch, nói rõ “những thành viên trong Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng từ trung ương đến địa phương (như dự thảo luật) đều ở trong guồng máy nhà nước, đều có chức có quyền mà thực tế chúng ta biết chỉ những người có chức, có quyền mới tham nhũng. Vậy nếu họ lại ở vai trò lãnh đạo thì khả năng thanh tra, giám sát và phòng chống của họ sẽ rất giới hạn và có vô tư được không? Dân gian thường nói đó là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, “đánh bùn sang ao””!

Phó trưởng đoàn đại biểu Cao Bằng, ông Triệu Sĩ Lầu, thắc mắc, “nếu tham nhũng xảy ra ngay trong Ban chỉ đạo thì ai sẽ là người đứng đầu giải quyết? Không khéo chính Ban chỉ đạo lại tạo ra vỏ bọc chắc chắn cho vụ tham nhũng có tổ chức và không có sức mạnh nào phá nổi.

Còn theo cựu bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, các thành viên Ban chỉ đạo sẽ xem đây là công việc “làm thêm”, bởi việc chính của họ là ở chỗ khác. Vì vậy sẽ không tránh khỏi tình thế “xuân thu nhị kỳ” gặp nhau tháng một lần, ba tháng một lần nên hiệu quả sẽ rất hạn chế. Trong khi đó, theo ông Lộc, ở các nước Ban chỉ đạo là đi cụ thể vào từng vụ một. “Tôi cho rằng điểm tồn tại lớn nhất trong dự luật là Ban chỉ đạo” - ông Lộc nói.

Từ kinh nghiệm thực tế, nguyên ủy viên thường trực thường vụ Bộ Chính trị, ông Phạm Thế Duyệt, nói “chúng ta làm việc bằng cơ quan nhà nước chứ không thể bằng Ban này, Ban khác “trùm” lên được. Cho nên tôi đề nghị có một Ủy ban giám sát việc chống tham nhũng trong cả hệ thống và nó chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Quốc hội giám sát Chính phủ và Thủ tướng, giám sát các bộ, giám sát các tỉnh”.

“Cơ quan chống tham nhũng độc lập” - Biện pháp “mạnh” này, theo ông Vũ Đức Khiển, đã được một số ý kiến đề cập tới với mô hình một Ủy ban quốc gia, hoạt động độc lập với Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao. Cơ quan này vừa nghiên cứu, đề xuất về chủ trương, biện pháp, vừa thực hiện những quyền năng đặc biệt như chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan để chỉ đạo, kiểm tra tổ chức hoạt động đấu tranh chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.

Phó trưởng khoa Nhà nước và pháp luật, Trường chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn, bà Hà Thị Hải Yến, đề xuất nên thành lập cơ quan chống tham nhũng độc lập như cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm sát, có đủ quyền lực quyết định trong từng vụ án cụ thể để tránh tình trạng như hiện nay một vụ án bàn với nhau quá nhiều mà không ai ra được quyết định.

Luật Phòng chống tham nhũng hiện tại quy định, Ban chỉ đạo gồm hai cấp: Ban chỉ đạo ở trung ương do Thủ tướng làm trưởng ban, Tổng Thanh tra làm phó ban, bộ trưởng các Bộ Công an, Tài chính, Nội vụ, kiểm toán, Uãy ban kiểm tra đảng, Ban Nội chính, VKSND tối cao, TAND tối cao v.v... làm thành viên. Tổ chức ở địa phương tương tự.

Hiệu quả của Ban chỉ đạo này thế nào, các bạn biết quá rõ qua vụ PCI rồi…
Nguồn: Bút Lông’s Blog
Category: Hồ sơ Tham nhũng CSVN | Views: 807 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 24
Khách: 24
Thành Viên: 0