Thứ Ba, 2024-11-05, 8:39 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 1 » Các blog “bẩn” sẽ bị “xử” thế nào?
10:02 AM
Các blog “bẩn” sẽ bị “xử” thế nào?

http://www.cand.com.vn/vi-VN/xahoi/2008/11/104699.cand

 

 

Việc quản lý nội dung của hàng triệu triệu blog, đặc biệt là các blog "bẩn" chỉ có thể làm được bằng phương pháp hậu kiểm, thông qua sự phát hiện của chính cộng đồng mạng.

Theo nhận định của cư dân mạng, những đoạn video "phòng the" hay những xoi mói ác ý liên quan đến đời tư người khác là cách mà chủ nhân của một số blog "xấu" hay dùng để tăng lượng truy cập nhanh nhất. Vấn đề đặt ra là hậu họa từ những việc làm này không ai có thể lường hết được. Trong khi đó, chủ nhân của các blog "bẩn" này vẫn cứ hồn nhiên đưa vào blog của mình bất kỳ thứ gì mình thích, cho dù điều đó có làm tổn hại đến người khác với "niềm tin": Không thể quản lý được blog.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, hiện vẫn có thể xử lý được các blog "bẩn" bằng phương pháp… hậu kiểm.

Không thể quản lý được blog chỉ bằng… một thông tư

Bộ TT&TT vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung về hoạt động cung cấp thông tin trên trang điện tử thông tin cá nhân (blog). Thông tư này nhằm chi tiết hoá một số điều tại Nghị định 97/2008 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và trang thông tin điện tử trên Internet.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề mà nhiều người quan tâm là các blog "đen" sẽ được xử lý như thế nào thì Thông tư đã không quy định cụ thể đúng như kỳ vọng ban đầu.

Mặt khác, nội dung Thông tư cũng không có gì mới bởi một số điều đã quy định trong Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Bộ luật Dân sự đã được gom lại để tạo thành một hành lang pháp lý. Và điều đáng nói là Ban soạn thảo đã không đề cập đến các chế tài xử lý, mà chỉ mang tính "khung" để người sử dụng biết và tự điều chỉnh. Vì thế, theo nhận định của nhiều người, Thông tư này mang tính xã hội, tính tư tưởng và định hướng nhiều hơn là chế tài xử phạt.

Theo đó, những hành vi bị nghiêm cấm khi cung cấp thông tin trên blog được quy định cụ thể trong Thông tư là: Lợi dụng blog để cung cấp, truyền đi hoặc đặt đường liên kết trực tiếp những thông tin vi phạm các quy định tại Điều 6, Nghị định 97 (thông tin chống lại nhà nước CHXHCN Việt Nam, gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy....; đưa các thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân... - NV); tạo blog giả mạo cá nhân, tổ chức khác, sử dụng trái phép tài khoản blog của cá nhân khác, thông tin sai sự thật có tính chất lừa đảo; truyền bá các tác phẩm báo chí, tác phẩm văn học, nghệ thuật, các xuất bản phẩm vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí; sử dụng thông tin, hình ảnh cá nhân vi phạm các quy định tại Điều 31, Điều 38 Bộ luật Dân sự; cung cấp thông tin trên blog vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ, về giao dịch thương mại điện tử và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Với việc đề ra những điều "được phép" và "không được phép" rồi khoán cho người sử dụng tự điều chỉnh theo như tinh thần định hướng của Thông tư, ông Chu Xuân Viết, chuyên viên cấp cao của Hiệp hội Phần mềm Việt Nam (Vinasa) tỏ ra quan ngại: Khuyến khích mà không có thưởng, hạn chế mà không có phạt, thì e rằng Thông tư sẽ không có hiệu lực.

Đề cập đến góc độ này, ngay cả các thành viên của Ban soạn thảo cũng phải thừa nhận, "nếu đặt quá nhiều mục tiêu lớn cho Thông tư này thì sẽ thành duy ý chí".

Và như vậy, ngay cả khi Thông tư chính thức có hiệu lực kể từ tháng 12 năm 2008 như dự kiến, thì số phận của các blog "đen" vẫn chưa được định đoạt. Hay nói đúng hơn, các blog đen vẫn có thể "nhởn nhơ" hoạt động mà không bị xử lý cho đến khi Nghị định thanh tra trong lĩnh vực Internet và sắp tới đây là nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thông tin chính thức có hiệu lực.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc: Không thể quản lý được blog chỉ với một Thông tư.

Blog "bẩn" chỉ được xử lý bằng hậu kiểm

Ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, về mặt kỹ thuật hoàn toàn có thể quản lý được blog. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng có thể chỉ ra blogger là ai ở ngoài đời, nghĩa là các blogger không thể giấu mặt được. Tuy nhiên, ông Quảng cũng cho biết, để phát hiện ra người khởi tạo blog cần có sự hợp tác của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội, cùng với nhà cung cấp dịch vụ truy nhập Internet.

Lấy trường hợp mạng xã hội của Yahoo! là ví dụ, ông Quảng cho rằng, nếu Yahoo! không hợp tác cung cấp thông tin về các blogger thì cơ quan chức năng vẫn có thể tìm ra chủ nhân blog thông qua sự hợp tác của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet.

Tuy nhiên, việc quản lý nội dung của hàng triệu triệu blog, đặc biệt là các blog "bẩn" chỉ có thể làm được bằng phương pháp hậu kiểm, thông qua sự phát hiện của chính cộng đồng mạng. Theo đó, việc có một văn bản pháp luật quy định điều gì được làm, điều gì không được làm đối với các blogger là cần thiết. Cộng đồng mạng có thể dựa vào văn bản đó để điều chỉnh hành vi của mình, phát hiện những trường hợp vi phạm. Và trên thực tế, một số mạng xã hội như Ngôi sao blog, vietspace.net.vn hay tamtay.vn cũng đã kiểm soát các thành viên của mình bằng cách áp dụng khá hiệu quả phương pháp hậu kiểm và tự quản này.

Trước thông tin Bộ TT&TT sẽ đề nghị Google và Yahoo hợp tác trên cơ sở cộng đồng trách nhiệm trong việc quản lý blog, trao đổi với phóng viên Báo CAND về vấn đề này, ông Vũ Minh Trí, Trưởng đại diện của Yahoo! Đông Nam Á tại Việt Nam cho biết: Yahoo sẵn sàng hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo một mạng xã hội trực tuyến trong sạch, lành mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Trí, không thể quản lý blog theo kiểu ngồi đọc, theo dõi từng blog một để phát hiện vi phạm. "Dịch vụ 360 của Yahoo! - mạng xã hội trực tuyến đang có nhiều người sử dụng nhất Việt Nam - có một mục là "Báo cáo vi phạm". Những blogger nào phát hiện thấy blogger khác có những biểu hiện thiếu lành mạnh có thể thông báo cho chúng tôi qua chức năng này. Chúng tôi đã từng ngăn một số blog tại Việt Nam được coi là blog đen, tiêu biểu là blog "Only U". Tôi cho rằng cộng đồng mạng Việt Nam muốn có một sản phẩm tốt, một mạng xã hội trong sạch thì tinh thần tự quản là vô cùng quan trọng", ông Trí nói

Blog Yahoo! đóng cửa, cư dân mạng xôn xao "tìm nhà" mới

Từ cuối năm 2007, cộng đồng mạng đã bắt đầu râm ran "tin đồn" Yahoo! 360 sẽ đóng cửa, và sau hơn một năm cố gắng duy trì trang blog này trong tình trạng khá "thoi thóp" đến cuối cùng thì tin tức "khai tử" Yahoo! 360 đã được Yahoo chính thức xác nhận. Cái tin Yahoo! 360 sẽ đóng cửa vào tháng 4/2009 đã không còn gây nhiều xôn xao, ồn ào như cái tin đồn cách đây một năm. Có lẽ cộng đồng mạng đã bắt đầu "chán" blog khi "đại gia" Yahoo! 360 sau hơn một năm đầy những lỗi kỹ thuật khiến người dùng mệt mỏi hoặc cũng có thể họ đã tìm ra được "lối" đi cho mình.

Loạn thị trường mạng xã hội tại Việt Nam

Dạo quanh thị trường mạng xã hội tại Việt Nam sẽ thấy rõ ràng 2 cấp độ: thứ nhất là những mạng xã hội "made in nước ngoài" như Facebook, Myspace, Hi5, Friendster, Cyworld... nhưng lại không gây được tình cảm "mặn mà" từ user Việt Nam. Ngược lại Yahoo! 360 sau khi nhận được sự đón nhận "hờ hững" của thị trường thế giới lại trở nên thành công tại Việt Nam, mở màn cho phong trào người người viết blog, nhà nhà có blog.

Có nhiều lý do để giải thích sự trái ngược này, nhưng phải thừa nhận một điều là Yahoo! 360 có thể được coi là "có công" khai phá mảnh đất Internet còn hoang sơ tại Việt Nam và đã thành công khi bước đầu tiếp cận đã mang đến cho người dùng Việt một trang blog đơn giản cũng như có thể sử dụng một cách dễ dàng.

Người Việt yêu thích Yahoo! 360 còn vì nhiều lý do, song, sau một thời gian giữ ngôi vị  được ưa chuộng nhất tại Việt Nam, đùng một cái Yahoo tuyên bố thay thế Yahoo! 360 thành Yahoo Mash và sau khi liên tục nhận thất bại, Yahoo lại mơ màng chuyển sang Yahoo! 360Plus với thông điệp mang đến một sản phẩm với ngôn ngữ Việt dành cho người Việt nhưng với giao diện không bắt mắt, thành viên lèo tèo, cuối cùng Yahoo! 360Plus cũng không thể nào làm mưa làm gió tại thị trường Việt Nam.

Cùng lúc đó các công ty về Internet tại Việt Nam lần lượt cho ra đời các sản phẩm mạng xã hội nhằm cạnh tranh, lôi kéo member, không chỉ từ Yahoo mà còn từ một số lượng khổng lồ người dùng Internet chưa biết đến blog hay mạng xã hội là gì?! Có thể kể đến sự ra đời của zing.vn, tamtay.vn, faceviet.com, ngoisaoblog.com,... và hàng ngàn những mạng xã hội khác.

Tính đến nay những "gương mặt" này vẫn chưa để lại ấn tượng sâu sắc nào để có thể "vận chuyển" hàng triệu member lười biếng từ Yahoo! 360 khi "đại gia" này sẽ chính thức khai tử vào tháng tư năm tới!

Cần một mạng xã hội đúng nghĩa cho user Việt

Trong khi thị trường Internet đang loay hoay tìm kiếm một "anh tài" đủ khả năng thay thế và thuyết phục user Việt Nam cũng như để chứng minh một điều, vị trí độc tôn của Yahoo! 360 phải đến lúc trả lại thị trường mạng xã hội Việt Nam cho một cuộc cạnh tranh công bằng và đầy sáng tạo.

Gần đây nhất, người ta thấy sự xuất hiện của một cái tuổi mới toanh "Yume.vn", được xây dựng và phát triển bởi Công ty cổ phần VON (Vietnam Online Network) - đơn vị đã thành công với Kiemviec.com và Timnhanh.com.

Thời điểm Yume xuất hiện có thể cho là khá trễ so với những mạng xã hội khác, nhưng chính sự "trễ" đó lại mang đến cho Yume khá nhiều lợi thế. Rút được kinh nghiệm từ những "đàn anh" đi trước, Yume xây dựng nên một ngôi nhà thật sự thân thiện và tiện ích cho những người dùng Việt Nam.

Thành công bước đầu của Yume đó là lượng user tăng vọt chỉ sau 4 tháng ra mắt và tên tuổi của mạng xã hội này liên tục xuất hiện bên cạnh các cuộc thi âm nhạc lớn như "Ngôi sao tiếng hát truyền hình" hay "Vietnam Idol 2008" với vai trò là trang thông tin chính thức, giúp thí sinh tương tác với khán giả trong suốt cuộc thi. 

Với Yume, chỉ mất vài phút là người dùng có thể tạo cho mình trang web riêng mang đậm cá tính, cùng với không gian lưu trữ không giới hạn cho phép người dùng upload hình ảnh, âm nhạc, video và kết bạn thoải mái, Yume đã tạo ra một mạng xã hội rộng khắp, không ranh giới giữa các thành viên trên cộng đồng.

Nhưng bên cạnh sự rộng khắp đó, Yume còn mong muốn mang lại cho người dùng một môi trường sinh hoạt thân thiện, đông bạn bè và gần gũi. Chính vì vậy chức năng cộng đồng với 4 networks chính là: Địa điểm, trường CĐ/ĐH, trường THPT và Ngành nghề đã tạo nên sự thân quen giữa các thành viên cho dù chỉ là lần đầu đến với mạng xã hội này. Đây cũng chính là yếu tố tối cần thiết để có thể giữ chân người sử dụng ở lại, nhất là đối với cộng đồng Việt.

Dạo quanh Yume.vn, người dùng cũng dễ dàng nhận ra những gương mặt quen thuộc trong làng show-biz, nào là ca sĩ Phương Thanh, ca sĩ Kasim Hoàng Vũ, ca sĩ Bảo Thy, Ngọc Ánh Idol, Duy Khoa  và hàng chục account của những người nổi tiếng khác.

Một điều thú vị là các member của Yume xem ngôi nhà của blogger nổi tiếng Joe Dâu Tây với nickname "Maxocan" như một kênh để xem các video vui nhộn mà Joe cùng bạn bè post lên hàng ngày. Thậm chí ngay cả diễn viên trẻ đẹp Hoàng Thùy Linh cũng xây dựng một căn nhà hoành tráng tại Yume.

Trước thời điểm lục đục chuyển nhà của cư dân mạng, nhiều câu hỏi được đặt ra, liệu user Việt Nam sẽ chọn con đường nào? Yahoo! 360Plus, Facebook, Myspace hay một mạng xã hội "made in Vietnam" nào khác? Câu hỏi còn nhiều bỏ ngỏ cho đến khi nào user Việt Nam thật sự biết họ cần gì, nếu không phải là một sản phẩm Internet mang ý nghĩa cho chính họ?

 

Hoàng Mai - Duy Văn

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 751 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 403
Khách: 403
Thành Viên: 0