Nguyễn Thượng Long
Thân tặng:
Các em Châm, Nhự, Xuân, Chiêm,Lợi,…
học sinh cũ của tôi những năm đầu 1970
ở hàng Trạm - Yên Thuỷ - Hoà Bình.(NTL)
Nguyên giáo viên trường C3- Lạc Sơn - Hoà Bình
| Đỗ Việt Khoa |
Trong bài viết "Tiếng thở dài trên trường quay S10",
tôi viết sau ngày Đỗ Việt Khoa (ĐVK) và tôi xuất hiện trong chương
trình "Người đương thời" (NĐT) đầu tháng 7/2006, tôi có nhắc đến câu
nói của cô giáo chủ nhiệm của ĐVK. Câu nói đó làm tôi và nhiều người
rất dị ứng:
"Em làm việc đó (việc ĐVK phanh phui, gian dối ở trường thi Phú Xuyên A
2005 - 2006) làm gì. Cô sợ rằng rồi em sẽ không có chỗ đứng trong ngành
giáo dục".
Tôi nghĩ, giá như cô giáo của Khoa nói: "Khoa ơi! Việc em làm là rất
tốt nhưng cô sợ là em sẽ…" thì tôi phục cô giáo biết bao nhiêu, vì nếu
ai cũng tránh né cái việc nói thẳng, nói thật đó, ai cũng đặt cái lợi
ích cá nhân lên trên tất cả thì chắc chắn đến hôm nay chẳng một ai được
chứng kiến cuộc vận động hai không trong ngành GDĐT. Khi có cuộc vận
động này, những người lạc quan nhất đã vội nghĩ từ nay GD ĐT đã tìm
được nguồn sinh khí mới để đi lên và:
"Từ nay người biết yêu người
Từ nay người biết thương người". (Văn Cao)
Chẳng lâu la gì ít ngày sau mọi người đã phải viện dẫn: "Thức lâu mới
biết đêm dài" - "Đừng nghe người làm giáo dục nói! Hãy nhìn xem người
làm giáo dục làm gì?". Những chân lý khách quan kể trên có thể chưa
hoàn toàn chính xác với Hà Nội 1 còn với Hà Tây cũ! Dạ thưa, tôi dám
chắc đó là một lời nhắc nhở rất thuyết phục. Hãy xem, tối 23/11/2008
ĐVK đã xuất hiện như thế nào trong bản tin thời sự tối của VTV1 Đài
truyền hình TW.
Đâu rồi một ĐVK hào sảng và tự tin trước mọi người!
Đâu rồi một ĐVK trong mùa thi 2005 - 2006 đã dũng cảm xông vào những góc tăm tối nhất của GD ĐT Hà Tây để tả xung hữu đột!
Đâu rồi một ĐVK hiệp sĩ dám lách mũi kiếm chống tiêu cực để tách ra cái
"Khối u ung thư" trầm trọng trên cơ thể GD ĐT Hà Tây. Cái khối bùng
nhùng đó được nuôi dưỡng bằng những dòng máu tím đen những dối trá,
tiêu cực, vô luân và vô đạo đã thành bản chất. Khi cái bọc đó vỡ ra tán
loạn là những … Kính thưa các đồng chí đã lộ và chưa lộ! Có đồng chí đã
lộ nhưng nhanh mắt nhanh tay mở két thì dông ngược lên trên! Có đồng
chí chậm chân lỡ bước đành chấp nhận "Hạ cánh an toàn" với khối tài sản
kếch xù. Các đồng chí khác thì thay hình đổi dạng, thay phấn đổi hương
để trở thành những yếu nhân của vận hội mới.
Đâu rồi một ĐVK rạng rỡ bước lên đài cao để đón nhận danh hiệu NĐT được yêu thích nhất 2006!
Đâu rồi những lời có cánh của bộ trưởng Bộ GD ĐT lần ông xuất hiện tại tư gia của ĐVK trước một rừng ống kính các nhà báo.
Những gì đã đến với con người của công chúng ĐVK! Mà hôm nay ĐVK xuất
hiện trong bộ dạng của một KẺ TUẪN NẠN thê thảm đến như vậy. Một ĐVK
phờ phạc, mỏi mệt vì bị đồng nghiệp ở đó tẩy chay, cô lập, bị phân biệt
đối xử, thậm chí còn bị xã hội đen cho vào vòng ngắm. Nhục nhã thay cho
những người trí thức phổ thông trung học, người ta đã hành xử tồi tệ
với Khoa như thế mà họ vẫn cúi mặt không dám phản đối điều gì. Tệ hại
thay họ cúi mặt chỉ để vừa lòng vị sứ giả của lãnh đạo Sở GD ĐT Hà Tây
cử xuống thay cho cựu hiệu trưởng THPT Vân Tảo Từ Ngọc Lĩnh lâm nạn
trong mùa thi 2005 - 2006.
Là người luôn xuất hiện bên cạnh ĐVK vào những thời điểm nhạy cảm nhất,
nhìn cảnh ĐVK trên chiếc xe đạp cà tàng, xiêu vẹo đạp đến cổng trường
lòng tôi buồn đến tê tái. Giữa lúc tôi đang trộn rộn những hoài niệm về
những ngày tháng 6, tháng 7 của 2006 thì hàng loạt cú điện thoại của
học sinh cũ gọi đến. Trong những cuộc điện đàm đó tôi thực sự xúc động
với cuộc điện đàm của một nữ sinh hiện cũng là một cô giáo sắp nghỉ hưu
ở một trường PTCS thuộc huyện Yên Thuỷ - Hoà Bình gọi về. Sau những bày
tỏ về những bức xúc nảy sinh khi xem bản tin truyền hình đó, cô giáo
than phiền: "Thưa thầy! Chống tiêu cực, chống sai trái mà bị đối xử như
thế! Em hỏi thầy còn ai dám chống tiêu cực, chống sai trái nữa?". Tôi
chỉ biết động viên em: Em để ý mà xem khi kết thúc bản tin đó, người
phát thanh viên nói một câu có giá trị như một tổng kết rất đắt giá về
cái thời đại mà chúng ta đang sống. Người phát thanh viên nói: "Rõ ràng
thực hiện nói không với tiêu cực không phải là dễ dàng và rất đáng tiếc
chuyện này diễn ra không chỉ ở trong ngành giáo dục". Rất đúng, rất
chính xác. Em thấy đấy mấy vụ lộn xộn gần đây, đặc biệt với vụ PMU 18
thì thật sự làm mọi người Việt Nam trong và cả ngoài nước bất ngờ. Bốn
anh hùng chống tham nhũng thì nhà báo, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến báo
Thanh Niên do kiên định là vô tội thì xộ khám 2 năm tù giam. Nhà báo
Nguyễn Văn Hải báo Tuổi Trẻ do "Thành khẩn hối hận" được tha với 2 năm
án treo. Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc lĩnh án cảnh cáo nhờ những thành
tích trong quá khứ. Thượng tá Đinh Văn Huynh - điều tra viên cao cấp
với án 1 năm tù giam! Không dưới 7 ký giả khác bị tước thẻ hành nghề,
vài ông Tổng biên tập, Phó tổng biên tập bị cách chức vì cái tội cứ hay
"Xớ rớ" vào chống tham nhũng! Đặc biệt đáng buồn thay là chỉ thị gần
đây của ban tuyên giáo TW: Báo chí phải đi đúng lề đường bên phải!?
Theo tôi bản chất của cuộc chiến chống tham nhũng là cuộc chiến giữa
chính nghĩa và phi nghĩa, giữa điều chân thực và cái dối trá. Cuộc
chiến đấu này không có đầu rơi, không có tiếng súng nhưng không vì thế
mà nó không khốc liệt. Giờ đây trong cái thời tiết chính trị xã hội thế
này nó còn phải tuân thủ cả những luật chơi bất thành văn và không ít
chất rừng rú. Đó là luật mạnh được yếu thua. Có thể anh là chính nghĩa
đấy, anh chỉ thực sự chiến thắng khi anh là kẻ mạnh. Một khi tuy anh là
chính nghĩa nhưng anh cô đơn, cô độc thì dễ lắm anh sẽ bị cái phi
nghĩa, cái vô luân nó nuốt chửng, nó đè bẹp, nó nhấn chìm. Quan sát
hiện tượng ĐVK từ lúc bắt đầu xuất hiện đến nay ta thấy cái luật không
thành văn kia hoàn toàn là chính xác. Mọi người đâu đã quên trong sự
kiện Phú Xuyên A 2006 khi trong tay ĐVK là những CD ghi âm lời phát
ngôn bừa bãi của những kẻ bảo kê cho gian dối thi cử, những băng hình
quay tại trận ở các phòng thi đang "Họp chợ" thì Giám đốc Sở GD ĐT Hà
Tây Uông Đình Hồng cùng các thuộc hạ là đám Chánh phó thanh tra sở ngày
đó còn xưng xứng đe doạ Khoa: "Anh đã làm sai quy trình!". Thử hỏi một
môn thi chỉ diễn ra từ 90 - 180 phút mà người phát hiện sai trái cứ
phải răm rắp tuần tự báo cáo từ quan cấp tổ, cấp trường, cấp phòng, cấp
huyện, cấp sở, cấp tỉnh rồi mới được tới cấp TW thì "Trộm" đã nhảy qua
mấy lần hàng rào rồi còn đâu mà xét xử. Rất may cho Khoa, có lẽ cũng là
nhờ vận nước, nhờ báo chí ngày đó chưa có lệnh cấm phải đi đúng lề bên
phải, nhờ trong đời vẫn còn có những Lục Vân Tiên mà ĐVK bình an vô sự
để được vinh danh là anh hùng chống tiêu cực của GD ĐT Hà Tây là NĐT
được cả nước tôn vinh. Giờ đây các yếu tố THIÊN - ĐỊA - NHÂN không còn
thuận với Khoa và những ai muốn đi vào con đường của Khoa nữa. Tuy vậy,
em có biết không duy nhất báo Tiền Phong ngay từ 17/11/2008 tức là 3
ngày sau ngày ĐVK bị khủng bố thô bạo đã chạy một tít gây bàng hoàng
giáo giới và những ai quan tâm đến GD ĐT: "Thầy giáo chống tiêu cực ĐVK
bị đe doạ hành hung tại nhà" và "Khoảng 21h30' ngày 14/11/2008, một số
đối tượng đã đến nhà thầy ĐVK ở xã Vân Tảo - huyện Thường Tín - Hà Nội
đe doạ hành hung rồi cướp đi của thầy chiếc máy ảnh Nikon D70S. Một bảo
vệ nhà trường đã bị bắt giữ". Em hãy tìm đọc bài báo đó đi, em sẽ hiểu
vì sao mà gương mặt ĐVK lại bơ phờ mỏi mệt và những lời anh ta giãi bày
với mọi người lại nhuốm màu u ám và thất vọng đến như vậy. Qua bài viết
này em sẽ thấy bi kịch ĐVK đã được báo trước ngay sau ngày anh ấy nhận
danh hiệu là NĐT được nhiều người ưa thích nhất 2006.
***
21h30' tối ngày 14/11/2008 Khoa lâm nạn thì sáng 17 các trang mạng tràn
ngập tin tức về việc Khoa bị khủng bố và lần này tôi xuất hiện tại nhà
Khoa với một tư cách khác. Lần trước tôi đến thăm Khoa với tư cách là
một đồng nghiệp với một đồng nghiệp đang bị đe doạ bởi cái kết luận vẩn
vơ: "Anh đã làm sai quy trình!" của ông Giám đốc Uông Đình Hồng và
Chánh thanh tra sở GD ĐT Hà Tây Lê Thiết Hùng. Lần này tôi đến với Khoa
tôi đã là một ông giáo già về hưu, đã "Rửa tay cất phấn", đã bước ra
khỏi con đò GD ĐT Hà Tây rách nát với những dấu vết vá víu tạm bợ của
ba đời Giám đốc để chí thú cho những ngày tháng mùa đông cuộc đời với
những suy tư mỗi khi ngoái nhìn lại những năm tháng đã qua. Em có biết
không! Hôm đó Khoa kể với tôi rằng:
"Sáng 19/10/2008 trường THPT Vân Tảo tổ chức Đại hội công nhân viên
chức. Lịch làm việc là 8 giờ khai mạc. 8 giờ kém 15 em đã có mặt ở
phòng Đại hội rồi. Hai nữ giáo viên nhờ em về nhà lấy một vài tài liệu.
8 giờ 2 phút em đã lại đứng ở cổng trường. Cổng trưởng đóng im ỉm, khoá
chặt. Em yêu cầu bảo vệ mở cửa cho vào dự họp, bảo vệ nói:"Thừa lệnh
của lãnh đạo là nội bất xuất ngoại bất nhập". Quá lo sợ sẽ bị người ta
ghi là tự do bỏ họp, em tìm đoạn tường thấp và trèo vào. Ngồi chưa ấm
chỗ thì hai bảo vệ mặt mày bặm trợn, hầm hầm xông vào Đại hội nói:
"Thừa lệnh của lãnh đạo họ có nhiệm vụ phải áp tải em ra khỏi cổng
trường". Thế là trước mắt toàn thể hội đồng giáo viên, công nhân viên,
trước cả các đại diện hội phụ huynh cùng với các quan khách được mời,
hai bảo vệ kè hai bên gần như xốc nách em lôi tuột ra khỏi phòng họp và
cũng lôi tuột ra khỏi cổng trường".
Em nghĩ gì về lối hành xử này!
Em cũng là một bà giáo sắp về hưu rồi, em nghĩ gì về nhân cách của cái con người đã ban ra cái lệnh quái gở đó!
Em nghĩ gì về bản lĩnh và nhân cách của Hội đồng giáo viên trường này khi họ buộc phải tỏ ra vô cảm để làm vừa lòng kẻ ra lệnh!
Em nghĩ gì về những người nông dân làm thuê kiếm sống trong đội bảo vệ của nhà trường này!
Em nghĩ gì về những khẩu hiệu người ta sơn kẻ, quét trên tường: "Tiên
học lễ - Hậu học văn", là "…tình thương và trách nhiệm!"...
Tôi thực sự bàng hoàng về những gì mà Khoa đã vắn tắt giãi bày với tôi.
Tôi chưa kịp an ủi, động viên gì Khoa thì Khoa vội vơ cặp dắt xe ra
đường nói vội với tôi: "Thầy thông cảm sắp vào giờ rồi. Có nhiều buổi
người ta chỉ xếp cho em 1 tiết, có 2 tiết thì tiết 1 rồi lại đến tiết 5
thế là mất toi đi cả một buổi. Thầy cứ ở đây dạy xong em sẽ về kể
chuyện tiếp". Nhìn bóng Khoa khuất dần trên con đường bụi bặm, sau cơn
lụt lội kinh hoàng vừa rồi, tôi sực nhớ tới cái đêm mùa đông lạnh giá
đầu 2007, dịp đó Khoa mới nhận danh hiệu NĐT được nhiều người ưa thích
nhất 2006. Đêm hôm đó lúc tôi sắp tắt đèn đi ngủ thì vợ Khoa gọi điện
đến hốt hoảng như dựng đứng tôi dậy: "Thầy Long ơi! Nhà em hôm nay
không biết ở trường người ta chuốc anh ấy uống rượu thế nào mà suốt
buổi tối đến giờ anh ấy mê sảng, nôn mửa em sợ quá". Tôi vội nói với vợ
tôi: Tôi phải đến với Khoa ngay bây giờ, tôi sốt ruột lắm. Vợ tôi gàn
lại: Thôi để sáng hãy đi, ông có tuổi rồi, đêm hôm lạnh lẽo thế này đi
xa nguy hiểm lắm. Tôi gạt đi: Tôi linh cảm thấy có điều gì đó rất bất
ổn. Dắt xe ra đường, đường phố Hà Đông giờ này đã thưa vắng người qua
lại. Những ý mã, những hoài niệm, những vọng niệm, những tạp niệm lộn
xộn từ trong quá vãng xa mờ cứ trỗi dậy theo nhịp bánh xe lăn. Không
phải ai cũng may mắn thoát hiểm, thoát khỏi những tà tâm, những ác đức
của những người đồng nghiệp của chính mình, sống bên cạnh mình như
những gì mà tôi đã phải trải qua ở trường THPT Trần Hưng Đạo - thành
phố Hà Đông nhiều năm đã qua đâu. Con đường tới nhà Khoa đêm nay sao mà
dài thế. Bỏ lại sau lưng những quầng ánh sáng vàng vọt của thị xã Hà
Đông (Ngày đó Hà Đông chưa được gọi là thành phố), tôi băng qua đoạn
đường dài xuyên qua nghĩa trang Văn Điển để ra đường số 1, rẽ phải một
mình đi mải miết trong đêm đầu năm về phía ga Thường Tín. Đến nhà Khoa
giữa lúc người khách cuối cùng bước ra khỏi quán Internet. Dựng xe xong
tôi chạy bổ vào phòng Khoa thì thật sững sờ trước cảnh Khoa đang vật vã
trong vòng tay người vợ trẻ, bên cạnh giường là chiếc chậu nhôm để sẵn.
Vợ Khoa nước mắt lưng tròng nói: Em khổ quá thầy Long ạ. Không hiểu sao
mà anh ấy lại ra nông nỗi này. Tôi chưa kịp hỏi han gì thì thấy Khoa co
giật liên hồi rồi với lấy chiếc chậu nhôm dưới chân giường và thốc tháo
trút ra những gì mà người ta vì "Yêu quý" Khoa quá họ tẩm bổ cho Khoa
cả một buổi chiều. Vợ Khoa chua chát chép miệng: Thầy Long ơi! rõ khổ
cho anh ấy toàn là tàn tích của cam, của ổi xanh thôi thầy ạ. Tôi bảo:
Ói ra được như thế mới nhanh tỉnh em ạ. Em pha cho cậu ấy cốc nước
chanh đi. Vợ Khoa chưa kịp đứng lên thì lại phải ôm chặt lấy chồng đang
vừa giãy dụa, vừa kêu khóc trong trạng thái vô thức: "Anh Trung ơi! Anh
hiểu sai về em rồi!", "Em không phải là con người như thế!". Có lúc
Khoa lại nói sảng về một chủ đề rất lạ, lúc đó tôi không hiểu là chủ đề
gì. Khoa ú ớ: "Đừng thu tiền như thế nữa! Không thể…không được thu tiền
như thế, nh…ân…d…ân khổ…lắm….!" Tiếng Khoa như nức nở chìm lẫn trong
những tiếng nấc, những tiếng oẹ khan. Tôi thật sự lúng túng, tôi không
phải là dân nhậu, càng không phải là đệ tử của lưu linh nên chẳng biết
cấp cứu cho người xỉn rượu là phải làm gì. Tôi lặng lẽ bỏ ra ngoài bấm
máy. Lần thứ nhất tôi bấm máy cho Giám đốc sở GD ĐT Hà Tây Uông Đình
Hồng, tôi thông báo cho ông ta tình hình rất xấu đang xảy ra với ĐVK.
Thực ra với người khác tôi không làm phiền ông ta làm gì lúc đêm hôm.
Đây là ĐVK, nhân vật chống tiêu cực cả nước biết tiếng, "Vua chúa" biết
tên! Nói dại chẳng may Khoa làm sao GD ĐT Hà Tây biết nói gì với nhân
dân cả nước? Ông Hồng trả lời tôi: Anh theo dõi tình hình của Khoa nhé
và nhớ giữ liên lạc với tôi. Tôi cảm thấy ông ta có những lo lắng nhất
định về việc này. Một lúc sau, có lẽ ông Uông khi đã nối máy được với
lãnh đạo trường Vân Tảo, ông gọi tôi bằng một giọng lạnh lùng pha những
bực dọc: "Chuyện uống rượu là bình thường, có ai bắt cậu ấy uống đâu.
Say rồi sẽ lại tỉnh, tỉnh rồi có lúc lại say có gì mà ông Long phải quá
lo lắng như thế?!" Rồi ông cúp máy tức thì. Tôi rùng mình thật không
còn gì để mà nói nữa thưa ngài Giám đốc Sở GD ĐT Hà Tây, cựu hiệu
trưởng trường Đảng Hà Tây. Thôi thì nhân vô thập toàn, tôi quay sang
bấm máy cho Phó Giám đốc Sở GD ĐT. Tôi vắn tắt mô tả những gì đang diễn
ra trước mắt tôi lúc đó. Thú thực tôi rất sợ ĐVK rơi vào hôn mê sâu,
phải đi cấp cứu trong đêm thì rất nguy. Đáp lại lời thông báo của tôi,
bà phó Giám đốc xinh đẹp và dịu dàng như một Ma Sơ nghiêm nghị nói với
tôi bằng một chất giọng lạnh lùng còn lạnh hơn cả cú điện thứ hai của
Giám đốc Uông gọi tôi. Người đẹp chắc lúc đó đang ngon giấc nồng nàn bị
tôi phá quấy nên sẵng giọng: "Việc tổ chức ăn nhậu bê tha đến say xỉn
như thế này, anh hãy báo cho Công an xã Vân Tảo thì hợp lý hơn, anh gọi
cho em làm gì". Nói đoạn người đẹp dịu dàng tắt máy. Em đã tàn nhẫn bỏ
rơi ba chúng tôi đang bấn loạn trong cảnh ngộ này. Với tôi, đêm hôm đó
"Thiên thần" đã về trời rồi! Thế gian này ô trọc lắm hay sao hỡi Ma Sơ!
Rất may cho tôi và vợ Khoa, một lúc sau có lẽ nhờ tống được những "Của
quý" ở trong bao tử ra, Khoa tỉnh dần. Khoa mệt mỏi đờ đẫn nhận ra tôi,
Khoa bảo: Chào thầy Long! Rồi Khoa lại nhắm nghiền mắt lại và chìm vào
giấc ngủ với tiếng thở đều đều, trên gương mặt Khoa như còn vương vương
những nét ngượng nghịu về tình trạng của mình. Tôi liếc qua đồng hồ,
lúc đó đã bước sang giờ đầu của ngày hôm sau. Tôi hỏi vợ Khoa về số giờ
dạy của Khoa ngày mai, dặn vợ Khoa nếu Khoa không đi dạy được thì cô
phải đến trường báo cho họ là Khoa bị ốm kẻo người ta lập biên bản là
bỏ giờ. Một vài tháng sau là kỳ thi TN PTTH, kỳ thi đầu tiên sau cuộc
vận động hai không và "vàng 9999" của Hà Tây, của nhiều tỉnh khác nhiều
năm qua bỗng dưng lòi tói chỉ là thứ vàng "Đểu". Tháng 9/ 2007, tôi
nhận sổ nghỉ hưu, chính thức "Rửa tay cất phấn". Những gì đã xảy ra ở
nhà ĐVK trong cái đêm mùa đông lạnh lẽo đó, những cuộc điện đàm cũng vô
cùng lạnh lẽo giữa các lãnh đạo GD ĐT Hà Tây với tôi trong đêm hôm đó
mãi mãi là những kỷ niệm u buồn. Tôi nén tâm để quên đi, để đừng bao
giờ phải nhắc lại câu chuyện buồn đó. Tôi không muốn gặp lại những tác
giả của cuộc đối thoại đầu năm đó nữa. Câu chuyện buồn kể trên tôi chưa
từng than thở cùng bất cứ ai suốt gần 2 năm qua. Giờ đây vì biến cố mới
xảy ra với ĐVK, tôi buộc lòng phải làm nó sống lại.
Giờ đây Giám đốc Uông Đình Hồng cũng đã "Hạ cánh an toàn", nữ phó Giám
đốc, người phụ nữ xinh đẹp đó đã về Hà Nội cùng với những tham vọng của
cô ta. Cả hai con người đó chẳng ai dại gì mà nhớ lại làm gì những cú
điện đàm vô tích sự cùng với tôi đêm hôm đó nữa. Tôi cũng chẳng gặp lại
ĐVK một lần nào cho đến ngày tôi nhận được tin Khoa bị lâm nạn do những
người đồng nghiệp ở ngôi trường chính quê hương Khoa.
Hôm nay tôi nhắc lại cái kỷ niệm buồn đó với lãnh đạo GD ĐT Hà Tây là
muốn nói với mọi người, muốn nói với công luận đang nóng dần vào những
ngày này rằng: Kết cục buồn của ĐVK lúc này đã được báo trước từ cái
đêm mùa đông lạnh lẽo đầu 2007 rồi.
Tôi nghĩ THPT Vân Tảo là bức tranh thu nhỏ của GD ĐT Hà Tây sau nhiều
chục năm phát triển một cách buông thả và bừa bãi nên nó đầy bệnh tật
và GD ĐT Hà Tây cũng không phải là một biệt lệ đối với GD ĐT cả nước.
Tôi nghĩ rằng nguyên nhân để xuất hiện những suy thoái trong nền GD ĐT
hôm nay vừa nằm trong những gì thuộc về nội tại của GD ĐT, vừa nằm
trong điều mà người ta gọi là thứ lỗi của hệ thống chính trị. Vậy thì
muốn GD ĐT tốt hơn, xứng đáng hơn trước hết mọi thành viên của nó phải
thực sự xám hối, thực sự tiên trách kỷ, hậu trách nhân đã, đồng thời về
phương diện vĩ mô, về phương diện hệ thống chính trị… đã đến lúc chúng
ta phải dám nói thẳng với đảng cầm quyền, nói thẳng với nhà nước
CHXHCNVN rằng GD ĐT Việt Nam hiện nay làm sao mà chẳng bị tật nguyền,
làm sao mà chẳng có những bi kịch như những bi kịch đã đến với người
anh hùng chống tiêu cực ĐVK một khi về cơ bản nền GD ĐT đó có khác gì
đâu dòng sông Thị Vải! Nếu có điều khác biệt thì chỉ là dòng sông đó
phải chết một cách tức tưởi vì bị tư bản Đài Loan làm cho nhiễm độc.
Còn với dòng sông GD ĐT của chúng ta hiện nay, nó trở nên tật nguyền là
do người làm giáo dục, người quản lý giáo dục, người lãnh đạo giáo dục
nhiều chục năm trời rồi họ chưa có tâm, chưa đủ tầm để làm GD ĐT. Tư
bản Đài Loan vì lợi nhuận mà giết chết dòng sông Thị Vải bằng các ống
xả thải lén lút trút vào lòng sông đó những phế thải chưa qua xử lý. Xã
hội Việt Nam đương đại cũng cóvô số những áp lực, những hối thúc để làm
xuất hiện trong dòng sông GD ĐT những bằng giả, những học giả bằng
thật, những cuộc cải tiến cải lùi vừa vô bổ vừa vô tích sự, những áp
lực dạy thêm học thêm hành hạ học sinh, những quá tải của chương trình,
những yếu kém của sách giáo khoa, những gian dối của thi cử, những bạo
hành của thầy trò cùng với những mánh khoé để tham ô, tham nhũng một
cách tinh vi… Thử hỏi dòng sông GD ĐT như thế làm sao mà nó chẳng ô
nhiễm, chẳng tật nguyền.
Trong bối cảnh của xã hội như vậy, trong một nền GD ĐT như vậy cần lắm
những con người như ĐVK của Hà Tây cũ, như EDU 2 Lê Đình Hoàng của GD
ĐT Nghệ An, cần lắm những nhà văn nhà báo như Quý Hiên, Xuân Mai, Xuân
Cường, Nguyễn Tuấn … của báo Tiền Phong, cần lắm những con người dũng
cảm, trung thực và vô tư đã và đang tiếp tục tìm đến với ĐVK.
Trận chiến đấu này, phần thắng lợi chắc chắn sẽ thuộc về những con người đó. Tôi vững tin như vậy.
Thành phố Hà Đông những ngày đông lạnh giá tháng 11/2008
Nguyễn Thượng Long
Nguyên giáo viên dạy Địa lý thuộc GD ĐT Hoà Bình và Hà Tây cũ
Nguyên thanh tra giáo dục Sở GD ĐT Hà Tây
Chỗ ở: Thôn Văn La - phường Phú La - TP Hà Đông - Hà Nội
ĐTNR: 0433 521 066 - DĐ: 0953 298 198
Email: NguyenThuongLong571@gmail.com
|