Thứ Sáu, 2024-03-29, 1:02 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 1 » Vì sao Obama chọn nhiều nhân vật thời Clinton?
9:49 PM
Vì sao Obama chọn nhiều nhân vật thời Clinton?

Trong số những nhân vật đã được ông Barack Obama mời tham gia chính phủ, điều mọi người để ý thấy là hầu hết những người đã được vị Tổng Thống Ðắc Cử của Hoa Kỳ mời giúp ông chính là những người đã từng góp mặt với chính quyền Bill Clinton trước đây.

Tổng Thống đắc cử Obama và Thượng Nghị Sĩ Clinton. AFP PHOTO/GABRIEL BOUYS.

Tiếp tục loạt bài Trên Ðường Tiến Về Nhà Trắng, Nguyễn Khanh của Ðài chúng tôi gửi đến quý thính giả bài sau đây. Bài do Thy Nga đọc.

Trước và sau đều là người của ông Clinton, trái và phải cũng là người từng có mặt trong chính quyền của ông Clinton. Ði đâu cũng thấy người của ông Clinton, nhìn đâu cũng thấy người đã từng làm việc với ông Clinton. Ðó là nhận xét của mọi người khi đọc danh sách những nhân vật được Tổng Thống Đắc Cử Barack Obama mời tham gia chính phủ.


Lý do

Tại sao ông Obama lại chọn nhiều người từng làm việc với ông Clinton như vậy??? Trước hết, hãy nghe chính ông Obama trả lời với báo chí. Ông nhắc lại rằng ngay từ khi còn vận động thu hút lá phiếu của cử tri, ông đã cam kết sẽ chọn những người tài ba nhất, kinh nghiệm nhất, hiểu biết nhất, để mời tham gia chính quyền, bất kể người đó là ai, thuộc đảng Dân Chủ hay đảng Cộng Hòa. Nhân vật chính trị đúng 50 ngày nữa sẽ giơ tay tuyên thệ nhậm chức để trở thành vị tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ cũng nói rằng trong giai đoạn khó khăn hiện nay, lúc quốc gia đang lo âu về tình hình kinh tế và 2 cuộc chiến chưa giải quyết xong, chuyện mời những người đã có kinh nghiệm hoạt động chính quyền và thành công là điều đương nhiên phải nghĩ đến. Ông ví von nói thêm rằng “tôi tưởng không chọn những người như thế mới làm mọi người ngạc nhiên chứ”. Ông nói tiếp:


“Điều tôi không muốn làm là nói với những người có khả năng, có kinh nghiệm và sẵn lòng phục vụ đất nước là nếu họ đã từng phục vụ trong một chính quyền cũ thì sẽ không được tôi mời tham gia vào chính quyền mới.”


Câu hỏi được các nhà báo đặt ra trong cuộc họp báo ở thành phố Chicago ngày hôm qua không phải không có cơ sở. Ông Obama từng nói mục tiêu hàng đầu là phải giải quyết tình trạng kinh tế bấp bênh hiện giờ, và toán đặc trách kinh tế mà ông chọn lựa đều là những người đã từng làm việc dưới thời Clinton hoặc có liên hệ với ông Cựu Tổng Thống Mỹ, từ ông tân tổng trưởng Timothy Geithner cho đến ông Chủ Tịch Hội Ðồng Kinh Tế Quốc Gia Lawrence Summers.

Mới hôm qua, ông loan báo mời ông Paul Volcker làm Chủ Tịch một ủy ban mới được thành lập, chuyên nghiên cứu và đóng góp ý kiến để xây dựng ổn định cho thị trường tài chánh và giúp vượt qua các trở ngại có thể tạo thành cuộc khủng hoảng về kinh tế. Ông Volcker từng làm Chủ Tịch Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang, và cũng đã có lúc đóng vai cố vấn bán chính thức cho ông Clinton. Gần ba tuần trước đây, ông Obama chọn Dân Biểu Ralm Emmanuel làm Chánh Văn Phòng Nhà Trắng, và những ai theo dõi chính trường Hoa Kỳ đều biết nhân vật sẽ gần gũi, thân thiết nhất với ông Obama trong những ngày tháng tới cũng đã từng làm việc dưới thời Clinton.


Sự kiện có quá nhiều người của ông Clinton bên cạnh ông Obama khiến vị Tổng Thống Ðắc Cử của nước Mỹ đang gặp một số khó khăn. Trở ngại đầu tiên đến từ thành phần cử tri cấp tiến, những người đã hết lòng ủng hộ ông trong cuộc đua tiến về Nhà Trắng, trong đó phần đông không ủng hộ gia đình Clinton. Dưới nhiều hình thức khác nhau, từ bài viết đăng tải trên mạng đến những lời phát biểu qua báo chí, tập thể này lo âu rằng sự có mặt của các nhân vật từng phục vụ dưới thời Clinton sẽ khiến ông Obama khó làm việc hơn, tạo cơ hội để thành phần không ủng hộ nói rằng vì thiếu kinh nghiệm nên ông Tổng Thống Ðắc Cử phải trông chờ vào khả năng của những người đã từng góp mặt với chính quyền cũ. Ði xa hơn nữa, đã có người nói rằng chính phủ Obama là chính phủ tiêu biểu cho câu “bình mới, rượu cũ” và đặt câu hỏi lời hứa hẹn “sẽ thay đổi” mà ông đưa ra trước đây liệu có được thực hiện hay không?


Giải thích

Trước những dư luận không mấy thuận lợi đó, ông Obama không nao núng. Ông giải thích rằng trong giai đoạn “kinh tế cực kỳ khó khăn” như hiện nay, người dân Hoa Kỳ “sẽ lo âu hơn nữa” nếu thấy ông không chọn những người có kinh nghiệm vào các chức vụ như Tổng Trưởng Kinh Tế hay chức Chủ Tịch Hội Ðồng Kinh Tế Quốc Gia. Ông cũng nói thêm là những người được mời tham gia trong chính quyền “sẽ tổng hợp kinh nghiệm với những kế hoạch, chính sách hoàn toàn mới” để phục vụ dân chúng, và kinh nghiệm chính là lực “để cả guồng máy của tân chính phủ có thể hoạt động ngay từ ngày đầu tiên”.


Thế còn lời hứa “sẽ thay đổi” mà ông cam kết với cử tri thì sao? Ông trả lời:

“Trước hết và trên hết phải hiểu được từ đâu mà quan điểm thay đổi đến với chúng ta. Thay đổi này đến từ tôi. Công việc của tôi là phải cho mọi người thấy rồi đây chúng ta sẽ đi đến đâu và đảm bảo rằng đội ngũ làm việc chung với tôi phải thực hiện được điều này.”


Đó lả những gì ông Obama đã trình bày để, trước hết, giải tỏa thắc mắc của cánh nhà báo, và kế đến là giải tỏa những âu lo của thành phần cử tri đã hết lòng ủng hộ ông.


Không rõ giải thích ông đưa ra có khiến mọi người bớt chú ý hoặc bớt quan ngại về sự kiện “có quá nhiều Clinton” đứng chung quanh vị Tổng Thống Ðắc Cử hay không, chỉ biết trong một cuộc họp báo vào đầu tuần tới, ông sẽ giới thiệu với thế giới người giúp ông điều khiển ngành ngoại giao cũng như giúp ông hoạch định chính sách ngoại giao cho 4 năm tới. Người đó không ai khác hơn chính là Cựu Ðệ Nhất Phu Nhân Hillary Clinton.

Category: Quốc Tế | Views: 934 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0