Mặc dù không có được học hàm, học vị cao (Giáo sư, Tiến sĩ), nhưng
nhà dân chủ kỳ cựu Lê Hồng Hà (sinh năm 1926), được anh em dân chủ Việt
Nam biết đến là một cây lý luận sắc sảo.
Cuối năm 1944, ông Lê Hồng Hà tham gia hoạt động cách mạng tại Sở Công
an Hà Nội; năm 1946 được kết nạp vào Đảng CSVN; năm 1951 được cử sang
Trung Quốc đào tạo nghiệp vụ, sau đó về giữ chức vụ Phó hiệu trưởng
trường nghiệp vụ Công an hàng đầu của Việt Nam - trường Công an trung
ương, nay là Học viện An ninh nhân dân ở Thanh Xuân, Hà Nội. Chức vụ
cuối cùng trong ngành Công an của ông là Chánh Văn phòng Bộ Công an.
Trước khi nghỉ hưu (1993), ông Lê Hồng Hà là chuyên viên nghiên cứu của
Bộ Lao động. Sau khi nghỉ hưu, ông bắt đầu hoạt động dân chủ. Tháng
6/1995, sau gần nửa thế kỷ tham gia đảng CSVN, ông Lê Hồng Hà bị khai
trừ và bị bắt giam, xử 02 năm tù (12/1995) về tội danh tiết lộ bí mật
nhà nước (không phải là “bí mật công tác” như tướng Quắc trong vụ án
PMU18 gần đây).
Ông Lê Hồng Hà là người hiểu rõ đảng CSVN về lý luận cũng như thực tiễn
mà ông đã có quá trình gắn kết trên nhiều cương vị khác nhau, khẳng
định đảng CSVN là lực lượng chính trị lãnh đạo đất nước, không thế lực
nào có thể thay thế được. Chính vì vậy, mặc dù bị khai trừ, bị tống
giam, bản thân ông vẫn kiên trì nghiên cứu lý luận, vạch ra cho Đảng
CSVN những sai lầm khiếm khuyết về tư tưởng cũng như cương lĩnh hành
động, kiên định với chủ trương đấu tranh ôn hòa, trở thành một trong
những nhà bất đồng chính kiến hàng đầu ở Việt Nam.
Sau khi ra tù, năm 1996, ông đề ra sách lược “Tiệm tiến”, sau đó là “Tự
vỡ”. Năm 2007, khi phong trào dân chủ bị đàn áp khốc liệt, một số anh,
chị em đấu tranh dân chủ kiên cường bị bắt giam như Nguyễn Văn Đài, Lê
Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Phong, Trần Khải Thanh Thủy, bác
sĩ Lê Nguyên Sang, Lê Nguyên Đạo, Nguyễn Bắc Truyển,… từ Hà Nội ông đã hội đàm dân chủ qua điện thoại
với TS Nguyễn Xuân Tụ và nhà thơ Bùi Minh Quốc ở Đà Lạt, tiếp tục khẳng
định chủ trương đấu tranh ôn hòa. Gần đây, ngày 18/7/2008, ông đã có
bài viết “Đi tìm chủ thuyết phát triển cho Việt Nam từ đầu thế kỷ 21 đến nay”,
kiên trì kiến nghị đảng CSVN đoạn tuyệt chủ nghĩa ngoại nhập Marx
Lénine, lấy tư tưởng Hồ Chí Minh thuần khiết (không thêu dệt) làm nền
tảng tư tưởng, đưa đất nước hội nhập vững chắc vào thế giới.
Dẫu vẫn biết, chủ thuyết phát triển cho Việt Nam mà ông vừa nêu ra sẽ
có chung số phận với sách lược “Tiệm tiến”, “Tự vỡ” trước đây cũng như
sáng kiến dân chủ ngày 18/3/2007 gần đây: cả hai phía (đảng CSVN, anh
em dân chủ trong nước) đều không mấy mặn mà, hải ngoại thì chỉ trích
quyết liệt. Điều khiến ông buồn nhiều nhất có thể là đảng CSVN chẳng hề
tỏ ra quan tâm đến các luận cứ của chủ thuyết mà ông đã dày công nghiên
cứu, không mảy may cho ông một cơ hội để bảo vệ chủ thuyết của mình.
Riêng anh em dân chủ hoạt động dạng phong trào, lấy việc “cọ xát” với
chính quyền, đối đầu với Công an làm thước đo bản lĩnh dân chủ nhằm gây
chú ý của hải ngoại, chắc chắn phản đối, cho rằng ông là dân chủ nửa
vời. Tiêu biểu cho sách lược này là Phương Nam Đỗ Nam Hải. Quan điểm
của họ là đảng CSVN không thể “tự vỡ” nếu không có lực tác động tương
hổ từ các nhà đấu tranh dân chủ và áp lực quốc tế; lãnh tụ Hồ Chí Minh
chỉ là thần tượng do đảng CSVN thêu dệt.
Với anh em hải ngoại, ông chẳng mấy buồn phiền bởi vì ông xác định yếu
tố nội quyết định cho dân chủ Việt Nam. Đây là sự khác biệt giữa ông
với một số anh em hoạt động dân chủ dạng phong trào. Trong số danh xưng
dân chủ, đảng chính trị, được chưng lên Internet thời gian qua không
thấy có tên ông là điều dễ hiểu. Là người tâm huyết với dân chủ, ông
không thể không buồn khi chứng kiến một số anh em hoạt động dân chủ với
động cơ cá nhân, hoạt động dân chủ để kiếm tiền hải ngoại, hoặc tạo lý
do để xin định cư Hoa Kỳ. Vì vậy, khi bị đàn áp, một số anh em bị mua
chuộc, chạy trốn, đầu hàng để tránh tù tội, chính quyền có điều kiện để
cài cắm nhân sự, tạo dựng dân chủ “cuội” đánh phá phong trào. Điều này
làm ông đau lắm, bởi ông đã từng giữ nhiều chức vụ cao trong ngành Công
an. Cuối cùng, ông buồn nhất là đến giờ này một số anh em vẫn chưa chịu
nhận thấy sai lầm do vội vàng công bố danh xưng khi chưa có lực lượng
và cương lĩnh hành động cụ thể, tổn thất dường như đã được báo trước mà
vẫn cứ làm. Riêng tôi, vững tin chủ thuyết của ông sẽ được nhiều trí
thức tiến bộ đón nhận, ông có thể tự hào sẽ có ngày nó được chiêm
nghiệm.
Ở cái tuổi bát thập cổ lai hi, nhà bất đồng chính kiến Lê Hồng Hà tiếp
tục đi tìm chủ thuyết phát triển cho Việt Nam. Đó là bi kịch cuối đời,
góc tối của những khát vọng dân chủ đang nung nấu trong tâm can của
ông, chỉ có ông thấy rõ nhất. Biết đến bao giờ góc tối này mới bừng
sáng, anh em dân chủ, nhân dân và những đảng viên CSVN tiến bộ nhìn
nhận và xúc tiến chủ thuyết của ông, tạo ra các tiền đề cho dân tộc
Việt hóa Rồng?
Cuối năm 1996, ông đã đưa ra dự báo quá trình “tự vỡ” của đảng CSVN sẽ
diễn ra trong quảng thời gian từ 10 đến 15 năm. Nay đã cuối năm 2008,
Việt Nam sẽ có đột biến trong vài, ba năm tới? Hy vọng dự báo của ông
chính xác, ông sẽ hãnh diện ra đi trong sự tiếc nuối của anh em dân chủ
trong và ngoài nước, cũng như những đảng viên CSVN chân chính. Có lẽ
điều quan trọng nhất, nhân dân Việt Nam sẽ vinh danh ông là Giáo sư bất
đồng chính kiến lỗi lạc.
Sài Gòn 6 tháng 11 năm 2008
Hiền Lương
|