Nguyễn Hoàng Lan Gửi cho BBC từ bang Indiana, Hoa Kỳ Những bất ổn tại Thái Lan hiện nay lại khiến lập luận tuyên truyền “đa nguyên đa đảng làm chi để loạn lạc” được xướng lên.
Bài viết này nhằm mục đích phản biện lại ý kiến đó.
Nếu
có thống kê những xung đột xã hội ở các nước độc tài và dân chủ, chắc
chắn tỷ lệ xung đột ở các nước độc đảng lớn hơn nhiều so với các nước
dân chủ.
Cơ chế giải quyết mâu thuẫn
Kết
quả các cuộc xung đột đó ở các nước độc tài bao giờ cũng đẫm máu. Các
xung đột ở một số nước dân chủ non trẻ ở châu Phi, Nam Tư cũ hay Trung
Đông phần lớn bắt nguồn từ chia rẽ tôn giáo, sắc tộc, chứ không phải vì
dân chủ.
Nếu có một phần nào đó có thể quy kết dân chủ trong các
xung đột ấy, thì đó là thể chế nhà nước và hệ thống bầu cử đã không
được thiết kế phù hợp, góp phần hằn sâu thêm các chia rẽ sắc tộc.
Tuy
nhiên, vấn đề này có thể được giải quyết nếu quá trình xây dựng nhà
nước dân chủ được nghiên cứu thỏa đáng ngay từ đầu và được sự đồng
thuận rộng rãi của nhân dân. Xã hội Việt Nam cũng không giống các nước
đó.
Lịch sử đã chứng minh truyền thống “Tam giáo đồng nguyên”,
Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo cùng tồn tại và có ảnh hưởng lớn trong xã
hội. Một số mâu thuẫn liên quan đến sắc tộc hay tôn giáo không phải bắt
nguồn từ sự kỳ thị lẫn nhau giữa các dân tộc hay các tôn giáo, mà chính
là từ chính sách kiểm soát và phân biệt của chính quyền, khiến họ phản
kháng.
Tuy vậy, dân chủ, đa nguyên, đa đảng, không phải là liều thuốc thần có thể điều trị mọi vấn nạn trong xã hội.
Chúng
chỉ là điều kiện cần để một xã hội phát triển lành mạnh. Công nhận đa
nguyên đã để xã hội phát triển một cách tự nhiên, những cái tốt của con
người có điều kiện phát triển và phát huy.
Cần dân chủ và luật
pháp công minh là để ngăn chặn những tính xấu của con người và cổ vũ sự
bao dung, tinh thần tôn trọng sự khác biệt.
Điều kiện đủ chính
là yếu tố con người, là tài trí, sự liêm khiết của những người lãnh
đạo, là sự dấn thân của các trí thức, là ý thức về trách nhiệm với việc
nước và sức nặng của lá phiếu của mỗi người dân bình thường.
Dân
chủ mở ra cơ hội, còn cơ hội đó có được tận dụng một cách khôn ngoan và
có trách nhiệm hay không là phụ thuộc vào chính những con người trong
xã hội đó.
Dân chủ là cơ chế chính trị cho phép giải quyết các xung đột chính trị một cách hòa bình bằng đối thoại và lá phiếu.
Sự
ổn định xã hội là quan trọng, nhưng quyền của người dân được lên tiếng
và hành động (một cách có trách nhiệm) trước các vấn nạn như tham
nhũng, lạm quyền cũng quan trọng không kém.
Bài học về nếp sinh hoạt chính trị dân chủ
Bất
ổn tại Thái Lan không phải là “tại” dân chủ. Trái lại, chính nền dân
chủ đang cho phép Thái Lan giải quyết xung đột một cách ít hậu quả nhất.
Đặt
trường hợp Thái Lan không cho phép đa nguyên, tức là không cho phép
những ý kiến trái chiều với đảng lãnh đạo, có lẽ một Thủ tướng Thaksin
Sinawatra tham nhũng vẫn nắm quyền, tiếp tục vi phạm luật pháp mà tiếng
nói phản đối của người dân chẳng “xi-nhê” gì cả.
Đặt trường hợp
Thái Lan không có đa đảng, không có bầu cử tự do, tức là không có cạnh
tranh chính trị, nếu người dân vì quá bức xúc, tức nước vỡ bờ, biểu
tình ôn hòa đòi chính phủ từ chức, có lẽ chính phủ tham nhũng, lạm
quyền sẽ đàn áp thẳng tay, vì họ không phải là chính phủ “do dân” nên
chẳng cần “vì dân”.
Đằng này, Tòa án Tối cao Thái Lan xử thủ tướng Thaksin hai năm tù vì vi phạm luật về mâu thuẫn lợi ích.
Người
ta nhận thấy một cách hành xử “khôn khéo” của cựu Thủ tướng Samak
Sundaravej khi ông này thiết lập mối quan hệ với các quân đội, tỏ ra
lắng nghe Quốc Vương Bhumibol Adulyadej, và đẩy nhanh phiên tòa xử ông
Thaksin.
Chính phủ đương nhiệm cũng phải thận trọng hơn trong cách xử lý mâu thuẫn.
Tướng
Anupong Paochinda, về phần ông, kêu gọi chính phủ giải tán Quốc hội và
tổ chức bầu cử để nhân dân bày tỏ ý kiến. Việc người chỉ huy quân đội
kêu gọi bầu cử thể hiện sự tôn trọng của ông ta với phương cách giải
quyết mâu thuẫn ôn hòa và dân chủ này.
Đồng thời, những bất ổn chính trị này là phép thử cho nền dân chủ non trẻ của Thái Lan.
Liệu
các phương cách dân chủ có hiệu quả hay lại cần sự can thiệp của quân
đội để giải quyết khủng hoảng chính trị? Có hai giá trị và lợi ích cần
phải được dung hòa: sự ổn định chính trị và quyền phản đối chính phủ
của nhân dân. Giải đáp cho bài toán này phụ thuộc cả vào giới lãnh đạo
và phe đối lập.
Chính phe đối lập cũng phải tôn trọng các giá
trị dân chủ. Chính họ cũng cần nhìn nhận lại mình, biết giới hạn của vị
trí của mình trong chính trường, trong lòng dân, và thực thi tinh thần
dân chủ.
Liên minh Nhân dân vì Dân Chủ đã đi quá giới hạn khi
phản đối kết quả bầu cử tháng 12 năm ngoái theo đó Đảng sức mạnh Nhân
dân thắng cử, mặc dù Ủy ban bầu cử độc lập đã xác minh rằng không có
chuyện mua bán phiếu.
Trong cuộc biểu tình tháng 11 vừa rồi, họ
cũng từ chối mọi đối thoại và có những động thái gây ảnh hưởng đến nền
kinh tế như phong tỏa sân bay, thậm chí tuyên bố “quyết tử”.
Phe
đối lập, nếu hành xử một cách dân chủ cần tỏ ra có trách nhiệm, lấy
quyền lợi đất nước và nguyện vọng của đa số người dân làm hàng đầu, và
biết dừng lại đúng lúc.
Hãy đưa ra ý kiến xây dựng tích cực
Nhìn vào những gì xảy ra trong khu vực hay thế giới để phản đối dân chủ ở Việt Nam là điều không cần thiết.
Không
cần thiết bởi vì hai chữ “dân chủ” hiện nay đã có sự đồng thuận của xã
hội. Đọc báo chí trong nước, hai chữ dân chủ xuất hiện thường xuyên.
Điều
đáng thảo luận là phải bắt đầu xây dựng một thể chế dân chủ cho phù hợp
với lịch sử, đặc thù chính trị, xã hội, văn hoá và nhu cầu của Việt Nam
hiện nay; và cùng nhau thực thi dân chủ chứ không phải chỉ hô hào khẩu
hiệu.
Nhìn vào kinh nghiệm, đôi khi đau thương, của các nền dân
chủ non trẻ đi trước, là để rút ra kinh nghiệm để không đi vào vết xe
đổ ấy, chứ không phải để lấy đó làm cái cớ để tiếp tục duy trì các bất
công và trì hoãn dân chủ.
Thay vì lo ngại đa nguyên đa đảng dẫn
đến bạo loạn, điều hợp lý hơn cần làm là cùng nhau thảo luận về một mô
hình đa nguyên, đa đảng phù hợp nhất cho Việt Nam, và cùng hành động để
giữ cho mô hình đó đi đúng hướng.
Nói dân chủ thì dễ, hành xử
một cách dân chủ mới khó. Mà nếu không bắt đầu thì đến bao giờ mới có
cơ hội rèn luyện tác phong dân chủ đây?
Nguyễn
Hoàng Lan hiện đang học ngành Luật tại Đại học Indianapolis, Hoa Kỳ. Cô
cũng là Thành viên Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ và đảng viên Đảng Dân Chủ
Việt Nam, một đảng đối lập không được nhà nước Việt Nam công nhận.
Nguồn: BBCVietnamese.com
|