Thứ Năm, 2025-01-23, 11:15 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 3 » Qua Vụ PCI: Phải Thay Cỗ Máy Đảng Trị Đi Thôi!
11:12 AM
Qua Vụ PCI: Phải Thay Cỗ Máy Đảng Trị Đi Thôi!

Tiến Hồng



Kể từ khi vụ PMU 18 đã kết thúc mà người chống tham nhũng bị đảng tham nhũng bắt bỏ tù thì người dân không còn nghi ngờ gì về bản chất gian manh, bịp bợp của tập đoàn lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam. Vụ án PCI bị đưa ra toà ở Tokyo ngày 11/11/2008 mà số tiền đưa và nhận hối lộ lên tới 2,6 triệu MK thì giờ đây, trong khi báo chí Nhật đã làm ầm ĩ tên tuổi người nhận hối lộ từ tháng 7/2008, báo chí trong nước cũng chỉ mới đăng vắn tắt. Và tên “đồng chí “ Huỳnh Ngọc Sĩ vẫn chưa bị lộ!

Ngay khị bị các đại biểu chất vấn về sự việc trên vào ngày 13/11/2008, ông Dũng cũng chỉ nói là có liên quan “một cán bộ của Việt Nam” và đưa ra phương thức mơ hồ “điều tra làm rõ đến đâu, xử lý đến đó”. Cùng ngày, báo Tuổi Trẻ loan tin phát ngôn viên UBND TP cho biết Bộ Công an đã được giao điều tra. Ngày 18/11/2008, Ủy Ban Nhân dân TP HCM lại được ông Dũng giao điều tra. Ngày 19/11/2008, ông Huỳnh Ngọc Sỹ mới bị UBND TP đình chỉ công tác Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải kiêm Giám đốc dự án Xa lộ Đông Tây và Cải thiện nguồn nước TP (PMU). Sau đó, có nguồn tin ông Sỹ bị tai biến tim mạch phải nhập viện ngày 23/11. Phải chăng sự kiện này nằm trong một kịch bản mà chúng ta có thể đoán trước. Chúng ta sẽ đề cập đến sau.

Vụ án PCI báo chí Nhật đã làm rùm beng vì đây là tiền viện trợ với lãi ưu đãi của chính phủ Nhật trong quỹ ODA do nhân dân Nhật đóng góp. Trước thái độ thiếu hợp tác của nhà cầm quyền Việt Nam, báo chí Nhật gần đây còn khuyến cáo chính phủ nên cắt giảm các chương trình cho vay với lãi ưu đãi này dành cho Việt Nam. Chưa kể những mỉa mai gay gắt sau những lời tuyên bố lạc hậu theo kiểu báo chí tự do Nhật phải đi theo “lề bên phải” của ông thứ trưởng ngoại giao Hồ Xuân Sơn vào cuối tháng 8/2008. Uy tín của Việt Nam bị thương tổn khiến cho nhiều đồng hương phải nuốt nhục xót xa trước những cái nhìn mất thiện cảm của đồng bạn Nhật Bản.

Chúng ta cũng có bổn phận phải lên án vì số tiền 2,6 triệu MK là số tiền mà nhân dân sẽ phải trả chưa kể lãi. Không những thế, nó còn ảnh hưởng đến chất lượng của công trình. Các đốt tại đường hầm Thủ Thiêm bắc qua sông Sài gòn, một công đoạn quan trọng trong dự án xa lộ Đông- Tây bị nứt nhiều chỗ khiến việc thi công bị trì hoãn.

Vậy thì vụ tham nhũng PCI diễn tiến ra sao. PCI là tên của công ty tư vấn Nhật Pacific Consultings International tư vấn cho dự án xa lộ Đông-Tây. Dự án này trị giá 600 triệu MK do chính phủ Nhật tài trợ từ quỹ ODA, có bề dài 21 km, đi qua nhiều quận nội và ngoại thành (Bình Chánh..) và bắc qua sông Sài gòn.

Xuất phát điểm là ba tài liệu mà Công tố viện hạt Tokyo gửi cho Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao của Việt Nam vào tháng 6/2008 (1). Nó gồm có : Đề nghị hợp tác điều tra, hai lời khai của hai trong bốn nghi can (Sakashita và Takasu) xác nhận đã trao tay tiền mặt MK 10 lần cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ, và Bản hỏi gồm 23 câu hỏi dành cho ông Sĩ liên quan đến nhân thân, trường hợp ký kết hợp đồng và tài sản các loại. Viện Công tố yêu cầu được trả lời trước cuối tháng 7/2008 và còn đề nghị cử người đến thẩm tra tại chỗ. Những chi tiết trong lời khai của ông Sakashita và Takasi rất đầy đủ và là cơ sở để công tố viên truy tố, bắt giam và đưa ra toà vào ngày 11/2008. Không có trả lời về phía Việt Nam (2).

Mặc dù vậy, ngày 5/8/2008, Công tố viện Tokyo vẫn ra lệnh truy tố và bắt 4 viên chức của công ty với tội danh vi phạm luật chống cạnh tranh không lành mạnh bằng hối lô (3):

- Masayoshi TAGA : cựu chủ tịch PCI
- Kunio TAKASU: cựu TGĐ điều hành
- Haruo SAKASHITA : thành viên Ban GĐ
- Tsuneo SAKANO : cựu GĐ VP/ ĐD tại HN

Công tố viên chỉ truy tố hình sự về số tiền 820 000 MK mà hai ông Sakashita và Takasu đã trao cho ông Sĩ (vào tháng 12/2003: 600 000 MK; tháng 8/2006 : 220 000 MK). Đây là những số tiên mà hai ông nhớ rõ nhất. Trong phiên toà ngày 11/2008, công tố viên xác nhận số tiền trao cho ông Sỹ là 2 430 000 MK (và có thể lên tới 2 ,6 triệu MK) chia ra như sau : 2002 :650 000MK;2003 :860 000MK;2004: 540 000MK; 2005: 160 000MK;2006: 220 000MK.

Quyết định bắt giam bốn viên chức nói trên trong khi chưa có sự hợp tác của Việt Nam gây bất ngờ cho báo giới và bộ ngoại giao. Điều này cho phép tin tưởng là hồ sơ vụ tham ô này rất vững chắc. Công tố viên đã có đủ tài liệu về sự vận hành của đường dây tham nhũng. Số tiền rút ra nằm trong quỹ đen của chi phí dự án. Thủ thuật chính là lãnh đạo PCI ra lệnh cho kế toán văn phòng Việt Nam lập ra hợp đồng giả để trả cho một công ty tư vấn ảo đặt tại Hong Kong tên là Business Intelligence Consultants (BIC). Từ đó tiền được rút ra để trao cho ông Sỹ.

Số tiền tối thiểu 2 430 000 MK nói trên được coi là trả lại quả 10% trên số dự thầu trong hai giai đoạn. Giai đoạn 1 có đấu thầu gay go vào tháng 10/2001. Theo tờ nhật báo lớn Yomiuri Shimbun căn cứ trên lời khai của ông Sakashita, lúc đầu ông Sĩ đòi chia 15% hoa hồng mới cho thắng thầu, nhưng sau phải giảm còn 10% vì ông Sakashita nói là trị giá hợp đồng quá lớn. Điều này cho thấy quan chức Việt Nam tham lam vô độ. Riêng về tiền lại quả (thông thường từ 7-15% tùy trị giá hợp đồng), thì đây luật bất thành văn mà không ai không biết. Còn việc ký kết thầu giai đoạn 2 vào tháng 3/2003 thì có tính cách bí mật,không có đấu thầu.Tại sao? Thì lại có mờ ám.

Những lời tuyên bố của ông Hồ Xuân Sơn ngày 17/8/2008 nói Việt Nam sẵn sàng hợp tác nhưng lại phán “dự án không có hành vi tiêu cực như báo chí đã đưa” làm cho mọi người phải hổ thẹn và phẫn nộ. Chưa kể lời phê bình báo chí Nhật thiếu khách quan, với lời yêu cầu chính phủ Nhật can thiệp để báo chí đừng đưa tin khi chưa có kết luận chính thức. Tất cả đã phản ảnh não trạng u tối, gian manh của giới cầm quyền.

Giờ đây, khi bốn viên chức đã nhận tội trong phiên toà ngày 11/11/2008, nhà cầm quyền cộng sản không thể không vào cuộc. Nhưng vừa mở đầu điều tra thì ông Sỹ đã nằm bệnh viện. Thì phải chờ. Ở đây có hai câu hỏi. Trước hết, việc điều tra nếu đến nơi đến chốn có thể làm sáng tỏ vấn đề không và do đó ông Sỹ sẽ lãnh án tử hình vì tham ô trên 500 triệu? Câu trả lời là có nếu xét kỹ lưỡng những sai sót không tránh khỏi trong việc cho thầu gian (dù có luật đấu thầu và cạnh tranh), chưa kể trường hợp không đấu thầu giai đoạn 2. Có tác giả cho rằng chính ông Dũng đã có quyết định này. Tất nhiên việc điều tra tài sản cũng là yếu tố quyết định.

Nhưng chính ở đây chúng ta phải trả lời câu hỏi then chốt: Những ai cùng chia chác món lại quả 820 000 MK hoặc đúng hơn là 2,6 triệu MK mà ông Sỹ là người nhận lãnh? Những nhân vật ở trong tầm ngắm sẽ tuần tự là : ông giám đốc Sở Giao thông Vận tải phụ trách tổng quát các dự án, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND phụ trách ODA trong thời gian ký kết hợp đồng (vừa trao lại cho ông Nguyễn Thành Tài để “đi học”! ), ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND với tư cách chủ dự án (hiện là Bí thư Thành ủy mà ông Sỹ dự tính làm thông gia nhưng rồi phải đình?), ông Nguyễn Minh Triết, Bí thư Thành ủy cho đến 2003.

Xuất thân của ông Huỳnh Ngọc Sỹ là tổ chức Thanh Niên Xung Phong (cũng như ông Lê Thanh Hải), nghĩa là không biết chút chuyên môn nào trong lãnh vực được giao. Đây cũng là một phương thức bổ nhiệm đặc thù của đảng cộng sản khiến cho ông Sỹ và cả ông Thảo đã mang nhiều tai tiếng trong những vụ cầu, buildings sụt, phá nát quy hoạch Khu ĐTM Thủ Thiêm.

Nhìn thẳng vào vấn đề, tất cả sẽ chỉ là cách dàn xếp để che dấu tối đa tội trạng cho ông Sỹ và do đó tránh dứt dây động rừng. Trừ phi giải pháp thí chốt được thực hiện để trừ đầu mối. Mọi người đã biết cách xử lý của đảng ta trong vụ án PMU18. Câu nói của ông Triết với ông thủ tướng Nhật mới đây nhân hội nghị ở Lima, Pêru “sẽ nghiêm khắc trừng trị” viên chức tham nhũng sẽ chỉ là câu lấy lòng mà người nghe chắc cũng không tin như người nói.

Nhìn thẳng vào vấn đề, vụ nhận hối lộ lớn lao tiền lại qủa, hoa hồng bôi trơn PCI chỉ là bản hoạ phóng lớn của cái xã hội tham ô, băng hoại mà người dân phải sống chung với nó hàng ngày, trong mọi cơ quan, trong mọi lãnh vực. Chỗ nào mà đảng càng lấn vào nhiều thì chỗ đó càng nhiều cơ hội có hoa hồng. Đảng đứng trên luật pháp nên đừng mong có trừng phạt tham nhũng, nếu có chăng chỉ là giơ cao đánh khẽ (3). Không tham nhũng thì lấy tiền đâu mà chi trả cho chiếc ghế đang ngồi, con cái du học nước ngoài, ăn chơi không cần đếm. Thời buồi kinh tế thị trường nên phải mau tính toán để lấy lại vốn lẫn lời. Cái cỗ máy đảng-tài phiệt này dù tạm thời được bôi trơn nhờ tham nhũng nhưng đã lộ rõ những chia rẽ bè phái bên trong.
Đừng nên đòi hỏi cái cỗ máy đảng trị già nua, hao săng tốn nhớt quái dị đó phải chạy tốt hơn. Dù có tìm cách sơn phết, tô vẽ lại bên ngoài. Những người quyết tâm đấu tranh cho tự do, dân chủ đa nguyên đa đảng phải kết hợp để thay thế bộ máy đó.

(1) Theo nguồn Viet-studies ngày 15/08/2008.
(2) Phía Việt Nam cho là thiếu cơ sở pháp lý do hai bên không ký hiệp định hợp tác tư pháp. Đây chỉ là một cái cớ để trì hoãn sự hợp tác. Việt Nam có luật tương trợ tư pháp (2007) mà ông thứ trưởng Hồ Xuân Sơn đã nhắc tới. Ngoài ra Việt Nam còn phê chuẩn hiệp ước tương trợ tư pháp về chống tội phạm hình sự với các quốc gia khối ASEAN .
(3) “Đại tham nhũng Trần Công Lộc chỉ bị cách chức Viện trưởng VKSND tỉnh Cà Mâu ».Radio Free Vietnam. 17/11/2008.


Nguồn: VietnamReview
Category: Hồ sơ Tham nhũng CSVN | Views: 934 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 38
Khách: 38
Thành Viên: 0