Thứ Ba, 2024-12-24, 9:20 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 3 » Sức sống của quyền được nói
11:28 AM
Sức sống của quyền được nói


Hiền Lương

“…Nếu như tại những quốc gia văn minh, quyền được nói là nhu cầu bình thường của con người, thì tại các quốc gia chuyên chế lại là vấn đề xã hội nhức nhối. Tuy nhiên, cái gì bị cấm, bị hạn chế thì sự ham muốn, thụ hưởng bị kích thích cao nhất…”

Lúc sinh thời, đại thi hào Voltaire đã đặc biệt đề cao giá trị quyền tự do ngôn luận qua câu nói bất hủ: “Tôi có thể không đồng ý những điều anh nói, nhưng tôi có thể chết để bảo vệ quyền anh được nói những điều đó” (I disapprove of what you say, but I will defend to the death your right to say it). Quyền được nói là một trong những quyền căn bản của con người, được khẳng định trong Hiến chương Nhân quyền của Liên hiệp quốc từ năm 1948 và hiến pháp của từng quốc gia thành viên, trong đó có nước CHXHCN Việt Nam. Trong những hoàn cảnh đặc biệt, quyền được nói được pháp luật bảo hộ: tử tù trước khi lìa đời, bị cáo trước vành móng ngựa đều được nói lời cuối cùng.

Nếu như tại những quốc gia văn minh, quyền được nói là nhu cầu bình thường của con người, thì tại các quốc gia chuyên chế lại là vấn đề xã hội nhức nhối. Tuy nhiên, quy luật về nhu cầu con người đã khẳng định, cái gì bị cấm, bị hạn chế thì sự ham muốn, thụ hưởng bị kích thích cao nhất. Việt Nam là quốc gia được đánh giá có sự bùng nổ trên lĩnh vực truyền thông báo chí. Chỉ cần nhìn vào số lượng trên 600 tờ báo viết, 67 báo hình và 63 báo nói, hàng chục báo điện tử đang hoạt động tại Việt Nam, chúng ta thấy đánh giá trên là có cơ sở. Nhưng khi nghiên cứu sâu, chúng ta không hề thấy bóng dáng tư nhân, báo chí do nhà nước kiểm soát. So với y tế và giáo dục, báo chí là lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm, đến nay vẫn chưa được xã hội hoá. Lịch sử Việt Nam đã từng chứng kiến nhiều vụ án liên quan đến quyền được nói như vụ Nhân Văn - Giai Phẩm (1958), vụ án xét lại (1967), vụ án Nguyễn Văn Lý (2007) và gần đây nhất là hai nhà báo liên quan đến vụ PMU18 gây nhức nhối xã hội và dư luận quốc tế. Nếu như vụ án Nguyễn Văn Lý làm cho chính quyền đau đầu bởi hình ảnh cảnh sát tư pháp lấy tay bịt miệng phạm nhân, thì vụ án hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến làm cho quần chúng bi quan về tình trạng chống tham nhũng ở Việt Nam, lo ngại về quyền được nói.

Gần đây, nhu cầu phản biện xã hội bùng phát mạnh ở Việt Nam. Trong số những người lên tiếng phản biện, chúng ta thấy có cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều cán bộ cao cấp khác của Đảng CSVN đã nghỉ hưu. Thực tế công tác quản lý xã hội, điều hành đất nước trong thời kỳ đất nước hội nhập của đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng nặng nề, đòi hỏi phải có sự tham gia của người tài, các tầng lớp nhân dân. Vấn đề phản biện xã hội trở nên cần thiết và bức bách hơn lúc nào hết đối với Đảng CSVN và đã được đưa vào văn bản Nghị quyết tại Đại hội X. Ngày 3/7/2006, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức hội thảo về dự án xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức xã hội và nhân dân. Hội thảo có sự tham gia của nhiều cựu quan chức cao cấp, trong đó có nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Báo chí đã sôi nổi đưa tin và động viên người dân đóng góp cho dự án. Phản biện có thể đúng, có thể sai, nhưng là quyền được nói lên ý kiến cá nhân đối với những vấn đề của đất nước, rất tiếc là đến nay quy chế này vẫn chưa được thông qua. Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu mừng, tạo xúc tác cho quyền được nói có sức sống. Để có được tín hiệu này từ phía chính quyền, phải nhìn nhận có sự đóng góp của những đảng viên cao cấp của đảng CSVN đã nghỉ hưu, của những nhà bất đồng chính kiến và các tầng lớp nhân dân.

Một trong những trí thức kiên trì bảo vệ quyền được nói là TS Nguyễn Thanh Giang, sinh năm 1936, quê Thanh Hoá, hiện nghỉ hưu ở Hà Nội. Nếu như ông Lê Hồng Hà, một trong những nhà bất đồng chính kiến hàng đầu ở Việt Nam không học hàm, học vị, được đánh giá là cây lý luận sắc sảo, thì tiến sĩ địa vật lý Nguyễn Thanh Giang được đánh giá là cây viết đáng kính trong phong trào dân chủ Việt Nam. Chỉ tính từ cuối năm 2006 đến nay, ông đã có 30 bài viết, lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ chính quyền về tự do dân chủ, về chính sách kinh tế, nhân sự cấp cao và quan hệ đối ngoại. Về dân chủ, TS Nguyễn Thanh Giang cho ra đời hai cuốn sách khá nổi tiếng là Suy tư và ước vọngNhân quyền và dân chủ ở Việt Nam. Góp ý về chính sách quốc tế và đối ngoại, TS Nguyễn Thanh Giang có 16 bài viết gửi Đảng và Nhà nước Việt Nam; về đường lối, chủ trương của Đảng CSVN có 22 bài viết. Năm 1992, lúc đó còn là chuyên viên kỹ thuật tại Liên đoàn địa chất Việt Nam, TS Nguyễn Thanh Giang đã viết đơn tự ứng cử đại biểu Quốc hội khoá IX, nhưng bị loại ngay vòng đầu. Đầu năm 1999, ông bị Công an Hà Nội bắt giam, thu giữ nhiều tài liệu dân chủ. Sau khi ra tù, TS Nguyễn Thanh Giang cùng các các nhà bất đồng chính kiến trong nước tiếp tục đấu tranh cho dân chủ, lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Nhà nước cho phép ra đời báo tư nhân. Trong lúc chờ đợi ý kiến của chính quyền, năm 2006, TS Nguyễn Thanh Giang là một trong những người sáng lập báo điện tử Tổ Quốc, tạo điều kiện cho anh em dân chủ thực hiện quyền được nói. Với tư cách là Chủ nhiệm Ban biên tập, hai năm qua TS Nguyễn Thanh Giang đã làm cho báo điện tử Tổ Quốc trở thành một trong những báo đối lập ôn hòa, có tri thức, góp phần thúc đẩy tiến trình dân chủ Việt Nam, tạo sức sống cho quyền được nói.

Có thể nói, thời gian qua, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang đã cùng các nhà trí thức tiến bộ trong nước như TS Nguyễn Xuân Tụ, ông Lê Hồng Hà, giáo sư Phan Đình Diệu, TS Lê Đăng Doanh, nhà văn Lữ Phương, nhà thơ Bùi Minh Quốc,… kiên trì bảo vệ quyền được nói, kiến nghị Đảng và Nhà nước thực hiện quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, đã có những lúc tưởng chừng TS Nguyễn Thanh Giang không thể tiếp tục thực hiện quyền được nói của mình bởi sự nghi kỵ, ganh ghét của một số anh em hoạt động dân chủ dạng phong trào. Ông bị một số anh em quy chụp là dân chủ “cuội”, cơ hội, tranh giành chức vụ trong phòng trào dân chủ, nhưng ông đã không nản, tiếp tục cất lên tiếng nói của mình.

Gần đây, khi trả lời phỏng vấn đài RFA, TS Nguyễn Thanh Giang thẳng thắn nêu vấn đề: Viện nghiên cứu phát triển Việt Nam (Intitutes Development Studies - IDS) do TS Nguyễn Quang A đã được cấp phép hoạt động thì tại sao báo Tổ Quốc lại không? Thế đấy, TS Nguyễn Thanh Giang là một nhà bất đồng chính kiến kiên trì theo đuổi quyền được nói của mình, bất chấp sự o ép từ phía chính quyền cũng như sư ganh ghét từ những nhà dân chủ phong trào. Chúng ta có quyền tin tưởng rằng quyền căn bản của con người, quyền được nói mà TS Thanh Giang đang góp phần bảo vệ nó cùng những nhà hoạt động dân chủ khác, sẽ được thừa nhận trong tương lai gần.

Quyền được nói là bất diệt, luôn tràn đầy sức sống.

Sài Gòn 12 tháng 11 năm 2008
Hiền Lương

Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 807 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 18
Khách: 18
Thành Viên: 0