Cuộc đối thoại chống
tham nhũng giữa Chính phủ CSVN và các nhà tài trợ quốc tế tại Hà Nội.
Dịp này, Báo chí phỏng vấn bà Molly Lien, tham tán Đại sứ quán Thuỵ
Điển – cơ quan đồng chủ trì cuộc đối thoại.
Các nhà tài trợ
đánh giá Việt Nam là một trong những nước sử dụng ODA hiệu quả nhất thế
giới, nhưng lại yêu cầu đối thoại chống tham nhũng. Liệu có mâu thuẫn
trong cách tiếp cận?
Tôi nghĩ không có mâu
thuẫn gì ở đây. Với mục đích giúp đỡ Việt Nam phát triển, chúng tôi
tham gia vào các lĩnh vực như giúp xoá đói giảm nghèo, tăng cường quản
trị nhà nước, bảo đảm xã hội dân chủ, thực hiện quyền con người, giúp
phát triển kinh tế bền vững, môi trường,… Tất cả các lĩnh vực này đều
có mối đe doạ là tham nhũng, nên chúng tôi quan tâm thảo luận chủ đề
này.
Gần đây, nghị viện châu
Âu yêu cầu uỷ ban Châu Âu đánh giá hiệu quả của các dự án ODA do EU tài
trợ, và Nhật Bản đã cùng Việt Nam thành lập một uỷ ban chống tham nhũng
trong các dự án ODA của Nhật Bản. Có vẻ như đã xuất hiện một số quan
ngại của các nhà tài trợ về sử dụng ODA?
Tôi không thể nói thay
cho EU và Nhật Bản, nhưng với tư cách là nhà tài trợ, Thuỵ Điển không
bao giờ chấp nhận trường hợp tham nhũng nào, đặc biệt với dự án ODA –
là tiền thuế của người dân, vì vậy, chúng tôi không bao giờ chấp nhận
tiền này được cho vào túi cá nhân nào. Nó phải được sử dụng đúng mục
đích là hỗ trợ cho các dự án phát triển.
Vụ việc liên quan đến cựu giám đốc ban quản lý dự án đại lộ đông – tây ở TP.HCM sẽ được đề cập trong cuộc thảo luận như thế nào?
Vụ việc này sẽ được
Chính phủ báo cáo cho các nhà tài trợ trong phần đầu của đối thoại. Tôi
nghĩ Chính phủ cũng sẽ chỉ cung cấp những thông tin mà hiện Chính phủ
đã có, vì điều tra đang tiến hành.
Đến nay Việt Nam
vẫn là một quốc gia có thu nhập dưới trung bình, và khu vực kinh tế tư
nhân còn rất non trẻ. Tuy nhiên, những căn hộ cao cấp có giá lên đến
vài ngàn USD/m2 vẫn đang được xây dựng nhiều, và được bán hết. Liệu đó có là dấu hiệu của tham nhũng?
Dù là nước nghèo, nhưng
do cải cách kinh tế và phát triển nhanh chóng, một số người ở Việt Nam
đã có cơ hội để kiếm được tiền một cách hợp pháp để trở thành giàu có,
và họ có thể mua được những căn hộ nhiều tiền.
Nhưng cũng có thực tế là
tiền trôi nổi trong xã hội còn rất nhiều, có các sơ hở trong hệ thống
luật pháp, có những lỗ hổng tạo cơ hội cho một số người hưởng lợi từ
đó.
Chúng tôi cũng quan tâm
đến tình trạng tham nhũng vặt, như hối lộ cảnh sát, hay đưa tiền cho
giáo viên. Chấp nhận tham nhũng vặt, thì có thể có khả năng dễ dàng dẫn
đến tham nhũng lớn hơn, với mức độ cao hơn.
Từ Giang (thực hiện)
|