Thứ Ba, 2024-12-03, 11:50 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 4 » VIỆT NAM CHỐNG THAM NHŨNG: BẮT CÁ BÉ THẢ CÁ LỚN
4:06 PM
VIỆT NAM CHỐNG THAM NHŨNG: BẮT CÁ BÉ THẢ CÁ LỚN

Phạm Trần




Ông Kjell Storlokker bảo Hà Nội: "Không thể nhằm bắn vào người đưa tin chống tham nhũng".

Hoa Thịnh Đốn.- Tình trạng tham nhũng ở đâu cũng giống nhau ở điểm người dân sẵn sàng nộp  tiền cho kẻ có  chức, có quyền để  không bị làm khó dễ hay không phải thi hành Luật trong  khi kẻ  có bổn phận bảo vệ Luật pháp lại  muốn dẫm lên công lý  để thu lợi.

Nhưng ở Việt Nam, dưới thời  Cộng sản, lại có thêm một biến chứng khác, đó là Đảng, Nhà nước và Cán bộ, đảng viên tham nhũng đã liên kết với  nhau  để  vô hiệu hóa  Luật Pháp.

Vì vậy các nhà tài trợ quốc tế trong buổi đối thoại sáng 28/11 (2008) tại  Hà Nội đã  nói thẳng với  các viên chức Nhà nước Việt Nam : "Không khí chống tham nhũng đang có vẻ chùng xuống".

Đại sứ Phần Lan Pekka Hyvonen nói: "Chống tham nhũng đang trầm lại.  Nhiều văn bản ban hành mâu thuẫn về lợi ích".

Tham tán Tòa Đại Sứ  Hòa Lan, Beng Van Loosdlecht nhận xét thêm rằng lối xét xử của Việt Nam : “Trong việc phanh phui các vụ việc tham nhũng, nhiều khi người có chức vụ thấp thì bị xử lý còn người chức vụ cao hơn thì "bình an vô sự".

Chia sẻ điều này, phó Đại sứ Đan Mạch Tove Degnbol nói, chống tham nhũng vẫn chưa đi đúng hướng và chưa được cải tiến. "Chính phủ đã nỗ lực nhưng cảm giác là đang chùng xuống". (VietNamNet, 28-11-2008)

Bình luận về những việc làm chống tham nhũng “bằng giấy và nước bọt” của nhà nước Việt Nam, các nhà tài trợ Quốc tế nói rằng tuy Chính phủ Việt Nam đã làm được nhiều việc như  "ban hành luật phòng chống tham nhũng, lập văn phòng Ban chỉ đạo Trung Ương, ban hành nhiều Nghị định, thông tư và đang xây dựng chiến lược phòng chống tham nhũng", nhưng nhìn chung Việt Nam mới dừng lại ở mức hoàn thiện thể chế chứ chưa để ý đến công việc cụ thể.

Điều  này có nghĩa Việt Nam mới viết ra những việc phải làm bằng văn bản, nhưng chưa làm những điều mình viết. Nói cách khác, lời nói chưa đi  đôi với việc làm.

Các tham dự viên quốc tế cũng nêu  ví dụ  “VN quy định kê khai tài sản nhưng không công khai cho dân giám sát, chủ tịch tỉnh đồng thời là trưởng  ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở địa phương”  là  một chỉ dấu cho thấy qyết tâm chống tham nhũng  của Việt Nam chưa đi đến nơi đến chốn.

Nói theo ngôn ngữ hè phố bây giờ  thì đó là cách “đánh bùn sang ao”, hoặc nhà nước “vừa đá bóng vừa thổi còi” .

Trả lời cho phê bình gay gắt này, báo Điện tử ViệtNamNet (28-11-2008) trích lời Vũ Tiến Chiến, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung Ương Phòng, Chống tham nhũng nói Việt Nam “thừa nhận  có sự hạn chế trong các vụ việc có liên quan đến chủ tịch tỉnh. Nhưng "đo đi đếm lại", thì chủ tịch tỉnh vẫn là người phù hợp nhất để đứng đầu ban chỉ đạo, không thể là bí thư hay chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân.”

Chiến giải thích : “Các vụ việc chống tham nhũng có xu hướng giảm đi là do sau khi ban hành Luật phòng chống tham nhũng, Chính phủ tập trung rà soát để giải quyết các vụ tồn đọng kéo dài.”

VNNET viết tiếp : “Tham tán Đại sứ quán Hòa Lan Beng Van Loosdlecht lo ngại: "Chúng tôi đang có cảm nhận là thế cờ chống tham nhũng đã đảo ngược, bị sai lệch. Con cá bé bị bắt, con cá to lại lọt lưới". Ông khuyến cáo, tinh thần chống tham nhũng phải được quán triệt và cam kết từ cấp cao nhất.”

BÁO CHÍ VÀ THAM NHŨNG

Khẳng định đã tham nhũng thì "cá nhân nào cũng bị xử lý", Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền nói với  các viên chức quốc tế: “ Nói bị chùng xuống là ngộ nhận. Do một số vụ việc bị xử đi xử lại, kết quả lại không như dư luận trông đợi. Chưa kể, không khí có vẻ trầm lắng hơn "chẳng qua do sau vụ đưa tin về PMU 18, báo chí có tâm lý ngần ngại, e dè.  Nói chống tham nhũng chùng là do báo chí không được hăng hái như trước. Còn Chính phủ vẫn quyết liệt, ráo riết".

Nhưng lời biện hộ của Truyền nhằm đổ bớt  trách nhiệm chống tham nhũng cho báo chí không thay đổi được  quan điểm của các viên chức quốc tế.  Tham tán Đại Sứ Quán Hòa Lan Beng Van Loosdlecht nói rằng ông “lo ngại cơ quan báo chí (của Việt Nam) đang phải chịu trách nhiệm chính trong cuộc chiến chống tham nhũng.”

Ông nhận xét  : “Khi giá trị đã đảo lộn, báo chí bị trừng phạt, quan chức tham nhũng tiền Chính phủ trốn thoát dễ khiến báo chí suy giảm niềm tin, nản chí. Nếu không biết sử dụng, báo chí sẽ chùn bước trước những vụ việc lớn hơn trong khi lẽ ra cần khuyến khích tinh thần điều tra độc lập và thẳng thắn".

Đại diện cho Đại Sứ Quán Na Uy, ông Kjell Storlokker  khẳng định: "Không thể nhằm bắn vào người đưa tin chống tham nhũng". Ông cũng khuyến cáo : “Để cộng đồng quốc tế không còn ngộ nhận, Chính phủ phải mạnh dạn đưa ra một tín hiệu cho thấy rằng báo chí đang tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phòng chống tham nhũng.”

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông  của CSVN, Đỗ Quý Doãn thanh minh : “Không có văn bản nào quy định hạn chế hay cản trở đưa tin về phòng chống tham nhũng, mà phụ thuộc và trình độ, năng lực của nhà báo.”

Doãn nói mà không dám sờ lên gáy kiểm điểm lại xem nhà nước đã răn đe các phóng viên và kêu họ  lên gọi họ xuống điều tra bao nhiêu lần trong vụ  loan tin tham nhũng PMU 18  ?  Những việc làm bằng miệng này không có trong văn bản nào, nhưng nguy hiểm hơn cả giấy trắng mực đen nên cường độ tác nghiệp thông tin chống tham nhũng của các nhà báo đã gỉam sút tối đa.

Báo điện tử VietNamNet cho  biết thêm : “Cựu nhà báo, tư vấn quốc tế cao cấp của UNDP (United Nations Development Program, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc), bà Kegelin McKinley phân tích, báo chí, lẽ ra phải tập trung hoạt động giám sát nhưng một điều tra gần đây lại cho thấy báo chí mới chỉ tập trung vào việc phản ánh, vì khó khăn khi tiếp cận thông tin.”

Đỗ Quý Doãn  thừa nhận :  “Do có sự ngại ngần từ phía công chức và quan chức nhà nước nên mới có chuyện né tránh, đùn đẩy khi báo chí yêu cầu cung cấp thông tin. Do đó, báo chí đã phải tìm đến nhiều nguồn khác nhau.” (VietNamNet, 28-11-2008)

Phản ứng của các nhà tài trợ Quốc tế căn cứ vào hậu quả vụ nhà nước CSVN xử án hai Nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Báo Thanh Niên, và nhà báo Nguyễn Văn Hải, Báo Tuổi Trẻ TP.HCM.   Hai Nhà  báo này bị bắt ngày 12/5 (08), về tội "lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ" vì đã  phanh phui vụ tham nhũng PMU 18 có nhiều viên chức cao cấp của Bộ Giao thông-Vận tải dính líu.

Cùng bị bắt với hai ông còn có thượng tá Đinh Văn Huynh - Nguyên trưởng Phòng 9, C14 về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Cơ quan An ninh điều tra cũng khởi tố thiếu tướng Phạm Xuân Quắc Nguyên Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (C14), trưởng ban chuyên án vụ PMU18 về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tuy nhiên tại phiên xử ngày 12/5 (08), các tội danh lúc đầu đều được thay đổi mà không có lời giải thích nào của nhà nước.

Tướng  Phạm Xuân Quắc, nguyên Cục trưởng C14, nguyên Trưởng ban chuyên án vụ PMU18 và bị cáo  Đinh Văn Huynh, nguyên Trưởng phòng 9 C14, điều tra viên chính vụ PMU18 bị quy tội “cố ý làm lộ bí mật công tác” theo khoản 2 Điều 286 Bộ luật Hình sự.

Bị cáo Nguyễn Việt Chiến, nguyên phóng viên báo Thanh niên và bị cáo Nguyễn Văn Hải, nguyên phóng viên báo Tuổi trẻ phạm tội “lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo khoản 2 Điều 258 Bộ luật Hình sự.

Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo: Phạm Xuân Quắc, nhận hình phạt cảnh cáo; Đinh Văn Huynh: 1 năm tù giam; Nguyễn Việt Chiến: 2 năm tù giam; Nguyễn Văn Hải: 24 tháng cải tạo không giam giữ.

Bị cáo Nguyễn Văn Hải được trả tự do ngay sau khi phiên tòa kết thúc, do thời gian giam giữ để điều tra đến nay tương đương với 24 tháng tù không giam giữ.

Nhà báo can trường Nguyễn Việt Chiến không kháng cáo bản án dù ông có quyền này.

Kể từ ngày những người có công tố cáo tham nhũng bị bắt và phạt tù, các tin liên quan đến tham nhũng loan trên báo bị giảm sút đáng kể. Và tuyệt nhiên không có phóng viên nào dám xông xáo đi moi tin, hay điều tra các vị tham nhũng như hai ông Chiến và Hải đã làm.  Công tác chống tham nhũng của nhà nước  Việt Nam cũng chỉ rầm rộ qua các lời tuyên bố lang bang của các viên chức nhà nước.  Phía Quốc hội cũng  bình chân như vại.

Vấn  đề nhà nước CSVN đóng qúa nhiều “dấu mật” lên  hồ sơ điều tra tham nhũng  làm cản trở cho công tác chống tệ nạn này cũng bị các nhà tài trợ đem ra mổ xẻ nên Trần Văn Truyền, Tổng Thanh tra Chính phủ  đã phải cam kết “ thời gian tới, thanh tra sẽ hạn chế bớt danh mục thông tin "mật" những tin tức liên quan đến an ninh quốc gia để mở rộng phạm vi thong tin chống tham nhũng.”

Tuy nhiên quyết định giữ  hay bỏ  “bảo mật” lại không thuộc thẩm quyền của ngành Thanh tra mà thuộc  quyền của cấp Nhà nước và Đảng nên việc gì cũng phải chờ  thời gian trả lời !

Bằng chứng giảm sút tin chống tham nhũng của báo chí  Việt Nam còn được phản ảnh trên Báo ViệtNamNet (28-11-08) : “ Ngân hàng thế giới (WB) đang tiến hành một nghiên cứu về tham nhũng và báo chí ở Việt Nam.  Khảo sát dựa trên 207 đầu báo, tạp chí, bản tin và hai báo điện tử VietNamNet và VnExpress.

Theo khảo sát từ các báo in, số lượng tin bài về tham nhũng, gian lận, hối lộ đã tăng đột biến trong tháng 4/2006 (tăng 6,60%), giảm đều đều đến tháng 4/2008 và phục hồi nhẹ trong tháng 5/2008.

Khảo sát trên VietNamnet cho thấy, tin bài tăng vọt trong khoảng giữa tháng 4/2005 cho đến tháng 4/2006 (tăng 12,53%). Giảm mạnh trong khoảng giữa tháng 2/2007 cho đến tháng 4/2007.”

Đó là thời gian đảng và nhà nước mở chiến dịch “xiết cổ” báo chí  khi thấy  các thông tin bùng nổ quanh cuộc điều tra vụ PMU 18  đã vượt qúa phạm vi cho  phép được thông tin.

HAI MẶT THAM NHŨNG

Nhưng trái  với nhận xét của các nhà ngoại giao nước ngòai và  mức độ suy gỉam thông tin tham nhũng trên báo chí, Báo Nhân Dân Điện Tử của đảng ngày 28-11 (2008)  loan báo : “67% số người dân Việt Nam cho rằng, tình trạng tham nhũng có xu hướng giảm, sau khi Luật Phòng chống tham những được ban hành và có hiệu lực từ cách đây hai năm, trong khi 33% không đồng tình.

Đó là kết quả khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tiến hành trong khuôn khổ dự án “Phòng chống tham nhũng - Đánh giá hiện trạng và Xây dựng năng lực phòng chống tham nhũng cho các tổ chức dân sự và cộng đồng nông thôn” do Đại sứ quán Phần Lan tài trợ.”

Tuy nhiên bài báo của  Nhân Dân lại đưa ra 2 hình ảnh  điều tra chống Tham nhũng trái ngược nhau.

Về phía các Tổ chức của đảng thì chống tham nhũng đã có kết qủa tốt, nhưng phía người dân, nạn nhân của tham nhũng, và các tổ chức dân sự thì kết luận rằng tình hình chống tham nhũng  càng ngày càng tồi tệ.

Bài báo  của Tác gỉa Thái Thanh cho biết : “Cuộc khảo sát được tiến hành tại chín tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Giang, Lào Cai, Thái Bình, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu và Long An, dưới hình thức phỏng vấn sâu (200 người), điều tra theo phiếu hỏi (500 người) và thảo luận nhóm (35 nhóm gồm 500 người). Thành phần tham gia khảo sát chủ yếu là cán bộ các tổ chức xã hội dân sự như Mặt trận Tổ quốc, các hội: Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh…”

Nhưng Thanh lại viết tiếp rằng : “Theo khảo sát, trong khi hơn 90% số người được hỏi ở hầu hết chín tỉnh, thành phố nói trên khẳng định mức độ có tham nhũng ở địa phương là rất cao, thì việc phát hiện tham nhũng được đánh giá là còn ít và không thường xuyên (ý kiến của 3/4 số người được hỏi). Gần 2/5 số người được hỏi cho rằng, họ biết hành vi tham nhũng của người có chức quyền tại địa phương nhưng không muốn hoặc không dám tham gia tố cáo do sợ bị trả thù hay trù dập.

Về việc xử lý tham nhũng của cơ quan chức trách, 3/4 số người được hỏi trả lời “Xử lý chưa hết và không kiên quyết đối với các vụ tham nhũng”. Chỉ có 2% cho rằng đã xử lý đầy đủ và đúng tội các vụ tham nhũng.”

Chi tiết hơn, bài Báo ghi nhận : “Hội Cựu chiến binh được 75% số người tham gia khảo sát đánh giá thực hiện phòng chống tham nhũng hiệu quả, trong khi tổ chức Đảng và công đoàn lần lượt là 67% và 50%. Các tổ chức có ảnh hưởng còn hạn chế trong phòng chống tham nhũng gồm: tổ chức kinh tế (30%), Đoàn Thanh niên (33%), tổ chức cộng đồng (43%).”

“Ý kiến chung được ghi nhận qua các cuộc phỏng vấn, thảo luận nhóm cho rằng, nạn tham nhũng hiện nay ở Việt Nam có ba đặc điểm: phổ biến (trong mọi lĩnh vực, trên mọi địa bàn), có sự liên kết dọc (theo “dây”, theo ngành, theo cấp); và có tính liên kết ngang (theo “bè”, “cánh”). Các liên kết ở đây được thực hiện theo quyền, thậm chí chỉ cần có chút quyền là có thể tham nhũng.”

Như vậy kết qủa Cuộc thảo luận quốc tế về tình  trạng tham nhũng ở Việt Nam cho thấy giữa các nhà quan sát quốc tế và các viên chức nhà nước Việt Nam đã không có sự đồng thuận về mức độ tham  nhũng, cách giải quyết và xét xử các vụ tham nhũng.

Cuộc điều tra của các nhà ngoại giao nước ngoài ở Hà Nội cũng cho thấy các viên chức nhà nước Việt Nam đã tìm mọi cách chống chế cho khuyết điểm của Chính phủ như không làm như đã nói, hoặc có  làm thì  cũng chỉ làm nửa vời và mọi cấp vẫn còn mắc bệnh che giấu cho nhau để bảo vệ danh dự cho đảng và nhà nước. -/-

Phạm Trần
(12/08)

Nguồn: Ðối Thoại
Category: Hồ sơ Tham nhũng CSVN | Views: 902 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 48
Khách: 48
Thành Viên: 0