Đúng bốn mươi năm trước đây, tháng 05/1968 ở Pháp một phong trào sinh
viên bùng nổ một cách tự phát có lẽ chẳng ai thấy trước, kể từ tổng
thống De Gaulle và chính quyền, các công đoàn, chính đảng, các quan sát
viên chính trị và xã hội, báo chí, ngay cả những người thủ xướng cũng
chẳng ngờ: Cuộc biểu tình chiếm đóng đại học Sorbonne ở Paris tượng
trưng của quyền lực trong ngành giáo dục. Khởi đầu là sinh viên ngành
Nhân Văn, Xã hội, Tâm lý ở đại học Nanterre (ngoại ô của Paris), do
Daniel Cohn-Bendit người Đức mới hơn 20 tuổi dẫn đầu chiếm đóng tháp
cao tầng văn phòng trường đại học, với 142 thành viên, không tổ chức,
vận hành theo nguyên tắc dân chủ trực tiếp và bị ngay báo L’Humanité
của Đảng Cộng sản Pháp (ĐCS) phê phán nghiêm khắc. Thời điểm đó ĐCS là
phái tả quan trọng nhất đối lập với chính quyền phái hữu, đảng này
chiếm khoảng 25%-30% cử tri toàn quốc trong các cuộc bầu cử quốc hội và
thành phố. Ngày nay con số đó xuống cấp còn khoảng 2%.
Vài biểu ngữ rất đặc trưng của phong trào 68: Il est interdit
d’interdire (Cấm không được cấm đoán), La France s’ennuie (nước Pháp
chán nản). Chán cái gì? Métro, Boulot, DoDo (sáng vác ô đi, tối vác về:
métro chuyên chở mệt mỏi hàng giờ, boulot việc làm chẳng hứng thú, dodo
tối về ngủ rồi ngày mai y hệt). Thiếu thốn một lý tưởng, một kim chỉ
nam chăng? Ấy thế mà ngày nay nhìn lại, chính trong thời kỳ đó là ba
mươi năm vàng son (les trentes glorieuses années) của nền kinh tế Pháp,
với mức độ tăng trưởng kỳ diệu, số người thất nghiệp không đến 450 ngàn
so với hai triệu năm nay và gần ba triệu trước đây. Từ một nước mà
người ngoại quốc biết đến nhiều nhất là văn chương cùng nước hoa, thời
trang và rượu, nước Pháp làm một cuộc nhẩy vọt công nghệ vượt bực với
vài thí dụ, lò điện hạt nhân, tàu tốc hành TGV, xe hơi, Air Bus. Tổng
thống Pompidou thốt lên: c’est fini le parfum et le vin! (hết rồi nước
hoa và rượu vang!). Người Pháp đã giàu lên gấp hai lần chỉ trong vòng
30 năm (1960 -1990), mà trước đó họ đã phải mất đến 400 năm từ 1400 đến
1800 để đạt tới kết quả tương tự. Cuộc đời tiểu tư sản của thanh niên
Pháp quá bình thản so với bối cảnh quốc tế chế ngự thời sự năm 1968 là
chiến tranh khốc liệt Mậu Thân ở Việt Nam và mùa xuân Praha ở Tiệp.
Tổng bí thư đảng cộng sản Dubček muốn giải tỏa sự bế tắc xã hội do cơ
chế nội tại của chủ nghĩa Mác: độc quyền về chính trị, tư tưởng, văn
hoá, ngôn luận, mà một trong những hệ quả là nền kinh tế bao cấp suy
yếu so với tiềm năng. Cương lĩnh của Dubček tóm tắt dưới cụm từ ‘chủ
nghĩa xã hội với bộ mặt nhân bản’ (socialisme à visage humain). Trong
suốt mấy tháng, một ngọn gió tự do nổi lên khắp nước Tiệp: bãi bỏ kiểm
duyệt, tự do báo chí, tự do lập hội. Đó là ‘Momen 68’ của xã hội công
dân. Nhưng ‘lằn ranh đỏ’ coi như đã bị vượt qua khi chế độ đa đảng được
nêu lên cùng với việc công bố bản ‘Tuyên ngôn 2000 chữ’ trên tuần báo
Literarni Noviny (cơ quan chính thức của Hội nhà văn) mang chữ kí của
trí thức và các nhà thể thao, kêu gọi dân chúng tham gia các ‘uỷ ban
công dân’ nhằm đưa Tiệp ra khỏi ‘chế độ độc đảng’. Mùa xuân Praha (cũng
như 12 năm trước ở Budapest) bị dập tắt bởi quân đội Liên Sô, sự thờ ơ
bất lực của Mỹ và Tây Âu trước khát vọng dân chủ tự do của nhân dân
Đông Âu.
Mặc dầu hệ quả khốc liệt của Cách mạng Văn hoá ở Trung Quốc,
do thiếu thông tin chính xác, Mao và Che Guevara (nhà cách mạng ‘lãng
mạn’ Argentina sớm mệnh một) lúc ấy là hai thần tượng chói loà trong
giới thanh niên, trí thức Pháp mà đa số có lẽ thiên tả, chống ‘đế quốc’
Mỹ can thiệp vào cuộc nội chiến Việt Nam.
Còn đại học ở Pháp? Năm 1967, sĩ số sinh viên lên tới 500 000
(tăng 230% so với năm 1960). Họ chen chúc trong các giảng đường chật
hẹp, đối mặt với một giáo chức muốn hạn chế sĩ số, tác phong thường rất
quan cách (les mandarins), phải ngồi nghe thuyết giảng mà không được
thảo luận, công việc của mỗi cá nhân sinh viên không được xét tới, và
tới cuối năm là những kì thi máy chém. Hầu hết sống nhờ và sống với cha
mẹ, đại đa số sinh viên Pháp không có ý thức chính trị. Còn những sinh
viên ở các cư xá đại học (số này rất ít) thì phải chịu đựng những nội
quy khắt khe tới mức ngày nay khó mường tượng. Tác giả bài xã luận của
báo Le Monde viết đùa rằng quan tâm chủ yếu của sinh viên vào đầu năm
68 này là ‘xem nữ sinh ở cư xá Nanterre và Antony có quyền tự do vào
phòng nam sinh không’.
Trong bối cảnh quốc nội và quốc tế kể ở trên, phong trào tháng Năm 1968 bùng nổ bất ngờ với vài sự kiện nổi bật sau đây:
- Ngày 2/5: Sinh viên đóng chốt ở trường Sorbonne, chờ đợi một
cuộc tấn công của phong trào cực hữu Occident. Cảnh sát trục xuất sinh
viên khỏi trường và viện trưởng ra lệnh đóng cửa Sorbonne. Các cuộc
đụng độ bắt đầu.
- Ngày 10/ 5: Đêm chiến luỹ đầu tiên ở Khu Latinh. Hàng trăm người bị thương, 460 người bị bắt.
- Ngày 11/5: Tại Trụ sở Nhà Lao động, công đoàn CGT (chủ yếu
thuộc ĐCS) đề nghị với các công đoàn khác tổ chức một ngày đình công và
biểu tình toàn quốc để phản đối công an đàn áp. Sau này, tổng thư kí
CGT, Georges Séguy, viết trong hồi kí, rằng ĐCS Pháp hoàn toàn bị các
sự kiện vượt qua và hầu như đến hồi cuối họ vẫn hoàn toàn thụ động,
ngồi chờ.
- Ngày 13/5 (ngày kỉ niệm cuộc đảo chính Alger năm 1958 đưa De
Gaulle lên cầm quyền): khúc ngoặt. Hơn một triệu người (con số của ban
tổ chức) xuống đường ở Paris, khắp nơi đình công, dồn chính quyền vào
thế thủ. Sinh viên ‘giải phóng’ Sorbonne.
- Ngày 14/5: Công nhân hãng chế tạo máy bay Sud-Aviation (gần
Nantes) đình công và chiếm nhà máy. Trong những ngày tiếp theo, phong
trào lan rộng, đến ngày 17 coi như đã trở thành tổng đình công toàn
quốc.
- Ngày 24/5: Đây là khúc ngoặt thứ nhì. Loan báo hôm sau sẽ mở
ra cuộc thương lượng tối cao giữa chính phủ và các công đoàn. Cùng
ngày, những cuộc biểu tình bạo liệt biến thành bạo loạn ở Paris và các
tỉnh, mở ra cuộc khủng hoảng chính trị. Hầu như mọi sinh hoạt như bị tê
liệt, không có tàu hỏa, métro, bus, trạm xăng, cửa hàng, nhà máy,
trường học, thương mại đóng cửa nhiều ngày liên tiếp. Một tình trạng vô
chính phủ như ló diện.
- Ngày 29/5: Biểu tình chung của công đoàn CGT và ĐCS Pháp. De
Gaulle bí mật rời Paris để sang gặp tướng Massu, tư lệnh quân đội Pháp
đóng tại Đức. Ông mưu tính chi? Dùng quân đội để áp nạt sinh viên, công
đoàn CGT và ĐCS ?
- Ngày 30/5: Biểu tình của phe ủng hộ De Gaulle trên đại lộ
Champs-Elysées, ít nhất cũng đông bằng cuộc biểu tình ngày 13/5. Trên
đài phát thanh, De Gaulle thông báo giải tán Quốc hội. Trong cuộc bầu
cử sau đó, phe De Gaulle thắng thế với tuyệt đại đa số và bắt đầu sự
xuống dốc liên tục của ĐCS.
- Tháng Năm-Sáu, tương quan lực lượng chính trị từng bước đảo
ngược, dẫn tới một dạng thức ‘thoả hiệp cộng hoà’ mặc định. Các nhà máy
lần lượt làm việc trở lại, với tâm trạng chua chát của nhiều người. Báo
Le Monde lên án những ‘hình thức huỷ hoại’ trong cuộc nổi loạn của sinh
viên, và cảnh tượng ‘con tàu say rượu’ là trường Sorbonne bị sinh viên
chiếm. Ngày 1.6 Sorbonne bị triệt thoái và đó là kết thúc tượng trưng
của ‘tháng Năm 68’.
Bản thân « thời điểm 68 » là gì? Nhà xã hội học uyên thâm
Edgar Morin gọi nó là « biến cố - nhân sư », bí hiểm như con vật đầu
người mình sư tử trong thần thoại. Sự kiện vô cùng phức tạp, có ý nghĩa
toàn cầu này đã được vô số chuyên gia phân tích và bình giải, tôi không
có khả năng và tham vọng nối điêu.
Nhưng có lẽ cái nổi bật nhất của tháng Năm 68 là một phong
trào ‘phản quyền-uy’ trên mọi phương diện, nó phản đối tất cả những gì
là tôn ti và quan hệ quyền uy ở khắp mọi nơi mọi cấp. Có người
(Sarkozy) nhìn thấy ở phong trào này toàn những điều tiêu cực: « sự sụp
đổ của gia đình, sự suy yếu của Nhà nước, sự tan rã của mối liên hệ xã
hội, sự buông thả trong lao động ». Không thể bác bỏ 100% điều này, vì
rõ ràng đã xảy ra những điều thái quá: ca ngợi tuổi trẻ như một giá trị
tự nó khác nào biến sự non nớt thành giá trị vĩnh hằng; chỉ nhìn thấy
quan hệ thống trị trong mối tương quan thầy-trò là phủ nhận sự học tập
trong tích luỹ tri thức, giai đoạn không thể bỏ qua trong mọi tiến bộ
của nhân loại; coi mọi chuẩn tắc giáo dục là võ đoán, khác nào bứng đi
những cột mốc, những điểm quy chiếu đối với trẻ thơ, xếp các cô cậu tí
hon ngang hàng với bố mẹ.
Nhưng chống đối lại quan điểm trên cũng có lời phản biện hùng
hồn chẳng kém (Alain Renaut) « Sự tàn rữa của quyền uy là kết quả động
lực phát triển của các xã hội dân chủ, là những xã hội xây dựng trên
nền tảng các giá trị bình đẳng và tự do. Trong các xã hội dân chủ hiện
đại, không thể tồn tại quyền uy nữa, bởi vì trong các xã hội dân chủ,
mỗi con người là đồng loại và bình đẳng với mọi con người. Không gian
của sự tranh luận dân chủ triệt tiêu mọi dị biệt về giá trị, thủ tiêu
nền tảng của quyền uy là sự thừa nhận tính ưu việt [của một cá nhân đối
với cá nhân khác]. Xét cho cùng, những cơn hoài cổ này chỉ có nghĩa
rằng cuộc cách mạng bình đẳng – mà 1968 chỉ nói lên đòi hỏi một cách
tha thiết nhất – chủ yếu vẫn ở trước mặt chúng ta [chứ không phải đã
làm xong rồi] ».
Bốn mươi năm sau, giấc mơ không tưởng của 68 dường như đã tàn
lụi, tuy nhiên di sản của thời điểm 68 vẫn còn đó, từng giây từng phút
vẫn truyền máu vào cuộc sống của xã hội, vào đời sống công dân; và nếu
người ta không nhận thức được, chỉ vì cuộc hoá thân đã diễn ra âm ỉ ở
chiều sâu, và vẫn chưa hoàn tất. Chỉ nhìn thoáng về quá khứ cũng đủ để
đo lường được những tiến bộ đã giành được: những đảo lộn trong phong
tục tập quán, những bước tiến trong cuộc đấu tranh đòi nữ quyền, ví dụ
mở tài khoản ngân hàng và phá thai (trước1968, người vợ chỉ có quyền mở
tài khoản ngân hàng nếu người chồng cho phép), công cuộc dân chủ hoá
nền đại học, tác phong quan liêu cách biệt giữa giáo sư và sinh viên
không còn nữa, sự giải thoát khu vực thông truyền tin nghe nhìn khỏi sự
chế ngự của Nhà nước, sự cật vấn đối với các định chế, phong trào bảo
vệ môi trường, sinh thái, các quyền con người...
Tôi ước mong qua vài dòng sơ lược kể về sự kiện xảy ra năm
1968 - dĩ nhiên không thể hoàn toàn khách quan và đầy đủ, xin coi thêm
www.diendan.org
- chúng ta sẽ tản mạn sang nhiều đề tài khác về giáo dục đại học và
nghiên cứu, về tư duy tự do, về dân chủ, về trách nhiệm và hoài bão, về
phát triển đất nước.