Thứ Ba, 2024-11-05, 8:46 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 5 » “Bia” Tiến Sĩ “Ôm” Thời Ðại “Ðồ Ðểu” CSVN
8:46 AM
“Bia” Tiến Sĩ “Ôm” Thời Ðại “Ðồ Ðểu” CSVN

Giáo Già

Ngày 3-12-2008

H,

Cộng sản Việt Nam vừa tổ chức một cuộc Hội thảo Liên bộ ngày thứ Ba, 25/11/2008, để thoảo luận việc “gia nhập công ước chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc”. Ðây là công ước chống tra tấn và đối xử hoặc hình phạt tàn bạo, vô nhân đạo, đã được Liên Hiệp Quốc thông qua từ ngày 1-12-1984, và có hiệu lực từ ngày 26-6-1987. Cho đến nay đã có 145 nước ký kết.

Ðiều cần lưu ý là không phải toàn bộ 145 nước đã ký kết đều thánh thiện, đều không có tra tấn... trong cách đối xử với tù nhân, bởi có nhiều nước đã bị chỉ trích, ngay cả Hoa Kỳ và một số quốc gia khác; nhưng nhờ những lời chỉ trích mà nhà cầm quyền các quốc gia đó có những cải thiện đáng kể. Những nhà nước nào không chịu cải thiện sẽ bị chính cử tri trong nước họ bãi nhiệm qua các cuộc bầu cử sau đó.

Với Cộng sản Việt Nam vấn đề không hẳn là như vậy, nguy cơ bị bãi nhiệm hầu như không có vì chúng có đủ mánh khóe để duy trì chế độ “đảng cử dân bầu”, duy trì “độc tài pháp trị” để đàn áp những phong trào đòi dân chủ... Do đó, khi tham gia cuộc hội thảo đại diện Bộ Công an Cộng sản Việt Nam, cơ quan chuyên kềm kẹp, tra khảo những “người tù không tội”, nhận thấy nếu thoái thác thì sẽ bị chỉ trích nên đã mạnh dạn nói: “Gia nhập Công ước chống tra tấn là hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển, tiến bộ của thời đại”.

Nhưng, chẳng lẽ tham dự mà không nói gì thêm cho phải đạo làm người “gian dối”, nên một quan chức được gọi là có thế giá của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Thị Báo, thuộc viện nghiên cứu “quyền con người” lên tiếng bày tỏ chút lo ngại sẽ bị các “thế lực thù địch” khai thác bằng cách nói: “Dưới góc độ chánh trị, Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức”; và khuyến cáo Nhà nước nên tìm cách “nghiên cứu, tham khảo, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước khác cho quá trình chuẩn bị trở thành thành viên Công ước này.”

Tiến sĩ Nguyễn Thị Báo

Nhìn chung, ai cũng biết là tham gia hay không tham gia công ước chống tra tấn, Cộng sản Việt Nam cũng không thay đổi gì hết; bởi chưa tham gia công ước này, chúng vẫn bị những tổ chức nhân quyền và dư luận thế giới lên án là đối xử tàn bạo với những người khác chính kiến, những nhà đấu tranh Dân Chủ Hóa Việt Nam. Kinh nghiệm của những người “tù cải tạo” ngay sau ngày Cộng sản Bắc Việt chiếm được Miền Nam Việt Nam cho đến ngày nay tất cả đều cho thấy khi chúng tham gia rồi chúng không thi hành, có ai làm gì được chúng đâu?

Gian dối là nghề của chúng. Cứ ký rồi cứ ngang nhiên không thi hành, có ai làm gì được chúng đâu, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói dối không biết ngượng mà cứ ung dung nói điều mình ghét nhứt là nói dối, có ai làm gì được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đâu. Tất cả coi như huề. Bởi chính các cấp lãnh đạo hàng đầu của chúng, từ Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đến tướng Công an Nguyễn Văn Hưởng và rất nhiều cấp lãnh đạo hàng đầu khác đều nói láo không biết ngượng, đều nói rằng chúng có luật riêng của chúng để bịt miệng Linh mục Nguyễn Văn Lý, để bỏ tù các Luật sư Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Ðài..., các nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Blogger Ðiếu Cày... Ðó là chưa kể tới việc gia nhập rồi thì chúng có thể dùng cái “công ước” đó làm cái áo che ngoài cho không ai thấy chuyện tra tấn các đối tượng chống lại cung cách “độc tài pháp trị” của Ðảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Một cuộc hội thảo khác cũng mang đủ tấm vóc quốc tế được Cộng sản Việt Nam tổ chức nói về “Vai trò của báo chí trong phòng chống tham nhũng” mà độ khôi hài đỏ được dàn dựng trơ tráo đến độ báo chí chẳng những không được tham gia hội thảo phòng chống tham nhũng để nói về vai trò của mình, mà còn bị nhốt kín trong tù như một cách cảnh cáo những báo chí nào dám thực thi vai trò phòng chống tham nhũng giữa lòng “độc tài pháp trị”. Bên cạnh đó, các vụ án nổi tiếng liên quan đến tham nhũng các nguồn vốn ODA (hỗ trợ hợp tác và phát triển) cũng không được đề cập tới trong quyết tâm của Ðảng và Nhà nước, cho dầu vấn nạn PCI bị ra tòa án Nhựt Bổn vì tội đưa tiền hối lộ tận tay con người được coi như ưu tú của lực lượng Thanh niên Xung phong của Cộng sản Việt Nam tên Huỳnh Ngọc Sỹ trong thời gian qua vẫn còn nóng hổi.

Nó khiến Bà tham tán sứ quán Thụy Ðiển tại Việt Nam, Bà Molly Lien, trong cuộc phỏng vấn đã phải lên tiếng than rằng: “Tham nhũng trong các dự án có sử dụng nguồn vốn ODA là điều không bao giờ được chấp nhận được”. Bà nói rằng Bà có thể đại diện cho cả chính phủ Nhật Bản khi phát biểu ý kiến đó, vì những vụ tham nhũng nổi tiếng nhất đều dính đến tiền ODA của nước Nhật. Trước tiên là vụ PMU-18 ở Hà Nội, rồi đến vụ “sập cầu Cần Thơ”, và gần đây là vụ các giám đốc công ty PCI của Nhật mới bị ra tòa án Tokyo và thú nhận đã hối lộ cho Huỳnh Ngọc Sỹ và đám lãnh đạo Ðảng và Nhà nước tham nhũng ở Sài Gòn hơn 2 triệu đô la [mà sự dính líu của nhiều người coi như bị bịt kín, qua cái miệng Huỳnh Ngọc Sỹ bị “ai đó” bịt kín, bằng căn bịnh ‘tai biến mạch máu não’, khiến đương sự phải bị đưa vào bịnh viện điều trị, đưa tới hệ quả là lời khai, theo luật sư, sẽ không có giá trị trước tòa]. Mặt khác, trong cuộc hội thảo không ai nghe các đảng viên cán bộ hàng đầu lãnh đạo Ðảng và Nhà nước nói tới những số tiền viện trợ bị thất thoát, vì phải đem hối lộ, đã và đang khiến báo chí Nhựt Bổn cho biết dân Nhựt rất tức giận.

Bởi đại diện của Nhựt không được mời tham dự để lên tiếng nên Bà đại diện Sứ quán Thụy Ðiển phải đứng về phần của Thụy Ðiển lên tiếng nói rằng: “Tiền viện trợ ODA của nước bà chính là tiền mà mỗi người dân Thụy Ðiển đã đóng thuế cho chính phủ. Những khoản tiền đó được sử dụng với mục đích giúp đỡ các nước khác như Việt Nam xóa đói giảm nghèo, xây dựng một xã hội dân chủ và không có tham nhũng chứ không thể chấp nhận dân Thụy Ðiển đóng thuế để nuôi tham nhũng”. Bà này cho biết thêm là: “Báo chí được coi là một yếu tố trọng tâm trong cuộc chiến chống tham nhũng”; nhưng rất tiếc là báo chí đã bị Ðảng và Nhà nước kiểm soát, ký giả lên tiếng chống tham nhũng thì bị bỏ tù; điển hình là Nguyễn Việt Chiến, Ðiếu Cày...

Chính viên chức đại diện cho Ðại sứ Na Uy là ông Kjell Storlokker cũng nhắc khéo đến vụ hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải bị cầm tù sau khi viết bài nói về tham nhũng. Ông khuyên Cộng sản Việt Nam là “Nếu trừng phạt thì phải trừng phạt bọn tham nhũng chứ không thể trừng phạt những người đưa tin tức chống tham nhũng”.

Riêng Tham tán Ðại sứ quán Hòa Lan Beng Van Loosdlecht thì nói rằng “Giới truyền thông đáng lẽ phải đóng vai chính trong cuộc chiến chống tham nhũng. Nhưng các người làm báo tố cáo tham nhũng đang bị trừng phạt, còn các quan chức tham nhũng của công thì thoát nạn. Như vậy là tất cả các giá trị đã đảo lộn”.

Ðã vậy, Ðỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông của nội các Nguyễn Tấn Dũng, tham dự hội thảo lại không biết ngượng khi nói: “Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam không có một văn bản nào quy định hạn chế hoặc cản trở vấn đề đưa tin tức về phòng chống tham nhũng cả”.

Nói như vậy là Doãn đã quên nói thêm một câu nữa là: “Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đâu cần văn bản, Nhà nước chỉ cần có cái lề đường bên phải dành cho báo chí đưa tin tức về phòng chống tham nhũng”. Chính nó là chỗ dựa cho Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn lên tiếng dạy báo chí Nhật khi đề cập tới vụ án PCI. Sơn đã nói rằng: “...Báo chí Nhật Bản có một số bài viết không thật khách quan, thậm chí có thông tin không đúng sự thật, gây nghi ngờ về chính sách ODA của Nhật dành cho Việt Nam, về quyết tâm của chính phủ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng... Cách viết như vậy không có lợi cho hai nước Việt Nam, Nhật Bản cũng như mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước hiện đang phát triển rất thuận lợi”.

Ðiều đáng quan tâm là hai nhà báo từ chối đi trên cái lề đường bên phải của Ðỗ Quý Doãn, bị Ðảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bắt giam, nhưng lại được thế giới vinh danh và phát giải thưởng xác nhận việc đấu tranh cho lẽ phải của họ. Ðó là:

1. Nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải, có bút hiệu là Hoàng Hải và Ðiếu Cày đã được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (MLNQVN) vinh danh và trao tặng Giải Nhân Quyền Việt Nam năm 2008, trong bản công bố ngày 29-10-2008. Ông Hải sẽ được trao giải trong buổi “Lễ trao Giải Nhân Quyền Việt Nam” sẽ được long trọng tổ chức tại Tòa Thị Chính, thành phố Westminster, California, vào lúc 1:30 giờ chiều Chúa Nhựt, 14-12-2008, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Liên Hiệp Quốc công bố Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, đánh dấu bước tiến vô cùng quan trọng của cộng đồng nhân loại trong việc bảo vệ và đề cao quyền làm người khắp nơi trên thế giới. Ông Hải bị bắt ngày 19/4/2008 và bị đưa ra tòa về tội danh ngụy tạo “trốn thuế”. Ông bị tuyên án 2 năm rưỡi tù giam vào ngày 10-9-2008. Nhiều cơ quan nhân quyền quốc tế và Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đã lên tiếng phản đối, nhất là tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới đã đòi Hà Nội phải trả tự do cho ông.

Ðiếu Cày phô trương 5 chiếc còng thay 5 vòng tròn biểu tượng Thế Vận Hội Bắc Kinh 2007 vi phạm nhơn quyền

Ðược biết Giải thưởng do MLNQVN thành lập từ năm 2002 nhằm tuyên dương thành tích tranh đấu bất bạo động của những người đã chấp nhận hy sinh, kể cả mạng sống của chính mình, cho lý tưởng nhân quyền và dân quyền của nhân dân Việt Nam. Ngoài ra, Giải Nhân Quyền Việt Nam còn nhằm bày tỏ sự liên đới, hậu thuẫn và quyết tâm của người Việt khắp nơi trong nỗ lực đấu tranh giành lại quyền làm người cho mọi người dân Việt Nam. Từ ngày thành lập đến nay, MLNQVN đã tuyên dương và trao tặng Giải Nhân Quyền Việt Nam cho những nhà đấu tranh hàng đầu cho nhân quyền tại Việt Nam, như Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, Linh Mục Nguyễn Văn Lý (2002), Ký giả Nguyễn Vũ Bình, Luật sư Lê Chí Quang, Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, Ký giả Nguyễn Khắc Toàn (2003), Cựu Ðại tá Phạm Quế Dương, Bác sĩ Nguyễn Ðan Quế (2004), Cụ Lê Quang Liêm, Linh Mục Phan Văn Lợi, Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ (2005), Kỹ sư Ðỗ Nam Hải, Giáo sư Nguyễn Chính Kết (2006), Giáo sư Hoàng Minh Chính, Luật sư Nguyễn Văn Ðài và Luật sư Lê Thị Công Nhân (2007).

2. Nhà báo Nguyễn Việt Chiến: Trong một bản tin được tổ chức Phóng viên không biên giới [RSF] phổ biến cho biết Nhà báo Nguyễn Việt Chiến của Việt Nam được trao giải thưởng của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới dành cho các nhà báo qua việc làm, lập trường có nguyên tắc, và thái độ chứng tỏ hậu thuẫn cho quyền tự do phổ biến thông tin. Một buổi lễ trao giải sẽ được diễn ra vào ngày mai, thứ Năm 4-12-2008, tại thủ đô Paris của Pháp; và khôi nguyên giải Nobel Hòa Bình Shirin Ebadi sẽ đích thân trao tặng giải thưởng cho những người đoạt giải [chưa biết giải sẽ được trao thế nào khi ông Chiến đang ngồi tù ở Việt Nam].

Nhà báo Nguyễn Việt Chiến trong phiên xử hôm 14/10/2008 tại Hà Nội

Tin được phát đi từ đài BBC cho biết: “Trong bản tuyên dương công trạng, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới mô tả ông Nguyễn Việt Chiến là một nhà báo chuyên về điều tra, làm việc cho nhựt báo Thanh Niên ở Hà Nội, bị kết án hai năm tù trong phiên xử hồi tháng 10 năm 2008 vì những tội liên quan tới các bài tường thuật của ông về một vụ tai tiếng tham nhũng lớn xảy ra 2 năm trước đó. Theo tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, ông Nguyễn Việt Chiến, 56 tuổi, đã bị phiên tòa kéo dài 2 ngày cho là đã lạm dụng quyền tự do dân chủ, gây phương hại tới quyền lợi của nhà nước. Ðược sự hậu thuẫn của các bạn đồng nghiệp bên ngoài tòa, ông Nguyễn Việt Chiến đã chống lại những lời buộc tội này và nhấn mạnh rằng ông chỉ là một nhà báo chuyên nghiệp với mục tiêu duy nhất là phanh phui các vụ tham nhũng. Vụ tai tiếng tham nhũng ông Nguyễn Việt Chiến điều tra liên quan tới một đơn vị của Bộ Giao Thông Vận Tải có tên là PMU-18 bị cho là đã biển thủ ngân quỹ phát triển để cá độ các trận bóng đá. Hàng chục viên chức dính dáng vào vụ này”.

Có điều đáng quan tâm thêm nữa là trong vụ án PMU-18, tội phạm hàng đầu là Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tãi Nguyễn Việt Tiến bị bắt giam, nhưng đột ngột được thả khỏi nhà tù, xóa hết tội lỗi, rồi lại bị Ðảng và Nhà nước trừng phạt, với quá nhiều dị luận liên quan đến các cấp cao trong Ðảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, mà nổi bật nhứt là chuyện có dính líu đến con gái và con rể của Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh, và mới đây tội phạm Tổng Giám Ðốc Bùi Tiến Dũng tưởng êm thì theo tin cũng được đài BBC loan đi ngày hôm nay, 3-12-2008, cho biết “Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao của Cộng sản Việt Nam vừa gia hạn tạm giam đương sự về mặt thủ tục để phục vụ công tác điều tra bổ sung vụ án tham nhũng xảy ra tại dự án xây dựng cầu Bảy Cháy, tỉnh Quảng Ninh, sử dụng vốn viện trợ phát triển ODA; Dũng bị bắt hồi tháng 1 năm 2006”.

Bùi Tiến Dũng ra tòa ngày 7-8-2007

Hai cuộc hội thảo, một trò hề giễu dỡ, cho thấy cái rối của Cộng sản Việt Nam trong việc trị nước bằng “độc tài pháp trị” lúc nào cũng làm trò hề cho dư luận quốc tế; nhứt là ngay sau khi dư luận thế giới chấn động vì các tay súng khủng bố tấn công vào nhiều nơi tại thành phố Mumbai của Ấn Ðộ, làm chết 101 người và 287 người bị thương, ngày 27-11-208, thì sau đó ít ngày, 1-12-2008, Thủ hiến của bang Maharashtra, nơi có thành phố Mumbai của Ấn Ðộ, là ông Vilasrao Deshmukh lên tiếng từ chức; người phó của ông là RR Patil trước đó cũng đã từ chức; kế tiếp Bộ trưởng Nội vụ cũng từ chức, vì có những lời chỉ trích quanh cách thức chánh quyền xử lý cuộc khủng hoảng. Chính Thủ hiến Vilasrao Deshmukh đã phát biểu: “Tôi đã xin từ chức. Nếu Thủ hiến là người phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công thì tôi sẽ phải ra đi”.

Hệ quả cuộc tấn công ở thành phố Mumbai

Trong khi đó thì tất cả mọi cấp của Ðảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chưa ai nghe có bất cứ người nào lên tiếng từ chức trước bất cứ một biến cố nào làm thiệt hại đến tài sản và sanh mạng của người dân, điển hình như vụ sập cầu Cần Thơ [ngày 26-9-2007], hay gần nhứt là vụ Thủ đô Hà Nội bị chìm ngập trong mưa lụt mà người lãnh đạo hàng đầu thành phố là Bí thư Phạm Quang Nghị chẳng những không nhận lỗi còn đổ lỗi cho dân chỉ biết chờ cấp trên; đến khi bị công kích thì nói lời xin lỗi tưởng như biết phục thiện, nhưng lời xin lỗi đã không nhắm đúng cái lỗi của Nghị, lại còn khiến người phóng viên đăng lời xin lỗi trên báo phải khúm núm xin lỗi lại, vì lở miệng nói sớm lời không nên nói, khi đi trên cái lề đường bên phải của Bộ trưởng Lê Doãn Hợp.

Cầu Cần Thơ sập ngày 26-9-2007

Cả Thủ đô Hà Nội chìm trong biển nước 5 ngày [2-11-2008]

Sao vậy? Vì kể từ khi cướp công kháng chiến chống Pháp của toàn dân, để Hồ Chí Minh và bè lũ đi theo Cộng sản nhuộm đỏ cả nước bằng bạo lực và lừa đảo, chẳng những đảng viên cán bộ Cộng sản hàng hàng lớp lớp không được học, mà cũng không được giáo dục cho nên người lương thiện, biết trọng dân bản, mà còn theo Nga theo Tàu áp đặt chánh sách “ngu dân” lên người dân Miền Bắc, rồi toàn dân cả nước từ ngày Quốc nạn 30-4-1975, làm băng hoại nhiều thế hệ dân tộc, đẩy văn hóa vào chỗ mánh mung, vô liêm sỉ, đến độ người cầm quyền không còn biết làm gì khác hơn là cố bám quyền lực để tự tung tự tác, tệ hại hơn loài thú, tệ hại đến độ đua nhau mua quan bán tước, bất kể lầm than của toàn dân cả nước, đua nhau mua bằng tiến sĩ giả, có kẻ học chưa hết tiểu học đã có bằng tiến sĩ, rồi cho lịnh tạc vô số bia tiến sĩ để mong được lưu danh hậu thế như các tiến sĩ thiệt thời vua quan nhiều đời trước, khiến dân gian phải sửa câu nói:

Trăm năm bia đá cũng mòn;

Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.

Trở thành câu ca dao “tếu” đến lạnh người:

Trăm năm bia đá cũng mòn;

Bia chai cũng bể chỉ còn bia ôm.

Cho hậu thế lưu danh “tiến sĩ” thời đại “đồ đểu” của các quan viên Cộng sản Việt Nam chỉ biết trị dân bằng cách làm “áp phe” và ký công văn trong quán bia ôm cho “thoải mái”.

Ðất nước Việt Nam bất hạnh vì có cấp lãnh đạo đã vô học lại còn vô giáo dục. Từ đó, để nhận thức rõ hơn tầm giáo dục đối với tương lai con người và Tổ Quốc, nền giáo dục dân bản cho Tổ Quốc Việt Nam, nhơn mùa Giỗ cố Giáo sư Nguyễn Văn Bông, Ba cho đăng lại đây bài “Giáo Dục Công Dân” được tác giả viết trước ngày bị Việt cộng thảm sát [10-11-2008], trích trong cuốn DI CẢO Giáo sư Nguyễn Văn Bông tái bản, sẽ được các cựu sinh viên Học viện Quốc gia Hành chánh tổ chức ra mắt tại Nam California ngày 13-12-2008 tới đây, để con suy nghiệm; và xin được xem như nén nhang quý thắp lên tưởng niệm Người Thầy lỗi lạc, người con yêu của Tổ Quốc Việt Nam,.

Giáo Dục Công Dân

Chánh trị thường có tiếng không tốt. Vì đó mà mọi vấn đề liên quan đến chánh trị đều không tốt cả. Và cũng vì đó mà nhiều người hay phản đối rằng hành vi của mình có tánh cách chánh trị. Trong khi đó chánh trị là tất cả, là trọng tâm của mọi sinh hoạt con người. Vấn đề đặt ra là làm sao khêu gợi cho công dân ý thức được sự hiện hữu của cuộc sinh hoạt công cộng và tầm quan trọng của chánh trị trong việc chuyển hướng quốc gia.

Giáo dục công dân là một trong những nhiệm vụ thiết yếu của chánh đảng như chúng ta đã thấy khi bàn về vai trò của các tổ chức này. Giáo dục công dân cũng là một vấn đề được chánh phủ lưu tâm khi bắt buộc học sinh học môn gọi là CÔNG DÂN GIÁO DỤC. Quan niệm đúng nhưng kết quả lại không được nhiều, vì trong thực tế người ta đã làm sai lạc hướng đi của Công Dân Giáo Dục. Thật vậy, trong môn Công Dân Giáo Dục, người ta chú trọng quá nhiều đến những giá trị tinh thần, luân lý, đến bản chất chung cho tất cả công dân, đến trạng thái nhứt trí của toàn dân, của quốc gia, dân tộc. Quá lý tưởng! Trái lại, cuộc sinh hoạt chánh trị dựa trên những bất đồng, dị biệt, trên sự hòa giải những mâu thuẫn không thể tránh. Chánh trị bắt buộc phải dựa trên một sự chọn lựa có thể chấp nhận được cho một số đông người giữa những giải pháp có thể được. Chính cái tính cách đa nguyên ấy và tính cách tương đối của nhận thức chánh trị cần phải được nhấn mạnh.

Hơn nữa, trong xã hội ngày nay, chánh quyền khi đề cập đến Công Dân, thường chỉ nghĩ đến nghĩa vụ, nào là bổn phận tuân hành luật lệ, nào là hy sinh cho Tổ Quốc, cho tương lai dân tộc. Và kinh nghiệm cho biết rằng trong những phút nguy biến, khi chánh thể dân chủ trải qua cơn khủng hoảng, chánh quyền hay dùng tới danh từ Công Dân với khía cạnh nghĩa vụ mà thôi. Chúng ta không chối cãi rằng nghĩa vụ là đức tánh quan trọng của công dân, nhưng khi đề cập đến công dân chúng ta không nên quên khía cạnh tham gia. Hô hào, kêu gọi lòng ái quốc, sự hy sinh của công dân mà không gợi cho họ một giá trị chánh trị nào, không gợi cho họ một cuộc thực hiện những mục tiêu nhứt định, mà lại chỉ muốn nhấn mạnh đến nguyên tắc tinh thần, làm như thế là một khuyết điểm. Hô hào, kêu gọi sự tham gia của công dân không những chỉ nhắm nghĩa vụ mà đồng thời phải chú trọng đến công việc đem lại cho công dân một niềm tin, một ý nghĩa và một tinh thần trách nhiệm.

Nếu không ý thức tầm quan trọng của chánh trị thực tiễn, nếu không nắm vững ý nghĩa thực sự của hành động chánh trị, công dân không dự vào việc quyết định vận mạng quốc gia và chỉ còn là một yếu tố, một đơn vị, ít nhiều thụ động của một guồng máy độc đoán dùng họ mà thôi.

Nguyễn Văn Bông

(Trích Nhựt báo Cấp Tiến ngày 23-4-1970)

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 850 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 541
Khách: 541
Thành Viên: 0