Chủ Nhật, 2025-01-12, 7:58 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 5 » Phản ứng của bị cáo và nhân chứng trước ngày xét xử giáo dân Thái Hà
8:49 AM
Phản ứng của bị cáo và nhân chứng trước ngày xét xử giáo dân Thái Hà
2008-12-04

Ngày 26/11/2008, Tòa án Nhân dân quận Đống Đa đã ra thông báo thay đổi thời gian khai mạc phiên tòa xét xử 8 giáo dân liên quan đến vụ việc giáo xứ Thái Hà.

Photo: Vietcatholic.

Parishioners pray at Thai Ha parish in Hanoi.

Thay vì ngày 05/12/2008 theo quyết định trước đây, nay Tòa đã quyết định khai mạc phiên tòa xét xử các giáo dân vào lúc 8 giờ sáng ngày 08/12/2008, tại Ủy ban Nhân dân phường Ô Chợ Dừa, số 55 đường Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội.

Trong thời gian chờ đợi đến ngày xét xử, dư luận trong nước cũng như quốc tế đặc biệt quan tâm đến vụ này.

Đề nghị được tham dự

Linh mục Nam Phong, thuộc giáo xứ Thái Hà phát biểu:

“Từ lúc vụ việc Thái Hà xảy ra, chúng tôi rất bức xúc về cách hành xử của chính quyền. Họ không tôn trọng pháp luật. chúng tôi phản đối kịch liệt việc xét xử bất công này và tôi cầu mong làm sao cho vụ án thực sự được công bằng, công minh để giải oan cho giáo dân chúng tôi. Xin tất cả hiệp ý cùng chúng tôi để cầu nguyện cho 8 bị can được bình an được can đảm để làm chứng cho đức tin và công lý”.

Chúng tôi phản đối kịch liệt việc xét xử bất công này và tôi cầu mong làm sao cho vụ án thực sự được công bằng, công minh để giải oan cho giáo dân chúng tôi.

LM Nam Phong

Trả lời câu hỏi tại sao trên trang nhà của Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) có đăng tờ đơn “đề nghị được tham dự phiên tòa" với một vụ xét xử công khai, linh mục Nam Phong giải thích:

“Về mặt nguyên tắc pháp luật thì việc xét xử công khai là mọi người được phép tham dự nhưng một số giáo dân đến yêu cầu được tham dự thì họ không cho. Họ nói phải có đơn cho nên chúng tôi phải làm đơn để xin tham dự, nhưng chúng tôi cũng tin rằng họ sẽ không cho tham dự. Xưa nay nó như vậy rồi, về mặt luật thì người ta nói như vậy nhưng trên thực tế thì không phải như vậy.  Còn chúng tôi thì chắc chắn là sẽ tham dự phiên tòa bởi vì đó là quyền của chúng tôi, là quyền của mọi người”

Các tội trạng

Về 2 tội trạng mà những bị cáo đang bị truy tố là phá rối trật tự công cộng và phá hoại tài sản quốc gia thì ông Thông, chồng của bà Ngô thị Dung, là một trong 2 bị cáo, hiện đang bị giam tại Hỏa Lò, nói rằng, với lực lượng cảnh sát hùng hậu trong ngày 15 tháng 8, là ngày Lễ Đức Bà Lên Trời, thì làm sao giáo dân có thể phá rối trật tự được:

thaiha_09242008-305.jpg
Xã hội đen đập phá khu linh địa Đức Bà, Đền Thánh Giêrađô trước sự chứng kiến của lực luợng công an, cảnh sát cơ động. Photo courtesy of DCCT
“Cảnh sát thì cả chìm cả nổi  cũng có trăm hai hay trăm ba (120 hay 130) người, nhưng việc mình làm thì họ cứ để yên cho mình làm thôi. Nếu như gây rối trật tự thì họ sẽ lập biên bản, sẽ gô cổ ngay, chứ làm sao mà họ để yên cho mình làm như thế được. Nếu mình gây mất trật tự thì cảnh sát 113 sẽ tới, họ sẽ lập biên bản, bắt người ngay lập tức, chứ không để sự vụ kéo dài như thế được .

Đất của giáo hội, giấy tờ mình có. Đất của mình thì mình không có hủy hoại tài sản của nhà nước.  Mình không gây rối, không gây mất trật tự nơi công cộng mà chỉ cầu nguyện.”

Giáo dân Nguyễn Xuân Diệu, người đã có mặt tại Linh địa Đức Bà ngày hôm đó, chia sẻ quan niệm:

“Nếu chúng tôi làm cái việc mang tính bạo động thì lúc bấy giờ có lẽ là có đến vài trăm công an và cán bộ nhà nước ở đấy, cũng không để chúng tôi làm cái việc đó mà họ đã sẵn sàng bắt chúng tôi ngay chứ không bao giờ họ lại để yên cho chúng tôi làm như thế.

Ở đây không phải tài sản quốc gia, kể cả bức tường mà chúng tôi đập thì cũng là tường của chúng tôi đã xây từ xưa. Tài sản này là tài sản của Giáo hội Công Giáo Việt Nam, mà của Dòng Chúa Cứu Thế, người Canada đã mua để xây dựng nhà thờ chứ không phải tài sản quốc gia.”

Bà Lê thị Hợi, một bị cáo đang được tại ngoại cho biết, trong khi bị giam tại Hỏa Lò bà  bị bắt buộc phải nhận là bà đã hành động sai. Bà kể lại:

“…Cứ nói mãi nói mãi, dằn co đúng sai nên tôi bảo: Nếu không có đất của giáo hội thì không bao giờ tôi phá bức tường này để vào. Vì đất của giáo hội cho nên chúng tôi mới đẩy cái bức tường này để vào cầu nguyện cho nó tiện. Thế mà họ cứ ép mãi, nói mãi, họ bảo tôi: Bà phải nhận cái sai của bà, là bà phá bức tường này đi là sai.

Thế là cuối cùng tôi phải nhận là: Vâng, thế là tôi đập cái bức tường là sai, nhưng mà nếu không có cái đất của giáo hội thì tôi không bao giờ tôi phá cái bức tường đó.  Những người nào nhận sai thì được tại ngoại còn mấy người không nhận sai thì vẫn bị nhốt. Bà Dung và bà Nhi giờ này vẫn còn ở Hoả Lò”.

Bà Hợi phân trần về sự vô lý của nhà nước khi truy tố giáo dân ra tòa:

Xin tất cả mọi người cầu nguyện cho 8 người bị nạn chúng tôi được mọi sự bình an, được công bằng công lý và sự thực làm đúng công minh chính trực cho chúng tôi.

Bà Lê thị Hợi

“Nếu mà đất của giáo hội họ vẫn để như cũ, bức tường chúng tôi phá họ vẫn để nguyên và họ xây tiếp vào thì tôi mới thấy là mình phạm lỗi chứ bây giờ đã phá hết cả đi rồi, đất của giáo hội thì lại thành công viên mà vẫn còn đưa chúng tôi ra truy tố thì truy tố cái tội gì ? Tường thì phá hết, đất thì làm công viên mà vẫn truy tố chúng tôi thì không biết truy tố cái tội gì”

Cầu nguyện và Hy vọng

Bị cáo Lê thị Hợi mong mỏi được mọi người hiệp thông cầu nguyện:

“Xin tất cả mọi người cầu nguyện cho 8 người bị nạn chúng tôi được mọi sự bình an, được công bằng công lý và sự thực làm đúng công minh chính trực cho chúng tôi”.

Ông Lân, chồng của bị cáo Lê Thị Hợi nói rằng:

“Qui về vợ tôi là bà Hợi tội phá hủy tài sản nhà nưóc thì tôi hoàn toàn không công nhận. Bức tường đó là tường của chúng tôi xây đã từ lâu rồi. Chúng tôi lúc ấy chỉ phá ra để vừa đi vào thôi, thế rồi sau này nhiều người nữa tiếp tục. Họ cứ lấn tới để mở rộng ra, chứ không phải là chỉ có mấy người này.

Còn điều thứ 2 là gây rối trật tự công cộng thì tôi hoàn toàn bác bỏ việc này. Hôm 15 tháng 8 công an đứng đấy rất đông, không hề can ngăn và chúng tôi cho rằng họ ủng hộ chúng tôi để chống tham nhũng, thế mà sau đó cuối cùng lại quay ngoắc lại bắt chúng tôi là có tội.

Thì tôi thấy có một điều gì đó ẩn ở bên trong việc này. Giáo dân chúng tôi và giáo xứ chúng tôi và mọi người cầu nguyện để cho công lý, công bằng hiện diện trên quê hương của chúng tôi . Xin cầu nguyện cho chúng tôi.”

Chỉ còn vài ngày nữa là phiên tòa xét xử 8 giáo dân Thái Hà, nhiều nơi trên thế giới đã có những buổi hiệp thông cầu nguyện cho họ, Riêng tại Sàigòn, vào chiều Chủ Nhật 30.11.2008, trong Thánh Lễ đặc biệt cầu nguyện cho 8 giáo dân Thái Hà tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, linh mục chủ tế đã nói:

“Không phải chỉ có 8 anh chị em bị cáo đó đâu, mà những người khác cũng là bị cáo, có các cha dòng Chúa Cứu Thế, có các anh chị em, có chúng ta đây. Thành ra trong thánh lễ này, chúng ta hòa mình với các bị cáo, chúng ta ngồi chung vói họ. Có thể chúng ta là những người, bị cho là phá rối trật tự vì chúng ta cầu nguyện như thế này. Chúng ta có thể bị người ta cho rằng chúng ta phá hoại những tài sản của Giáo Hội đã trở thành tài sản của Xã hội Chủ nghĩa …”

(Hiền Vy, thông tín viên RFA)

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 829 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0