Thứ Năm, 2025-01-23, 10:58 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 5 » Mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đầy đe dọa (1991 – 2009)
8:51 AM
Mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đầy đe dọa (1991 – 2009)


Trần Bình Nam

Khi nội lực của dân tộc đã được triển khai, trước hết Trung Quốc phải e dè ... Có nội lực Việt Nam cũng không sợ ai sẽ bỏ mình… Lương tri và trách nhiệm của những người lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam không bùng dậy lúc này thì còn chờ lúc nào?…”

Hội nghị quốc tế nghiên cứu về Việt Nam (International Conference on Vietnamese Studies) lần thứ ba được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 4 đến 7/12/2008. Giáo sư Carlyle A. Thayer thuộc Viện nghiên cứu quốc phòng Úc châu trình bày tài liệu “Cấu trúc quan hệ Việt – Trung 1991-2008” (The Structure of Vietnam – China Relations, 1991-2008) nói về quan hệ Việt – Trung trong thời gian 17 năm, từ khi hai nước tái thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1991 (12 năm sau trận đánh biên giới 1979) cho đến hôm nay (2008).

Mối quan hệ Việt - Trung trong 17 năm qua thường được giới chức Việt Nam và Trung quốc trình bày như một mối quan hệ thắm thiết anh em, mặc dù bên trong sóng gió không ít do việc Trung Quốc muốn chính thức hóa quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc chiếm bằng vũ lực năm 1974) thành đất của mình và lấn chiếm quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Chính quyền cộng sản Việt Nam từ Đại hội đảng lần thứ 10 (tháng 4/2006) đã có những cố gắng phát huy nội lực (tối tân hóa quân đội, nhất là hải quân) và sáng kiến ngoại vận (xích lại gần Hoa Kỳ, Ấn độ, Liên bang Nga – nhất là Hoa Kỳ), để tạo thế duy trì chủ quyền cố hữu của mình trên biển Đông. Tuy nhiên các nỗ lực của Việt Nam khai thác dầu khí trong vùng biển Đông với các nước Anh (hãng dầu BP, tháng 3/2007), Hoa Kỳ (hãng dầu ExxonMobil, tháng 7/2008) đều bị Trung Quốc làm khó dễ (1). Kết quả BP phải tạm ngưng khế ước dò tìm dầu khí với Việt Nam chờ sự tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc ngã ngũ. Và thông tin mới nhất cho biết công ty ExxonMobil cũng lặng lẽ rút lui khỏi giao kèo với công ty dầu khí quốc doanh PetroVietnam (2) & (3) để khỏi thiệt thòi quyền lợi trong việc làm ăn với Trung Quốc tại các nơi khác.

Tài liệu “Cấu trúc quan hệ Việt – Trung 1991-2008” (34 trang) của giáo sư Carlyle Thayer ngoài phần đầu khá dài có tính tài liệu, liệt kê đầy đủ các cuộc trao đổi và thăm viếng giữa hai nước, và các nỗ lực của Trung Quốc thông qua các nước trong khối Asean để làm cho Việt Nam lúng túng, phần còn lại giáo sư Carlyle Thayer đã trình bày một cách cụ thể thực chất của sự căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Trong bối cảnh Việt Nam đang bị Trung Quốc chèn ép, việc giáo sư Carlyle Thayer trình bày công trình nghiên cứu của ông tại Hà Nội trước một cử tọa có trách nhiệm về an ninh và quốc phòng Việt Nam là một điều có ý nghĩa. Không ai có thể không ưu tư trước những thông tin này. Và những người lạc quan nhất trong đảng cộng sản Việt Nam cũng không thể không tự đặt lại vấn đề để thấy rằng chính sách của Trung Quốc là một mối nguy cho sự sinh tồn của Việt Nam.

Theo giáo sư Carlyle Thayer, Trung Quốc không những đang ngăn trở Việt Nam khai thác tài nguyên tại biển Đông, Trung Quốc còn dùng vị trí thượng nguồn của mình trên sông Cửu Long để ngầm đe dọa kho lúa gạo của Việt Nam trong đồng bằng sông Cửu Long nếu Việt Nam không ngoan ngoãn.

Có hai tổ chức quốc tế khai thác sông Cửu Long. Tổ chức thứ nhất gọi là Greater Mekong Subregion (GMS) do Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) thành lập năm 1992 với mục đích phối hợp khai thác kinh tế sông Cửu Long gồm các nước ven bờ Cửu Long như Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam (nhưng Trung Quốc không chính thức là thành viên chỉ để cho vùng tự trị Vân Nam và Quảng Tây tham dự). Tổ chức thứ hai thành lập năm 1957 với tên gọi đầu tiên là Mekong Committee gồm 4 nước Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam (Trung Quốc và Miến Điện không tham dự) và sau nhiều lần tái tổ chức vì tình hình chính trị tại Cam Bốt cho đến năm 1995 có tên mới là Mekong River Commission (MRC) có nhiệm vụ nghiên cứu ảnh hưởng môi sinh của các kế hoạch khai thác tài nguyên sông Cửu Long của từng nước. Trung Quốc cố tình không tham dự hai tổ chức GMS và MRC để khỏi phải trả lời các than phiền của các quốc gia khác trước các kế hoạch kinh tế Cửu Long của Trung Quốc có ảnh hưởng xấu đến môi sinh của các nước khác.

Trung Quốc đã cho xây nhiều đập sản xuất điện lực trên thượng nguồn sông Cửu Long và tổ chức MRC đã lưu ý Trung Quốc ảnh hưởng đến dòng nước hạ nguồn, nhưng Trung Quốc cho rằng hai vấn đề phát triển kinh tế và môi trường liên quan đến Cửu Long không thể cột vào nhau (3).

Thái độ thiếu hợp tác của Trung Quốc làm cho các nước trong GMS không thể vạch kế hoạch kinh tế liên quan đến Cửu Long nhất là kế hoạch phát triển nông nghiệp trong đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam vì thượng dòng Cửu Long bị Trung Quốc kiểm soát bởi các đập nước làm Việt Nam mất khả năng trị thủy. Việt Nam không có một diễn đàn nào để nói lên thế kẹt của mình. Qua MRC thì Trung Quốc nói Trung Quốc không là thành viên. Qua GMS thì đại diện hai vùng tự trị Vân Nam và Quảng Tây nói tổ chức GMS không có trách nhiệm bàn về môi sinh. Trung Quốc đã cắn răng ngoãnh mặt làm ngơ không áp dụng nguyên tắc “môi hỡ răng lạnh” đối với Việt Nam trong trường hợp này!

Tranh chấp biển Đông gay go hơn. Cuối năm 2004 sau khi Việt Nam cho biết có ký giao kèo khai thác dầu khí với một vài công ty nước ngoài, bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc đã vội vàng lên tiếng phản đối (3). Tháng 3/2005 Trung Quốc nói các thuyền đánh cá của họ bị [một bọn cướp biển] người Việt Nam tấn công trong vùng Trường Sa. Hai tháng sau họ trả đũa bằng cách đánh đắm một tàu chở hàng của Việt Nam ngoài khơi Thượng Hải.

Một hội nghị chuyên viên để giải quyết các bất đồng trên biển Đông triệu tập trong tháng 11/2005 cũng chỉ tạo thêm bất hoà. Trung Quốc nhất định không chịu bàn về Hoàng Sa mà chỉ giới hạn bàn về Trường Sa (3) với nghị trình xác định xem vùng nước và thềm lục địa nào thuộc Trung Quốc.

Tháng 4/2006, đại hội 10 của đảng cộng sản Việt Nam thông qua quyết nghị canh tân đất nước, tối tân hoá quân đội để đủ sức bảo vệ tổ quốc. Tháng 1/2007 Hội nghị Trung ương đảng (kỳ 4 khoá 10) thi hành quyết nghị của đại hội 10 chỉ thị thành lập một Ủy ban nghiên cứu, phát thảo kế hoạch dựa vào sự khai thác tài nguyên biển Đông là chính để hoàn tất mục tiêu vào năm 2020. Theo giáo sư Carlyle Thayer vào cuối năm 2007 kế hoạch này đã được hoàn tất nhưng không được đưa ra công khai (3).

Sự việc ExxonMobil đã ngưng giao kèo với PetroVietnam là một việc không mấy khích lệ cho Việt Nam. Khi vụ ExxonMobil xẩy ra, Hoa Kỳ, Việt Nam và công ty ExxonMobil đều có thái độ cứng rắn, nhưng sau cùng Hoa Kỳ đành nhượng bộ Trung Quốc một bước. Hoa Kỳ đang trải qua cơn suy thoái kinh tế và Hoa Kỳ đang cần Trung Quốc giúp đỡ. Để cho sự suy thoái kinh tế (recession) không biến thành khủng hoảng kinh tế (depression), Hoa Kỳ phải chi tiền để cứu (bail out) các công ty đầu tư, các ngân hàng và các cơ sở kinh tế tài chánh. Muốn chi Hoa Kỳ phải phát hành công khố phiếu, và Trung Quốc là quốc gia duy nhất có đủ dự trữ ngoại tệ để mua công khố phiếu của Hoa Kỳ. Với sự suy thoái hiện nay, sức tiêu thụ hàng hóa toàn cầu (nhất là tại Hoa Kỳ) giảm sút, nền kinh tế sản xuất của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng, cho nên việc giúp Hoa Kỳ của Trung Quốc cũng là một cách giúp mình. Tuy nhiên Trung Quốc có một con đường khác để duy trì sức sản xuất trong nước bằng cách đầu tư vào các dự án (nhất là các dự án xây cất) để tạo ra công ăn việc làm và duy trì sức tiêu thụ của dân chúng. Vì vậy Trung Quốc không nhất thiết phải giúp mua công khố phiếu của Hoa Kỳ nếu Hoa Kỳ không làm hài lòng Trung Quốc ở những lĩnh vực trao đổi khác (4). Việt Nam vô tình trở thành nạn nhân của cuộc đổi chác không tên này .

Theo giáo sư Carlyle Thayer, trong tháng 8/2008 có bốn trang Web tư nhân bằng Hoa ngữ lập luận rằng Việt Nam là trở lực chính của Trung Quốc. Và nếu Trung Quốc muốn xác định tư thế nước lớn và ảnh hưởng trong vùng việc đầu tiên Trung Quốc phải làm là chiếm đóng Việt Nam. Các trang Web nói trên còn đưa ra các kế hoạch đánh chiếm Việt Nam sao cho thật gọn nhẹ (3). Việt Nam đã chính thức yêu cầu Trung Quốc ra lệnh rút các trang Web kia xuống, nhưng hình như Trung Quốc làm ngơ cho rằng đó không phải là chủ trương của nhà nước Trung Quốc.

Theo giáo sư Carlyle Thayer các nước trong vùng Á châu Thái Bình Dương có năm đối sách đương đầu với ý đồ bành trướng của Trung Quốc (3). Thứ nhất là đối kháng (balancing), thứ hai là đánh nhiều mặt (hedging), thứ ba là đứng về phiá kẻ mạnh (bandwagoning), thứ tư là ngoại giao (engagement), và sau cùng là mê hồn trận ngoại giao quốc tế (omni-enmeshment).

Đối kháng có hai hình thức, hoặc liên minh với các quốc gia đồng quyền lợi để cùng chống Trung Quốc, hoặc phát huy nội lực mà chính yếu là huy động sức dân và canh tân quân đội. Đánh nhiều mặt gồm áp dụng nhiều giải pháp cùng một lúc, thí dụ vừa ngoại giao mềm dẽo, vừa cứng rắn. Đứng về phiá kẻ mạnh là phương án làm vui lòng kẻ mạnh để mua lợi ích kinh tế và giảm áp lực. Phương án ngoại giao tự danh từ đã giải thích. Và mê hồn trận là phương pháp dùng ngoại giao lắt léo, nhiều mặt, nhiều đường để đưa kẻ địch vào sự ràng buộc của luật lệ quốc tế.

Kế sách đáp ứng của Việt Nam trước áp lực của Trung Quốc cho đến nay không có gì rõ ràng. Hình như Việt Nam đang thử phương án đánh nhiều mặt, và đưa Trung Quốc vào mê hồn trận ngoại giao quốc tế. Tháng 12/2007 sau khi Trung Quốc cho thành lập thành phố Tam Sa, Hà Nội cho phép thanh niên sinh viên biểu tình hai lần, sau đó cấm cản. Mặt khác mới đây các nhân vật lãnh đạo cao cấp của Việt Nam chia nhau đi “xoa diụ” và “cầu viện”. Cuối tháng 5/2008 Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đi Tàu, cuối tháng 6/2008 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi Mỹ, tháng 10/2008 thủ tướng Dũng lại đi Tàu, đồng thời Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đi Nga. Trên mặt mê hồn trận, Việt Nam thường nhắc nhỡ đến luật biển, viện dẫn Thỏa ước về sự ứng xử trên biển Đông (5), và cảnh gíác Trung Quốc rằng Việt Nam có thể đưa vấn đề tranh chấp biển Đông ra Liên hiệp quốc và Toà án quốc tế (6).

Việt Nam cũng không quên phương án đối kháng, như chỉ thị canh tân quân đội, và gần đây nhất đã huy động một cuộc “biểu tình trên mạng” bằng cách cho phép VietnamNet (một mạng điện tử của nhà nước) đăng tải hằng lọat lời ủng hộ của mọi tầng lớp quần chúng ủng hộ lập trường “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam” của chính phủ và phản đối gay gắt quyết định của Trung Quốc cho tập đoàn dầu khí quốc doanh Cnooc Ltd. (China National Offshore Corporation) dò tìm và khai thác dầu khí trong vùng tranh chấp tại Trường Sa (7).

Liên minh với Hoa Kỳ để bảo vệ nguồn dầu khí tại biển Đông và sự tự do lưu thông của tàu thuyền cũng là một phần của phương án đối kháng, nhưng như đã nói ở trên Hoa Kỳ đang ở một thời điểm khó khăn để mạnh tay giúp Việt Nam.

Tình hình chung cho thấy Việt Nam đang lâm nguy. Các phương án thoát hiểm hữu hiệu rất ít và Việt Nam cũng không còn nhiều thì giờ.

Tuy nhiên lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam cho thấy Việt Nam có thể thoát hiểm nếu người cầm quyền (bất cứ là vua thay trời trị dân hay một đảng độc tài) biết đoàn kết toàn dân để huy động nội lực của dân tộc. Đảng cộng sản Việt Nam đang lãnh đạo quốc gia. Bề ngoài Việt Nam có vẻ phát triển và ổn định, nhưng thực tế Việt Nam là một quốc gia rã rời thiếu nội lực. Sức mạnh của dân tộc không hội tụ lại được dưới sự cai trị độc tài của đảng cộng sản Việt Nam. “Biểu tình trên mạng” không tạo ra sức mạnh và chẳng dọa được ai!

Đảng cộng sản Việt Nam đang nắm ưu thế chính trị tại Việt Nam và có đủ điều kiện để cứu nước nếu đảng cộng sản Việt Nam quyết định cởi bỏ chế độ độc tài, dân chủ hoá đất nước để mọi tầng lớp nhân dân, qua một chế độ chính trị đa nguyên, được đóng góp ý kiến và sức lực bảo vệ tổ quốc.

Khi nội lực của dân tộc đã được triển khai, trước hết Trung Quốc phải e dè vì họ là người biết nhìn lại lịch sử. Họ sẽ không quên Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa … Và thế giới - chủ yếu là Hoa Kỳ - sẽ tin tưởng để bạo dạn hơn trong chương trình liên minh với Việt Nam để bảo vệ quyền lợi kinh tế và chiến lược chung. Có nội lực Việt Nam cũng không sợ ai sẽ bỏ mình.

Trong bối cảnh hiện nay, cuộc hội thảo quốc tế về quan hệ Việt - Trung tại Hà Nội từ ngày 4 đến 7/12/2008 với những thông tin có tính cảnh giác trong bản thuyết trình của giáo sư Carlyle Thayer đến thật đúng lúc .

Lương tri và trách nhiệm của những người lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam không bùng dậy lúc này thì còn chờ lúc nào? (8)

Trần Bình Nam
04/12/2008


(1) Báo South China Morning Post ngày 20/7/08 phát hành tại Hồng Kông: Trung Quốc đã áp lực công ty ExxonMobil của Hoa Kỳ rút ra khỏi thỏa thuận dò tìm và khai thác dầu khí trong biển Đông ExxxonMobil vừa ký với công ty quốc doanh PetroVietnam.
(2) Roger Mitton, “China-Vietnam ties remain more sour than sweet”. Asia Sentinel Consulting, 14/11/08,
(3) Carlyle Thayer, “The Structure of Vietnam-China Relations, 1991-2008”, tham luận khoa học tại Hội nghị Việt học quốc tế lần III (International Conference on Vietnamese Studies), Hà Nội, 4-7/12/2008
(4) Theo Fareed Zakaria, “A Path Out of the Woods”, Newsweek, 01/12/2008
(5) “Thỏa ước về cung cách hành xử và giải quyết các tranh chấp trên biển Đông” (Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea – DOC) khối Asean ký với Trung Quốc năm 2002.
(6) Phỏng vấn ông Lê Công Phụng, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ ngày 23/9/2008 của nhà báo Lý Kiến Trúc, Tạp chí Văn Hóa số 132
(7) Theo bản tin Đài Á Châu Tự Do (RFA), ngày 1/12/2008
(8) Tài liệu tham khảo:
“Việt Nam trên đe dưới búa” (6/2008)
“Trung Quốc khiêu khích Hoa Kỳ” (7/2008)
“Đài RFA phỏng vấn Trần Bình Nam về vụ ExxonMobil” (7/2008)
“Trung Quốc muốn dạy Việt Nam một bài học” (8/2008)
“RFA phỏng vấn về tranh chấp biển Đông” (8/2008)
“Chuyến công du Trung Quốc gian nan của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (10/2008)
Category: Chính trị | Views: 853 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 13
Khách: 13
Thành Viên: 0