Thứ Năm, 2024-11-21, 6:32 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 5 » Văn hóa “cuốc đất”
8:52 AM
Văn hóa “cuốc đất”


Trung Hiếu

“…bên cạnh những thách thức về môi trường, người nông dân có nguy cơ chỉ biết đứng nhìn người ngoại quốc, các sếp, thương nhân và giới thượng lưu Việt Nam “cuốc đất”…”

Mới đây, trong dịp ra Hà Nội thăm một số bạn bè, Trung Hiếu có điều kiện hiểu thêm sự tinh túy, độc đáo vốn có của người thủ đô trong sử dụng ngôn từ. Một trong số những ngôn từ tinh túy đó, trước hết phải nói đến “cuốc đất”. Cuốc đất ư? chuyện nhỏ, thường nhật của nông dân, có gì là cao siêu mà phải bàn, với luận?

Không nhỏ đâu, “cuốc đất” tinh túy và văn hóa lắm. Chuyện được bắt đầu khi Trung Hiếu thăm một người bạn hiện đang là sếp một cơ quan trung ương ở Hà Nội. Nói là bạn, chứ người này kém Trung Hiếu những 10 tuổi, là dân tỉnh, nhưng đã có hộ khẩu Hà Nội từ lâu lắm rồi. Để gây bất ngờ, không ảnh hưởng đến công việc của bạn, Trung Hiếu quyết định chọn cuối giờ trưa Thứ Sáu ghé thăm, sau đó kéo nhau đi “bù khú” (trong Nam gọi là “lai rai”) luôn. Công chức Hà Nội từ lâu có thói quen đãi bạn buổi trưa. Buổi chiều, họ được vợ giao nhiệm vụ đón con. Buổi tối, đối với họ khó khăn lắm, nếu không vẽ được lý do rõ ràng, vợ sẽ không cấp quota. Thế nhưng, điều bất ngờ đã xảy ra, khi tôi đến thì bạn đã rời cơ quan trước đó một tiếng. Mặc dù nghe cô lễ tân nói rất rõ ràng: Sếp đã đi “cuốc đất” cách đây một giờ, nhưng tôi không tin, gặng hỏi cụ thể địa chỉ bạn đến. Nhưng khi nghe cô ấy nói sếp đi “cuốc đất” xa lắm, tôi thật sự thất vọng. Buồn quá, tôi quyết định gọi điện cho một số bạn về hưu, nhưng nay là giám đốc doanh nghiệp tư nhân “nhâm nhi” bia hơi cho mát ruột.

Sau phần chào hỏi thắm thiết, cụng ly tưng bừng với người bạn từ miền Nam lâu ngày gặp lại, các bạn tôi chuyển sang đề tài “cuốc đất”. Bạn này hỏi bạn kia hôm qua “cuốc” được bao nhiêu “lỗ”, khiến tôi giật mình. Lại là chuyện “cuốc đất”? Hà Nội dạo này sao nhiều người cuốc đất thế không biết, tôi thầm nghĩ như vậy và ngồi yên lắng nghe các bạn say sưa nói chuyện sắm “cuốc” ở đâu thì tốt, vị nào “cuốc” giỏi nhất,… Sự yên lặng của tôi nhanh chóng bị xua tan, khi các bạn quay sang hỏi tôi có đi “cuốc đất” không? Rồi các bạn oà lên cười, khi nghe tôi trả lời nhà chung cư làm gì có đất mà cuốc, có chăng chỉ đi mua đất về trồng rau sạch và cây kiểng.

“Cuốc đất” là đi chơi gốp (golf), tôi giật bắn người, “quê một cục” khi nghe các bạn giải thích. Sau khi bừng tỉnh, tôi khen ai phóng tác ra từ “cuốc đất” hay quá, càng nghĩ càng thấy hay. Mặc dù tham gia “cuốc đất” cũng được ngót nghét một năm, nhưng các bạn của tôi không biết ngôn từ xuất phát từ giới nào, ở Thủ đô hay vùng quê. Có người nói, số bà con nông dân bị giải toả đất làm dự án sân golf, sau khi tận mắt xem các VIP chơi golf đã bình dân hóa môn thể thao qúy tộc này bằng từ “cuốc đất” để tự an ủi mình. Cũng có người cho rằng, ngôn từ này bắt đầu từ nhân viên khi bàn tán với nhau việc sếp mình đi chơi golf, vì thâm thúy và văn hóa quá nên nhanh chónh thành phổ cập ở Hà thành. Thậm chí, nhân viên còn bình thêm, các sếp lớn lên từ nông thôn, việc đi “cuốc đất” dễ ẹc, chỉ khó là khâu giải ngân của cánh kế toán mà thôi (!)

Thế đấy, lâu ngày gặp lại nhau, Trung Hiếu rất vui vì các bạn có cuộc sống chất lượng cao, có điều kiện để trở về với thiên nhiên trong lành, được đi “cuốc đất”. Trung Hiếu rời Hà Nội trong tâm trạng lúc nào cũng nhớ đến hai chữ “cuốc đất”, thầm khen người đã phóng tác ra ngôn từ dân giã này để đề cao công việc thường nhật của người nông dân với môn thể thao độc đáo chỉ giành riêng cho du khách ngoại quốc; các sếp, giới thương gia, tầng lớp qúy tộc đang hình thành tại Việt Nam. Họ có thể là nông dân nơi miền quê vừa mới hiến đất làm dự án golf, được tận mắt nhìn thấy người ngoại quốc; các sếp, thương nhân Việt Nam chơi golf. Cũng rất có thể, họ là viên chức tại Thủ đô và các đô thị phía Bắc xuất thân từ nông thôn, đã trực tiếp hoặc nhìn thấy người nông dân lam lũ chuyện đồng áng với cái cày, cây cuốc trên tay. Ruộng đất, cày, cuốc muôn đời nay gắn bó với người nông dân Bắc bộ, nay đang bị thu hẹp bởi các dự án công nghiệp, nhà máy và đặc biệt là các dự án sân golf.

Trong lúc, các khu công nghiệp hiện đại mọc lên, thu hút hàng ngàn lao động, phần lớn là con em nông dân, bộ mặt nông thôn Bắc bộ nói riêng và cả nước nói chung thay đổi hàng ngày; thì các dự án sân golf đang là “nỗi ám ảnh” của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nông dân trong thời gian gần đây đúng như Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiếu (Đại học tổng hợp London) đã viết trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 20/6/2008, mà Trung Hiếu đã đọc trước đây. Theo bài báo, mười năm gần đây, các sân golf ở VN nở rộ. Với trên 60 sân golf đã đi vào hoạt động, các tỉnh vẫn muốn tiếp tục thu hút đầu tư vào các dự án sân golf mới. Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài nguyên - môi trường, cả nước sẽ có tới 123 sân golf sử dụng trên 38.000ha đất. Từ Hà Nội, Hà Tây, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc cho đến Đà Nẵng, Lâm Đồng, Nha Trang, Phan Rang, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ... đâu đâu cũng có sân golf. Quanh Hà Nội đã và đang xây dựng bảy sân, đồng bằng Bắc bộ sẽ có tới 25 sân, Nam Trung bộ hàng chục sân. Đáng chú ý là phần lớn sân golf ở VN không xây trên các đồi cát ven biển hay đồi dốc cằn cỗi không canh tác được mà tọa lạc trên những khu vực nhiều nước, vẫn canh tác được và có cảnh quan đẹp. Thậm chí, vì thấy cái lợi trước mắt, lãnh đạo tỉnh Long An, giáp thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến cấp phép hàng chục dự án sân golf. Khi được Chính phủ yêu cầu giải trình, lãnh đạo tỉnh này cho biết mới chỉ cấp phép 03 dự án (!).

Chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần nông nghiệp trong những năm qua của Chính phủ Việt Nam đã được các tầng lớp nông dân ủng hộ, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Trong thời kì cận và hiện đại Việt Nam, tầng lớp nông dân luôn luôn là lực lượng đóng góp đáng kể, có ý nghĩa quyết định. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi đó, nhiều bất cập đã xảy ra với nông dân, tình trạng khiếu kiện kéo dài, nhiều vấn đề xã hội phức tạp phát sinh chưa giải quyết dứt điểm được.

Người nông dân Việt Nam đã bao đời nay gắn bó với đồng ruộng, với làng xã, quen việc đồng áng với cái cày, cây cuốc. Vì vậy, ngoài giá đền bù, Chính quyền và những nhà hoạch định kinh tế cần xem xét đến nét văn hóa này. Nếu duy ý chí, cố tình đẩy họ xa rời đồng ruộng bằng những khu tái định cư, bằng những nghề nghiệp khác chắc chắn sẽ thất bại, nông dân tiếp tục khiếu kiện, nhiều vấn đề xã hội phức tạp sẽ phát sinh ở nông thôn. Đã rất có nhiều cuộc họp tìm giải pháp cho nông dân bị thu hồi đất, nhưng chưa có giải pháp nào hợp với nông dân. Chúng ta hãy lắng nghe ý kiến của bà Dương Thị Ruộng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An nêu ra tại cuộc họp giữa các Hội nông dân thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai và Bình Dương do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức ngày 2 tháng 12 vừa qua tại thành phố Hồ Chí Minh: “Nhà nước phải quy hoạch vùng nông thôn để nông dân tự chọn chỗ ở cho mình chứ không nhất thiết phải ép dân vào các khu tái định cư cao tầng”. Cũng xin được nói thêm, nếu không được Chính Phủ khuyến cáo, Long An sẽ là tỉnh có số dự án golf cao nhất nước, đổi tên thành tỉnh Golf (!). Và rất có thể vì cái tên Ruộng nên bà Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Golf này phần nào hiểu được văn hóa “cuốc đất” của nông dân.

Nếu tình trạng đất nông nghiệp bị thu hẹp một cách tùy tiện, trục lợi bằng các dự án golf, thì bên cạnh những thách thức về môi trường, người nông dân có nguy cơ chỉ biết đứng nhìn người ngoại quốc, các sếp, thương nhân và giới thượng lưu Việt Nam “cuốc đất”.

Trung Hiếu

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 830 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 37
Khách: 37
Thành Viên: 0