Thứ Sáu, 2024-03-29, 8:10 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 5 » Doanh nghiệp đói meo, ngân hàng bội thực
8:55 AM
Doanh nghiệp đói meo, ngân hàng bội thực


Quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng đang được ví von với hình ảnh một người ốm đói và kẻ bội thực mà không thể đến được với nhau. Lòng tin phai nhạt khiến "mối tình" bấy lâu giữa hai bên đang rạn nứt.

Thị trường ngân hàng những ngày này đang chứng kiến một cuộc đua ngược về lãi suất. Ba bốn tháng trước, nhà nhà thi nhau đẩy lãi suất huy động lên cao và thiết tha nhờ báo chí công bố thông tin để thu hút khách hàng. Riêng biểu lãi suất cho vay được giữ kín. Hai tháng trở lại đây, khi lãi suất cơ bản bắt đầu đi xuống, ngân hàng lại ráo riết hạ lãi suất cho vay và sốt sắng công bố thông tin, thậm chí muốn mình là người đầu tiên chạm đáy. Biểu lãi suất huy động cũng giảm, nhưng không nhanh bằng lãi suất cho vay mà ngân hàng cũng không tiết lộ.

Trong cuộc đua ngược này, các anh cả quốc doanh tỏ ra nhanh nhẹn nhất, khác hẳn những lần đua tăng lãi suất huy động trước đây. Nếu tính cả quyết định mới công bố chiều nay, 4/12, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã 10 lần hạ lãi suất trong vòng 5 tháng, dù tính toán sẽ giảm doanh thu hàng nghìn tỷ đồng. Nhà băng này thường xuyên cố bố giảm lãi suất sớm nhất, là nơi có lãi suất cho vay thấp nhất thị trường. Kể từ 8/12, lãi suất cho vay ngắn hạn ở nhà băng này thấp nhất là 10%, đúng bằng lãi suất cơ bản vừa được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh. Lãi trung dài hạn được neo theo lãi suất tiết kiệm, nhưng không quá 150% lãi suất cơ bản.

Hai ngân hàng quốc doanh khác là Vietcombank và VietinBank cũng liên tục bám sát BIDV trên đường đua xuống đáy. Lãi suất thấp nhất ở Vietcombank là 10,5% còn VietinBank là 11%. Trong nhóm cổ phần, Liên Việt Bank có lãi suất cho vay ưu đãi 13% một năm.


Ngân hàng than phiền các doanh nghiệp
đang hờ hững với vốn vay. Ảnh: T.A

Bất chấp việc "giảm giá" của ngân hàng, lượng doanh nghiệp đến vay vốn vẫn vắng hoe. Vấn đề chính không nằm ở biểu lãi suất, mà tình hình thị trường, đầu ra cho sản phẩm khiến cả doanh nghiệp xuất khẩu cũng như sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước e ngại.

Ông Phạm Gia Hưng (Hiệp hội dệt may Việt Nam) cho biết nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp trong ngành này rất thấp vì nguồn hàng không ổn định, đơn hàng chập chờn. Nhiều trường hợp không ký được đơn hàng mới, doanh nghiệp dệt may khó khăn và lúng túng với kế hoạch kinh doanh không chỉ hiện nay mà cả năm sau.

"Lãi suất cho vay đang trên đà giảm giúp làm giảm áp lực cho doanh nghiệp, nhưng sẽ ít người nào có ý định tiếp cận vốn vay ngân hàng trong thời điểm này", ông Hưng khẳng định.

Lúc cao điểm tháng 6, tháng 7, lãi suất cho vay của các ngân hàng lên đến 20-21% một năm, song vẫn có một số doanh nghiệp có nhu cầu vay. Thời điểm này đơn hàng vẫn khá dồi dào, mặc dù bị sức ép chi phí đầu vào nặng nề nhưng doanh nghiệp có thể xoay sở được.

"Còn thời điểm này, doanh nghiệp phần lớn chọn cách co cụm, năng lực tới đâu đầu tư đến đó, không dám đẩy mạnh hoạt động, càng không dám mạo hiểm đặt quá nhiều kỳ vọng ở năm tới để mở rộng quy mô công ty, nhà xưởng", Giám đốc một xí nghiệp may xuất khẩu nhìn nhận.

Sự thờ ơ của doanh nghiệp đang đặt ngân hàng vào cảnh khó khăn không kém, thậm chí còn hơn lúc khủng hoảng thanh khoản hồi giữa năm. Từ chỗ thiếu vốn để cho vay, ngân hàng đang chuyển sang giai đoạn dồi dào vốn mà không thể cho vay, thậm chí phải cho vay khoán. Tổng giám đốc Ngân hàng cổ phần Liên Việt (Liên Việt Bank) Nguyễn Đức Hưởng ví ngân hàng với hình ảnh một ông bội thực, còn doanh nghiệp như một ông đói meo. Ngân hàng bội thực vì không thể đẩy vốn đi, gồng mình gánh chịu chi phí lớn cho số vốn đã huy động. Doanh nghiệp thì mong chờ sự cứu giúp, nhưng người đã lỡ dở kế hoạch kinh doanh, kẻ có kế hoạch lại mong chờ lãi suất giảm thấp hơn nữa.

"Cả ông bội thực và ông ốm đói đều có nguy cơ giống nhau là có thể đi đến chỗ chết. Nhưng họ không thể đến với nhau. Rào cản từ khủng hoảng thế giới khiến ngân hàng và doanh nghiệp không tin tưởng nhau", ông Hưởng phân tích.

Theo ông, trong giai đoạn đóng băng tín dụng, tâm lý sợ hãi khiến ngân hàng, tiếng là rất muốn cho vay nhưng cũng không dám làm liều. Niềm tin trong kinh doanh có vấn đề, từ đó ảnh hưởng tới nghiệp vụ của các ngân hàng. Họ thiếu tự tin khi quyết định hợp tác với doanh nghiệp. Nay, ngân hàng dồi dào vốn nhưng không thể cho vay bởi các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp đã "an bài".

Khối các ngân hàng cổ phần càng khó khăn nhiều hơn trong bối cảnh có sự chênh lệch lớn về lãi suất cho vay với ngân hàng quốc doanh. "Khách hàng đến đều nói rằng ngân hàng quốc doanh cho vay 11-12%, sao các anh cao thế. Đòn gió lãi suất này khiến chúng tôi đã khó khăn càng khó khăn hơn khi tiếp cận doanh nghiệp", giám đốc một ngân hàng cổ phần có vốn điều lệ dưới 1.000 tỷ đồng than thở.

Điều mà Tổng giám đốc Liên Việt Bank Nguyễn Đức Hưởng lo ngại nhất là hướng đi sau khủng hoảng. Trong lịch sử ngành ngân hàng thế giới, hậu khủng hoảng sẽ là cuộc "binh biến phát triển". Nếu chỉ mải lo thoát khỏi khó khăn hiện nay, không chuẩn bị sẵn kế hoạch cho giai đoạn phục hồi, các ngân hàng sẽ chới với khi kinh tế vào guồng tăng tốc.

Là tổng giám đốc ngân hàng duy nhất trực tiếp đi tiếp thị khách hàng, đóng vai trò của cán bộ nguồn vốn, ông Hưởng ngộ ra rằng các ngân hàng Việt Nam đang mất dần khách hàng tốt cho ngân hàng nước ngoài. Với lợi thế hoạt động khép kín, dịch vụ chất lượng cao, ngân hàng nước ngoài đang chiếm cảm tình của những doanh nghiệp làm ăn uy tín.

Theo dự báo của ông Hưởng, kịch bản tồi tệ nhất sẽ lộ diện vào tháng 9 năm sau. Vòng xoáy khó khăn sẽ đẩy các ngân hàng từ chỗ thừa vốn không thể cho vay hiện nay sang giai đoạn nợ xấu bùng phát, thiếu thanh khoản. Sang năm, ngân hàng sẽ phải dành hàng trăm nghìn tỷ để trích lập dự phòng rủi ro cho những khoản nợ xấu, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. Khi đó, tình trạng thiếu vốn lại xảy ra, đúng vào lúc hoạt động sản xuất kinh doanh bắt đầu hồi phục.

"Chúng tôi không có thói quen sống ở trên mây với những điều viển vông, xa thực tế, mà luôn nghĩ tới kịch bản xấu nhất để dự phòng các biện pháp ứng phó thích hợp", ông Hưởng nói thêm.

Tần Vy - Song Linh
Category: Kinh tế | Views: 831 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0