Trần Hùng
Gần 3 thập niên sau ngày người chiến sĩ không quân cộng sản Phạm Tuân
mang dép lốp cưỡi phi thuyền Soyuz 37 của Liên Xô đi vào vũ trụ để
nghiên cứu về bèo hoa dâu, nhà nước cộng sản Việt Nam tuần lễ vừa qua
đã thông báo về kế hoạch đầy tham vọng trong lãnh vực không gian.
Ngày 28-11, báo chí quốc doanh loan tin Viện Công nghệ vũ trụ Việt Nam
và Tổ chức xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) đã tổ chức hội thảo
để giới thiệu báo cáo của nhóm tư vấn về việc xây dựng "Trung tâm
nghiên cứu triển khai công nghệ vũ trụ" tại Hoà Lạc và "các chuyên gia
Việt Nam sẽ có thể tự chế tạo vệ tinh nhỏ tại đây". Bản tin cũng cho
biết thêm một số chức năng của trung tâm này là "chế tạo, tích hợp và
thử nghiệm vệ tinh; thử nghiệm từ trường; điều khiển và ứng dụng vệ
tinh; và nghiên cứu thiên văn". Không ai phủ nhận những nhu cầu thiết
yếu trên trong đời sống của một quốc gia. Những công việc này cũng
không có gì mới mẻ, mà rất bình thường trong lãnh vực khoa học. Ở mức
độ đó, nhiều công ty tư nhân tại các nước tân tiến đã thực hiện được từ
nhiều thập niên, không phải đến cấp độ quốc gia. Tuy nhiên nếu nhìn vào
trình độ kỹ thuật ở Việt Nam hiện nay, khi cả nước còn chưa có thể sản
xuất một chiếc xe gắn máy đơn giản, thì viễn ảnh "tạo ra các phương
tiện như vệ tinh, tàu vũ trụ, tên lửa, trạm mặt đất..." mang nhiều tính
chất phô trương hơn là thực chất, hoặc nói cách khác, nó mang cái vẻ
"ăn cơm dưới đất nói chuyện trên trời!".
Viện công nghệ vũ trụ Việt Nam được thành lập vào tháng 4-2007, và sau
hơn một năm nghiên cứu, đã vẽ ra đề án có tầm mức to lớn như vừa nói,
với tổng số tiền đầu tư là 350 triệu đô la từ nguồn vốn vay ODA của
Nhật Bản, dự trù sẽ hoàn tất phần kỹ thuật để đi vào hoạt động năm
2017. Kế hoạch không đề cập đến những chi tiết liên quan khác, đặc biệt
là trình độ của đội ngũ chuyên gia nhà nước, vì thế những người ít hoài
nghi nhất cũng không thể không liên tưởng đến câu nói "ở Việt Nam mỗi
khi thông qua một dự án là có tiền", nhất là tiền vay vốn ODA mà những
vụ PMU18 và PCI vừa qua đã cho thấy tình trạng ăn cắp trắng trợn như
thế nào.
Sự hoài nghi còn gia tăng hơn nữa khi cùng vào tháng 11, trong một cuộc
hội thảo khác diễn ra tại Hà Nội, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam
tuyên bố sẽ xây dựng 2 nhà máy điện nguyên tử có tổng công suất 4000
Megawatt, đi vào hoạt động năm 2020. Trong hoàn cảnh kinh tế Việt Nam
đang bị khủng hoảng trầm trọng, tỷ lệ phát triển giảm nặng so với dự
báo, lạm phát gia tăng, đời sống toàn dân ngày thêm khốn khó, thì việc
khua chiêng gõ trống tuyên truyền cho những kế hoạch vĩ đại là thủ
thuật thông thường của cộng sản. Tương tự như tình hình vào đầu thập
niên 80 khi cả nước đang khủng hoảng cực độ do chiến tranh ở 2 phiá nam
bắc, lương thực cạn kiệt, phong trào vượt biên tìm tự do lên cao điểm,
CSVN đã xin Liên Xô cho Phạm Tuân quá giang lên vũ trụ để khai thác sự
kiện này như một thành tích lịch sử, khiến phát sinh trong văn học dân
gian một niềm cảm hứng vô tận với những câu chuyện phiếm, thơ và vè
được truyền tụng khắp nước. Ngày hôm nay, với trung tâm vũ trụ và nhà
máy nguyên tử, CSVN cũng mong mỏi sẽ vẽ lên một tương lai tốt đẹp hầu
che dấu bầu trời ảm đạm hiện tại.
Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân thực ra đã được Hà Nội cho bàn cãi
từ lâu nay, nhằm giải quyết tình trạng thiếu điện càng ngày càng trầm
trọng. Nay mới quyết định xây 2 nhà máy điện nguyên tử tại tỉnh Ninh
Thuận, là 2 đơn vị đầu tiên cho một loạt những nhà máy khác sẽ được xây
dựng sau đó để đạt mục tiêu vào năm 2050 số lượng điện nguyên tử sẽ
chiến tỷ lệ 15-20% tổng sản lượng điện toàn quốc. Việc sản xuất điện
năng cho nhu cầu dân sự và kinh tế vốn là mối lo của tất cả mọi chính
quyền. Trong việc này, CSVN chọn lựa 2 hình thức, trước đây là thuỷ
điện, và sắp tới là hạt nhân. Cả 2 hình thức đều có những mặt ưu và
khuyết, nhưng cả 2 đều là những bước đi trễ tràng gần một thế kỷ. Hơn
một thập niên trước đây, khi khánh thành nhà máy thủy điện Hoà Bình lớn
nhất Việt Nam, nhà nước đã không hết lời ca ngợi công trình này. Trên
thực tế, nhà máy không cung cấp đủ điện cho miền Bắc, mà hậu quả của
việc di dời hàng mấy trăm ngàn dân, làm mất mấy chục nghìn mẫu đất canh
tác vẫn còn đè nặng lên người dân trong vùng. Nó cũng góp phần làm gia
tăng thành phần dân oan mất đất đang sống lây lất không có tương lai.
Nhiều khoa học gia đã lên tiếng cảnh báo về sự tàn phá môi sinh của
những nhà máy thủy điện.
Đối với nhà máy điện nguyên tử, nó còn mang lại nhiều mối đe dọa hơn
nữa. Trước đây nửa thế kỷ, những quốc gia trong giai đoạn phát triển kỹ
nghệ đã xem điện hạt nhân như là phương cách hữu hiệu nhất. Tuy nhiên,
với đà tiến hoá của nhân loại, càng ngày người ta càng khám phá ra
những hình thức sản xuất điện hiệu quả hơn, và qua quá trình xử dụng,
người ta càng thấy nhà máy điện nguyên tử gây nên nhiều tai họa khó
lường, vì thế nó bị coi là lỗi thời. Nếu Việt Nam thực hiện đúng kế
hoạch, hoàn tất nhà máy điện nguyên tử đầu tiên vào năm 2020, điều mà
ít ai tin tưởng xuyên qua những thành tích xây dựng tồi tệ của Hà Nội,
thì cũng đúng vào năm 2020 Đức Quốc sẽ đóng cửa nhà máy điện nguyên tử
cuối cùng của họ, hoàn toàn giã từ điện hạt nhân sau 7 thập niên, để
chuyển sang xử dụng những nguồn năng lượng sạch như gió và ánh nắng mặt
trời. Thụy Điển và Ý cũng theo chiều hướng tương tự. Nhiều quốc gia kỹ
nghệ khác chủ trương giảm tỷ lệ điện nguyên tử. Rõ ràng Việt Nam đã đi
chậm và đi ngược chiều với nhân loại.
Nói chung, khi đề ra kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nhà nước cộng sản đã bất kể đến nhiều vấn nạn to lớn.
Trước tiên là đầu tư quá tốn kém. Chi phí xây dựng một lò hạt nhân
khoảng 3 tỷ đô la theo phỏng tính hiện tại. Nó chắc chắc sẽ tăng cao
vào thời điểm thi công, có thể lên đến 5 tỷ đô la, tương tự như nhà máy
Dung Quất từ mức đầu tư 1,5 tỷ đô la lúc ban đầu nay chưa hoàn tất mà
đã lên đến 2,5 tỷ đô la. Vẫn biết chi phí này sẽ được dàn trải ra trong
nhiều năm, nhưng một dự án có tổn phí lên đến 10 tỷ đô la, bằng khoảng
12% GDP của cả nước (CSVN ước tính GDP năm 2008 khoảng 80 tỷ đô la) là
một con số to lớn bất bình thường, nhất là trong hoàn cảnh thâm thủng
thương mại và nợ ngoại trái quá nhiều như hiện nay.
Tuy nhiên, điều đó chưa khiến người ta lo âu nhiều bằng khiá cạnh an
toàn. Hiểu biết của chuyên gia nhà nước trong lãnh vực hạt nhân là con
số 0. Việc để cho lực lượng non yếu này điều hành những nhà máy điện
nguyên tử không khác gì cho một đứa bé chơi đùa với súng đạn. Cho đến
nay, nhân loại vẫn không thể quên được vụ nổ nhà máy điện nguyên tử
Chernobyl năm 1986. Chính quyền Liên Xô dấu diếm tổn thất của vụ nổ,
mãi cho đến khi chế độ này sụp đổ người ta mới ước tính được con số 56
người chết ngay tại chỗ, ngoài ra còn có khoảng 4000 người chết trong
số nửa triệu người bị nhiễm phóng xạ phải di tản. Bụi phóng xạ làm ô
nhiễm khí quyển của nhiều quốc gia lân cận. Tổn thất vật chất khoảng
200 triệu đô la, chưa tính ô nhiễm môi trường khiến cả một khu vực rộng
lớn phải bỏ hoang. Nếu nhà máy điện nguyên tử ở Ninh Thuận gặp trục
trặc thì con số thương vong sẽ lên cao gấp trăm lần. Nhiều chuyên gia
trong nước và quốc tế đã lên tiếng cảnh báo, nhưng nhà nước không hề
quan tâm.
Còn nhiều yếu tố khác cũng khiến người ta phải suy nghĩ. Việc khai thác
mỏ uranium không đơn giản như đào mỏ than. Loại nguyên liệu này cũng
cạn kiệt trên thế giới vào năm 2050. Rác nguyên tử phải chứa đựng kiên
cố và đào chôn thật sâu trong lòng đất, và nó chỉ phân hủy sau hàng
trăm ngàn năm. Ngay chính những quốc gia tân tiến cũng còn gặp khó khăn
trong việc này. Những chi phí đó khiến giá thành của điện nguyên tử
không rẻ như nó được tuyên truyền.
Với tất cả những yếu tố tai hại như trên, kế hoạch xây dựng trung tâm
vũ trụ và nhà máy điện hạt nhân dường như để đáp ứng cho những nhu cầu
nào khác hơn là thực sự giải quyết những nan đề về kinh tế và xã hội.
Nó vừa kém tính chất hiện thực, vừa phản ảnh thái độ vô trách nhiệm của
CSVN.
Trần Hùng
|