Thứ Ba, 2024-11-05, 8:53 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 6 » Đảng tính và Phật tính, hay chính sách cộng sản đối với tôn giáo
9:15 AM
Đảng tính và Phật tính, hay chính sách cộng sản đối với tôn giáo


Chính sách tôn giáo hiện nay của nhà cầm quyền cộng sản là chính sách gì? Nâng đỡ tôn giáo? Tôn trọng tự do tôn giáo ? Đàn áp tôn giáo? Tiêu diệt tôn giáo? Tôn giáo là thuốc phiện? Tôn giáo sống bình đẳng với đảng Cộng sản? Các tác phẩm lý luận kinh điển Marx – Engel, Lénin nói gì về phạm trù tôn giáo, về sự sống chung giữa tôn giáo và Xã hội chủ nghĩa?

Bao nhiêu là câu hỏi đã được trả lời làm sao trong thực tế dân sinh dưới các nhà nước Cộng sản ? Đây chính là nội dung cuộc trao đổi phỏng vấn ông Võ Văn Ái do ký giả Triều Thanh thực hiện trong mục « Câu Chuyện Cuối Tuần » trên Đài Phật giáo Việt Nam phát thanh vể Việt Nam hôm tối thứ sáu 5.12.2008.

Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế chép lại dưới đây cuộc phỏng vấn này để cống hiến bạn đọc một đề tài nóng bỏng của những người theo tôn giáo tại Việt Nam :

Đảng tính và Phật tính

Triều Thanh :  Xin mời quý thính giả Đài Phật giáo Việt Nam nghe Câu Chuyện Cuối Tuần với ông Võ Văn Ái về « Đảng tính và Phật tính ».

Thưa ông Võ Văn Ái, Phật giáo đang trải qua thời kỳ hắc ám dưới chế độ Cộng sản. 53 năm Phật giáo miền Bắc tan tát dưới chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của nhà Hồ. 33 năm Phật giáo miền Nam tan tát dưới chế độ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Một bên theo Đảng tính, một bên là Phật tính. Điều gì khác nhau giữa Đảng tính và Phật tính khiến cho Phật giáo lâm Pháp nạn như ngày nay, thưa ông?

 
 Ông Võ Văn Ái
Võ Văn Ái : Đảng tính nhìn con người qua nhãn quan đấu tranh giai cấp, nên sử dụng năng lực căm thù làm động cơ hành động nhằm thay đổi xã hội loài người. Phật tính phát hiện con người chân thiện mỹ trong một thế giới bình đẳng, khoan dung. Ai cũng có Phật tính, nên ai cũng là Phật sẽ thành nếu biết thực hiện con đường Phật trên mặt đất. Để thành Phật, để giác ngộ và cứu độ quần sinh người Phật tử sử dụng năng lượng từ bi và trí tuệ để tịnh độ hóa nhân gian.


Ước muốn thay đổi xã hội của người cộng sản có Đảng tính là một thiện chí, nhưng hành động theo động cơ căm thù lại dẫn tới sự giết người thay vì cứu người.

Chí hướng giải thoát mình để hoàn thành việc cứu người của kẻ có Phật tính không xuất phát từ căm thù, mà thể hiện lòng từ bi và trí tuệ để cứu người. Nếu có phải giết thì chỉ giết sự thảm sát.

Triều Thanh : Những năm đầu độc lập, ông Hồ Chí Minh từng phát biểu : « Bọn thực dân Pháp muốn cướp nước ta. Chúng đốt chùa chiền, phá tượng Phật, hành hạ Tăng Ni, tàn sát đạo hữu. Chúng hòng phá tan đạo Phật. Đức Phật là đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn Người phải hy sinh tranh đấu, diệt lũ ác ma. Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc-dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ ». Một lời tuyên bố như thế có thể xem như Đảng tính người Cộng sản đã gặp Phật tính người Phật tử, phải không thưa ông?

Võ Văn Ái : Muốn biết một lời tuyên bố của các chính trị gia thật hay giả, thật đến mức độ nào, thì đừng nghe qua lỗ tai thôi, mà còn phải nhìn bằng mắt lời nói ấy trong hành động thực tiễn. Tôi nhớ lời tuyện bố mà nhà báo vừa trích dẫn nằm trong Thư gửi Hội Phật tử Việt Nam của ông Hồ Chí Minh công bố ngày Rằm tháng 7 năm Đinh Hợi, tức ngày 30.8.1947.
Nghe thì hay và cảm động. Nhưng mở mắt nhìn ta thấy gì?

Tại miền Nam từ 33 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đang sống cảnh bị áp bức như ông Hồ miêu tả, không bị thực dân Pháp áp bức mà là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam « đốt chùa chiền, phá tượng Phật, hành hạ Tăng Ni, tàn sát đạo hữu, hòng phá tan đạo Phật ».

Năm 1947, ông Hồ Chí Minh kêu gọi Phật giáo đồ noi gương Đức Phật Thích Ca « hy sinh tranh đấu, diệt lũ ác ma », và « đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc ». Có như thế mới « làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ ».

Từ năm 1945 đến nay, chư Tăng Ni, Phật tử chỉ làm những việc ông Hồ Chí Minh mong đợi. Nhưng những người kế nghiệp ông Hồ trả ơn bằng thảm sát, tù đày, đàn áp nhằm tiêu diệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, bôi nhọ Phật giáo « làm chính trị ». Trong khi Phật giáo chẳng làm chi khác hơn những điều ông Hồ Chí Minh kêu gọi năm 1947, tức « cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ ». Không gì mâu thuẫn và ác độc hơn.

Điều quan trọng cần nhớ là năm 1947 số đảng viên theo ông Hồ chừng 5000 người, không sao đảm đương cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp giành độc lập. Nên ông Hồ Chí minh phải thoa vuốt, gọi mời khối lượng 80% quần chúng Phật giáo và các tôn giáo khác. Nay Đảng viên của ông có khoảng 3 triệu, chính quyền nằm trong tay, trong túi, đủ để bảo vệ đặc quyền đặc lợi cho đảng. Nên Cộng sản không cần quần chúng nữa, hoặc chỉ cần để làm trâu ngựa phục vụ cho một đảng ngoại lai.

Triều Thanh : Như vậy thì chính sách tôn giáo của đảng cộng sản là chính sách gì ? Người ta thường nói Cộng sản xem tôn giáo như thuốc phiện, nên chính sách tôn giáo là một chính sách tiêu diệt tôn giáo, ông nghĩ sao?

Võ Văn Ái : Mệnh đề « tôn giáo là thuốc phiện » là câu Marx đánh giá tôn giáo hữu thần Tây phương. Câu này nằm trong cuốn « Phê phán Triết học Pháp quyền của Hegel » (Kritik der Philosophie des Rechts). Nó không bao hàm các tôn giáo Đông phương, lại càng không nhắm chỉ Phật giáo.

Nói tới chính sách tôn giáo của nhà nước cộng sản là đặt ra công án Tôn giáo và Xã hội chủ nghĩa có thể cùng chung sống không? Đây là vấn đề lớn mà các tác phẩm lý luận kinh điển của Marx – Engel chưa có lời giải đáp. Ngay cả Lénin là lý thuyết gia và nhà hành động cộng sản cũng chưa đề cập tới.

Vì sao? Vì kiến thức các triết gia cộng sản về tôn giáo rất hạn chế. Cho nên Nhà nước Xã hội chủ nghĩa chưa bao giờ có chính sách tôn giáo đứng đắn. Các triết gia cộng sản xuất hiện vào thế kỷ XIX lo đối đầu trên phương diện lý thuyết để phê phán vấn đề thời đại là nền kinh tế tư bản trên đà kỷ nghệ hóa. Do đó, một là các triết gia cộng sản không nắm đủ kiến thức tôn giáo phát khởi từ thời bình minh lịch sử, hai là đề cập tôn giáo như một bộ phận trong tiến trình suy tưởng triết học thời Khai sáng, và ba là hạn chế tôn giáo ở khu vức hữu thần Tây phương. Chưa là tôn giáo trong nghĩa toàn diện và toàn cầu.

Triều Thanh : Nói như vậy thì tại sao Đảng Cộng sản Việt Nam lại tuyên bố : « Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới ».  Đây có phải là nhận định mới về tôn giáo, nhờ đó đẻ ra chính sách tôn giáo mới ? Ông có đồng ý như vậy không?

Võ Văn Ái : Đây là câu nhận định trong Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị sau Đại hội Đảng lần thứ VII hồi tháng 6 năm 1991. Tôi đồng ý là có mới với đảng Cộng sản. Nhưng không mới với tôn giáo. Nguyên do đảng Cộng sản không vượt qua được trở lực kếch sù của tôn giáo. Không khuất phục được tôn giáo thì đành phải nhìn nhận tôn giáo. Nhưng sự nhìn nhận này chỉ có tính chiến thuật theo mô thức Lénin, lùi một bước để tiến ba bước.

Còn nói không mới với tôn giáo là vì chẳng có chi thay đổi. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vẫn tiếp tục bị đàn áp dù có tinh vi hơn trước.

Cái gọi là nhận định mới, hay chính sách mới này, mấy ông lý thuyết gia cộng sản ở Hà Nội không nghĩ ra được đâu. Mấy ông bắt chước Tàu đấy. Ai cũng biết cộng sản Việt Nam là người học trò ngoan ngoãn của ông thầy Trung Cộng. Điều gì xẩy ra tại Trung quốc, là cộng sản Việt Nam sẽ bắt chước theo. Quá khứ ta đã thấy bắt chước phong trào Chỉnh phong của Trung Cộng khi phát động Rèn Cán Chỉnh Quân, rồi Cải Cách Ruộng Đất, rồi Trăm Hoa Đua nở nhằm tiêu diệt phái hữu, v.v... Toàn là những âm mưu hại dân. Chữ âm mưu, mà Mao Trạch Đông tự mãn gọi là dương mưu. Một thứ dương mưu giết người.

Triều Thanh : Ông có thể giải thích rõ hơn về việc Hà Nội bắt chước Trung Cộng về vấn đề tôn giáo như thế nào?

Võ Văn Ái : Như trên tôi đã nói, mệnh đề tôn giáo và xã hội chủ nghĩa có thể cùng chung sống không, là vấn đề lớn nhưng các tác phẩm lý luận từ Marx – Engel đến Lénin chưa có lời giải đáp.

Mãi cho tới thập niên 80 thế kỷ trước, mệnh đề này mới được ông Hồ Kiều Mộc, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Trung quốc, đề cập lần đầu và đưa ra đáp án. Tuy nhiên đáp án này chỉ là phương lược tiêu diệt tôn giáo một cách tinh vi. Tức là dùng tôn giáo phục vụ cho Nhà nước Cộng sản. Y hệt như Giáo hội Phật giáo Nhà nước dựng lên tại Hà Nội năm 1981 để làm công cụ chính trị cho Đảng Cộng sản thay vì phục vụ quần chúng Phật giáo. Tinh vi ở chỗ nó kết hợp lý thuyết với bạo lực để đàn áp hữu hiệu.

Triều Thanh : Lý thuyết Tàu của ông Hồ Kiều Mộc ra sao?

Võ Văn Ái : Ông Hồ Kiều Mộc đề xuất phương châm « Tôn giáo không thích ứng với Xã hội Chủ nghĩa thì không thể tồn tại ». Ông định nghĩa tôn giáo « là một tiểu hệ thống nằm trong chỉnh thể của hệ thống xã hội » tức « một tiểu hệ thống thứ cấp », loại công dân hạng hai. Từ định nghĩa này ông lý luận « Hệ thống xã hội là một cơ thể, nó không chấp nhận một tiểu hệ thống nào hoàn toàn đối lập với bản thân nó ». Bộ phận phải thích ứng với chỉnh thể, nói rõ là tôn giáo phải thích ứng với chủ trương, đường lối của nhà nước cộng sản, từ suy tư đến hành động.

Xem thế thì nhân sinh quan và vũ trụ quan của Phật giáo hay bất cứ tôn giao nào không có chỗ đứng trong hệ thống ý thức cộng sản. Phật tính phải vứt bỏ để ôm lấy Đảng tính nếu muốn sống còn.

Ông Hồ Kiều Mộc chẳng cần che giấu âm mưu tiêu diệt tôn giáo khi tuyên bố rằng « Tôn giáo cùng chung sống với Chủ nghĩa Xã hội, có nghĩa là tôn giáo phải thích ứng với các phương diện của Chủ nghĩa Xã hội như : chính trị, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục… » Ông còn nhấn mạnh « sự thích ứng của tôn giáo với chính trị là mấu chốt ».

Triều Thanh : Lý luận theo cách này là gạt bỏ hết mọi lý tưởng của tôn giáo hay sao ? Nếu đúng vậy thì quần chúng tôn giáo đâu có thể chấp nhận?

Võ Văn Ái : Rồi cũng phải chấp nhận. Bạo lực và bạo quyền nẩy sinh ra cái sợ. Quần chúng có lý trí bao nhiêu vẫn bị cái sợ chi phối, khiến họ ngậm miệng và bó tay. Một số chư Tăng và Phật tử đang thỏa hiệp hiện nay với nhà nước cộng sản biểu thị sự sợ hãi này, chưa kể thêm mối tham lam lợi dưỡng.

Tuy nhiên lý thuyết gia tôn giáo Trung cộng không kém phần giảo hoạt khi ông dùng lý luận để trói tay tôn giáo. Ông công nhận yếu tố tự thân của tôn giáo, nhưng lại chuyền cái tự thân của tôn giáo thành công cụ phục vụ chế độ. Ông Hồ Kiều Mộc phân tích rằng : « Mỗi loại tôn giáo đều bao gồm một bộ phận tổ hợp với hai nhân tố thống nhất : Khả biến và Bất biến. Bộ phận hạt nhân của của hình thái ý thức tôn giáo là bộ phận bất biến của tôn giáo ».

Như thế là nhà nước cộng sản công nhận cái bất biến, tức bản chất của tôn giáo. Họ không động tới bản chất này. Kiểu như ông Hồ Chí Minh đề cao « Đức Phật là đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn » nhưng lại cho bọn thủ túc chống báng Phật giáo .

Lý thuyết gia Hồ Kiều Mộc để yên cái bất biến, nhưng dùng cái Khả biến của tôn giáo để thay đổi tôn giáo theo phạm trù cộng sản. Ông lý luận rằng  « Hình thái tư tưởng thần học tôn giáo là bộ phận khả biến của tôn giáo. Nó có thể thích ứng với cải cách xã hội ». Ông dùng một danh từ rất thuyết phục để gọi cái khả biến này là « Cơ chế tái sinh tự thân của tôn giáo ». Phải hiểu tái sinh trong nghĩa biến tướng tôn giáo.

Triều Thanh : Nhưng Bất biến hay Khả biến đều đến từ tôn giáo, thì làm sao cộng sản có thể thay đổi được lý tưởng tôn giáo như trường hợp Phật giáo chẳng hạn?

Võ Văn Ái : Ta phải hiểu thâm ý của lý thuyết gia Hồ Kiều Mộc là Nhà nước cộng sản công nhận phần bất biến của tôn giáo. Song họ giật dây phần khả biến để khuynh loát tôn giáo, biến tướng tôn giáo.

Thử lấy một ví dụ cho dễ hiểu. Cùng là một vị Sư thuyết pháp về hình tượng Phật giáo, nhưng khi Sư Chơn Quang ở Việt Nam đang thuyết pháp theo điều sau đây thì còn chi là hình tượng tâm linh Phật giáo ? Tôi xin trích nguyên văn từ băng ghi, sư Chơn Quang đề cao Bác Hồ trong bài giảng, sư nói : « Bác Hồ sống vô cùng đơn giản. Sống, ăn uống thì đạm bạc vì ổng tu mà. Ổng vậy, chớ không biết cái bí mật là mỗi đêm Bác Hồ vẫn ngồi thiền. Khi Bác chết lục trong cái đôn của Bác không có cái gì hết, chỉ có cái xâu chuỗi và cuốn Lăng Già Tâm ấn bằng chữ nho. Ông Võ Nguyên Giáp nói cho biết Bác Hồ là một Thiền sư ».

Thuyết pháp cách đó là tạo ra cái Khả biến của thứ Phật giáo tạp nhạp, để Phật giáo không còn là Phật giáo nữa. Sư Chơn Quang không là trường hợp đơn lẻ đâu. Trong nước và ngoài nuớc hiện nay, nếu nhìn cho kỹ, nghe cho rõ, sẽ thấy rất đông những ông Thiền sư. Thiền sư là cái mốt thời trang, ai cũng có thể thành thiền sư chẳng cần tu học, tu hành theo giáo lý của đức Phật. Một tập thể Thiền sư đang là những viên chức lập thành « bộ phận khả biến tôn giáo » theo lý luận ông Hồ Kiều Mộc.

Triều Thanh : Vì sao ông Hồ Kiều Mộc phải nhọc công lý luận, thay vì thẳng tay đàn áp để tiêu diệt tôn giáo?

Võ Văn Ái : Chính quyền cộng sản làm chủ Trung quốc từ năm 1949. Họ từng đàn áp tôn giáo mãnh liệt lắm chứ. Cách mạng Văn hóa là cao điểm của hành động tiêu diệt tôn giáo, và giới trí thức Trung quốc. Nhưng Trung cộng đã hoàn toàn thất bại trong việc dẹp tan tôn giáo.
Ngày nay thế giới bước vào kỷ nguyên toàn cầu, đối thoại, hợp tác. Đảng cộng sản không thể múa gậy vườn hoang mãi được. Cho nên phải có lý thuyết mới để làm tiêu trầm tôn giáo bằng phương cách mới. Chính ông Hồ Kiều Mộc cũng phải sợ yếu tố tôn giáo khi ông nhận định ba nguyên tố phát huy quốc gia : « Cải cách, Phát triển, Ổn định », ổn định là tiền đề của tất cả, thiếu nó sẽ không thực hiện được sứ mệnh cải cách và phát triển. (…) Chính tôn giáo  trong những điều kiện nhất định, là con đường tốt nhất để duy trì sự ổn định xã hội. Bởi vì 1/10 dân số Trung quốc là quần chúng tôn giáo, do vậy hành vi của quần chúng tôn giáo có ảnh hưởng quan trọng đối với sự ổn định xã hội ». Qua nhận định như vậy, ta thấy Cộng sản rất sợ tôn giáo. Vì tôn giáo là quần chúng, là lực lượng chuyển hóa. Đảng chỉ là thiểu số đang ngày càng teo tóp.

Triều Thanh : Xin ông một lời kết luận cho Câu Chuyện Cuối Tuần kỳ này?

Võ Văn Ái : Cổ nhân nói biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Biết được lý luận và phương cách tiêu diệt tôn giáo của người Cộng sản, là đã ngăn chặn được 50% sự tác hại. 50% còn lại là ý lực và hành hoạt của người tôn giáo để vượt thắng sự tấn công cộng sản. Mặt khác, tuy ông Hồ Kiều Mộc đánh giá thấp số lượng quần chúng tôn giáo tại Trung quốc, thực tế lớn hơn nhiều, nhưng ông ta vẫn sợ hãi quần chúng tôn giáo.

Còn tại Việt Nam, chỉ lấy số lượng do Nhà nước cộng sản công bố năm ngoái thôi, hiển nhiên con số này bị hạ thấp tối đa, thì đã có 25% dân số Việt Nam là quần chúng tôn giáo. Từ đây kết luận rút ra, là sự ổn định xã hội như một tiền đề của cải cách và phát triển đất nước nằm trong tay các tôn giáo. Ý thức được như vậy, các tôn giáo tại Việt Nam mới thấy vai trò chủ yếu của mình trong việc chuyển hóa đất nước để có viễn kiến và kế hoạch trong những tháng ngày tưởng như tăm tối hôm nay.

Triều Thanh : Xin cám ơn ông Võ Văn Ái và xin hẹn quý thính giả ở Câu Chuyện Cuối Tuần vào thứ Sáu tuần tới, cũng vào giờ phát thanh này.
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 799 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 550
Khách: 550
Thành Viên: 0