Luật sư Lê Trần Luật
LUẬN CỨ BÀO CHỮA CHO BÀ NGUYỄN THỊ VIỆT
BỊ TRUY TỐ VỀ TỘI “GÂY RỐI TTCC” VÀ “HỦY HOẠI TÀI SẢN”
Kính thưa các vị Linh mục và toàn thể giáo dân có mặt tại trụ sở Tòa án quận Đống Đa để dự khán phiên tòa công khai hôm nay!
|
Luật sư Lê Trần Luật |
Tôi, Lê Trần Luật, là Luật sư bào chữa cho bà Nguyễn Thị Việt- người bị
Viện Kiểm sát quận Đống Đa truy tố theo Cáo trạng số 178a/KSĐT ngày
11/11/2008 về tội “Gây rối TTCC” và “Hủy hoại tài sản” theo khoản 1
Điều 245 và khoản 1 Điều 143 BLHS. Trước khi trình bày luận điểm bào
chữa của mình, tôi thấy cần thiết phải nhấn mạnh và khẳng định với HĐXX
rằng: bà Việt và những giáo dân bị xét xử hôm nay là hoàn toàn vô tội.
Bất công thay cho những con người cầu nguyện để hy vọng tìm thấy công
lý đã bị truy tố và xét xử như những người phạm tội.
Theo cáo trạng, bà Nguyễn Thị Việt đã thực hiện hành vi như sau:
“Bản thân là một giáo dân thường xuyên đi lễ tại Nhà thờ
Thái Hà. Trước đó trong các buổi lễ các Linh mục chủ lễ cũng nói về
việc cầu nguyện đòi lại đất của Công ty Cổ phần May Chiến Thắng đang sử
dụng về cho Giáo xứ Thái Hà. Sau các buổi lễ trong nhà thờ các Linh mục
thường dẫn các giáo dân ra khu vực bãi đất để cầu nguyện, hát Thánh ca
và Việt cũng thường xuyên ra khu vực tường rào của Công ty Cổ phần May
Chiến Thắng để cầu nguyện.
Khoảng 9 giờ 30 phút ngày 15/8/2008, Việt đến nhà thờ
Thái Hà để dự lễ. Sau đó Việt và một số giáo dân khác đi qua bức tường
thấp đã bị phá trước đó vào trong khu đất để nhặt cỏ, dọn dẹp ở khu vực
bể nước nơi đặt tượng Đức Mẹ. Khi có người đuổi, Việt đã đi ra ngoài
theo lối cũ. Khi ra đến phía ngoài bức tường rào nơi đối diện bể nước,
Việt nghĩ cần phải phá bỏ bức tường để đi vào khu vực bể nước cho tiện
việc cầu nguyện. Sau đó Việt đã cùng các giáo dân khác đập phá bức
tường rào. Bản thân Việt đã dùng tay, ván gỗ phá tường rào rộng khoảng
3m và còn khoảng 20cm nữa là đến chân tường và cùng khoảng 200-300 giáo
dân khác tràn vào khu đất để cầu nguyện. Ngoài ra Việt đã nhặt gạch san
lấp chổ trống tạo lối đi thuận tiện cho các giáo dân vào cầu nguyện,
trừ những ngày không ở Hà Nội thì ngày nào Việt cũng ra khu đất của
Công ty cổ phần may Chiến Thắng để cầu nguyện” (Cáo trạng, trang 9-10).
Thưa HĐXX!
1. Trước hết, tôi cần nói về nguồn gốc đất, lịch sử khiếu kiện
của nhà thờ Thái Hà và mục đích cầu nguyện của bà Việt cùng các giáo dân
Bà Nguyễn Thị Việt và các giáo dân cho rằng khu đất 178 phố Nguyễn
Lương Bằng (tức số 116 phố Nam Đồng) là tài sản thuộc quyền sở hữu của
Giáo xứ Thái Hà, nhưng thời gian qua đã bị các cơ quan quản lý Nhà nước
chiếm đoạt trái phép, giao cho người khác sử dụng trái phép, phân lô
bán đất trái phép, nhưng Giáo xứ khiếu nại đòi trả lại tài sản liên tục
nhiều năm ròng không được cơ quan chức năng Nhà nước Việt Nam đáp ứng.
Người dân mất lòng tin vào sự công minh của pháp luật nên buộc lòng
phải cầu xin Thiên Chúa soi sáng mà trả lại cho họ sự công bằng.
Khu đất 178 phố Nguyễn Lương Bằng là tài sản của Giáo xứ Thái Hà bị
Sở Quản lý nhà đất Hà Nội (nay là Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất)
chiếm đoạt bất hợp pháp rồi ra Quyết định số 76/QL-NĐ đem giao cho Xí
nghiệp thảm len Hà Nội sử dụng kể từ ngày 30/01/1961 đến nay.
Sở dĩ, tôi dám khẳng định 16.296m2 khu đất 178 phố Nguyễn Lương Bằng bị chiếm đoạt bất hợp pháp bởi lẽ:
* Nguồn gốc khu đất này là đất mua hợp pháp:
1.1. Năm 1928, Đức Giám Mục Francois
Chaize, Giám quản Tông toà Giáo phận Hà Nội đứng tên mua giúp cho Dòng
Chúa Cứu Thế (DCCT) khu đất khoảng 400 m x 150 m nằm trên quốc lộ 6,
nay là phố Nguyễn Lương Bằng, tổng diện tích là 61.455 m2, tức là
6,1455 ha (Xin xem hình 3: Bản đồ của Conservation de la Propiété
Foncière de Hà Nội- Sở Quản thủ Điền thổ Hà Nội- lập ngày 16.08.1944).
1.2. Ngày 22.05.1944, Đức Giám Mục Francois Chaize đã làm giấy
tuyên bố nhượng quyền sở hữu đất đai và toàn bộ bất động sản trên khu
đất này cho các linh mục DCCT. Cha Edmond Dionne, Giám tỉnh DCCT Việt
Nam, đã đứng ra tiếp nhận sự chuyển nhượng này (Xin xem tài liệu Acte
de Cession de Propriété)
1.3. Tu viện DCCT bắt đầu cư trú tại khu đất trên đây từ ngày
26.09.1928. Năm 1930 các linh mục DCCT xây dựng toà nhà thứ nhất. Năm
1939 xây dựng toà nhà thứ hai nối tiếp toà nhà thứ nhất. Năm 1935 Tu
viện cũng xây dựng một ngôi nhà thờ tạm thời mà ngày nay vẫn còn đang
sử dụng. Tu viện còn xây dựng nhà đệ tử, nhà hội quán, hồ bơi, nhà ở
cho gia nhân, nhà kho, nhà chăn nuôi gia súc.
Tu viện vẫn sở hữu và sử dụng toàn bộ đất đai và nhà cửa nằm trên
khu đất trên đây một cách bình thường cho đến năm 1954. Ngoài khu đất
này, Tu viện còn sở hữu một số khu đất khác tại các làng Thái Hà (Xin
xem hình 2: Bản chụp bằng khoán điền thổ của DCCT năm 1944 ) và tại các
làng Nam Đồng, Khâm Thiên, Trung Tự, v.v.
* Căn cứ toàn bộ văn bản pháp luật điều chỉnh về đất đai giai đoạn
từ năm 1945 đến năm 1962 thì đất đai của Giáo xứ Thái Hà và nhà cửa
trên diện tích đất này dùng vào mục đích phụng sự tôn giáo không thuộc
đối tượng bị cải tạo, tịch thu hay trưng thu, trưng dụng mà còn phải
được chính quyền mới tôn trọng và bảo bảo vệ; cụ thể như sau:
- Toàn bộ 38 Điều của Luật Cải Cách Ruộng Đất năm 1953 ghi rõ đối
tượng cải tạo của Luật CCRĐ 1953 là ruộng đất để sản xuất nông nghiệp ở
nông thôn, mà đất đai thuộc khuôn viên nhà thờ Thái Hà là đất ở Thành
thị (Thủ đô Hà Nội) nên không thuộc đối tượng bị cải cách của Luật CCRĐ;
- Thông tư số 73/TTg ngày 07/07/1962 “về việc quản lý đất của tư
nhân cho thuê, đất vắng chủ, đất bỏ hoang ở nội thành, nội thị”. Đối
tượng điều chỉnh của Thông tư này là đất cho thuê, đất vắng chủ, đất bỏ
hoang ở nội thành, nội thị;
Cái duy nhất mà Quyết định số 2476/QĐ-UBND ngày 30/6/2008 của UBND
thành phố Hà Nội vịn vào là Thông tư số 73/TTg ngày 07/07/1962 để cho
rằng
“Đất cho thuê của các tôn giáo, các Hội dù diện tích cho thuê nhiều hay
ít, đều do Nhà nước trực tiếp quản lý, Nhà nước không bồi hoàn cho họ
một khoản tiền nào” thì UBND Thành phố Hà Nội đã tự mâu thuẫn với chính mình, bởi lẽ:
+ Cũng bằng Quyết định số 2476/QĐ-UBND ngày 30/6/2008, UBND Thành
phố Hà Nội đã xác nhận tại thời điểm năm 1961 khu đất này do Linh mục
Vũ Ngọc Bích quản lý, Linh mục không ký hợp đồng cho ai thuê đất; nên
khu đất này chưa bao giờ bị bỏ hoang, cũng không vắng chủ, không cho ai
thuê mướn nên không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư số 73/TTg
ngày 07/07/1962;
+ Mặt khác, ngày 30/01/1961 Sở quản lý nhà đất Hà Nội (nay là Sở
Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất) có Quyết định số 76/QL-NĐ giao cho
Xí nghiệp thảm len Hà Nội được sử dụng khu đất phố Nam Đồng, khu Đống
Đa, Hà Nội với diện tích 16.296m2 để làm xí nghiệp sản xuất (trích Cáo
Trạng). Vậy Sở Quản lý nhà đất Hà Nội lấy đâu ra 16.296m2 đất để giao
cho Xí nghiệp thảm len?
Đất này không thể tự nhiên “mọc” ra, Sở Quản lý nhà đất Hà Nội cũng
không thể tự “đẻ” ra 16.296m2 đất, mà đó chính là đất thuộc khuôn viên
Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế được sử dụng vào mục đích phục vụ tín ngưỡng
tôn giáo của giáo dân; nhưng đã bị Sở Quản lý nhà đất Hà Nội công nhiên
chiếm đoạt một cách trái pháp luật trước khi có Thông tư số 73/TTg ngày
07/07/1962 ít nhất là 523 ngày (nếu tính từ ngày Sở Quản lý nhà đất Hà
Nội ra Quyết định giao đất cho Xí nghiệp Thảm len).
Rõ ràng, việc UBND Thành phố Hà Nội viện dẫn Thông tư số 73/TTg
ngày 07/07/1962 là để hợp pháp hóa hành vi chiếm đoạt đất một cách trái
pháp luật của Sở quản lý nhà đất Hà Nội đối với Tu viện Dòng Chúa Cứu
Thế mà thôi. Nhưng việc “hợp pháp hóa” này cũng không hợp lý, không hợp
pháp, bởi một lẽ đơn giản, như tôi đã phân tích và chứng minh ở trên,
đất đai thuộc khuôn viên Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế chưa bao giờ là đối
tượng bị tịch thu, quản lý của Thông tư số 73/TTg ngày 07/07/1962 cả.
- Sắc Lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do ông Võ Nguyên Giáp ký ngày 20/09/1945 ghi rõ: “Điều
thứ 1: Đền chùa, lăng tẩm, nhà thờ, tất cả các nơi có tính cách tôn
giáo, bất cứ tôn giáo nào, nhân dân đều phải tôn trọng không được xâm
phạm”;
- Điểm 3 Nghị Quyết của Quốc Hội ngày 26/3/1955 về vấn đề Tôn giáo “Các nhà thờ, chùa, thánh thất được tôn trọng và bảo vệ”;
- Sắc lệnh số số 234/SL ngày Ngày 14 Tháng 06 năm 1955 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký: “Điều 6: Các nhà thờ, chùa, đền, miếu, thánh thật và các đồ thờ, các trường giáo lý của tôn giáo được luật pháp bảo hộ”;
Rõ ràng, từ cụ Võ Nguyên Giáp, cụ Hồ Chí Minh đến Quốc Hội đều có
cùng quan điểm là luật pháp phải tôn trọng và bảo vệ các cơ sở thờ tự
tôn giáo; nhưng thực tế các cấp chính quyền đã làm điều ngược lại,
không căn cứ vào bất cứ điều luật nào vẫn ngang nhiên chiếm đoạt đất
đai thuộc sở hữu nhà thờ Thái Hà rồi giao cho đơn vị khác sử dụng.
Phía UBND Thành phố Hà Nội viện lý do rằng:
“Ngày 24/10/1961 Linh mục Vũ Ngọc Bích (là người quản lý
nhà, đất) đã ký biên bản “Hội nghị bàn giao nhà thống nhất quản lý vào
Nhà nước” bàn giao toàn bộ nhà đất do Dòng Chúa Cứu Thế quản lý tại 116
Nam Đồng (trừ diệnt ích nhà thờ) gồm 3.905m2 nhà chính, 945m2 nhà phụ
trên diện tích khoảng 60.000m2 đất giao sang cho Nhà nước quản lý,
trong đó có khu đất do Xí nghiệp Thảm len (nay là Công ty cổ phần May
Chiến Thắng) đang sử dụng”.
Lập luận này rất vô lý, người quản lý làm sao có quyền tự ý giao
tài sản của chủ nhân cho người khác được, bởi theo pháp luật cũng như
theo Giáo luật, không có ai, kể cả Giám Mục, được tự ý sang nhượng,
chuyển đổi đất đai, tài sản Giáo Hội Công Giáo.
Bởi lẽ:
- Như tôi đã trình bày ở trên, đất đai thuộc sở hữu hợp pháp của
Nhà thờ Thái Hà từ năm 1928, cho đến ngày 30/01/1961 bị Sở Quản lý nhà
đất Hà Nội chiếm dụng trái phép thì diện tích nhà đất này chưa bao giờ
thuộc diện bị cải tạo theo Luật Cải Cách Ruộng Đất và Thông tư số
73/TTg ngày 07/07/1962, cũng không hề có quyết định trưng dụng, trưng
thu, trưng mua nào hết; mà diện tích nhà đất này thuộc diện bị quản lý
không rõ lý do, được quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số
23/2003/QH11: “Quản lý nhà đất trong từng thời điểm nhất định và nhà
đất của các đoàn hội, tôn giáo”.
Như vậy, UBND Thành phố Hà Nội phải vận dụng Nghị quyết
755/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02/4/2005 của Ủy Ban Thường vụ Quốc Hội “Quy
định việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà đất trong
quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải
tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01 tháng 07 năm 1991” và Nghị định
127/2005/NĐ-CP ngày 10/10/2005 “Hướng
dẫn thực hiện Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội
và Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02/4/2005 của Ủy ban Thường
vụ Quốc hội quy định việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể
về nhà đất trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và
chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01 tháng 7 năm 1991” để giải quyết khiếu nại đòi nhà đất của Giáo xứ Thái Hà;
Điều 4 Nghị quyết 755/2005/NQ-UBTVQH11 quy định:
“Đối với nhà đất mà chủ sở hữu tuy thuộc diện thực hiện
các chính sách quy định tại Điều 2 của Nghị quyết số 23/2003/QH11 nhưng
đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, cơ quan nhà nước chưa có
văn bản quản lý, chưa bố trí sử dụng nhà đất đó thì Nhà nước không thực
hiện việc quản lý theo quy định của các chính sách trước đây. Việc công
nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định
của pháp luật”.
“Chưa có văn bản quản lý, chưa bố trí sử dụng nhà đất đó”
là như thế nào? Điểm b Điều 3 Nghị định 127/2005/NĐ-CP hướng dẫn thủ
tục pháp lý được coi là có văn bản quản lý, chưa bố trí sử dụng nhà đất
như sau:
“b) Đối với diện tích nhà đất đang do các cơ quan, tổ
chức (trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này) quản lý, sử dụng
vào mục đích không phải để ở thì giao cho các cơ quan, tổ chức đó quản
lý, sử dụng theo quy định về quản lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước.
Trường hợp các cơ quan, tổ chức đang cho thuê quỹ nhà đất này thì
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thu hồi để giao cho doanh
nghiệp nhà nước có chức năng quản lý quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của
địa phương quản lý, sử dụng theo quy định về quản lý nhà đất thuộc sở
hữu nhà nước.
Trong hồ sơ vụ án này, tôi không hề thấy có Quyết định của UBND
Thành phố Hà Nội giao diện tích nhà đất của Giáo xứ Thái Hà cho Công ty
May Chiến Thắng sau ngày Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH11 có hiệu lực
thi hành (ngày 22/04/2005), không thấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất cấp cho Công ty May Chiến Thắng, có nghĩa là Công ty May Chiến
Thắng đã sử dụng diện tích nhà đất này bất hợp pháp. Mặt khác, Công ty
May Chiến Thắng lại ký Hợp đồng không số ngày 01/6/2006 cho Công ty
TNHH Bao Bì Đống Đa thuê lại diện tích nhà đất này (BL 750, 751) mà
UBND Thành phố Hà Nội không hề có Quyết định thu hồi lại là Công ty May
Chiến Thắng, Công ty TNHH Bao Bì Đống Đa đang sử dụng nhà đất trái phép
và trái với quy định tại điểm b Điều 3 Nghị định 127/2005/NĐ-CP đã viện
dẫn ở trên.
Vì Công ty May Chiến Thắng, Công ty TNHH Bao Bì Đống Đa đang sử
dụng nhà đất trái phép của Giáo xứ Thái Hà, nên diện tích nhà đất này
phải được xử lý theo Điều 4 Nghị định 127/2005/NĐ-CP là: “Đối
với nhà đất tuy thuộc diện phải thực hiện các chính sách quy định tại
Điều 2 của Nghị quyết số 23/2003/QH11 nhưng đến ngày Nghị quyết số
755/2005/NQ-UBTVQH11 có hiệu lực thi hành, Nhà nước chưa có văn bản
quản lý, chưa bố trí sử dụng nhà đất đó thì Nhà nước không tiếp tục
thực hiện việc quản lý theo các chính sách trước đây”.
Căn cứ vào các văn bản pháp luật tôi đã viện dẫn ở phần trên thì
UBND Thành phố Hà Nội phải trả lại diện tích nhà đất của Giáo xứ Thái
Hà, vì Giáo xứ Thái Hà mới chính là chủ sở hữu hợp pháp của tài sản đó;
nhưng UBND Thành phố Hà Nội lại cố tình bỏ qua Nghị quyết số
755/2005/NQ-UBTVQH11, Nghị định 127/2005/NĐ-CP (hiệu lực thi hành ngày
01/11/2005) mà vận dụng Điều 1 Nghị quyết số 23/2003/QH11 để nại lý do
không trả lại nhà đất cho Giáo xứ Thái Hà là chủ sở hữu có giấy tờ hợp
pháp, cũng không bồi thường là rất vô lý và trái pháp luật hiện hành.
Nếu Tòa án công nhận lập luận của phía chính quyền Thành phố Hà Nội
là đúng, tức công nhận người quản lý có quyền định đoạt số phận tài sản
trên cả chủ nhân của tài sản, thì điều này chẳng những trái luật, mà
còn công khai thừa nhận rằng: Chủ tịch nước, Thủ tướng hay ai đó cấp
cao cao hơn một chút (có quyền quản lý đất nước) là có quyền “giao”
lãnh thổ, lãnh hải, không phận nước Việt Nam cho nước ngoài mà không
cần thông qua Quốc Hội hoặc không cần phải tổ chức trưng cầu ý dân?
Đó là chưa kể đến việc UBND Thành phố Hà Nội không trưng ra được
bản gốc và kết luận giám định chữ viết của Biên bản bàn giao, cái mà
UBND Thành phố Hà Nội đưa ra chỉ là các bản photocopy chữ nghĩa mập mờ,
không có giá trị pháp lý.
Từ những chứng cứ nêu trên, đã chứng minh được rằng:
Khu đất 178 phố Nguyễn Lương Bằng (tức số 116 phố Nam Đồng) là tài
sản thuộc quyền sở hữu của Giáo xứ Thái Hà, nhưng đã bị các cơ quan
quản lý Nhà nước chiếm đoạt trái phép, Giáo xứ đã khiếu nại đòi lại
nhiều năm mà phía Nhà nước vẫn lờ đi nên bà Nguyễn Thị Việt và giáo dân
phải cầu nguyện xin Thiên Chúa trả lại sự công bằng là lẽ tất nhiên và
hoàn toàn đúng đắn.
(Phần chữ màu hồng cánh sen
này. mặc dù Luật sư yêu cầu được nói rất nhiều lần nhưng HĐXX sơ thẩm
không cho Luật sư trình bày tại Tòa)
Thưa HĐXX!
Có thể, HĐXX và VKS cho rằng nguồn gốc đất và lịch sử khiếu kiện
của nhà thờ Thái Hà là vấn đề không nằm trong vụ án hôm nay, nhưng tôi
xin được lưu ý rằng chính việc giải quyết khiếu nại của Thái Hà không
đến nơi đến chốn, kéo dài nhiều năm của chính quyền Hà Nội đã dẫn đến
sự bức xúc của các Linh mục và các giáo dân. Họ không còn tin vào công
lý và sự công bằng của pháp luật, vì thế họ phải chọn giải pháp cầu
nguyện để mong chính quyền quan tâm đến những lợi ích hợp pháp của họ
2. Về cáo buộc gây rối TTCC:
Cáo trạng đã nhầm lẫn giữa cầu nguyện và hành lễ, cố tình đánh tráo
hai khái niệm này để buộc tội bà Việt và các giáo dân khác phạm tội gây
rối TTCC:
Trước khi chứng minh bà Việt không phạm tội gây rối TTCC, tôi thấy
cần thiết phải làm sáng tỏ sự khác nhau giữa “cầu nguyện” và “hành lễ”.
Phân tích sự khác nhau này để HĐXX thấy rằng với hành vi “cầu nguyện”,
bà Việt không thể phạm vào tội gây rối TTCC.
Cầu nguyện là việc tín đồ cầu xin đấng thiêng liêng mà mình tin
tưởng ban cho họ một đặc ân, đáp ứng một ước muốn, nguyện vọng nào đó
của họ. Cầu nguyện có thể nói lên bằng lời nói, có thể bằng việc đọc
kinh, hát Thánh ca, hay đơn giản chỉ là sự im lặng thành kính, tập
trung tinh thần liên thông tư tưởng với đấng tối cao, Thiên Chúa sẽ
hiểu rằng tín đồ của mình muốn cầu xin điều gì. Người Công giáo có thể
cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, không pháp luật ở bất cứ quốc gia nào trên
thế giới này lại cấm tín đồ cầu nguyện cả, vì đó là vấn đề thuộc về tâm
linh, về niềm tin tôn giáo trong tư tưởng con người, có muốn cấm cũng
không thể cấm được.
“Lễ” là nghi thức tôn giáo của người Công giáo, trong đó có những
điều kiện bắt buộc phải có, nếu thiếu điều kiện này thì không phải là
“lễ” và không thể “hành lễ” được. “Hành lễ” tức là làm lễ, là tiến hành
một cuộc “lễ”, nghi thức hành lễ được quy định trong Lễ nghi phụng vụ
của Giáo Hội Công giáo (xem sách lễ Roma), không ai có quyền thay đổi.
Trong nghi thức hành lễ luôn luôn có cầu nguyện nhưng cầu nguyện không bao giờ là hành lễ cả.
Rõ ràng, thực tế giáo dân đến khu đất 178 phố Nguyễn Lương Bằng chỉ
cầu nguyện, không hề “hành lễ”. Việc cáo trạng không hiểu (hay cố tình
không hiểu), nhập nhằng các khái niệm “lễ” và “cầu nguyện” để xuyên
tạc, bóp méo mục đích cầu nguyện của giáo dân nhằm thổi phồng sự việc,
vu cáo cho giáo dân vi phạm Điều 25 Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo.
Ngược lại, hành vi cố tình cản trở giáo dân cầu nguyện mới chính là hành vi vi phạm pháp luật.
Khoản 1, Điều 245 BLHS về “Tội gây rối TTCC” qui định:
“Người nào gây rối TTCC gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt
hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa
án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười
triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng
đến hai năm”.
Hành vi gây rối TTCC quy định tại Điều 245 BLHS được hiểu là hành
vi làm náo động trật tự nơi công cộng gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã
bị xử phạt hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này,
chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới bị truy cứu trách nhiệm
hình sự.
Tuy nhiên, toàn bộ lời khai người làm chứng có trong hồ sơ vụ án
(BL từ số 836 liên tục đến số 945) không có lời khai nào chỉ đích danh
bà Nguyễn Thị Việt (hoặc bất kỳ bị cáo nào có mặt trong phiên xử sơ
thẩm hôm nay) đã có hành vi cụ thể như thế nào để gây rối TTCC. Hồ sơ
vụ án và Cáo trạng đã không chứng minh được bà Nguyễn Thị Việt (và các
bị cáo Nguyễn Thị Nhi, Ngô Thị Dung, Lê Quang Kiện, Lê Thị Hợi, Phạm
Trí Năng, Nguyễn Đắc Hùng, Thái Thanh Hải) đã có hành vi đuổi đánh
nhau, hò hét gây náo loạn nơi công cộng, đập phá tài sản nơi công cộng,
gây tắc ách giao thông…
Cáo trạng cũng ghi nhận bà Nguyễn Thị Việt chỉ có những hành vi sau: “nhặt cỏ, dọn dẹp ở khu vực bể nước nơi đặt tượng Đức Mẹ”, “nhặt gạch san lấp chổ trống”, “ngày
nào Việt cũng ra khu đất của Công ty cổ phần may Chiến Thắng để cầu
nguyện”, “dùng tay, ván gỗ phá tường rào rộng khoảng 3m và còn khoảng
20cm nữa là đến chân tường”.
Trước hết, phải thấy rằng bà Việt chưa bị xử lý hành chính và cũng
chưa bị kết án về tội này. Như vậy vấn đề được đặt ra, liệu với hành vi
nhặt gạch, nhổ cỏ, dọn dẹp và cầu nguyện có gây ra hậu quả nghiêm trọng
nào thỏa mãn Điều luật của qui định không ?
Theo hướng dẫn tại điểm 5.1. Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP
ngày 17/4/2003 của Hội Đồng Thẩm Phán Tòa Án Nhân Dân Tối Cao thì hậu
quả nghiêm trọng xảy ra trong các trường hợp sau:
a. Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ;
b. Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân;
c. Thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên;
d. Chết người;
đ. Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 31 % trở lên;
e. Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ
thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất
cả những người này từ 41% trở lên;
g. Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ
thương tật từ 21% đến 30% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm
triệu đồng trở lên;
h. Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ
thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất
cả những người này từ 30% đến 40% và còn thiệt hại về tài sản có giá
trị từ năm triệu đồng trở lên.
Tham chiếu với Cáo trạng, có thể thấy rằng VKS quận Đống Đa, TP Hà
Nội đã cho rằng hành vi của bà Việt gây ra thiệt hại về tài sản có giá
trị trên 10 triệu đồng.
Thưa HĐXX!
Toàn bộ hồ sơ vụ án có thể thấy ngay rằng Cơ quan điều tra và VKS
quận Đống Đa, TP Hà Nội không chứng minh được rằng hành vi nhặt gạch,
nhổ cỏ và cầu nguyện của bà Việt có mối quan hệ nhân quả với thiệt hại
đã xảy ra cho Công ty may Chiến Thắng.
Công ty May Chiến Thắng lập danh sách chi tiền cho 308 người với tổng số chi là 158.468.000 đồng với lý do “Chi tiền phụ cấp cho công nhân làm tại 178 Nguyễn Lương Bằng do giáo dân gây rối làm ảnh hưởng đến NSLĐ”
(BL 810 đến 813), nhưng danh sách này không có quyết định tuyển dụng,
quyết định bổ nhiệm (nếu là công chức) kèm theo; không có hợp đồng lao
động (nếu là công nhân) kèm theo, không có danh sách đăng ký lao động
(công nhân hợp đồng) với Phòng Lao động - Thương binh Xã hội quận Đống
Đa; như vậy, danh sách này là do lãnh đạo Công ty May Chiến Thắng tự
“đặt” ra. Vì vậy, con số chi 158.468.000 đồng là không có thật. Có thể
thấy, Cty may Chiến Thắng tự ý thu chi một cách vô tội vạ. Chẳng lẽ Cty
may Chiến Thắng làm ăn thua lỗ, “tham ô” rồi lấy lý do giáo dân cầu
nguyện làm ảnh hưởng hay sao?
Mặt khác, Công ty May Chiến Thắng lấy tài liệu, chứng cứ gì chứng
minh rằng 308 người có tên trong danh sách bị “ảnh hưởng đến NSLĐ” là
do giáo dân chớ không phải do các nguyên nhân khác như: lười biếng, ăn
cắp giờ công, đau ốm, bệnh tật, lo lắng việc riêng gia đình…? Tài liệu
so sánh năng suất lao động trước và sau ngày 15/8/2008 ở đâu? Cơ quan,
tổ chức chuyên môn nào giám định và kết luận giáo dân làm “ảnh hưởng
đến NSLĐ”? “Báo cáo thiệt hại ảnh hưởng sản xuất tháng 8-9 năm 2008 tại cơ sở sản xuất 178 Nguyễn Lương Bằng”
(BL 814) nhưng nội dung lại là doanh thu tháng 9/2008 bị giảm. Chẳng lẽ
bà Nguyễn Thị Việt và các bị cáo phải chịu trách nhiệm về việc Công ty
May Chiến Thắng bị giảm doanh thu do không có khách mua nên không bán
được hàng hóa?
- Công ty May Chiến Thắng còn tự lập danh sách chi tiền trực bảo vệ
cho 137 người với tổng số tiền 191.196.000 đồng (BL 808, 809) trái
nguyên tắc tài chính kế toán giống như Danh sách chi tiền phụ cấp đã
nêu ở trên. Việc bố trí bảo vệ là chuyện riêng của Công ty thì Công ty
tự chịu chi phí, không thể đổ lỗi cho giáo dân bởi lẽ Cáo trạng cũng
xác định rõ bà Nguyễn Thị Việt và các bị cáo không có người nào xông
vào nơi sản xuất của công ty chửi bới, hăm dọa, đánh đập công nhân hay
chiếm đoạt tài sản, công cụ sản xuất, nguyên vật liệu sản xuất, cản trở
hoạt động sản xuất của Công ty, mà họ chỉ cầu nguyện ở khu đất trống
bên ngoài.
Theo Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh số 1030006478 (đăng ký thay
đổi lần thứ 3) ngày 27/4/20007 thì Công ty May Chiến Thắng là doanh
nghiệp Nhà nước với 51% vốn điều lệ (chiếm 61.200/120.000 cổ phần), chủ
đầu tư là Tổng công ty Dệt - May Việt Nam - “là tổng công ty Nhà nước hoạt động kinh doanh”
được thành lập theo Quyết định số 253/TTg ngày 29/4/1995 của Thủ tướng
Chính phủ. Việc Công ty cổ phần May Chiến Thắng chi đến 349.664.000
đồng không nằm trong danh mục chi thường xuyên, mà không có thủ tục đề
nghị và ý kiến chuẩn y cho phép của Tổng công ty Dệt - May Việt Nam là
trái quy định tại Quyết định số 52/2006/QĐ-BTC ngày 25/9/2006 về “Quy chế quản lý tài chính của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước”.
- Thêm vào đó, Cáo trạng cho rằng việc Cty may Chiến Thắng giảm
doanh thu tháng 8, tháng 9 năm 2008 là 1.059.708.000 đồng. Việc giảm
doanh thu là do năng lực lãnh đạo và tổ chức kinh doanh của CTy may
Chiến Thắng quá kém, chứ hà cớ gì lại cho rằng nguyên nhân là do giáo
dân cầu nguyện?
Với thiệt hại rất lớn như vậy mà Cty may Chiến Thắng lại không yêu
cầu bồi thường thiệt hại là hết sức vô lý, mà bất kỳ ai cũng dễ dàng
nhận ra. Tôi đề nghị HĐXX lưu tâm đến điểm này.
Rõ ràng các hành vi nhặt cỏ, dọn dẹp, nhặt gạch, cầu nguyện của bà
Việt không gây ra thiệt hại, ảnh hưởng đến bất kỳ ai, không để lại hậu
quả nào, tức không hề có hậu quả nghiêm trọng nào xảy ra.
Tôi không thể tin rằng: trong một xã hội mà ngay cả dọn dẹp, nhặt gạch,
nhổ cỏ, cầu nguyện cũng là phạm tội thì thử hỏi còn hành vi nào không
bị coi là phạm tội? Do đó, tôi khẳng định rằng, bà Nguyễn Thị Việt
không phạm tội gây rối TTCC.
3. Về cáo buộc hủy hoại tài sản
Bị buộc tội vì đã phá hủy một thứ vật dụng được dựng lên bất hợp pháp và là đồ phế thải
Khoản 1 Điều 143 BLHS quy định: “Người nào hủy hoại hoặc cố ý
làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ năm trăm nghìn đồng
đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây
hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc
đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm” thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hủy hoại tài sản là hành vi làm cho tài sản bị mất hẳn giá trị sử dụng,
không thể khôi phục lại được và toàn bộ giá trị tài sản không còn.
Như vậy, trước hết tội danh này đòi hỏi phải xác định được tài sản bị
hủy hoại là tài sản có thật, hợp pháp, có giá trị sử dụng. Tài sản hợp
pháp và có thật thì mới có thể hủy hoại và mới được pháp luật bảo vệ,
tài sản không có thật thì không thể hủy hoại. Đồng thời, tài sản phải
có giá trị sử dụng bằng số tiền cụ thể được quy định tại khoản 1 Điều
143 BLHS.
Từ điển tiếng Việt định nghĩa: Tài sản là “Của cải vật chất dùng để sản xuất hoặc tiêu dùng”. Trong Kinh tế học, tài sản là một
“thuật ngữ kế toán kinh doanh chỉ tất cả những gì có giá trị tiền tệ
thuộc sở hữu của một cá nhân, một đơn vị hoặc của Nhà nước; có thể được
dùng để trả nợ, sản xuất ra hàng hoá hay tạo ra lợi nhuận bằng cách nào
đó. Một tài sản có ba đặc tính không thể thiếu: lợi nhuận kinh tế có
thể xảy ra trong tương lai; do một thực thể hợp pháp kiểm soát; thu
được kết quả ngay từ hợp đồng kinh doanh hoặc giao dịch đầu tiên”.
Đối với bức tường mà Cáo trạng cho rằng đã bị bà Nguyễn Thị Việt hủy
hoại, thì bức tường đó không phải là tài sản, bởi các lẽ sau:
- Bức tường đó là vật vô giá trị, không mang lại lợi nhuận kinh tế,
không phải là vật tiêu dùng: Cáo trạng không chứng minh được bức tường
lúc nó còn tồn tại thì nó mang lại giá trị kinh tế gì, cụ thể là bằng
bao nhiêu tiền. Tôi khẳng định rằng bức tường này là vật vô giá trị và
không phải là tài sản, bằng chứng là sau khi Nguyễn Thị Việt và các bị
cáo khác bị khởi tố có 1 ngày thì 19/9/2008 UBND Thành phố Hà Nội đã
cho xe cơ giới san bằng bức tường thành đống gạch vụn;
- Bức tường không được xây dựng hợp pháp: Như tôi đã chứng minh ở phần
trên, khu đất 178 phố Nguyễn Lương Bằng bị Công ty May Chiến Thắng
chiếm dụng bất hợp pháp thì mọi thứ được xây dựng phía trên khu đất ấy
không được sự đồng ý của chủ nhân thật sự của khu đất đều là xây dựng
bất hợp pháp, cần phải tháo dỡ.
- Căn cứ trình tự, thủ tục thu hồi đất quy định tại khoản 1, khoản 3,
khoản 4 Điều 130 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính
phủ, thì trước khi khởi công xây công viên ít nhất 180 ngày UBND Thành
phố Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch san bằng bức tường này rồi. Như vậy,
về mặt pháp lý, bức tường đã bị chính UBND Thành phố Hà Nội xoá sổ 5
tháng trước ngày 15/8 (ngày giáo dân đập bức tường).
- Việc định giá bức tường chỉ hợp lý khi bức tường được xây dựng hợp
pháp và có giá trị sử dụng, được sử dụng liên tục và cho đến thời điểm
hiện nay vẫn còn nhu cầu sử dụng; còn đối với một vật đã bị chính UBND
Thành phố Hà Nội san bằng vì không còn giá trị sử dụng thì không thể
đem ra “định giá” để gán ghép cái tên “tài sản” cho nó được.
- Theo hồ sơ vụ án, bức tường được bắt đầu thi công vào ngày 15/1/2008
(BL 802) với tổng số tiền hơn 17 triệu đồng, đến thời điểm ngày
15/8/2008 là 7 tháng, tức bức tường còn rất mới, rất cứng; điều này mâu
thuẫn với Cáo trạng là “bức tường thấp đã bị phá trước đó” (trang 4).
Tôi được biết bức tường này đã tồn tại hơn mấy chục năm và đã mục nát,
đã bị người nào đó phá vỡ từ trước (như Cáo trạng thừa nhận) nên một bà
già như bà Nguyễn Thị Việt mới có thể dùng tay và mảnh ván gỗ phá vỡ dễ
dàng như thế. Bà Nguyễn Thị Việt là phụ nữ, đã quá tuổi lao động 4 năm,
lại có thể dùng tay và mảnh ván gỗ phá vỡ được bức tường xi măng mới
dài đến 3m thì bà Việt phải là người có sức khỏe phi thường hoặc là hồ
sơ (các BL 796 đến 807) đã được ngụy tạo để hợp pháp hóa nhằm “làm mới”
một vật mục nát không có giá trị sử dụng.
Mặt khác, Cáo trạng không chứng minh được bà Việt dùng tay và mảnh ván
gỗ phá vỡ bức tường rào rộng khoảng 3m còn khoảng 20cm nữa là đến chân
tường thì cái đoạn 3m do bà Việt phá vỡ là bao nhiêu tiền trong tổng số
3.479.990 đồng của toàn bộ “bức tường gạch dài 6 mét * 1.3 mét” (BL
819)?.
Từ những lập luận trên, tôi cũng khẳng định rằng bà Việt không phạm tội hủy hoại tài sản.
4. Ngoài những lập luận cơ bản tôi đã trình bày, HĐXX nên lưu ý những vấn đề sau đây:
a- Vụ án không có vật chứng
Cáo trạng cho rằng ông Phạm Hải Dương - Cán bộ Thanh Tra xây dựng
phường Quang Trung, ông Nguyễn Đức Hoàn, ông Đặng Tuấn Thảo- 2 cán bộ
Đội An ninh Công an quận Đống Đa, là người trực tiếp quay phim, ghi
hình những người đập phá bức tường. Tại sao ông Phạm Hải Dương, với
chức vụ Thanh tra xây dựng của mình, lẽ ra lúc bà Việt và các bị cáo
khác đập bức tường thì ông Dương phải lập tức ngăn chận và lập biên bản
vi phạm (nếu có), nhưng ông Dương lại điềm nhiên đứng đó mà quay phim?
Hành vi gây rối TTCC và hủy hoại tài sản theo Pháp lệnh Tổ chức điều
tra Hình sự thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan Cảnh sát, tại sao 2
vị cán bộ An ninh quận Đống Đa này cũng chen vào đó mà quay phim, chụp
hình? 2 vị cán bộ An ninh quận Đống Đa này tự ý đến số 178 Nguyễn Lương
Bằng quay phim chụp hình hay theo sự phân công, chỉ đạo của ai? Hóa ra
cán bộ An ninh Công an quận chỉ làm có mỗi công việc là rình mò, theo
dõi, “vạch lá tìm sâu” để bắt tội dân hay sao?
Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 720/2008/HSST-QĐ ngày 21/11/2008 của
Tòa Án quận Đống Đa xác định chỉ có các ông bà Vũ Đức Lợi, Đặng Thúy
Loan, Lại Thế Hiếu, Đinh Hồng Phong, Trần Tiến Hùng là người làm chứng.
Tôi xin hỏi đại diện Viện Kiểm sát quận Đống Đa và Hội đồng xét xử sơ
thẩm Tòa án quận Đống Đa: Trong vụ án này ông Phạm Hải Dương, ông
Nguyễn Đức Hoàn, ông Đặng Tuấn Thảo tư cách tham gia tố tụng là gì? Là
người làm chứng hay cán bộ của cơ quan tiến hành tố tụng?
Nếu 3 ông là người làm chứng thì tại sao phim ảnh do các ông Dương,
Hoàn, Thảo quay không được giao nộp cho cơ quan điều tra và lập Biên
bản tạm giữ đồ vật, tài liệu do người khác tự nguyện giao nộp theo quy
định tại Quyết định số 1351/2004/QĐ-BCA (C11) ngày 18/11/2004 của Bộ
Công An? Rõ ràng 3 ông Dương, Hoàn, Thảo không phải là Điều tra viên
(không có tên trong Quyết định phân công điều tra vụ án) (BL 3, 4),
cũng không phải người làm chứng, thì ai cho phép các ông này chen vào
hoạt động của cơ quan tố tụng quận Đống Đa một cách trái luật?
Cáo trạng số số 178a/KSĐT ngày 11/11/2008 của Viện Kiểm sát quận Đống
Đa ghi rõ “Tang vật: Không” (Trang 17), vậy 2 đĩa hình ghi trong Quyết
định đưa vụ án ra xét xử số 720/2008/HSST-QĐ ngày 21/11/2008 của Tòa Án
quận Đống Đa lấy ở đâu ra? 2 đĩa hình này đã được cơ quan chuyên môn
nào giám định tính trung thực, tính nguyên bản của nó chưa? Hay nó chỉ
là những hình ảnh được dùng xảo thuật cắt xén, lắp ghép để vu vạ?
Khoản 1 Điều 64 BLTTHS quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được
thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều
tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không
có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những
tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án”. 2 đĩa
hình ghi trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 720/2008/HSST-QĐ của
Tòa Án quận Đống Đa đã không được thu thập đúng quy định nhưng Tòa Án
quận Đống Đa coi đó là “vật chứng cần đưa ra xem xét tại phiên tòa” là
trái với khoản 1 Điều 64 BLTTHS. Vì vậy, 2 đĩa hình đó không phải là
vật chứng.
Tất cả những khuất tất kể trên không được làm sáng tỏ tại phiên tòa này
bắt buộc tôi phải nghĩ rằng vụ án này chỉ là một âm mưu từ phía nhà cầm
quyền nhằm trả thù những người dám phản kháng đối với sai trái của
chính quyền.
b- Những kẻ phạm tội thật sự đã không bị truy tố:
Điều đáng chú ý là khi những giáo dân cầu nguyện ôn hòa bị khởi tố vào
các ngày 05/9, 09/9, 17/9/2008; thì trong khi đó, đêm 31/8/2008 có kẻ
đã cố ý lẫn vào đám đông giáo dân đang cầu nguyện để xịt hơi cay gây
náo loạn, đánh người già, trẻ em đổ máu; đêm 18 rạng 19/9/2008 có kẻ đã
cố ý lợi dụng lúc tối trời hất mắm tôm trộn nhớt thải lên bàn thờ và
tượng Đức Mẹ… (có hình ảnh rõ ràng). Gần đây nhất là đêm 15 rạng
16/11/2008, một nhóm người tự xưng là “thứ dân bức xúc”, chẳng hiểu
“bức xúc” chuyện gì, mà nửa đêm xông vào nhà thờ Thái Hà đòi đập đền
Thánh Giêrađô, họ hô hào và tự đuổi nhau, họ lao vào trong khuôn viên
nhà thờ, giáo dân đã nhìn thấy những vị chính quyền phường Quang Trung
và lực lượng Công an mặc cảnh phục lẫn thường phục cũng có mặt trong
đám đông lộn xộn này.
Những hành vi xịt hơi cay, đổ mắm tôm vào chốn linh thiêng của người có
đạo, đánh đập người già, trẻ em không có khả năng tự vệ, làm náo loạn
bên trong khuôn viên nhà thờ khi mọi người đang cầu nguyện, đòi đập phá
đền Thánh…, xét về mặt tinh thần đó là hành vi hết sức vô đạo đức, mất
hết tính người; xét về mặt pháp luật là hành vi hết sức lưu manh côn
đồ, đáng bị khởi tố tội gây rối TTCC hay cố ý gây thương tích thì cơ
quan điều tra quận Đống Đa lại im lặng, cho đến nay chưa có vụ án hay
bị can nào thực hiện hành vi đó bị khởi tố cả; làm cho dư luận nghi ngờ
rằng chính quyền quận Đống Đa đồng lõa, bao che cho nhóm côn đồ, lưu
manh; rằng chính quyền lạm dụng quyền lực để trả thù những giáo dân tay
không tấc sắt chỉ vì họ dám phơi bày cái sai trái của chính quyền và
quyết tâm đòi hỏi sự công bằng?
Tôi hy vọng rằng sau phiên tòa này, cơ quan tố tụng quận Đống Đa cũng
nên khởi tố, truy tố, xét xử những kẻ côn đồ nói trên để trả lại niềm
tin của nhân dân đối với chính quyền.
c- Việc đưa ông Ngô Quang Kiệt-Tổng Giám mục Giáo phận Hà Nội vào trong
Cáo trạng là không cần thiết, không liên quan và hết sức vô duyên.
Cáo trạng nêu: “Do
bức xúc, phẫn nộ trước những hành vi vi phạm pháp luật của Linh mục và
giáo dân tại giáo xứ Thái Hà, đặt biệt là sau khi nghe những lời phát
biểu của Tổng giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt phát biểu tại buổi làm
việc với UBND Tp. Hà Nội vào ngày 20/09/2008.”
Tôi thấy cần thiết phải nhắc lại nguyên văn câu nói của Tổng giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt. Ngài nói như sau: “Do
đó, chúng tôi xin nhắc lại, chúng tôi rất mong muốn xây dựng một khối
đại đoàn kết dân tộc. Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất
là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét,
chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm
sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi,
không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế. Còn người Việt
Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự
đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng
ta cũng được kính trọng.”
Với câu nói nêu trên mà những kẻ quá khích tấn công vào cổng sau nhà
thờ Thái Hà thì lẽ ra cần phải nghiêm trị. Mặt khác tôi thấy lời phát
biều của Ngài không có mối liên hệ nào đến vụ án được xét xử ngày hôm
nay.
d- Truy tố người vô tội để biện minh với dư luận
Toàn bộ bản Kết luận điều tra và Cáo trạng từ đầu chí cuối, thay vì đi
sâu vào nội dung chi tiết chứng minh được hành vi của bị cáo phạm tội
như thế nào thì lại kể lể lê thê, dài dòng về hành động của đám đông-
tức những cá nhân-công dân khác-không phải bị cáo, với phương pháp
trình bày và hàng loạt lập luận nhằm để lý giải về cách hành xử của
chính quyền với dư luận, hơn là để cáo buộc bà Nguyễn Thị Việt và các
bị cáo khác.
Ví dụ: đoạn nói về những phụ nữ Mường hay đoạn nói về phát biểu của
Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt (sau khi các nạn nhân đã bị khởi tố) chẳng
liên quan gì đến hành vi bị Cáo trạng coi là phạm tội và cũng không
liên quan đến các bị cáo đang có mặt trong phiên tòa hôm nay.
Việc cơ quan tố tụng quận Đống Đa nhiều lần thay đổi tội danh của các
bị cáo cho thấy rằng tự bản thân cơ quan tố tụng đã có sự lấn cấn, phân
vân về việc làm cách nào để buộc tội các bị cáo cho bằng được.
Kính thưa các Linh mục và toàn thể giáo dân!
Việc một số cơ quan Nhà nước đã cố tình vi phạm pháp luật, không tôn
trọng sự thật khách quan, không tôn trọng những chứng cứ pháp lý, thiếu
công tâm trong quá trình giải quyết vấn đề đất đai, tài sản của Giáo xứ
Thái Hà, đã gây bất bình rất lớn trong lòng giáo dân. Lẽ ra chính quyền
Thành phố Hà Nội phải nhận thấy rõ điều đó và nhanh chóng sửa sai, trả
lại công bằng cho người dân; đằng này lại cố tình lạm dụng quyền lực,
dùng mọi thủ đoạn để đối phó với dân, kể cả vu vạ, dựng đứng sự việc,
nhằm mục đích đè bẹp mọi tiếng nói từ lương tri con người, dung túng kẻ
phạm tội thật sự, nhường chổ cho bóng tối và tội ác hoành hành, thách
thức lòng tin.
Bà Nguyễn Thị Việt là một con người có lòng tự trọng, có niềm tin vào
lẽ phải và Thiên Chúa, thì không lý do gì khi cầu nguyện cho sự công
bằng, lẽ phải bà lại tự cho mình là có tội và phải hèn nhát “nhận tội”
để cầu xin ân huệ từ phía những người không biết tôn trọng lẽ phải. Vì
vậy, bà Nguyễn Thị Việt đã không “nhận tội” cũng không có gì lạ.
Từ các chứng cứ và lập luận ở phần trên, tôi đề nghị Hội đồng xét xử
tuyên bà Nguyễn Thị Việt không phạm tội “gây rối trật tự công cộng” và
“hủy hoại tài sản”.
Xin cảm ơn mọi người đã chú ý lắng nghe tôi trình bày!
Luật sư Lê Trần Luật
Nguồn: Công Lý và Sự Thật
|