Thứ Ba, 2024-11-05, 8:50 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 11 » Kinh tế thị trường ở Việt Nam bỏ rơi người nghèo ở đằng sau
6:20 AM
Kinh tế thị trường ở Việt Nam bỏ rơi người nghèo ở đằng sau

Bill Snyder,  8/12/08, Phan Lưu Quỳnh lược dịch

Ở cái tuổi 16, Xuân Phương bỏ quê quán ở miền trung Việt Nam để gia nhập vào cuộc kháng chiến của Việt Minh chống lại thực dân Pháp vào năm 1946. Bà đã từng đi chân đất vượt núi, chế tạo chất nổ và diễn trong các vở kịch tuyên truyền hơn một thập niên trước khi trở thành một nhà làm phim ảnh tường thuật về “cuộc chiến chống Mỹ” cho Bắc Việt.


Bà Xuân Phương đã chiến đấu trong cuộc chiến chống Pháp. Bà thì khá giả nhưng
chỉ trích sự đối xử của nhà nước đối với dân nghèo (Bill Snyder / Special to The Chronicle)

Hai mươi năm sau, Ðoàn Vinh bỏ vợ và ba con để gia nhập Mặt trận Quốc gia Giải phóng trong vùng rừng núi gần Ðà Nẵng để đấu tranh chống Mỹ. Ông ta cũng chiến đấu cả một thập niên.

Cả hai vẫn còn sống ở nơi đã từng là Nam Việt Nam –ông Ðoàn ở Ðà Nẵng và bà Xuân Phương ở TPHCM, tên cũ là Sài Gòn– và cả hai đều tự hào về quá khứ đấu tranh của mình. Nhưng cuộc đời của hai cựu chiến binh này có thể không khác nhau mấy.

Bây giờ đã về hưu, ông Ðoàn 71 tuổi, đang sống trong một căn nhà chật chội, tường xi măng và mái bị dột. Tiền mướn nhà và bảo hiểm y tế cho bà vợ bịnh hoạn chiếm mất hơn phân nửa lợi tức gia đình – món tiền trợ cấp khoảng 120 đô la một tháng. Trong khi đó, bà Xuân làm chủ một phòng trưng bày nghệ thuật, một khu du lịch trên một hải đảo trên biển Nam Trung Hoa và một số dịch vụ làm ăn khác.

Nền kinh tế thị trường

Cuộc đời của họ phản ánh những lo âu dằn vặt của Việt Nam khi quay sang một nền kinh tế thị trường. Trong khi những cơ hội cho một giai cấp doanh nhân mới tiếp tục gia tăng, thì an sinh xã hội cho dân nghèo lại xơ xác đi. Nông dân.và cư dân thành thị bị hất ra nơi khác để dành chỗ cho giới đầu tư ngoại quốc xây khách sạn và xí nghiệp; những nơi có công đoàn thì lại bất lực; chăm sóc y tế thì chỗ có chỗ không; giao thông và ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn đã tiến đến mức trầm trọng.

“Ðời tôi đầy rẫy đau khổ”, vợ ông Ðoàn, bà Mai Thị Kim nói. Tuy thế, tờ giấy chứng nhận đảng viên Ðảng cộng sản của ông Ðoàn được đóng khung vẫn treo trong phòng khách gia đình.

Giống như nhiều cựu chiến binh của cuộc chiến chống Mỹ, như được gọi ở Việt Nam, ông Ðoàn ngần ngại không muốn nhắc về cuộc chiến đó, chỉ nói rằng “quá khứ là quá khứ, và bây giờ nó đã qua rồi”. 

Nếu có niềm cay đắng nào còn sót lại đối với những kẻ cựu thù, thì nó được dấu kín, và sự thích thú của ông ta khi đón tiếp một nhóm khách viếng thăm người Mỹ có vẻ rất thật tình.

Thật vậy, cuộc chiến hình như đã không còn trong trí nhớ của hầu hết mọi người Việt – hơn phân nửa của 86 triệu dân số sinh ra sau năm 1975.


Ông Ðoàn Vinh (giữa) 71 tuổi, một cựu chiến binh, với vợ ông, bà Mai Thị Kim (trái), và một người con gái, phải vất vả để trả tiền chữa bịnh cho vợ (Bill Snyder / Special to The Chronicle)

Mối quan tâm trước mắt là nỗi vất vả của ông Ðoàn để kiếm cho đủ sống. Năm ngoái, căn nhà cũ của gia đình ông đã bị phá huỷ bởi những trận mưa lũ vẫn thường làm ngập lụt miền trung Việt Nam. Thế phản ứng của nhà nước ra sao?  “Ðược vài bịch gạo”, ông Ðoàn nói. Nếu ông ngừng không trả tiền bảo hiểm y tế chiếm mất hết 20 phần trăm lợi tức của  mình thì ông sẽ không thể nào trả nổi tiền chữa bịnh cho vợ. Chăm sóc y tế được miễn phí ở Việt Nam cho đến năm 1989.

Mặc dù Việt Nam có một mức tăng trưởng kinh tế hàng năm trung bình gần 7 phần trăm giữa năm 1997 và 2004, thì lợi tức bình quân một đầu người hàng năm chỉ có 2600 đô la. Vào năm 2006, Ngân hàng Thế giới ước lượng rằng 36 phần trăm dân số Việt Nam sinh sống ở mức 2 đô la một ngày.  

Chuyển hướng sang kinh tế thị trường được bắt đầu dần dần vào năm 1996, khi  Ðảng cộng sản khởi đầu công cuộc cải cách kinh tế.

“Có cái cảm tưởng là chủ nghĩa xã hội đã làm cho chúng tôi nghèo đi”, theo bà Gang Wells-Dang, đồng giám đốc  Action for the City, một tổ chức phi chính phủ chuyên lo về việc cải thiện đời sống dân chúng ở Hà Nội, cho biết.

Bà Wells-Dang, lập gia đình với một người Mỹ, nói rằng những cải cách kinh tế đã không bắt đầu trở nên có hiệu lực cho đến khi lệnh cấm vận của Hoa Kỳ chấm dứt vào năm 1994. Giữa năm 2001 và 2007, hàng hóa xuất cảng sang Hoa Kỳ đã tăng lên 900%, theo những dữ kiện của cơ quan tình báo CIA.

Chẳng có gì phải nghi ngờ, việc chấm dứt những kiểm soát chặt chẽ đối với đầu tư nước ngoài đã bơm hàng tỷ đô la vào nền kinh tế và túi của nhiều người Việt Nam. Giữa năm 2000 và 2005, tổng sản lượng nội địa đã tăng hơn gấp đôi đến 53 tỷ đô la. Tiền bạc tương đối dồi dào –ít nhất là đối với tầng lớp trung lưu và thượng lưu– được dẫn chứng bằng sự thông dụng khắp nơi của những chiếc xe scooter và xe gắn máy loại nhỏ nhập cảng từ Trung Quốc.

Giao thông và ô nhiễm

Hà Nội và TPHCM bị nghẹt thở với hàng loạt xe scooter tràn lên cả những lối đi đông đúc dành cho người đi bộ. Không khí quá ô nhiễm khiến cho nhiều tài xế, ngay cả một số khách bộ hành phải đeo những chiếc khẩu trang kiểu dùng trong giải phẩu. Không có gì gọi là bất thường khi nhìn thấy hai người ép chặt nhau vào đằng sau chiếc scooter trong khi người lái xe đang nói chuyện hoặc gởi tin nhắn bằng một món đồ vật khác mà đâu đâu cũng có –điên thoại di động. Những chiếc scooter phần lớn đã thay thế cho xe đạp, và những chiếc xe hơi SUV kềnh càng, trong khi tương đối còn khá ít, thì vất vả tìm lối đi trong những con đường hẹp, ngoằn ngoèo ở khu phố cũ của thủ đô

Ðối với một du khách, điều ít được thấy rõ là những xí nghiệp liên hợp trong một khu kỹ nghệ rộng lớn gần phi trường Hà Nội. Nhiều công ty như Sanyo, Canon, Daewoo và Panasonic đã hợp doanh với nhà nước và hiện đang thuê mướn hàng ngàn người, trong đó có nhiều người trốn lánh khỏi các vùng quê vẫn còn nghèo đói.

Ðiều kiện làm việc trong các xí nghiệp thì rất xa so với lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Nhiều công nhân sống trong những khu nhà tồi tàn rất xấu xí nằm dọc theo con đường dẫn đến phi trường. Khách viếng thăm không được phép vào bên trong hàng rào cao bao quanh khu kỹ nghệ liên hợp, nhưng một đoạn phim được thu kín đáo chung quanh Hà Nội cuả nhà làm phim độc lập Trần Phương Thảo đã kể lại câu chuyện của những công nhân này

Một phụ nữ bỏ quê quán theo lời chỉ bảo của một kẻ tuyển người. Nhưng khi vừa tới Hà Nội, cô được biết là chỉ được nhận vào làm việc nếu chịu trả cho tay đầu nậu một lệ phí 106 đô la, hơn cả một tháng lương.

Còn cái này nữa, công việc chỉ kéo dài được có vài tháng. Các xí nghiệp trong khu kỹ nghệ có khuynh hướng chỉ thuê mướn người trong một thời gian tương đối ngắn và sau đó buộc công nhân phải nộp đơn xin việc trở lại, một mưu kế được bày ra để loại bỏ những thành phần gây rối. Những người mất việc làm không có trợ cấp thất nghiệp để dựa vào mà sống, cho nên cái áp lực phải tuân theo lệnh rất to lớn, bà Wells nói.

Tầng lớp lao động phải thua thiệt

"Chúng tôi từ những anh hùng của giai cấp công nhân biến thành những bánh xe trong cỗ máy", một nữ công nhân vô danh nói trong đoạn phim. Sau đó cô bị sa thải và hiện đang sống trên hè phố, nhà làm phim kể cho một nhóm du khách người Mỹ biết sau một buổi chiếu phim riêng ở Hà Nội.

Nhiều nhà phân tích nói rằng không có gì là ngạc nhiên khi một cuốn phim có ý chỉ trích chế độ chỉ có thể được trình chiếu một cách kín đáo. Nhà nước Việt Nam không có chút nhân nhượng nào đối với chuyện bất đồng ý kiến của người dân, hoặc tin tức của các phóng viên nước ngoài đang hành nghề trong nước. Hồi đầu năm nay, Ben Stocking, trưởng phòng đại diện của hãng thông tấn Associated Press tại Hà Nội đã bị công an đánh  khi đang lấy tin ở một cuộc biểu tình hiếm có ở thủ đô, trong cuộc biểu tình đó các giáo dân Công giáo đòi hỏi thêm về tự do tôn giáo. Những người hướng dẫn khách du lịch nếu để cho du khách của mình chứng kiến những cảnh chống đối chính quyền có nguy cơ sẽ bị tù một thời gian.

Khi cuộc chiến với Hoa Kỳ chấm dứt vào năm 1975, bà Xuân Phương sang sống một thời gian ở Paris, nơi bà đã tìm cách tiết kiệm được một ít tiền nhờ làm việc như một thông dịch viên. Bà dùng số tiền để dành của mình để mua tranh Việt Nam và cuối cùng mở được phòng trưng bày tranh Lotus tại một trong những khu phố đài các ở TPHCM. Sau đó, bà mua lại những căn nhà nghỉ mát trên đảo Côn Sơn ngoài biển Nam Trung Hoa và phát triển thành một khu du lịch nhỏ, nơi mà các tù nhân của chính phủ miền Nam đã có lần mòn mỏi trong những “chuồng cọp” nổi tiếng.

Lên tiếng

Mặc dù những quan hệ gia đình và sự hiểu biết về Pháp ngữ đã giúp bà tạo dựng được một đời sống thoải mái, nhưng địa vị của bà Xuân ở trong nước có điều gì đó vẫn còn bấp bênh, bà cho biết. Một phần vì cái gốc gác thượng lưu của bà là một điểm đáng nghi ngờ, cho dù bà có cái quá khứ anh hùng.

Bây giờ đã 80 tuổi, bà lên tiếng phản đối những bất công của nhà nước, trong đó một vài điều đã được vạch rõ trong cuốn truyện tự thuật của bà, "Áo Dài: Cuộc chiến của tôi, Đất nước của tôi, Việt Nam của tôi", với tựa đề nhắc đến y phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Viết và xuất bản đầu tiên ở Pháp, cuốn sách được phát hành rất giới hạn tại Âu Châu và Hoa Kỳ, và bị gán là "rất độc hại" bởi chế độ Hà Nội. Nhà nước đã bác bỏ những chỉ trích của bà về các chính sách cải cách ruộng đất bị thất bại và khoảng cách đang gia tăng giữa kẻ giàu người nghèo.

Giống như ông Đoàn, bà Phương rất tự hào về sự tranh đấu thành công của Việt Nam để giành độc lập trước người Pháp và người Mỹ. Nhưng niềm tự hào của bà đang bị đánh động với nỗi buồn về sự chia cách giữa giàu nghèo ngày càng gia tăng.

"Sau cả một cuộc đời dài như thế, rất là đau buồn khi nhìn thấy có quá nhiều thứ đã đi vào chỗ sai lầm" bà nói.


E-mail Bill Snyder at foreign@sfchronicle.com.
http://www.sfgate.com/cgi-bin/article.cgi?f=/c/a/2008/12/07/MNT61469VC.DTL
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 781 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 559
Khách: 559
Thành Viên: 0