Thứ Tư, 2025-01-22, 11:50 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 11 » CÓ MỘT PHIÊN TOÀ XỬ NGƯỢC ĐÃ TUYÊN ÁN
11:20 AM
CÓ MỘT PHIÊN TOÀ XỬ NGƯỢC ĐÃ TUYÊN ÁN

J.B Nguyễn Hữu Vinh




    Vậy là nạn nhân vụ Thái Hà đã được đoàn tụ gia đình nhưng bản án sơ thẩm, dù nặng hay nhẹ, không được tâm phục, khẩu phục của người bị nạn, của giáo dân nói riêng và nhân dân nói chung, thì còn nhiều vấn đề phải nói đến. Những diễn biến thực tế cho thấy đã có một phiên toà ngược.

    Vụ án bất minh trong chuỗi việc bất minh – nguyên nhân

    Theo dõi toàn bộ vụ việc Thái Hà mấy tháng nay, người ta thấy rất rõ, vụ án này là một vụ bất minh trong hàng loạt vụ việc bất minh đối với Giáo xứ Thái Hà.

    Bất minh ở chỗ, quá trình đòi lại đất đai, tài sản của mình bị chiếm đoạt là việc hết sức bình thường trong xã hội, nhất là ở Việt Nam, khi mà đất đai là vấn đề gây nhức nhối nhất của quá trình khiếu kiện nở rộ khắp nơi. Ngoài những bất cập về luật pháp, hệ thống các cơ quan công quyền và công chức tham nhũng đã tạo nên nạn này. Những vụ việc đó thường phải được giải quyết ở toà án dân sự.

    Ở Thái Hà, Giáo xứ đòi lại tài sản của mình bị chiếm đoạt bất hợp pháp (xét theo pháp luật Việt Nam đã ban hành) đã mười hai năm không có sự hồi âm. Đến khi hồi âm lại bằng cách làm coi thường nhân dân, coi thường một tổ chức tôn giáo. Khi giải quyết không dựa trên các cơ sở pháp luật, lại bằng cách áp đặt cho những nạn nhân những điều không thể chấp nhận được bằng những chứng cứ không có giá trị pháp lý.

    Ở đây, còn một điều quan trọng là nạn phân biệt tôn giáo, đối xử với tôn giáo bằng một lăng kính kỳ thị theo một thói quen cổ truyền mà những nhà nước độc tài cộng sản thường có.

    Vì vậy, người ta không lạ khi với vụ việc ở Thái Hà và Toà Khâm sứ, nhà nước đã dành cho một sự “quan tâm và cách giải quyết đặc biệt”.

    Sự “quan tâm đặc biệt” đó đã tạo nên chuỗi việc làm bất minh khi giải quyết vụ việc này. Sự bất minh càng ngày làm cho tình hình càng thêm rối và khó giải quyết hậu quả. Liên tục những chuỗi việc làm của chính quyền các cấp đã phạm những sai lầm nghiêm trọng, sai lầm sau dẫm lên sai lầm trước và cứ thế thành hệ thống.

    Tưởng cũng cần nhắc lại vài điều về nguồn gốc lịch sử những sự việc đó do đâu.

    Trong những năm sắt máu nhất của đỉnh cao chủ nghĩa cộng sản trên thế giới thời chiến tranh lạnh, Việt Nam như một khu vực bí hiểm. Bí hiểm bởi cuộc chiến tranh “chống Mỹ, cứu nước” đã bị bức màn sắt trùm lên trên mọi lĩnh vực của đất nước và có nhiều thực tế mà cả thế giới không thể hiểu nổi.

    Thời kỳ đó, đất nước được đặt trong một sự kiểm soát gắt gao và khốc liệt. Khi đó nhà nước muốn bắt ai thì bắt, muốn bỏ tù ai thì cứ việc tuỳ thích. Biết bao con người đã đi tù hàng chục năm trời không án, không lệnh… mà đố có ai dám nửa lời kêu van. Họ như những con mồi đặt trước bàn nhậu của các quan chức nhà nước lắm tiền bây giờ, con nào muốn xẻo thịt, con nào muốn cắt tai, con nào chọc tiết… tà tuỳ ý thích cán bộ nhà nước và của đảng trong cơn hứng chí.

    Hầu như mỗi người dân là một công an, họ theo dõi nhau, tố cáo nhau và triệt tiêu nhau nhiều khi chỉ vì để thể hiện niềm tin yêu vào “lý tưởng cộng sản”.

    Trong bối cảnh đó, những người công giáo là nạn nhân và là đối tượng chắc chỉ sau Mỹ và chính quyền Sài Gòn, cần cảnh giác và phân biệt.

    Việc đối xử với với những tài sản và tính mạng người công giáo, cũng tuỳ thích cán bộ nhà nước có thể lấy bất cứ thứ gì, từ nhà đất, trường học, dòng tu, bệnh viện mà không cần bất cứ một lý do pháp luật nào. Ai dám chống đối nếu không muốn mọt gông trong tù hay biến mất không lý do?




    Biết bao nhiêu tác phẩm xuyên tạc về công giáo, về các chức sắc tôn giáo đã được nhà nước dùng ngân sách in ấn, phát hành và thậm chí đưa vào sách giáo khoa để đầu độc những tâm hồn thơ trẻ thói kỳ thị tôn giáo, nhất là công giáo. Việc học hành, công tác, việc cơ cấu cán bộ, đảng viên, vào lực lượng vũ trang… được phân biệt triệt để.

    Một lớp “con người mới xã hội chủ nghĩa” đã được hình thành trong bối cảnh đó và đã trưởng thành trong giai đoạn này. Ở họ, mang đầy đủ những nhận thức sai lầm về tôn giáo, mang đầy đủ những định kiến vô lý về công giáo, nhằm chỉ độc tôn món vô thần “Mác-Lênin”.

    Với não trạng đó, lớp cán bộ hôm nay đã có quá nhiều điều đi ngược lại quy luật của sự phát triển là đoàn kết, hoà bình và hợp tác. Cụ thể nhất là cách xử sự với hai vụ Toà Khâm sứ và Giáo xứ Thái Hà hôm nay.

    Vụ việc Thái Hà và Toà Khâm sứ, nếu không phải là của những người công giáo mà là của một quan chức nào đó, chắc không phải chờ đợi tới 12 năm khiếu nại mà không có hồi âm. Khi những giáo dân hết kiên nhẫn đã phải dùng đến biện pháp cuối cùng là cầu nguyện ôn hoà, vẫn là cách giải quyết cửa quyền: Tao là bố mày, làm hay không, cho hay không là quyền tao. Những đoàn thanh tra, những chứng cứ quyết định… vẫn chỉ là trò con trẻ, họ không nghĩ rằng người dân bây giờ đã khôn lớn, không như đám dân đen đứng lên theo đảng làm cách mạng năm xưa.

    Nhưng trước tinh thần kiên vững của những giáo dân hôm nay, khi họ vượt qua nỗi sợ hãi cố hữu, vì chính nhà nước đã hô hào một nhà nước pháp quyền. Họ quyết thực hiện nhà nước pháp quyền thật sự chứ không như mớ bánh vẽ họ đã được chén bao chục năm nay. Họ đã yêu cầu nhà nước thực hiện đúng khẩu hiệu “Sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật”. Những hành động của giáo dân đã đi theo đúng đường lối xây dựng nhà nước dân chủ, pháp quyền mà nhà nước đã tuyên bố trước bàn dân thiên hạ. Người dân đòi được quyền cất tiếng nói của mình, được sử dụng những quyền mà nhà nước đã thâu tóm vào tay mình để thỉnh thoảng nhỏ giọt lấy ơn huệ theo cơ chế XIN – CHO.

    Đến đây, nhà nước lâm vào thế bí.

    Lẽ ra, trước những yêu cầu chính đáng của người dân, nhà cầm quyền cần biết phải làm gì, nếu họ nghĩ đến sự tồn vong của nhà nước, của chế độ lâu dài, thì phải nghĩ đến lòng dân. Nhưng ngược lại điều đó, họ đã hành động và càng hành động càng thể hiện những não trạng lạc hậu và ấu trĩ: lòng dân không bằng nòng súng.

    Một hệ thống các ban ngành từ cấp địa phương đến trung ương, từ mặt trận, đoàn thể, ban tôn giáo, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo… do nhà nước dựng lên vô cùng tốn kém được nuôi bằng tiền dân. Nhưng tất cả đã không có một tác dụng nào để hiểu “đối tượng” của mình. Họ đã không hề làm cho nhà nước hiểu được thế nào là người công giáo.

    Thật ra, họ chỉ là những con rối, đám bù nhìn dưới sự giật dây lãnh đạo “tuyệt đối” của đảng cộng sản trong một nhà nước “đảng trị”.




    Họ không hiểu được rằng, những cành thiên tuế người công giáo cầm trên tay khi ra pháp trường với ánh mắt hồ hởi, là những lời nguyện thiết tha cho họ được ơn phúc tử đạo noi gương các Thánh tử đạo Việt Nam. Những người công giáo đó sẵn sàng xả thân, hi sinh mạng sống cho công lý.

    Chính vì vậy mà đã xảy ra những điều hết sức hài hước khi họ hành xử và phát ngôn về công giáo trong thời gian qua dẫn đến kết quả ngày hôm nay.

    Đoàn người diễu hành trên phố đi ra nơi xử án

    Một phiên toà xử ngược – những bản cáo trạng không đóng dấu quốc huy

    Vụ 8 giáo dân vừa mới kết thúc phiên sơ thẩm, nhưng từ khi khởi tố vụ án này đã có một phiên toà xử ngược trong thực tế.

    Trước hết, việc truy tố giáo dân cầu nguyện, đập vỡ mấy cục gạch để vào khu đất được họ coi là tài sản của họ mà không chịu giải quyết thấu đáo tận gốc vấn đề đất đai tài sản này là của ai, đã làm dấy lên trong dư luận xã hội, trong lòng dân câu hỏi: Tại sao không chịu căn cứ vào những chứng cứ nhà nước đã đưa ra để xem xét việc sử dụng đất đai và tài sản đã là của Dòng Chúa Cứu thế - Giáo xứ Thái Hà?

    Phải chăng nếu đem ra xem xét, thì chính quyền chỉ có nước… thua. Tại sao có những giáo dân can đảm đến thế? khi nhân dân thừa hiểu sự tàn bạo của cái gọi là “chuyên chính vô sản như” thế nào qua mấy chục năm sống chung.

    Điều đó đã hình thành nên một bản cáo trạng đối với việc xử sự với tài sản, quyền tư hữu và việc thi hành luật pháp ở Việt Nam. Đó là nạn quan chức nhà nước thích sao xử vậy, không cần luật pháp và bỏ qua nguyện vọng của người dân.

    Những vụ bắt bớ khẩn cấp mấy giáo dân không chậm trễ bằng cả hệ thống quân lực hùng hậu, đã nói lên sự nghiêm trọng của vấn đề và thu hút dư luận. Việc ra và sửa chữa cáo trạng, lấy chứng cớ, thu hồi vội vã khu đất… nhất là việc dùng nhóm côn đồ hung hãn đến quấy phá nơi tu hành ban đêm, hô hào đòi giết người như cơn cuồng nộ của quỷ sa tăng đã nói lên tiếng nói tự bản thân họ: Họ đang không tự tin và sợ hãi.

    Tiếp theo là việc làm bằng được vườn hoa trên khu đất với cách làm được quan chức Hà Nội giải thích là “đặc cách” càng khẳng định điều đó là sự thật. Câu hỏi: “Tại sao hàng loạt các dự án thiết thực đến quốc kế, dân sinh, cái nào cũng hết sức cần thiết như nước sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, nạn ngập lụt đã đe doạ và cướp đi hàng chục tính mạng người dân đã không được “đặc cách” để phát huy hiệu quả? Phải chăng chỉ có những việc liên quan đến người công giáo mới nhận được sự ưu ái này?

    Đây là bản cáo trạng về sự phân biệt đối xử, sự tù mù về chính sách và cách đối xử bất công với một cộng đồng tôn giáo chiếm 1/10 dân số.

    Từ thời Lê Khả Phiêu đảng đã hò hét, hô hào chống tham nhũng để bảo vệ đảng, bảo vệ đất nước. Vậy là tham nhũng từ “vấn nạn” đã trở thành “quốc nạn”. Các quan chức đứng đầu nhà nước không ngại lớn tiếng kêu gọi, hô hào… bằng những từ ngữ đao to búa lớn.

    Nhưng tham nhũng đâu chỉ có hô là xong. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã long trọng cam kết rằng nếu không đẩy lùi được tham nhũng, sẽ từ chức… Nhưng đã quá dài thời gian để ông kiểm tra lại kết quả chống tham nhũng của mình. Điển hình là vụ PMU 18, những quan chức bị bắt với vô số dữ liệu về tài sản bất minh, về những hiện tượng ăn chơi truỵ lạc, trác táng… đã được nêu lên, tưởng rằng chuyến này tham nhũng sẽ thi nhau vào khám. Nhưng kết quả xử lý đã ngược lại, các nhà báo, những người quyết liệt chống tham nhũng thì vào tù, những kẻ bị bắt đã thành vô tội? Mới đây nhất, vụ PCI Nhật Bản đã đến mức cắt nguồn viện trợ ODA thì Việt Nam mới khởi tố vụ án? Trong khi ở Nhật, toà đã xét xử rõ ràng?

    Khi đưa giáo dân Thái Hà ra toà xét xử gọi là “công khai” nhưng đã thực hiện tại tầng 4 của UBND phường. Phòng xử chỉ có được mấy bị cáo và vài người thân, ngoài ra chỉ là các cán bộ và công an. Các nhà báo và người nước ngoài được ngồi dự toà qua màn hình ở tầng 3. Quần chúng nhân dân hàng mấy ngàn người quan tâm đến tận nơi đã được sự đón tiếp của một lực lượng hùng hậu cảnh sát các loại trang bị tận răng. Quan chức nhà nước và chó nghiệp vụ ẩn đằng sau với xe chống bạo động, vòi rồng… và sự làm việc tận lực của cán bộ từ thành phố đến cấp phường, tổ dân phố với những thông báo, ngăn cấm dân chúng không được tập trung đông người hoặc đến nơi đó. Ngoài toà không một loa phóng thanh, không một màn hình để người dân chứng kiến cảnh “các bị cáo cúi đầu nhận tội” như báo Hà Nội mới và truyền hình đã tuyên bố như thế nào?

    Ở đó, người dân chỉ thấy các “bị cáo” hùng dũng hiên ngang tự tin bước vào phiên toà đầu ngẩng cao và dang rộng hai cánh tay chiến thắng lên trời khi bước ra khỏi nơi xét xử. Ở đó, người ta chỉ thấy một hình ảnh trong phiên toà, giữa hàng loạt cảnh sát vây quanh với những gương mặt căng thẳng, bối rối, là những “bị cáo” – nạn nhân với trang phục đẹp, vẻ mặt bình thản, ngời sáng đức tin.

    Thậm chí, tại vụ việc Thái Hà và Toà Khâm sứ, chính giáo dân đã có công đầu trong việc đập tan một âm mưu chia chác, biến đất đai tài sản này thành các miếng mồi ngon cho các cá nhân. Đó là công lao của họ trong việc nghe theo lời đảng và nhà nước chống tham nhũng.

    Đây là một bản cáo trạng về những mờ ám, uẩn khúc và khoảng cách giữa một lời nói và việc làm của một chính quyền đã hô hào đến nhàm chán câu khẩu hiệu “thực thi pháp luật, công khai, dân chủ và lời nói đi đôi với việc làm” đặc biệt là trong việc chống nạn tham nhũng hiện nay.

    Bản cáo trạng này cũng lên án, vạch rõ đích đáng thói lộng ngôn, bịa đặt của báo chí nhà nước về ngay cả những sự thật hiển nhiên ít có cơ hội che giấu nhằm đánh lừa cả cộng đồng dân tộc. Ngay khi vừa kết thúc phiên toà, đoàn người với hàng ngàn cành thiên tuế trên tay vừa bước ra đến đường Hoàng Cầu, những người dân bên kia ngã tư đã nghe loa phường đọc tràng giang đại hải bài viết chi tiết về phiên toà với những nội dung án cụ thể và lại “các bị cáo đã cúi đầu nhận tội”. Thật là lố bịch và vô liêm sỉ một cách trắng trợn. Họ tưởng rằng chính sách ngu dân của họ đã thành công nên mọi người dân cứ nhắm mắt và nghe theo?

    Tại phiên toà, toàn bộ bản “cáo trạng” của Viện Kiểm sát thực chất chỉ là lời bào chữa cho những hành động mờ ám, sự bất lương đối với những việc làm chính đáng của người dân như cầu nguyện, đòi quyền lợi của mình bị xâm hại. Bản “cáo trạng” nói trên, cũng đã làm một việc bất nhân và hèn hạ nữa là tranh thủ để công kích và kết tội Đức TGM Ngô Quang Kiệt, một con người đáng kính, dù việc đó chẳng liên quan gì đến việc kết tội 8 nạn nhân này.

    Nhưng, bản bào chữa của luật sư thật sự mới là một bản cáo trạng đanh thép và dũng cảm. Trong đó, đã nêu rõ nguồn gốc, đường hướng luật pháp cần giải quyết, các căn cứ, căn nguyên mọi sự việc dẫn đến hành động cố tình kết tội để trả thù các nạn nhân của chính quyền ở đây. Tất cả các vấn đề đã được dùng văn bản có hiệu lực của chính nhà nước để giải thích và kết luận họ vô tội. Những căn cứ về nguồn gốc đất đai, những căn cứ pháp lý liên quan đã như đưa toà chạm vào lửa, và đã bị nhiều lần cắt ngang.

    Vì lý do gì vậy? trong khi quyền sở hữu đất đai là cơ sở dẫn đến sự việc ngày hôm nay.

    Trước toà, những nạn nhân hùng dũng, hiên ngang bước tới vành móng ngựa, trả lời và vặn hỏi những câu làm cho chánh án và các thẩm phán phải tái mặt và tịnh khẩu.

    Họ sẵn sàng nhận việc họ đập bức tường, nhưng không cho rằng đó là có tội. Nói cách khác, họ đã khẳng định quyền sở hữu về đất đai, tài sản đó vẫn là của họ mà toà không có cách nào giải thích. Họ khẳng định việc làm của họ là đúng đắn và cần thiết không chỉ cho họ và giáo dân mà cần thiết cho cả xã hội đang khát khao công lý và sự thật.

    Ngoài phiên toà, hàng ngàn người đứng vẫy tay với những tiếng hô vang vọng cả đất trời “Vô tội, vô tội” dưới nắng chiều rực rỡ bên cạnh những câu “chúng tôi muốn đi tù thay cho anh chị em”, “chúng tôi luôn bên cạnh anh chị em” đã làm ngạc nhiên không biết bao nhiêu cán bộ công quyền và cảnh sát có mặt và những người ngoài công giáo tò mò tìm hiểu sự thật.

    Đứng trước biển người cầm cành thiên tuế chờ đợi, đọc kinh và hô vang, một cán bộ công an Hà Nội rất ngạc nhiên và nói với tôi: “Sao bà con đứng đây làm gì cho nắng nôi khổ sở, ở nhà thì vẫn biết kết quả cơ mà”? Tôi đành phải giải thích “Thế mới là CON NGƯỜI chú ạ, con người biết vất vả hi sinh và nguy hiểm nhưng vẫn đến vì họ mong muốn sự thật và công lý, vì đạo đức con người đòi buộc họ phải lên tiếng. Họ đói vẫn biết từ chối những miếng ăn ngon vì nó chứa đựng sự nhục nhằn, họ nghèo đói nhưng không làm nô lệ cho đồng tiền. Vì thế con người mới khác với con vật, con vật thì cứ chủ cho ăn ngon thì dù chửi mắng vẫn ăn, ăn rồi bảo cắn càn là cứ cắn thôi”.

    Sau phiên toà hàng ngàn con người đã diễu hành trên đường về nhà thờ với khẩu hiệu trên áo và cành thiên tuế trên tay, hình Đức Mẹ công lý trên ngực hô vang “vô tội, vô tội, công lý, sự thật”.

    Cuộc diễu hành đã làm dòng người đông nghịt giờ tan tầm phải trầm trồ tìm hiểu. Những người biết giáo dân đi dự toà về đều hết sức ngạc nhiên và thú vị. Cũng ngoài nơi xét xử, rất nhiều người vì tò mò và chưa hiểu được vấn đề đã tìm đến nơi để hiểu được sự thật, tôi đã thấy sự thất vọng trên gương mặt họ khi hiểu được thế nào là truyền thông nhà nước.

    Quả là một phiên toà lạ lùng và nhiều kịch tính. Trong lịch sử đất nước từ khi những người cộng sản lên cầm quyền đến nay, có lẽ chưa có cuộc diễu hành nào không được đảng và nhà nước ưa lại oai hùng và đẹp đẽ như vậy.

    Đó là bản cáo trạng, bản cáo trạng của lòng dân, niềm tin của nhân dân, của những người thấp cổ bé họng đối với hệ thống pháp lý của nhà nước. Và một thực tế hiện nay là sự sợ hãi vốn có của họ đã không cánh mà bay, dù nó được nuôi dưỡng đã mấy chục năm nay dưới chế độ cộng sản.

    Bản cáo trạng nói trên, không đóng dấu quốc huy, nhưng đóng dấu son và in đậm trong lòng dân. Bản cáo trạng nói trên đã trở thành tiếng nói của công lý và sự thật. Các “bị cáo” nạn nhân trong phiên toà đã trở thành những anh hùng làm chứng cho công lý, sự thật và hoà bình.

    Những kẻ dựng lên vụ án này đã là những bị cáo bị lên án nặng nề nhất trong một phiên toà xử ngược mà án đã tuyên: phiên toà lương tâm và lòng dân.

    Ở phiên toà đó, những kẻ gây nên tội ác đã phải chịu bản án đích đáng và sẽ phải chấp nhận những hình phạt nặng nề, dù vô hình hay thực thể.

    Phiên toà Thái Hà là một tấm gương soi, mà trong đó những chỗ sồi sụt, những loang lổ và hầm hố trong chuỗi hệ thống công quyền đã lộ ra.

    Có thể sẽ còn những phiên toà khác, còn những bản án khác. Nhưng, với người tín hữu Việt Nam, công lý, sự thật và hoà bình khi còn là ước mơ, thì vẫn là ngọn đèn soi, là mục đích cho họ bước tới bất chấp mọi trở ngại trên bước đường khó khăn này.

    Nhân dân cả nước và nhân loại tiến bộ, những người yêu chuộng hoà bình, công lý sẽ nâng đỡ họ. Đúng như lời Chúa đã dạy: “Sự thật sẽ giải phóng anh em” (Ga 8,32).

    Xin cầu nguyện cho nạn nhân của cả hai phiên toà được bình an, và những bị cáo trong phiên toà xử ngược sẽ biết ăn năn hối cải, sớm trở về nẻo chính đường ngay.

    Lối đi đó thật đơn giản nhưng không dễ dàng cho những kẻ đã bán rẻ lương tâm cuộc đời cho sự dối trá và lừa lọc.

Hà Nội, ngày 10/12/2008
J.B Nguyễn Hữu Vinh


Nguồn: Nguyễn Hữu Vinh 's Blog
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 777 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 19
Khách: 19
Thành Viên: 0