Thứ Ba, 2024-11-05, 8:34 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 11 » Nhân quyền vẫn được đặt dưới chủ quyền quốc gia
11:21 AM
Nhân quyền vẫn được đặt dưới chủ quyền quốc gia

Thanh Phương

    Hôm nay là đúng kỷ niệm 60 năm Bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền được Đại hội đồng Liên hiệp quốc công bố tại Paris. Điều 2 của bản tuyên ngôn này có nêu rõ tính chất phổ quát của nhân quyền :

 
"Ai cũng được hưởng những quyền tự do ghi trong bản Tuyên Ngôn này không phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào, như chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác.

    Ngoài ra không được phân biệt về quy chế chính trị, pháp lý hay quốc tế của quốc gia hay lãnh thổ mà người đó trực thuộc, dù là nước độc lập, bị giám hộ, mất chủ quyền hay bị hạn chế chủ quyền."


    Nhưng tính chất phổ quát này cho tới nay vẫn chưa được một số quốc gia như Việt Nam thực sự thừa nhận, vì đối với những nước này, nhân quyền phải đặt dưới chủ quyền quốc gia. Như trong bài báo đăng trên Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 9 tháng 12, tiến sĩ TS Đào Duy Quát, Chuyên gia cao cấp Ban Tuyên giáo Trung ương kiêm Tổng Biên tập Báo điện tử ĐCS Việt Nam viết rằng:

 "Tuy đã hàm chứa nhiều giá trị về quyền con người nhưng cả 30 điều luật quốc tế trong bản tuyên ngôn này lại chưa phản ánh được một vấn đề rất hệ trọng là quyền con người trong một trạng thái môi trường thích hợp và trong một hình thức thích hợp".

    Cũng trong bài viết này, ông Đào Duy Quát đưa ra định nghĩa của Đảng về thực thi nhân quyền ở Việt Nam:

    "Đối với chúng ta quyền con người, cũng như quyền công dân, quyền phải đi đôi với nghĩa vụ. Không thể hiểu nhân quyền chỉ có quyền tự do mà không có trách nhiệm và nghĩa vụ.

    Trong Luật nhân quyền quốc tế, cũng như luật quốc gia, trách nhiệm của tất cả mọi người là phải tuân thủ pháp luật, phải chấp nhận sự hạn chế nào đó vì lợi ích của xã hội và của người khác."


    Tuy nhìn nhận nhân quyền là giá trị chung của nhân loại, nhưng ông Đào Duy Quát nhắc lại lập trường cố hữu của Việt Nam là không chấp nhận mô hình dân chủ nhân quyền kiểu phương Tây:

    "Hiện nay đâu đó có một số tổ chức cá nhân phê phán chúng ta vi phạm dân chủ nhân quyền. Về cơ bản và tổng thể các loại ý kiến đó là xuyên tạc, vu cáo, với ý đồ can thiệp vào nội bộ của ta, phá hoại sự ổn định công tác của nước ta. Về vấn đề này chúng ta cần kiên định quan điểm: quyền con người là giá trị chung của nhân loại. Quyền con người trong thời đại ngày nay phải gắn với độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia. Bảo đảm quyền con người cho dân tộc ta phải dựa trên bản chất của chế độ xã hội, đặc thù về cộng sản và văn hóa của dân tộc. Chúng ta không chấp nhận sự áp đặt mô hình dân chủ nhân quyền của nước ngoài cho Việt Nam."

 
Bản tuyên ngôn nhân quyền thế giới
1948: Điều 1: "Mọi người sinh ra đều
được tự do và bình đẳng về nhân phẩm
và quyền".
Trong một bài viết khác cũng đăng trên Báo điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhan đề "Sức sống bền vững của tuyên ngôn thế giới về quyền con người", tác giả Trúc Thanh nhắc lại là trong chỉ thị 12, gồm 7 điểm, ban hành ngày 12/07/1992, Ban Bí thư Trung ương Đảng CSVN khóa VII đã nêu rõ quan điểm của Đảng về vấn đề nhân quyền như sau:

    5. Quyền dân chủ, tự do của mỗi cá nhân không tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm công dân. Dân chủ phải đi đôi với kỷ cương, pháp luật. Mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân.

    6. Quyền con người gắn với quyền dân tộc cơ bản và thuộc phạm vi chủ quyền quốc gia. Đảm bảo quyền con người trước hết và chủ yếu thuộc trách nhiệm của mỗi quốc gia.

    7. Quyền con người luôn luôn gắn với lịch sử, truyền thống và phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Do vậy không thể áp đặt hoặc sao chép máy móc các tiêu chuẩn, mô thức của nước này cho nước khác.

    Dựa trên cơ sở đó, tác giả bài báo cũng đi đến kết luận rằng:

    "Trong tình hình hiện nay giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội cần cảnh giác với những luận điệu sai trái, thù địch coi nhân quyền cao hơn chủ quyền, nhân quyền không biên giới quốc gia, quá nhấn mạnh tính phổ biến của nhân quyền mà coi nhẹ các yếu tố có tính đặc thù về lịch sử, văn hóa, dân trí, trình độ phát triển kinh tế-xã hội hay coi tự do, lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng quốc gia dân tộc để đi đến sao chép một cách máy móc mô hình dân chủ, nhân quyền của nước này áp đặt cho nước khác hay lợi dụng nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ quốc gia, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định chính trị, xã hội…"

    Sách trắng về nhân quyền Việt Nam, do Bộ Ngoại giao công bố ngày 18/08/2005, cũng đã mở đầu chương 1 bằng câu:

    "Bằng cuộc đấu tranh bất khuất, kiên cường qua nhiều thế kỷ, dân tộc Việt Nam đã khẳng định rằng, quyền thiêng liêng, cơ bản nhất của con người là quyền được sống trong dộc lập, tự do, quyền được tự quyết định vận mệnh của mình”.

    Nhưng đối với những nhà đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam thì nhân quyền không thể được đặt dưới chủ quyền, như trong bài nhận định về Sách trắng về nhân quyền (bài này hiện được đăng ở Thư viện Nguyễn Thanh Giang Online) , tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang đã viết rằng:

    "Vậy thì, quyền thiêng liêng cơ bản nhất của con người là gì? Nhân quyền, hay chỉ là chủ quyền quốc gia ? Cái điều mà “dân tộc Việt Nam đã khẳng định” trên đây có phù hợp với nhận thức quốc tế, và do đó, có thể được chấp nhận mỗi khi bàn thảo hay giải quyết những tranh chấp về nhân quyền trên trường quốc tế hay không?

    Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền do Liên Hợp Quốc công bố ngày 10 tháng 12 năm 1948 được mở đầu như sau :

    “Sự xâm phạm và coi thường nhân quyền dẫn đến các hành động dã man xúc phạm tới luơng tâm của nhân loại, và việc xây dựng một thế giới trong đó con người không còn phải chịu sự khủng bố và sự khốn cùng, được tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng là khát vọng cao nhất của con người;
    Nhân quyền phải được pháp luật bảo đảm, để mỗi người không còn bị buộc phải- khi không còn cách nào khác- nổi dậy đấu tranh chống lại sự tàn bạo và áp bức”.

    Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền năm 1789 của Pháp cũng mở đầu tương tự :
  
  “Những người đại diện của nhân dân Pháp, tổ chức thành Quốc hội, cho rằng sự không hiểu biết, sự lãng quên hay sự coi thường quyền con người là những nguyên nhân duy nhất của nỗi bất hạnh công cộng, của tệ hủ bại của các chính phủ, đã quyết định nêu trong một bản Tuyên ngôn long trọng về những quyền tự nhiên, không thể tước đoạt và thiêng liêng của con người”.

    Dễ dàng nhận thấy cùng một mối tương đồng như trên trong lời nói đầu của bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ :
   
“Chúng tôi cho rằng những sự thật sau đây là hiển nhiên, rằng tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có Quyền được Sống, Quyền Tự do và Quyền Mưu cầu Hạnh phúc”.

   
Rõ ràng nhận thức và quan điểm vể nhân quyền của Việt Nam thể hiện qua cuốn Sách trắng vừa xuất bản sai biệt và lạc hậu hơn hẳn nhận thức của nhân loại tiến bộ cách đây hàng mấy thế kỷ. Khát vọng ngàn đời của nhân loại, mục tiêu tối thượng của cách mạng phải là nhân quyền chứ không phải chỉ là cái phần chủ quyền quốc gia nhiều khi vô nghĩa. Chính chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói: “Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập chẳng có nghĩa lý gì”.

    Trong bài phỏng vấn dành cho ban Việt ngữ RFI hôm nay, đúng kỷ niệm 60 năm bản tuyên ngôn nhân quyền, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang khẳng định lại rằng mục tiêu của những nhà đấu tranh dân chủ ở Việt Nam chỉ là đòi Đảng CS Việt Nam thực thi bản tuyên ngôn này, chứ không phải là đi theo mô hình kiểu phương Tây:

    "Từ khi mới thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam có nhắm đến mục tiêu giải quyết vấn đề dân chủ và nhân quyền, không chỉ đấu tranh chống ngoại xâm, mà còn chống áp bức bóc lột. Cho nên, trong bản tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa , cụ Hồ đã trích bản tuyên ngôn nhân quyền. Nhưng sau khi giành chính quyền, do độc tài độc đoán, cho nên lãnh đạo Đảng ngày càng tha hóa biến chất, quay lại đối nghịch với quyền lợi đất nước, quyền lợi dân tộc, kể cả quyền lợi của Đảng Cộng sản Việt Nam, tức là của các đảng viên.

    Nhân dân nói chung và một số lực lượng trí thức nói riêng, đấu tranh đòi Đảng Cộng sản Việt Nam thực thi các vấn đề mà bản tuyên ngôn ban đầu đưa ra, đó là thực thi dân chủ và nhân quyền. Đảng thường vu cho chúng tôi là đấu tranh cho những thứ không thể có được và không nên có, tức là đòi dân chủ và nhân quyền như phương Tây.

    Thực tế, như bản thân tôi chẳng hạn , tôi chưa bao giờ đòi Việt Nam phải thực thi nhân quyền kiểu Mỹ, mà tôi chỉ mong muốn Đảng thực thi cho được bản tuyên ngôn nhân quyền của quốc tế, để bảo đảm cho người dân được hưởng những giá trị chung nhất của nhân loại và phải thực thi những công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký. Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam đã không làm việc đó và trong thời gian gần đây, càng tỏ ra sẳn sàng vượt qua pháp luật, chà đạp lên dân chủ nhân quyền, để bắt bớ không xét xử và truy bức những người chỉ đấu tranh cho dân chủ nhân quyền một cách rất ôn hòa.

    Trong cả giai đoạn vừa qua, chúng tôi chỉ đòi Đảng Cộng Sản Việt Nam và chính quyền Việt Nam trước mắt phải thực thi đúng Hiến pháp và bảo đảm đúng pháp luật do Nhà nước đề ra. Đặc biệt, Việt Nam nên quay lại tinh thần của bản Hiến pháp 1946.

    Trên thực tế, cho tới nay Đảng và Nhà nước vẫn chưa thực thi đúng những điều đã ghi trong Hiến pháp. Một ví dụ cụ thể nhất đó là quyền tự do ngôn luận. Từ xưa đến giờ, tôi không làm việc gì khác ngoài việc đòi quyền được nói và nói rất là chí tình, rất hiền lành, tử tế, không xấc xược, thế mà cũng bị trù dập. Còn về quyền được biểu tình thì vấn đề này thật là trờ trêu. Đảng Cộng sản nói là đảng của giai cấp công nhân, đấu tranh cho quyền lợi trước hết là của công nhân và toàn bộ dân tộc. Nhưng quyền được biểu tình của cũng không được bảo đảm. Hiến pháp ghi rất lơ mơ. Luật pháp không có gì để bảo đảm cho quyền được tiểu tình của công nhân cả.

    Cho nên, hầu hết những cuộc biểu tình, đình công của công nhân đều bị xem là trái pháp luật, tuy không bị đàn áp đẩm máu, nhưng cũng bị đàn áp thô bạo hoặc chính quyền không giải quyết những yêu sách chính đáng của những người biểu tình.

    Phải nói rằng, sức ép của quốc tế, đặc biệt là của Mỹ, trên Việt Nam về vấn đề nhân quyền trong thời gian gần đây không còn mạnh mẽ lắm về mặt chính trị, nhưng việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, hội nhập nhiều hơn vào kinh tế toàn cầu, đã là một bước tiến. Trong một môi trường chính trị xã hội như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam không thể không nới lỏng về nhân quyền, không thể từ chối xây dựng một Nhà nước pháp trị."


    Thật ra, sức ép của quốc tế lên Việt Nam trên vấn đề nhân quyền trong thời gian gần đây đã tăng thêm một nấc, nhất là sức ép của các nhà tài trợ, trước tình trạng tham nhũng ngày càng nghiêm trọng trong bộ máy Nhà nước, như Liên hiệp châu Âu đã nêu lên trong bản thông cáo được công bố nhân Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam, tại Hà Nội trong hai ngày 4 và 5/12 vừa qua :

    "Liên minh châu Âu chia sẻ mối quan ngại của công đồng quốc tế sau việc xét xử mới đây một số nhà báo, những người đã đóng vai trò quan trọng trong việc phanh phui một vụ việc tham nhũng, và e rằng công cuộc đấu tranh chống tham nhũng tại Việt Nam vì thế sẽ bị giảm sút. Chúng tôi đã bày tỏ mối quan ngại của chúng tôi về tự do ngôn luận, như đã được ghi trong công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã phê chuẩn (...)

    Liên minh châu Âu mong muốn nhấn mạnh rằng các quyền dân sự và chính trị có tầm quan trọng ngang nhau và các quyền này không thể bị tách rời. Chúng tôi tin chắc rằng việc không tôn trọng các quyền dân sự và chính trị sẽ là một cản trở lớn trên con đường phát triển từng bước của Việt Nam."


    Tóm lại, giữa Việt Nam và quốc tế cho tới nay vẫn còn khác biệt quan điểm một cách căn bản về tính phổ quát của nhân quyền. Cho nên, những quốc gia như Hoa Kỳ chủ trương thuyết phục Việt Nam thực hiện các chuẩn mực đã được quốc tế công nhận nhằm tôn trọng nhân quyền và quyền tự do tôn giáo. Bản báo cáo về thúc đẩy tự do dân chủ 2008 do Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, thuộc Bộ ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 23 tháng 5 cho biết :

    "Đại sứ Hoa Kỳ tiếp tục hối thúc Chính phủ Việt Nam loại bỏ các biện pháp hạn chế quyền tự do cơ bản và lên tiếng bênh vực trong những trường hợp chính phủ đã vi phạm quyền con người của các cá nhân.

    Chính phủ Hoa Kỳ tập trung vào bốn lĩnh vực nhân quyền chủ yếu: thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của các cá nhân, bao gồm việc thả tự do các tù nhân chính trị; quyền được tổ chức và hành đạo của các tổ chức tôn giáo; phát triển xã hội dân sự, bao gồm việc thúc đẩy quyền tự do báo chí, các thể chế pháp lý vững mạnh và nâng cao quyền của các tổ chức phi chính phủ; và chống nạn buôn bán người.

    Chính phủ Hoa Kỳ sử dụng ảnh hưởng ngoại giao; các cuộc đối thoại có trọng điểm với các quan chức Chính phủ Việt Nam về lợi ích của Việt Nam trong bối cảnh quyền tự do được rộng mở và nhân quyền được cải thiện; các nỗ lực ngoại giao công khai nhằm nâng cao nhận thức của những người ra quyết định chủ chốt, các nhà lãnh đạo tương lai và công chúng nói chung; và đối thoại chính thức với chính phủ về các vấn đề nhân quyền và lao động."

    Thanh Phương


Nguồn: RFI
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 863 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 107
Khách: 107
Thành Viên: 0