Chủ Nhật, 2025-01-12, 11:28 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 11 » 60 Năm Tuyên Ngôn Và Nhân Quyền Tại Việt Nam
11:22 AM
60 Năm Tuyên Ngôn Và Nhân Quyền Tại Việt Nam

Trần Hùng

Tháng 12 năm nay, nhân loại kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ban hành vào ngày 10-12-1948 trong bối cảnh hoang tàn của thế giới sau trận đệ nhị thế chiến, văn kiện này đã xác định rõ rằng việc bảo đảm những quyền căn bản của con người là hành động thiết yếu để tôn vinh nhân phẩm, và đồng thời, việc tôn trọng nhân quyền cũng là yếu tố cần thiết để bảo vệ công lý và hoà bình trên thế giới, tránh cho nhân loại cảnh tàn phá thảm khốc như vừa phải trải qua. Cho đến nay, bản Tuyên Ngôn này vẫn được coi là mẫu mực cho việc bảo vệ quyền con người. Tuy nhiên, mặc dù nó đã được gần 200 nước hội viên của Liên Hiệp Quốc cam kết tôn trọng, nhưng tại một số quốc gia, những quyền căn bản của con người vẫn bị chà đạp một cách có hệ thống và trường kỳ, mà Việt Nam được coi là một trường hợp điển hình.

Khi gia nhập Liên Hiệp Quốc vào năm 1977, CSVN đã cam kết tôn trọng bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, nhưng trên thực tế, người dân Việt Nam chưa hề được hưởng bất cứ một quyền căn bản nào như đã được minh định trong văn kiện nói trên. Những quyền đó được nêu lên một cách tổng quát như tại Điều 3: "Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân", hay Ðiều 7: "Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và phải được bảo vệ một cách bình đẳng, không kỳ thị phân biệt". Bản Tuyên Ngôn cũng nêu lên một số hành động cụ thể như tại Ðiều 5: "Không một người nào phải chịu cực hình, tra tấn, hay bất kỳ hình thức đối xử, hoặc trừng phạt bất nhân, hay có tính cách lăng nhục", hoặc Ðiều 9: "Không một ai bị bắt bớ, cầm tù hay lưu đày một cách độc đoán", hay Ðiều 12: "Không một ai bị xâm phạm một cách độc đoán về đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, hay thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hay tiếng tăm của mình", hoặc Điều 17: "Không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình một cách độc đoán".

Đề cập đến đời sống tinh thần của con người, bản Tuyên Ngôn minh định về khiá cạnh tôn giáo trong Ðiều 18: "Mọi người đều có quyền về tự do tư tưởng, nhận thức và tôn giáo. Quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng, cũng như quyền tự do biểu lộ tôn giáo hay tín ngưỡng của mình, với tư cách cá nhân hay tập thể, ở nơi công cộng hay nơi chốn riêng, bằng sự truyền dạy, thực hành, thờ phượng và áp dụng các nghi thức đạo giáo", và về khía cạnh chính trị như trong Ðiều 19: "Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm", và Ðiều 20: "Mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội". Đặc biệt, bản Tuyên Ngôn còn đề cập cả đến việc tham gia điều hành đất nước như trong Ðiều 21: "Mọi người đều có quyền tham gia vào việc điều hành xứ sở của mình, một cách trực tiếp hay qua các đại biểu được tuyển chọn một cách tự do".

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền còn minh định rất nhiều chi tiết khác liên quan đến những quyền căn bản mà bất cứ người dân nước nào, ở đâu, cũng có quyền được hưởng. Tuy nhiên, mới chỉ duyệt qua một vài Điều nói trên, người ta đã thấy nhân quyền của dân Việt đã bị CSVN tước đoạt trắng trợn.

Đã có rất nhiều trường hợp đất đai của người dân hay các đoàn thể tôn giáo bị chính quyền cộng sản cưỡng chiếm. Không giáo hội nào không bị cộng sản cướp đoạt nhà thờ, chùa chiền, tu viện, hay trường học, nhà thương… Không miền nào không có những dân oan bị cướp đoạt nhà cửa, ruộng vườn, đất đai… Đó mới chỉ là một phần rất nhỏ trong toàn bộ chính sách ăn cướp của cộng sản Việt Nam. Nếu phải bổ túc, sẽ cần một danh sách rất dài, kể cả việc cống nạp đất đai của cha ông cho ngoại bang, hay đàn áp những người yêu nước... Chính sách này đã kéo dài nhiều thập niên…

Tuy nhiên, cũng trong thời gian dài đó, CSVN đã luôn luôn gặp phải sự chống đối mạnh mẽ, và cho đến nay, những dấu vết rõ rệt của một chế độ bị quốc tế khinh miệt và người dân bất tuân phục đã thể hiện rõ rệt qua 2 sự kiện mới nhất vừa xẩy ra.

Sự kiện thứ nhất là việc Nhật Bản tạm ngưng viện trợ ODA cho Việt Nam. Tại Hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam diễn ra ở Hà Nội vào đầu tháng 12, Đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba tuyên bố "ngưng các khoản viện trợ ODA của Nhật trong thời gian tới cũng như đông lạnh ngân khoản 700 triệu đô la đã được chuẩn cấp". Đây là phản ứng cương quyết của Nhật Bản trước những vụ tham nhũng trắng trợn của CSVN PMU18 và PCI. Đây cũng là lần đầu tiên một quốc gia cấp viện trợ cho Việt Nam đã lấy một quyết định mạnh mẽ như vậy, đặc biệt Nhật Bản là nước đứng đầu trong số những quốc gia cấp viện cho Việt Nam hàng năm.

Nếu nhớ lại vào giữa tháng 11 vừa qua, thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng trong kỳ họp thứ 4 của quốc hội bù nhìn đã hứa hẹn "sẽ xử lý vụ PCI, làm rõ tới đâu, xử lý tới đó", và vào cuối tháng 11 chủ tịch nhà nước CSVN Nguyễn Minh Triết khi tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC 16 tại thủ đô Lima, Peru đã hội kiến với thủ tướng Nhật Bản Taro Aso và cam kết "kiên quyết chống tham nhũng và sẽ làm rõ các nghi vấn liên quan đến vụ Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) hối lộ quan chức VN để xử lý nghiêm khắc", thì quyết định ngày hôm nay của Nhật ngầm cho hiểu rằng họ coi lãnh đạo cộng sản Việt Nam chỉ là những tên ăn cắp và nói dối... Trên web-site của đài BBC khi loan tải tin tức này, đã có rất nhiều độc giả trong nước bầy tỏ ý kiến hoan nghênh quyết định của chính phủ Nhật Bản. Điều này cho thấy người dân trong nước biết rõ hơn bao giờ hết lãnh đạo CSVN đã làm ô uế danh dự của nước Việt Nam, và cương quyết không để đảng cộng sản đồng hoá với dân tộc Việt Nam.

Hình ảnh một khối dân tộc đoàn kết đối đầu với chế độ độc tài còn rõ ràng hơn qua việc CSVN xử án 8 giáo dân Thái Hà hôm đầu tuần. Những người này bị truy tố về 2 tội danh "huỷ hoại tài sản" và "gây rối trật tự công cộng" trong vụ cầu nguyện đòi lại đất đai của giáo xứ bị nhà nước chiếm đoạt. Phiên toà đã phải thực hiện trong cái thế tiến thoái lưỡng nan của nhà nước cộng sản, và tất cả những gì diễn ra quanh phiên toà này lại chính là một bản cáo trạng đối với chế độ độc tài.

Trước tiên với bản án "treo" và "cảnh cáo" đối với 8 người bị truy tố, dù trên căn bản vẫn là việc xử án ngang ngược và 8 giáo dân này sẽ còn kháng án, nhưng điều này cho thấy nhà nước đã phải chùn tay, khác với luận điệu hùng hổ cũng như những lời cáo buộc nặng nề trên các cơ quan ngôn luận quốc doanh trước đó. Bản án này thể hiện mức độ suy nhược của chế độ trước quyết tâm đòi công lý của giáo dân, chẳng phải cộng sản có lòng "từ tâm" hay đã "biến thái".

Kế đến, lần đầu tiên người ta thấy một cuộc biểu dương lực lượng diễn ra trước pháp đình cộng sản. Dù đã dựng nhiều hàng rào, huy động lực lượng công an hùng hậu, nhưng cộng sản vẫn không ngăn cản được nhiều ngàn giáo dân sát cánh bên nhau, với tấm hình Nữ Vương Hoà Bình đeo trên ngực, với cành thiên tuế cầm trên tay, và khẩu hiệu bênh vực những người bị xử án dương cao trên đầu… Một khối người quyết tâm và hiền hoà đứng đọc kinh Hoà Bình, đã có sức mạnh vạn năng khiến công an không thể đàn áp. Đây là minh chứng cụ thể cho sức mạnh của bất bạo động, của "Chính nghĩa thắng hung tàn", của "Chí nhân thay cường bạo", hoá giải mọi luận điệu tuyên truyền xám của cộng sản cho rằng đấu tranh "ôn hoà" là "hoà giải" với chế độ!.

Diễn biến của sự việc cho thấy, 8 giáo dân Thái Hà chính là những chiến sĩ điển hình của cuộc đấu tranh đòi công lý. Thái độ hiên ngang cùng với phát biểu kiên cường của họ trước quan toà cộng sản cho thấy họ đã không chịu khuất phục trước cường quyền. Họ đã đi ra khỏi pháp đình với tư thế của những người chiến thắng, và họ đã được giáo xứ Thái Hà đón chào trân trọng như những vị anh hùng. Mọi người đã mang đến những bó hoa đầy mầu sắc để trang điểm cho một ngày đáng ghi nhớ của giáo xứ Thái Hà nói riêng, và của người dân Việt Nam nói chung.

Hai sự việc vừa kể trên cho thấy, đây là bước ngoặt quan trọng trên con đường đi đòi công lý của người Việt Nam. Nỗ lực đấu tranh kiên trì của chúng ta trong nhiều năm qua đã lột được mặt nạ của một tập đoàn gian manh và tham tàn. Với thái độ của quốc tế cũng như người dân như đã thể hiện, mọi người đều nhìn thấy rõ thế suy yếu của chế độ độc tài. Chắc chắn, chặng cuối của con đường lấy lại dân chủ, công lý và nhân quyền đang ở trước mắt của chúng ta.

Trần Hùng


Nguôn: Việt Tân
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 793 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0